FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả : Chiến tranh Ukraine, Nga dùng quân Chechnya, Ukraine có vấn đề lịch sử ? -->

Chiến tranh Ukraine, Nga dùng quân Chechnya, Ukraine có vấn đề lịch sử ?

No Comments

 Kế hoạch hậu chiến dường như đã được Tổng thống Nga Putin dự liệu ngay từ trước 'hoạt động quân sự đặc biệt', theo cách gọi của ông về chiến tranh Ukraine.

Trong các cánh quân Nga đánh vào lãnh thổ Ukraine, video của kênh truyền hình Novaya Gazeta Moscow có trình chiếu cảnh hàng ngàn binh sĩ Chechen tập hợp quanh Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo độc tài của một nước cộng hòa đa số là người Hồi giáo ở Caucasus, một thành viên của Liên bang Nga.



Cuộc chiến tranh Chechnya hẳn chưa đi vào quên lãng với vùng đất Bắc Caucasus bất ổn. Trái ngược với Ukraine, Caucasus là mảnh đất nghịch thù với Đế chế Nga liên tục trong các giai đoạn 1785, 1791, 1864, 1922, 1944 và gần đây nhất vào các năm 1996, 2009.

Ông Putin đã làm gì để bình định được Grozny và Chechenya, để hôm nay 12.000 binh sĩ vốn có biệt danh là 'kadyrovtsy' vì lòng trung thành với nhà lãnh đạo của họ đồng lòng dưới lá cờ nước Nga?

Ramzan Kadyrov thông báo về việc triển khai hàng nghìn binh sĩ của mình ở mặt trận Ukraine tuyên bố :

"Tôi muốn đưa ra một số lời khuyên cho Zelensky. Ông ấy phải gọi điện cho tổng thống của chúng tôi, Tổng tư lệnh tối cao Putin, và yêu cầu một lời xin lỗi.

Nhà sử học Jean-François Colosimo tóm tắt vai trò của người trung thành với Putin bằng mấy chữ : "Kadyrov là kẻ khát máu".

Đội quân 'kadyrovtsy' của Ramzan Kadyrov nổi tiếng hung dữ, đã chiến đấu ở Dagestan, nơi cung cấp một lực lượng lớn binh lính tình nguyện cho Nhà nước Hồi giáo IS. Kadyrovtsy bị cáo buộc tra tấn và hành quyết dã man dân thường trong quá khứ, được gửi đến với lời đe dọa :" Đừng có chạy, chúng tao muốn thanh toán dứt điểm với chúng mày".

Với danh tiếng khát máu, sự hiện diện quân đội Chechenya là một con ngáo ộp nhằm tạo tâm lý sợ hãi, gây ảnh hưởng đến người dân và lực lượng Ukraine.

Điện Kremlin duy trì một cách khéo léo con bài này dường như đã khơi dậy nỗi sợ hãi ở một số người Ukraine. Trả lời phóng viên BFMTV ở Kiev, Alice, một cô gái có hai dòng máu Pháp-Ukraine nói :

"Tôi chạy đây. Những người Chechnya đang đến. Tôi khiếp hãi họ, vì tôi biết họ có thể hãm hiếp và cắt cổ chúng tôi. Họ bất chấp tất cả", cô giải thích khi cố gắng chạy trốn khỏi thủ đô.

Sự hiện diện của Kadyrovtsy đã được xác nhận ở một số nơi : lân cận khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, phía bắc thủ đô Kyiv và ở Odessa.

Chuyên gia tư vấn quốc phòng của BFMTV, Jérôme Pellistrandi phân tích : "Người Chechnya nổi tiếng là man rợ. 'Cư xử tốt' đối với họ, là gửi đến những người thù địch những kẻ cắt cổ".

Sử thi Ukraine và Taras Bulba

Cách hành xử của Nga trong vấn đề dân tộc và cách xử lý khủng hoảng, phần nào vẫn mang tính sử thi như trong tác phẩm "Taras Bulba " được thi hào Nicolai Gogol ra mắt độc giả 1835?

Thủ lĩnh Cossack Taras Bulba đã tự tay giết chết đứa con ruột Andriy do tình yêu của chàng với một công nương Ba Lan. Mù quáng vì tình, Andriy đã trở gươm chống lại cha và anh ruột.

Để trả thù cho cái chết của người con cả Ostap, "Taras cùng đoàn quân của mình vùng vẫy khắp đất Ba Lan, đốt cháy mười tám thị trấn, gần bốn mươi nhà thờ Công giáo và đã tiến đến sát Krakov ".

