Theo luật tự nhiên , bất cứ một người bình thường nào, khi thật sự có ý muốn lập gia đình, cũng đều ý thức và hoạch định sẽ thành lập một gia đình đầm ấm, hạnh phúc với một vợ, một chồng và với những đứa con kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Vậy mà tại sao lại tan vỡ dở dang?
Mỗi hoàn cảnh mỗi khác. Gia đình này tan vỡ vì những lý do này, gia đình khác
lại tan vỡ vì những lý do khác, gần như không có một hoàn cảnh nào giống hoàn
cảnh nào. Tác giả với những kinh nghiệm làm việc muốn
chia sẻ với những gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn, bằng cách trình bày
những yếu tố, những lý do có thể đưa đến cho hai vợ chồng trong một gia đình
đang đầm ấm vui vẻ, những rạn nứt, những xung đột và cuối cùng phải tan vỡ.
1. Tình yêu và thực tế.
Khi một người yêu và được yêu, họ cảm thấy hạnh phúc, họ tưởng rằng với hạnh
phúc đang có trong tình yêu đó, họ có thể vượt qua mọi trở ngại lớn nhỏ trong
đời sống. Trong tình yêu, họ nghĩ rằng những khó khăn, vấn đề chỉ là những yếu
tố bên ngoài, chưa bao giờ họ có thể tưởng nghĩ được rằng những khó khăn, vấn
đề sẽ đến từ người họ yêu thương.
Khi hai người yêu nhau, họ nghĩ rằng thế giới sẽ được chinh phục với tình yêu
của họ. Họ cho rằng những người li dị nhau sau một thời gian chung sống đã
không biết yêu, đã chưa bao giờ yêu nhau như họ yêu nhau. Ðôi lúc, họ cũng đã
đối diện với những nguy hiểm, nhưng cuối cùng, những nguy hiểm này chỉ là những
áng mây mờ trong tình yêu của họ. Một vài lần giận dỗi, một vài lúc hiểu lầm,
rồi xong. Họ cảm thấy những khó khăn nếu có, sẽ được giải quyết giống như những
lần hiểu lầm, giận dỗi này.
Nhìn vào đời sống của cha mẹ, những anh chị, những người lớn tuổi đang sống
trong đời sống gia đình, đang vất vả với công ăn việc làm, đang bận bịu với con
cái, cháu chắt, họ có cảm tưởng rằng những người này đã bị mất đi thời tuổi trẻ
vì những người này đã chẳng bao giờ biết yêu, ít là yêu như họ đang yêu.
Ðời sống đáng yêu quá, đáng sống quá. Họ chỉ cần có nhau, và có nhau đã là đủ
cho họ, tất cả những yếu tố khác chỉ là phụ thuộc. Có những người trẻ đang yêu
nhau, một cách rất thành thật, họ lo lắng cho tương lai gia đình họ sắp thành
lập. Sự lo lắng này thúc đẩy họ tìm hiểu, theo dõi các lớp dự bị hôn nhân. Qua
các lớp dự bị hôn nhân này, họ chỉ thực sự chấp nhận những gì đúng với ý của họ
đang nghĩ, những phần khác ý còn lại, họ cho rằng những người hướng dẫn đôi khi
quá đáng, thổi phồng những vấn nạn gia đình.
Yêu là ước muốn điều tốt cho người mình yêu. Càng hiểu biết nhiều về nhu cầu,
ao ước, yếu điểm và ưu điểm của người mình yêu càng dễ dàng cho tình yêu phát
triển, có nghĩa là đáp ứng nguyện vọng trong đời sống của người mình yêu.
Hãy nhớ rằng những người lị dị sau một thời gian chung sống, họ đã từng yêu
nhau như chính chúng ta đang yêu nhau. Hãy nhớ rằng gia đình là một đời sống
thực tế, trong đó hai vợ chồng chung vai sát cánh nâng đỡ chia sẻ những khó
khăn ngọt bùi với nhau. Tình yêu ban đầu vẫn còn đó trong đời sống gia đình,
nhưng những vấn nạn, khó khăn đồng thời cũng xuất hiện và nếu không thực tế,
chúng ta sẽ vấp ngã một cách đau đớn.2. Những khác biệt giữa hai vợ chồng (cá tính và hoàn cảnh).
