FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả : 3 đêm trắng - đêm thứ ba - Bánh mỳ và trang sức. -->

3 đêm trắng - đêm thứ ba - Bánh mỳ và trang sức.

No Comments

Một bài viết kể chuyện người VN di tản từ Ucrain sang Đức và được tác giả cho tạm trú vài ngày.

**************

10 giờ đêm thứ ba, thằng cháu gọi điện. - Chú ơi, có hai gia đình có mấy đứa con nhỏ, cho về chỗ chú được không. - Ok đi, đưa họ về đây. Cách đây 10 năm, lúc mặt còn búng ra sữa cậu thanh niên JB Vũ Quang Dũng đã lặn lội từ Nghệ An ra Hà Nội để tham gia biểu tình chủ quyền biển đảo, thế nào chú cháu gặp lại bên này trong một lần đi tàu. 


Chàng thanh niên Công Giáo ấy rất nhiệt tình trong những việc giúp người khác, lúc covid hai chú chaú chở đồ tiếp tế đi từng nhà cho những ai hoàn cảnh khó khăn. 11 giờ hơn Dũng đưa đoàn người tới, do di chuyền bằng tàu điện nên lâu vây, chứ từ ga về chỗ mình đi xe ô tô chỉ 20 phút trời đêm như này.

 Thật đáng buồn là khi Dũng giúp mấy người kia, chiếc xe đạp điện giá gần 1000 euro cậu chàng để cạnh lúc hỏi han họ bị kẻ gian lấy mất. Dũng chỉ than một câu rồi lại vui vẻ. Hai gia đình, mỗi gia đình đều có 2 con nhỏ, tổng là 8 người. Chiều mình đã đi chợ và chọn thịt sườn bò để nấu phở sốt vang. Mọi người cất đồ, thay nhau tắm rửa xong xuôi rồi ăn phở. Ai cũng xuýt xoa - Cả một tuần nay ngủ nhà ga, bến tàu. Mong có một mái che là được lắm rồi, còn được bát phở nóng ngon thế này. Bao ngaỳ ăn bánh mỳ rồi. Một người đàn ông chạy đến giúp mình bát đũa, anh ghé tai nói nhỏ. - Tên của bác sang đến tận Ukreine, không ngờ hôm nay được nhận ân huệ của bác. Mình nói nhỏ. - Thôi đừng nói gì, để mọi người tự nhiên. Ăn xong, những đứa trẻ lấy đồ ra chơi, đứa xem điện thoại, đứa chơi đồ chơi. Cũng như gia đình hôm qua, hành lý họ mang theo không có gì nhiều. Người phụ nữ nói. - Anh ơi, một tuần rồi em vẫn cứ như mơ. Cuộc sống đang bình yên, người ta nói Nga đánh đó, nhưng họ nói thế bao năm nên mình có nghĩ thật đâu. Bọn em sống ở U đã 20 năm rồi, nhà cửa, hàng quán đều ở đó, con cái học hành ở đó. Rồi tiếng súng đạn nổ khắp nơi, chỉ cắm đầu mà chạy, có mang theo gì đâu, tiền U mất giá thảm hại. Mà mình cũng gom hàng bán chứ có trữ ngoại tệ gì đâu. Chẳng biết rồi đời về đâu nữa. Người đàn ông khác nói nghẹn ngào. ´- Thật khốn nạn, tự nhiên chúng xua quân đội và bom đạn đến chỗ người ta ở bình yên, tha con đi chaỵ như này xót quá anh ạ. Ở nhà ga họ bố trí chỗ ngủ tạm trong những cái lều, nhưng đông quá xếp hàng đợi không được có lúc ngủ luôn ở thềm nhà ga, đêm thì toàn âm độ thức mà ôm con ủ ấm. Con bé nhà em lạnh, hắt hơi ho suốt. Lúc này anh bạn già cùng làm gọi điện nói. - Chú mệt rồi, về ngủ đi để anh lo. Anh đến thì mình vẫn còn phải sắp xếp mấy việc nữa, nên 2 giờ đêm mới về đến nhà, ngủ lịm. Sáng sau một gia đình bần thần nói. - Anh ơi, bọn em không biết về đâu, bọn em không quen ai cả. Mình vào mạng, tra những nơi người ta tiếp nhận. Mình tìm một thành phố nhỏ cách chỗ mình không xa. Mình nói. - Giờ ở đây quá tải, trước mắt bọn em cũng không làm ăn gì được đâu, nhà nước Đức sẽ trợ cấp nhà cửa và tiền sinh sống. Theo anh thì các thành phố lớn đều quá tải, bọn em đến thành phố nhỏ cách đây không xa, anh xem thành phố ấy họ có vẻ chu