"Đừng tha gì hết" - Taras nhắc đi nhắc lại. Và quân Cossack phá sạch, giết sạch, không nể cả những quý bà lông mày đen nhánh và những thiếu nữ ngực trắng nõn, tươi sáng như thiên thần. Họ có chạy vào thánh đường cũng không thoát chết: Taras đốt họ cháy trụi cùng với các thánh đường.

Từ trong ngọn lửa ngùn ngụt bốc lên bầu trời, biết bao bàn tay nõn nà chới với, những tiếng gào thét thảm thiết làm mọi nhánh cây ngọn cỏ thảo nguyên của đất mẹ cũng phải động lòng. Nhưng trái tim sắt đá của người Cossack chẳng hề lay chuyển, họ lấy mũi lao thọc vào bụng những trẻ và quăng chúng vào ngọn lửa. " Giặc Ba Lan thấy không, ta làm lễ cầu hồn cho Ostap của ta đó".

Phải chăng, cơn nóng giận của Putin giống như dông tố trong đầu thủ lĩnh Taras?

Tính tàn nhẫn vô nghĩa, mặt trái của chủ nghĩa anh hùng cổ sơ, không thể dung hợp với đạo lí của loài người văn minh, đạo lí của mọi tôn giáo chân chính như tái hiện lại trong cuộc chiến tranh Ukraine hôm nay.

Putin sẽ giữ ghế bằng mọi giá

Trong con mắt nhiều người Nga Vladimir Putin có công trong việc dựng lại nước Nga từ đống hoang tàn sau 1991. Song trước hết đây là nhà độc tài, người không từ một mưu kế nào để giữ chiếc ghế trong vòng 22 năm. Tổng thống Nga vẫn giữ chân trời thực sự khô cằn về một quyền lực mê muội.

Nếu những quan tài chở thi hài binh sĩ Nga tử trận ở Afganistan là chất xúc tác dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô, thì trong chiến tranh Donbas, thì theo tiết lộ của Lev Schlossberg một quân nhân Nga trong tạp chí l'Obs tháng ba 2022(N°2993):

"Quân đội Nga không có ý định thu thập các tử thi chiến hữu của họ. Họ không tổ chức truy điệu hay lễ tiễn đưa đồng đội về nơi yên nghỉ". Hình ảnh trên kênh Telerama năm 2014 về những hố chôn những người lính Nga tử trận ở Donbass đã gây xúc động lớn.

Bước đi chậm chạp của Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine có nguyên nhân thâm độc hơn. Đó là vấn đề bình định Ukraine thời hậu chiến, mặt khác đánh đòn người di tản lên châu Âu. Ông đã sử dụng con bài này trong chiến tranh Syria, quây đánh IS đến đường cùng lại giải tỏa, thả các nhóm thánh chiến rút đi cùng với vũ khí nặng, làm người dân hoảng sợ chạy khỏi các vùng chiến sự ngày càng lan rộng.

Chiến tranh Syria đẩy một số lượng người trốn chạy đã gây một khủng hoảng nghiêm trọng trong Liên Minh châu Âu. Hungaria, Ba Lan đã xây các bức tường chặn dân nhập cư, từ chối giá trị nhân quyền của Liên hiệp châu Âu, gây khủng hoảng pháp lý, cự tuyệt hoàn toàn người Syria, Palestine, Macedonia, Serbia, Belarus...

Châu Âu đang phải giải bài toán đợt một với con số 1 triệu người Ukraine lánh nạn. Dự tính sẽ lên đến 7 triệu người.

Đuổi được người dân ra khỏi nơi sinh sống của họ, Tổng thống Putin sẽ không phải trù liệu việc cung cấp lương thực, ổn định các vùng chiếm đóng, hạn chế sự tiếp xúc đầy rủi ro của đội quân cảnh sát trên các vùng mới bình định được.

Ông Putin sẽ rảnh tay hơn khi đại bộ phận những người quay lưng lại với ông chạy ra nước ngoài. Một tính toán lố bịch và cực đoan hệt như sự kiện nạn kiều, xua đuổi người Hoa ở Việt Nam trước chiến tranh biên giới 1979?

Quân đội Nga gần như hoàn toàn không sử dụng sức mạnh không quân vốn giúp họ dựng lại quân đội Syria rệu rã, đang trên đà sụp đổ, tiêu diệt nhà nước khủng bố IS.

Jean de Gliniasty, cựu đại sứ Pháp tại Nga 2009-2013, giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp nhận định: chiến tranh Ukraine là một cuộc nội chiến.

Phải chăng, ông nhận thức rằng một người Ukraine chết là sự tích tụ căm thù của những thân nhân, gia đình họ? Gửi quân Chechnya đến Kyiv, ông sẽ đánh lạc hướng căm thù của người Ukraine ?