Nếu phải tìm được một người hoàn toàn chúng ta mới lấy làm chồng làm vợ thì có lẽ thời gian của một đời sống không đủ để đi tìm.
Nếu nghĩ rằng chúng ta có thể thay đổi, cảm hóa một người cho thành hoàn toàn, hoặc hoàn toàn theo ý chúng ta thì chúng ta nghĩ sai.
Nếu nghĩ rằng chúng ta có thể chiều chuộng, đáp ứng và chịu đựng được mọi nhu cầu, tính ý của người chúng ta yêu thì chúng ta cần phải xét lại.
Hai người là hai thế giới riêng biệt, với hai gia đình cha mẹ khác nhau, với anh em chị em, bạn bè khác nhau, với hai hoàn cảnh khác nhau và với hai tính tình, ý muốn khác nhau. Một cách hết sức thực tế, người ta có thể hài hòa những khác biệt này trong một khoảnh khắc nào đó, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc mà thôi. Sự hài hòa không thể kéo dài trong suốt cuộc đời với những thăng trầm của kiếp sống, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi có thể có.
Những câu hỏi trong lãnh vực này có thể đặt ra trước ngày cưới, và ngay cả sau ngày cưới trong đời sống gia đình là: (cho cả hai người)
- Liệu tôi có thật lòng chấp nhận một cách vui vẻ, thoải mái gia đình, anh em bạn bè của người tôi yêu không? - Nếu không chấp nhận, tôi sẽ có thái độ nào? Liệu thái độ đó có làm tổn hại đến tình yêu của hai người không?
- Người tôi yêu có hiểu mọi vấn đề như chính tôi hiểu không?
- Tôi nghĩ gì về những thói quen (tốt và không được tốt) của người tôi yêu? Tôi chia sẻ thế nào trong những thói quen này?
- Tôi có độc tài quyết định những vấn đề đời sống và ép buộc người khác phải theo không?
Dĩ nhiên sẽ còn cả trăm ngàn câu hỏi khác về những khía cạnh khác, tùy theo hoàn cảnh, cá tính và điều kiện sống của hai người đang yêu nhau đang muốn thành lập một gia đình hạnh phúc.
3. Ý thức về đời sống gia đình.
Khi hai người yêu nhau, họ nghĩ họ sẽ là tình nhân của nhau suốt đời để yêu thương chiều chuộng, làm vừa lòng nhau. Mặc dù họ đang chuẩn bị ngày cưới và ngay cả khi vừa cử hành hôn phối với nhau xong, họ vẫn chưa thật sự có ý thức rõ ràng về vai trò làm vợ và làm chồng: Họ vẫn nghĩ họ chỉ là hai tình nhân. Thật sự, khi chưa có con cái, trong những ngày tháng đầu tiên của cuộc sống chung, họ chưa có những vấn đề phải giải quyết trong thực tế của đời sống gia đình.
Một vài câu hỏi gợi ý cho những người đang yêu nhau, đang dự tính thành lập gia đình:
- Trong gia đình cha mẹ tôi, những vấn đề nào khiến cha mẹ tôi lo lắng và dành nhiều thời gian để lưu tâm nhất? Liệu tôi có thể cáng đáng, giải quyết những vấn đề này không?
- Trong những trường hợp này, vai trò người vợ hay chồng là vai trò nào, hợp tác ra sao?
- Những gia đình tôi quen biết, mẫu gia đình nào tôi sẽ bắt chước theo? Bằng cách nào?
- Nếu có những bất thuận, xung đột trong gia đình tôi, tôi sẽ có thái độ nào? Thái độ của tôi có phải là thái độ đúng không?
4. Ðộng lực kết hôn.
Thông thường, khi hai người quyết định kết hôn, động lực chính là tình yêu của họ. Nhưng cũng không thiếu những trường hợp gia đình được thành lập do những lý do khác hơn là tình yêu, hoặc tình yêu chỉ là một yếu tố kém quan trọng so với những yếu tố khác, khiến họ quyết định kết hôn, thành lập gia đình.