đáo. Mình gọi thằng em đến, dặn dò chở họ ra ga, đưa họ đến đường ray tàu và đưa mảnh giây ghi địa chỉ và dòng chữ tiếng Đức nói họ là người chạy nạn từ U sang, đưa họ 100 euro nói đi taxi và mua đồ ăn. Người chồng lục ví ra tờ 100 usd nói. - Em biết đổi bác thiệt, nhưng bác cứ cầm cho em khỏi áy náy, bác đã giúp như thế rồi em không cầm được của bác đâu. Mình lại gọi thằng em khác, đến đưa gia đình thứ hai ra ga tàu khác để đi đến Muechen như họ nói có người quen đón ở đó. Chiều nay họ đi, mình dọn dẹp nhìn những mẩu bánh mỳ họ để lại. Thứ bánh khô khốc và cứng nhắc, ăn thử chẳng thấy vị gì cả. Có một gia đình họ đến, ăn được mỗi người bát phở thì có người quen đón đi. Cả mấy gia đình đó mình thấy họ đều là người chất phác, chịu khó làm ăn. Họ đều có của cải ở U, họ không phải là người nghèo khó gì. Nhưng bom đạn đến nhanh quá, họ chạy chỉ mang theo quần áo và ít tiền đổi tại biên giới không được bao nhiêu. Tôi bỏ chiếc bánh mỳ khô cứng vào thùng rác, lúc dọn nhà thấy dây chuyền, nhẫn, đồng hồ của ai đó bỏ lại. Chắc của cặp vợ chồng đi Muenchen. Bởi cặp vợ chồng mà tôi giới thiệu đi tỉnh kia đã gọi điện về báo tin mừng rằng họ xuống ga, thấy xe cảnh sát, họ đưa mẩu giấy ra và rất nhanh chóng cảnh sát chở họ đến nơi tiếp nhận, chỉ nửa tiếng đồng hồ họ được đưa đến một căn hộ với một khoản tiền để sống. Họ cám ơn tôi lắm, vì họ nói có nhiều người Việt đi nơi khác đông quá, giờ vẫn chả ra đâu vào đâu. Tôi nhìn cặp nhẫn vàng, thứ vàng được làm ở những hiệu vàng Việt Nam, chắc nó đã theo họ mấy chục năm trời. Tôi cho vào phong bì và bỏ vào trong két sắt. Chờ ngày nào đó họ liên hệ lại. Phải ở trong tâm trạng nào, họ mới quên món đồ như thế. Họ phải hoang mang, tinh thần họ hoảng loạn lắm. Họ cả tuần không tắm, đến khi tắm cởi đồ trang sức. Rồi nghe có chuyến tàu đi, vội vã nhanh chóng để mong sớm được bình yên. Bánh mỳ khô và đồ trang sức bằng vàng, hai thứ tương phản nhau. Phải trong tâm thế nào họ mới quên như vậy. Tôi thấy miệng mình đắng ngắt, đêm nay tôi ở lại văn phòng. Có lẽ biết đâu lại còn những người đang hoảng loạn không biết bấu víu vào đâu sẽ đến chỗ tôi đêm nay. Đêm một mình trong căn phòng mới hôm qua còn đông người tạm trú, tôi nhớ đến đứa con gái 10 tuổi đeo kính trắng giở cuốn sách học ra xem. Tôi hỏi nó. - Cháu có biết các bạn cháu giờ sao không, bạn cùng học ấy. Con bé trả lời. - Các bạn cũng chạy cùng bố mẹ như cháu, chẳng còn ai ở lại đâu, nhà cháu đi chuyến cuối cùng bác ạ. Chẳng biết giờ các bạn ấy thế nào. Còn đống quần áo của gia đình đầu tiên giặt hôm trước của nhà con bé đó, mai chắc tôi phải mang đến cho họ, không biết đứa con trai nhà ấy trong viên sao rồi. Đứa bé 14 tháng tuổi được một người mang đến tận nơi cho cái xe đẩy, tôi có đăng trên trang người tìm việc, việc tìm người hỏi ai có xe đẩy cho cháu và quần áo. Rất nhiều người nhắn cho xe và quần áo, có anh Davit gì đó tận tình mang đến tận nơi. Mời anh vào uống nước anh cáo bận đi làm vội nên đi ngay. Hôm nay có người ở xa gửi đến thùng quần áo, thêm cả xe đẩy. Người ta chạy loạn giặc giã, vàng trang sức quên không bận tâm hỏi. Trong đầu tôi khắc khoải câu nói của con bé con 1o tuổi đeo kính trắng về các bạn học. - Chẳng biết giờ các bạn ấy thế nào !

TG:NBG

Comments