Các chiến xa, xe bọc thép Nga đều sơn chữ trắng, mẫu tự 'Z', một chữ không có trong bảng chữ cái tiếng Nga. Đó là chữ đầu, chỉ tên Tổng thống Ukraine Zelensky ( Володимир Зеленський ) viết bằng tiếng Anh, ám chỉ ông là tay sai của Mỹ và phương Tây.

Tổng thống Nga đang tung hỏa mù về thế yếu kém của quân đội trong vấn đề tiếp liệu, vấn đề chiến thuật hợp đồng binh chủng, chiến tranh mạng để các sư đoàn thiện chiến nhất của Ukraine vốn nằm đối diện với hai nước cộng hòa tự xưng rút về bảo vệ Kyiv? Và không quân Nga lúc đó mới oanh kích các đoàn chuyển quân trên xa lộ như bắn thỏ, bẻ gẫy xương sống quân đội Ukraine và xua quân chiếm Mariupol, Odessa dễ dàng.

Mất hai cảng chiến lược này, Ukraine sẽ trở thành một Hungaria với chiếc hồ Balaton của những mùa nghỉ hè.

Nga đã rơi vào bẫy của phương Tây và Trung Quốc?

Phải chăng phương Tây đã lập lờ giữa hai khái niệm châu Âu và NATO để chọc giận, đánh bẫy Nga ?

Phóng viên chiến trường và bình luận viên Pháp Fréderic Pons cho rằng, Nga đánh Ukraine vào thời điểm này do lo ngại vũ khí, khí tại của phương Tây đang chảy vào nhằm hiện đại hóa quân đội Ukraine. Thực chất những tin tức đó chỉ là nhằm hù dọa Nga?

Trước khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Tổng thống Joe Biden nhập nhằng giữa khái niệm "một vụ xâm nhập nhỏ vào Ukraine " thậm chí có thể chấp nhận được, như một con mồi nhử Tổng thống Putin có thể dấn tới mà không bị sự trừng phạt.

Chiến lược 'không nói rõ' của Mỹ thật ra được duy trì từ 2008, khi hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucarest hứa hẹn Gruzia và Ukraina "có thể là thành viên", nhưng lại không mở ra cuộc đàm phán nào về vấn đề này. Hai nước liên quan bèn bị Moscow coi là kẻ thù chiến lược, nhưng lại không có được bảo đảm an ninh của Nato.

Phương Tây đã dạy điệu múa nào cho con gấu Nga?

Dân Nga có câu "Người ta có thể bắt một con gấu nhảy múa, nhưng dừng điệu nhảy lại là ý muốn của gấu."

Hãy nhìn lại cuộc chiến Kosovo năm 1998. Nato dù không có sự đồng ý của Liên Hợp Quốc vẫn can thiệp sâu vào khu vực này, nhân danh "guerre humanitaire " (chiến tranh nhân đạo) bắn phá từ tháng 3 đến tháng 6/1999. Hàng triệu người thành tỵ nạn. Sau chiến tranh, khoảng 200.000 người Serbia, Romania và những người không phải Albania khác đã chạy trốn khỏi Kosovo. Serbia đã trở thành nơi có số lượng người tị nạn và di dời lớn nhất ở châu Âu.

Việc các cường quốc bên ngoài can thiệp vào Balkans dẫn tới chỗ năm 2008, Kosovo tuyên bố độc lập. Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ …là những nước đầu tiên công nhận Kosovo. Nga và Việt Nam đều không thừa nhận Nhà nước Kosovo, hiện có tới 93 nước công nhận.

Vậy cũng giống như Nato, Nga cho rằng họ cũng có quyền làm cha đỡ đầu cho những đứa con được đặt tên là Abkhazia, South Ossetia, Donetsk và Luhansk?

Chỉ khác, Nga là một người cha đơn thân còn Nato là tập thể nhiều quốc gia thành viên. Tin mới nhất cho hay vì chiến sự ở Ukraine, Kosovo cũng muốn gia nhập Nato, còn tại Serbia có biểu tình công khai ủng hộ ông Putin. Cộng hòa tự xưng Republika Srbska ở Bosnia-Herzegovina muốn 'độc lập'. Xung khắc vùng Balkans sẽ bùng lên vì ngọn lửa Ukraine?

Nato và Phương Tây - hai là một?

Tôi thấy cần làm rõ sự nhập nhằng giữa hai phạm trù Nato và Phương Tây.

Nato là khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương gồm những vũ khí, xe tăng, tên lửa đạn đạo. Văn minh phương Tây là một nền dân chủ có tam quyền phân lập, có tự do ngôn luận, tự do cá nhân. Hai phạm trù này có những điểm không ăn nhập gì với nhau, ít ra là theo một góc nhìn về Nato trong cách đánh giá của Pháp.