Thật đáng buồn, đó là chỉ khi mất hạnh phúc do những xung đột không thể hàn gắn được nữa, người ta mới kiểm điểm lại lý do đã khiến họ cử hành hôn phối, lập gia đình. Những yếu tố được liệt kê sau đây có thể là những điểm căn bản khiến một gia đình tan vỡ:
- Cử hành hôn lễ chỉ vì đã lỡ trao thân cho nhau.
- Cử hành hôn lễ chỉ vì muốn dọn ra khỏi mái nhà đang sống.
- Chỉ vì trốn một thất bại trong đường tình ái, hoặc chỉ vì muốn chứng tỏ mình thắng cuộc trên trận chiến tình cảm với người khác.
- Chỉ vì thương hại, thay vì yêu thương.
- Chỉ vì sự hấp dẫn của thân xác.
- Chỉ vì tiền bạc hay nơi nương thân, tiến thân.
5. Việc giao tiếp giữa vợ chồng trong gia đình
Khi cử hành hôn phối, cả hai người đã thay phiên nhau nói lên lời ưng thuận kết hôn và hứa sẽ yêu thương và kính trọng nhau mọi ngày trong đời sống. Yêu thương và kính trọng.
Cả hai quan niệm xưa và nay của Ðông và Tây đều thái quá: Chồng chúa vợ tôi của một vài quốc gia Á Châu hay "lady first" của một số quốc gia Tây Phương. Quan niệm trước coi người chồng như chủ, như Chúa. Trong vai trò làm chủ, làm Chúa, người chồng lãnh đạo, điều khiển những người trong gia đình, với họ, vợ con chỉ đóng vai trò phụ thuộc là nghe theo, là vâng lời. Trong quan niệm thứ hai, người vợ coi như mình được hưởng những qui định, bênh vực của một "cơ cấu xã hội mới", người đàn ông phải phục tùng, nhường nhịn, đóng vai trò thứ yếu trong những sinh hoạt của đời sống, ngay cả trong đời sống gia đình.
Quan niệm, hay đôi khi được coi là giáo huấn của một số quốc gia vùng Á Châu, do Khổng tử xướng xuất là một quan niệm lạc hậu, không thích hợp cho định nghĩa gia đình trong một xã hội văn minh của thế giới hôm nay: "Huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục". Theo quan niệm này, cha mẹ, anh em như thể tay chân, không thể cắt lìa; còn vợ chồng như thể quần áo, muốn thay đổi lúc nào tùy ý. Như thế, nếu cần trong một hoàn cảnh nào đó, phải theo cha mẹ anh em mà bỏ vợ hay bỏ chồng.
Tất cả những điều được gọi là quan niệm như trên, có thể một phần đóng góp vào việc xây dựng hạnh phúc gia đình, đồng thời cũng có thể góp phần như những động lực làm một gia đình tan vỡ.
Ðiều quan trọng những vợ chồng phải nhìn thấy, chấp nhận và vượt qua là trong đời sống chung sẽ có những khó khăn. Sự khó khăn đôi khi rất nhẹ nhàng và đôi lúc khác rất tàn nhẫn.
Giao tiếp trong cuộc sống chung vợ chồng là việc gặp gỡ, hàn huyên, chia sẻ những sinh hoạt cá nhân cũng như những biến cố của gia đình. Freud, một tâm sinh lý gia người Ðức khi đề cập đến cuộc sống chung của vợ chồng trong đời sống gia đình, ông đã khuyên hai vợ chồng không những coi nhau như vợ, như chồng, nhưng hai người phải coi nhau như hai người bạn thân để hàn huyên, tâm sự, chia sẻ với nhau.
Những vợ chồng, con cái có quá ít thời giờ gặp gỡ nhau dễ rơi vào tình trạng thiếu thông cảm. Họ lý luận rằng họ bận bịu nhiều với công việc làm ăn, họ lo vật chất cho gia đình. Nhưng họ phải ý thức rằng vật chất trong đời sống gia đình quan trọng thật, nhưng hạnh phúc, sự thông cảm và sinh hoạt chung giữa vợ chồng, con cái trong gia đình còn quan trọng hơn. Họ hối hận nhưng đã muộn khi nhìn thấy ngân quỹ của gia đình dồi dào, nhưng hạnh phúc, sự thân mật vui vẻ, và thông cảm trong gia đình không còn như trước nữa.
Hạnh phúc thay những gia đình biết nối kết, chia sẻ tình yêu giữa những người cùng sống dưới một mái ấm gia đình, dù trong một vài hoàn cảnh, vật chất tuy có eo hẹp, nhưng hạnh phúc thì tràn đầy.
Ngược lại, những vợ chồng, con cái có quá nhiều thì giờ để gặp nhau, thay vì không có đủ thời giờ thông cảm, chia sẻ họ lại có quá nhiều cơ hội khiến niềm vui bên nhau trở thành gánh nặng chịu đựng nhau. Bên cạnh đó, chắc chắn khi có quá nhiều thời giờ gặp nhau như thế, vật chất của gia đình sẽ không được dồi dào. Cả hai yếu tố thiếu thốn về vật chất và sự chịu đựng lẫn nhau sẽ có thể là động lực làm gia đình rạn nứt.
6. Tiền bạc.
Khi yêu nhau, người ta không kể đến vấn đề tiền bạc. Có những người còn cho rằng tiền bạc không nên chen vào tình yêu.
Qua đời sống gia đình, người ta học hỏi được nhiều tài khéo. Một trong những tài khéo đó là việc thu xếp, điều hành tài chánh. Một điều không chối cãi được, đó là trong suốt thời gian trưởng thành, một người cũng đã biết thế nào là tiền bạc, thế nào là dư dả và thế nào là thiếu thốn. Nhưng trong đời sống chung vợ chồng, một người có thể chứng tỏ khả năng của họ trong lãnh vực này, thể hiện qua việc điều hành ngân quỹ gia đình.
Những danh ngôn liên hệ có thể kể như sau:
- Tiền bạc không mua được mọi sự, nhưng không có tiền thì không mua được gì cả.
- Hạnh phúc không mua được bằng tiền.
- Tiền bạc đi vào bằng cửa trước, hạnh phúc chạy ra bằng lối sau.
Sau đây là những câu hỏi gợi ý về vấn đề tài chánh nên được những vợ chồng chia sẻ:
- Thái độ của mỗi người về vấn đề tiền bạc: Hà tiện, dè xẻn hay hoang phí?
- Tiền bạc là của chung của hai vợ chồng hay mỗi người đều giữ riêng?
- Chương trình xây dựng gia đình trong lãnh vực tài chánh như thế nào? Ai là người giữ tiền? Ai là người quyết định trong việc chi tiêu? Hai người có thỏa thuận vui vẻ trong những quyết định này không?
- Hai người có tin nhau trong lãnh vực tiền bạc không?
7. Những người chung quanh.
a. Bạn bè: Phải nhận thức được một điều là người chồng hay người vợ có thể thích hay không thích một số những người bạn của vợ họ hay chồng họ. Lý do để thích hay không thích, ưa hay không ưa là những lý do có thể nói ra, chia sẻ được, nhưng cũng có thể là những lý do không tiện đề cập đến.
Hạnh phúc của hai người trong gia đình là cần thiết nhất. Nếu vì một hay những người bạn mà hạnh phúc của hai vợ chồng bị ảnh hưởng thì hai người nên bàn hỏi, chia sẻ với nhau. Một người bạn tốt là một người bạn, khi nhận thấy sự hiện diện của mình tạo nên sự mất hài hoà của gia đình bạn, họ biết âm thầm rút lui. Câu chuyện giết chó khuyên chồng thật có ý nghĩa trong trường hợp này.
b. Bà con họ hàng: Cha mẹ, anh em, họ hàng riêng của hai người là những người đã từng sống chung, chia sẻ với họ trong suốt thời gian niên thiếu. Họ hiểu biết, thông cảm và yêu thương những người thân của họ. Nhưng những vợ chồng nên biết điều này, đó là họ yêu thương mình theo cách thế của họ. Trong nhiều trường hợp, những cách thế này không thích hợp cho hạnh phúc của một gia đình khác. Một người thân thật sự thương yêu mình, là người biết tự ẩn mình đi, khi biết rằng sự xuất hiện của họ là đầu mối hay góp phần vào sự mất vui của gia đình người họ yêu thương.
c. Xã hội: Xã hội chúng ta đang sống là một xã hội với những đổi thay nhanh
chóng không ngờ. Sự đổi thay xảy ra khi một bè phái chính trị thắng cuộc. Sự
đổi thay xảy ra khi người ta tranh nhau những nguồn lợi kinh tế. Tất cả những
đổi thay này ảnh hưởng trên đời sống gia đình, ảnh hưởng đến tình yêu của vợ
chồng.