Là một trong những quốc gia sáng lập của Liên minh Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là OTAN trong tiếng Pháp và Nato trong tiếng Anh vào năm 1949. Song Pháp không nhất nhất chấp nhận khía cạnh quân sự và chính trị kép của Liên minh với sự thao túng của Mỹ, thậm chí thách thức Mỹ trong nhiều hồ sơ.

Tổng thống Charles de Gaulle khẳng định sự độc lập và tầm nhìn riêng của nước Pháp không phù hợp với quyền bá chủ của Mỹ trong Liên minh, đặc biệt đối với mọi khía cạnh liên quan đến hạt nhân và sự hợp nhất của các lực lượng vũ trang của các nước thành viên.

Charles de Gaulle rút Pháp khỏi bộ chỉ huy Nato vào năm 1966, phản đối Mỹ tiến hành chiến tranh ở Nam Việt Nam.

Đến năm 2009 khi Nicolas Sarkozy đưa Pháp tái hòa nhập trở lại vào khối chỉ huy thống nhất của Nato.

Đằng sau quyết định của ông Sarkozy có một động cơ là loại nhà độc tài Libya Mouammar Gaddafi, chính lại là người hỗ trợ tài chính cho chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Pháp. Cái chết của Gaddafi được cho là có bàn tay của một sĩ quan tình báo Pháp. Nicolas Sarkozy đã bị tòa án Pháp kết án tù vì sử dụng quỹ đen với tham vọng trở thành tổng thống.

Nhìn từ phía Nga, Phương Tây đã biết vì theo thông tấn xã Nga-Tass nói rõ Tổng thống Putin coi việc Ukraine gia nhập Nato sẽ biến nước này thành căn cứ để ít ra là bao vây Nga. Tất nhiên, Nato không nêu ra câu trả lời rõ ràng, cho rằng việc xin vào khối là quyết định mang tính chủ quyền của mọi nước.

Điện Kremlin cho biết hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân đội của Ukraine đã liên kết với Nato và khối quân sự này bắt đầu gây ảnh hưởng lên Kiev. Điều này có phải là các đơn vị riêng biệt của Ukraine có thể được chỉ huy trực tiếp từ trụ sở Nato?

Điều này chính xác đến mức nào? Hay tổng thống Putin khép kín trong thế giới quan riêng đã hoang tưởng về âm mưu của Nato? Chúng ta cần thêm thông tin, bằng chứng.

Một nhân tố nữa phải tính đến là vai trò của Trung Quốc trong ván bài Ukraine. Trung quốc rót đầu tư khổng lồ vào Ukraine. Các ngành công nghiệp hàng không, đóng tầu, chế tạo máy Ukraine bị quên lãng sau khi Liên Xô sụp đổ được các nhà đầu tư Trung Quốc thèm thuồng. Trung Quốc đã mua của Ukraine chiếc hàng không mẫu hạm lẽ sẽ thay thế vị trí của hàng không mẫu hạm duy nhất hiện nay của Nga, chiếc Đô đốc Kuznetsov. Chiếc tàu sau đó được mang tên Liêu Ninh, đáp ứng nhu cầu bành trướng biển Đông của siêu cường châu Á.

Tháng 8/2019, John Bolton cố vấn an ninh Nhà Trắng đã cảnh báo về hiểm họa những đầu tư của Trung Quốc sau chuyến đi thăm nước này rằng "những kỹ thuật quân sự và những kỹ thuật nhạy cảm của Ukraine không được trao vào tay những đối thủ hay địch thủ tiềm năng", ngụ ý chỉ sự lấn sân của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc đặt hàng 1000 tỷ mét khối khí đốt của Nga có thể ví như sự bù đắp cho việc cấm vận của Phương Tây. Xúi Nga đánh Ukraine, Trung Quốc được lợi nhiều hơn mất. Nhưng Nga suy yếu thì ai được lợi? Có phải đó còn có thể là nụ hôn Tử Thần Chủ tịch Trung quốc gửi đến Tổng thống Putin?

Những câu chuyện, lập luận trên mà tôi ghi nhận từ đài báo châu Âu chỉ nhằm làm rõ một điều. Bức tranh cũ và mới về Ukraine không chỉ có hai màu đen-trắng.

Và bất kể bạn tin theo bên nào sự thật rõ ràng nhất là: Cuộc xâm lăng Ukraina Putin tạo bước ngoặt khởi đầu cho một" Big Bang"địa chính trị mới. Cùng lúc, theo ý kiến của tôi, lịch sử sẽ phán xét khắt khe Vladimir Putin về cuộc chiến tranh phi nghĩa này. 

TG: Phạm Cao Phong- Pháp


Comments