Trong một xã hội, những qui định, áp dụng của luật pháp là những nguyên tắc
chung cho tất cả mọi người. Ðành rằng luật pháp được đặt ra để bênh vực cho mỗi
công dân, mỗi cá nhân. Nhưng trong nhiều trường hợp, sự bênh vực cho người này
là một bản án cho người khác. Pháp luật không xét về tình cảm, mà đời sống của
một gia đình hoàn toàn được xây dựng trên tình cảm. Do đó, khi một gia đình đã
phải nhờ luật pháp can thiệp là lúc gia đình đó đã nằm trên bờ hố thẳm của sự
tan vỡ, khó lòng hàn gắn.Gia đình là một liên kết tình cảm, dù đông bao nhiêu, nhưng vẫn được điều hành, hướng dẫn do hai người trưởng thành. Hai người trưởng thành là vợ là chồng này có nhiệm vụ phải dung hoà những xung đột, bất hoà trong gia đình (nếu có), và chỉ nên giải quyết trong lãnh vực gia đình mà thôi trong sự trưởng thành của hai người lớn.
8. Con cái.
Con cái thể hiện hạnh phúc gia đình. Một hôn phối chỉ được coi là một gia đình đúng nghĩa khi có con cái sinh ra. Con cái củng cố, phát triển tình yêu của cha mẹ, nhưng trong một vài trường hợp, con cái cũng đã là lý do đưa đến những xung đột.
Những xung đột này có thể nhận thấy trong những lãnh vực: phương pháp giáo dục con cái không được bàn luận, đồng ý một cách nhất trí giữa hai cha mẹ; tình yêu của cha mẹ hay của một người cha mẹ dành cho những đứa con không đồng đều.
9. Vấn đề tôn giáo.
Người ta thường lý luận rằng khi yêu nhau, người ta chỉ cần hai người, và trong tình yêu, mọi khía cạnh khác đều là phụ thuộc. Một tình yêu thật là một tình yêu không phân biệt giai cấp, màu da, chủng tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo.
Trong những khía cạnh vừa kể, tôn giáo là vấn đề quan trọng, vì tôn giáo thuộc
lãnh vực tâm linh.
Khi yêu, người ta không những muốn có được vóc dáng, thân xác của người yêu mà
còn muốn có được cả phần tư tưởng, những điều suy nghĩ của người yêu nữa. Nói
một cách khác là khi yêu người ta muốn mọi sự của người yêu đều mang tính cách
chung, thuộc về mình trong cả hai chiều hướng tâm lý: Nam giới muốn
chinh phục tất cả và nữ giới muốn dâng hiến tất cả.Hơn nữa, trong đời sống gia đình với những hoạt cảnh nhân sinh, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể vượt qua được hết những khó khăn hay trở ngại gây nên do cuộc sống chung. Có những vấn nạn chúng ta có thể giải quyết bằng khả năng riêng tư. Có những vấn nạn khác chúng ta phải nhờ đến những khả năng ngoại tại. Có những vấn nạn mà những khả năng ngoại tại trần thế không giúp được gì, chúng ta phải nhờ đến các thần linh,...tùy theo niềm tin tôn giáo của mỗi người. Ðây cũng chính là nguồn gốc sự xuất hiện của các tôn giáo:
Nhu cầu tâm linh rất cần thiết cho con người, và càng cần thiết hơn cho đời
sống chung của những cá nhân đang sống trong một gia đình. Tốt nhất là hai
người cùng có chung một niềm tin.
Ở giai đoạn đầu của tình yêu, phần lớn những nhu cầu tâm linh, được đáp ứng từ
chính những cá nhân yêu nhau. Do đó, trong giai đoạn này, họ không cảm thấy
những đáp ứng tâm linh từ bên ngoài là cần thiết.
Nhưng dần dà trong đời sống chung gia đình, những đáp ứng tâm linh từ hai người
yêu nhau giảm cường độ và có khi mất hẳn. Lúc này là lúc nhu cầu tâm linh trở
thành một thứ nhu yếu phẩm cho hạnh phúc gia đình. Làm sao hai người có thể hòa
nhập được những nhu cầu tâm linh khi hai người chạy đến với hai hay nhiều
Thượng đế khác nhau trong lúc họ đang đi trên cùng một con đường?10. Vấn đề tình dục.
Tình dục đóng một vai trò quan trọng trong đời sống hôn nhân. Mặc dù quan
trọng, nhưng tình dục không phải là yếu tố duy nhất khiến cho hôn phối tan vỡ
hay khiến cho hôn nhân hạnh phúc. Trong nhiều trường hợp, qua sinh hoạt tình
dục của vợ chồng, người ta có thể phán đoán được một phần nào hạnh phúc hay
không hạnh phúc của gia đình họ. Nói một cách khác, sinh hoạt tình dục diễn tả
mức độ tình yêu của hai vợ chồng.
Nhiều người nghĩ rằng đời sống tình dục của vợ chồng chỉ là động tác giao hợp
của hai vợ chồng đó. Nếu nghĩ như thế, hoặc nặng hơn, nếu thực hiện ý nghĩ này,
sớm muộn gì, trong đời sống vợ chồng, người này sẽ trở thành một đối tượng cho
người kia thỏa mãn nhu cầu thân xác khi bị đòi hỏi. Ðừng lầm lẫn đời sống tình
dục của vợ chồng với sự ham mê sắc dục, hành động tà dâm.
Tình dục trong đời sống gia đình được diễn tả trong Kinh Thánh: "Bởi lẽ đó,
người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ và khắng khít với vợ mình" (Stk.2,23).
Những từ ngữ 'khắng khít', 'làm nên một thân thể', diễn tả một cuộc sống chung,
một kết hợp không bị chia sẻ. Sự hiện diện bên cạnh nhau, diễn tả những hành
động âu yếm, bày tỏ tình yêu và cuối cùng là tâm điểm 'làm nên một thân thể'
của chính tình yêu của hai người.
Do đó, những hành động âu yếm, những khắng khít là những cử chỉ, hành động tự
nhiên phát xuất do tình yêu của hai người phải có cho nhau, nếu họ có tình yêu,
nếu họ yêu nhau.
Dĩ nhiên, những hành động cử chỉ này nếu được vợ chồng ý thức để diễn tả một
cách khéo léo, nó sẽ không trở thành nhàm chán và chịu đựng. Nhưng cũng cần lưu
ý, xã hội ngày nay đang lạc đường, nhấn mạnh một cách quá đáng các phương thế,
kỹ thuật tạo khoái cảm tình dục. Nếu không khôn khéo, người ta dễ rơi vào việc
ham mê sắc dục hay tà dâm thay vì diễn tả tính yêu vợ chồng.Một vài câu hỏi sau đây có thể có ích lợi trong vấn đề:
- Quan niệm của tôi về tình dục vợ chồng như thế nào? Có bình thường không? Và người phối ngẫu của tôi?
- Tôi có cảm thấy thoải mái trong việc diễn tả hay đón nhận những diễn tả tình dục của vợ hay chồng tôi không?
- Tôi có bàn thảo về vấn đề tình dục giữa vợ chồng với vợ hay chồng tôi một
cách thoải mái không? Nếu không thì tại sao?
- Có nhiều khác biệt hay xung đột trong hành động diễn tả tình dục giữa hai vợ
chồng tôi không? Nếu có, phải làm sao?- Quan niệm của tôi và của vợ hay chồng tôi về vấn đề chung thủy trong lãnh vực tình dục như thế nào?
Ðời sống gia đình mang lại rất nhiều hạnh phúc. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần được lưu tâm một cách nghiêm trang, đúng đắn, phải được hai người đồng tâm chấp nhận và thực hiện. Ngược lại, thái quá trong bất cứ lãnh vực nào đều đưa tới những rạn nứt và cuối cùng là sự tan vỡ không tránh khỏi.
Nguồn: Internet ( Sưu Tầm & Chỉnh Sửa)
Cuối cùng thân mời bạn coi 1 video rất quan trọng để giữ ổn định & bền lâu giá trị Gia Đình bạn nhé !