Nghiệp của VN ( 1/3) !! - VN trong chiến lươc toàn cầu của Mỹ | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

Nghiệp của VN ( 1/3) !! - VN trong chiến lươc toàn cầu của Mỹ

No Comments

 Sáng tinh mơ ngày 7-12-1941, 360 chiến đấu cơ của quân đội Thiên Hoàng Nhật đã trút bom đạn xuống Trân-Châu-Cảng trên lãnh thổ Hoa Kỳ, trong lúc các binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây còn chưa thức giấc, làm chết 2000 quân nhân và 400 bị thương, đánh đắm 5 chiến hạm, 14 tàu nhỏ, và khiến tê liệt 200 phi cơ Hoa Kỳ.

Trận Chân Châu Cảng
Hành động trên đây của Quân Phiệt Nhật đúng là một thúc đẩy và là lời mời Hoa Kỳ bước lên vũ đài thế giới bằng cửa chính. Phải nói trận đánh bất ngờ của Nhật vào Trân-Châu-Cảng đã tạo ra một lực thống nhất vĩ đại đẩy toàn thể dân chúng Hoa Kỳ đi tới: tất cả đều hướng về chiến tranh, tất cả đều quyết tâm đưa nước Mỹ gia nhập thế giới với tư thế mạnh.

Thế là chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ đã được triển khai. Căn bản của chiến lược đó lẽ dĩ nhiên được đặt trên quyền lợi của Mỹ, sự phát triển của nước Mỹ trên thực tại thế giới, nó trở thành định hướng của xã hội Mỹ và tất cả các ngành sinh hoạt khác của nước Mỹ. Đồng thời đây cũng là hướng đầu tư của tư bản Mỹ, bởi tất cả các ngành sinh hoạt nào ở xã hội tự do tư bản cũng cần có vốn đầu tư. Một khi vốn đã được dồn vào đó thì không một thế lực nào cưỡng lại được nữa, nó giống như con đường định mệnh mà Hoa Kỳ phải đi cho tới đích.

Lẽ đương nhiên những bước đi của Mỹ vào thế giới đâu có phải là một cuộc du ngoạn, mà Mỹ đã chọn cửa chiến tranh để bước vào. Bước vào một thế giới đã có chủ, các ông chủ Thực dân đã chia nhau cắm cờ ở khắp năm châu bốn biển, nay thì các nước Phát xít đang hung hăng tiến đánh Thực dân, vừa chiếm đóng các nước Thực dân ở Âu Châu, vừa cướp lại các thuộc địa ở các nước nhược tiểu. Đức và Ý thì chiếm Âu Châu và Phi Châu, Nhật thì chiếm các thuộc địa của Thực dân tại Á Châu.

Chiến tranh thế giới II đã nổ ra giữa Đức Quốc Xã và Liên Minh Anh-Pháp từ năm 39. Sau khi Hitler đã chiếm trọn lục địa Âu Châu tiến sang đánh Liên Xô, tiến xuống Bắc Phi đặt Anh quốc trước họng đại pháo và bom bay, thi ông bạn đồng minh Mỹ vĩ đại, hy vọng của toàn Âu Châu vẫn chỉ đứng ngoài tiếp tế.

Mãi cho tới 2 năm sau lúc Nhật Bản thọc tay vào mở kho vũ khí vô tận bằng cuộc “chiến thắng” Trân- Châu-Cảng, thì Hoa Kỳ mới chịu nhập cuộc, mà lại vào cuộc từ phía đông và sự nhập cuộc này lại có liên quan tới Đông Dương, lẽ tất nhiên Việt Nam là chính. Năm 1941 tháng 11 ngày 29, Mỹ, Nhật họp bàn về sự có mặt của quân Nhật tại Đông Dương. Mỹ lên án Nhật xâm lăng Đông Dương và ngưng thi hành thỏa ước mậu dịch đã ký với Nhật

Ngoại trưởng Mỹ Cordell Hull yêu cầu thủ tướng Nhật Hideki Tojo phải ra lệnh cho quân Nhật chấm dứt chiếm đóng Đông Dương. Thủ tướng Nhật trả đòn bằng lời tố cáo: Anh, Mỹ đã bóc lột các dân tộc Á Châu và dọa hai nước này phải bị tẩy trừ.

Đây là một cơ hội bằng vàng đến với chiến lược gia số 1 của Âu Châu, thủ tướng Anh Winston Churchill, người đang cô đơn đối mặt với Hitler lập tức lên tiếng: “Nếu Mỹ tuyên chiến với Nhật thì nước Anh sẽ đứng về phía Mỹ ngay từ giây phút đầu”.

Việc phải đến đã đến, ngày 7-12-41, phó Đô đốc Chuichi Naguma, chỉ huy lực lượng Không và Hải chiến của Thiên Hoàng bất thần tấn công Trân-Châu-Cảng gây thiệt hại tối đa cho quân lực Mỹ tại Thái Bình Dương, trận thắng khởi đầu để nhận sự kết thúc đầu hàng, và ăn hai quả bom nguyên tử.

Sau khi Mỹ có cơ hội đặt được guồng máy chiến tranh của mình ở phương Đông, lúc đó Mỹ mới ra tay giải phóng Âu Châu đã bị Hitler thống trị.

Vào ngày 06/06 năm 1944 tướng Mỹ Eisenhovver tổng tư lệnh đồng minh tại Âu Châu mở cuộc hành quân vũ bão đổ bộ lên bãi biển Normandie của nước Pháp, đánh tan các sư đoàn cơ giới của Phát xít, đẩy Hitler vào thế phải tự vẫn tại Bá Linh ngày 30 tháng 4 năm 45 và ngày 7-5-45 nước Đức đầu hàng vô điều kiện. Nước Đức và Bá Linh bị chia làm 4 vùng do 4 nước đồng minh Anh-Pháp-Mỹ-Nga cai quản. Sau này còn lại có 2 vùng một thuộc về Tự do, một thuộc về Cộng sản.

Trong chiến tranh thứ II Liên Xô Cộng sản vốn chẳng phải là một thế lực ghê gớm gì cho lắm, thế nhưng ngay khi cuộc chiến Âu Châu kết thúc phần lớn do chính sách nâng đỡ của Mỹ, Liên Xô đã được quyền có mặt tại Đông Âu rồi tổ chức các chính quyền tay sai ở đó, nên đã tạo ra được một thế lực đối trọng cho chiến lược Mỹ, kéo dài trên nửa thế kỷ.

Cứ nhìn cung cách của Mỹ trong việc an bài cuộc chiến tại Đông phương thì rõ, Mỹ đã chọn Cộng sản làm đối trọng mà không chọn bất cứ thế lực nào khác. Mỹ đã buộc Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch phải bắt tay đề huề với Cộng sản Đảng của Mao Trạch Đông để kháng Nhật. Trong khi họ Tưởng đã dồn được ảnh hưởng của Mao vào vùng Diên-An, chỉ chờ ngày tiêu diệt Họ Tưởng đã nhìn đúng kẻ nội thù là Tầu cộng nguy hiểm hơn kẻ ngoại thù là Nhật Bản. Vì không thể cưỡng lại được áp lực của Mỹ, mà Tưởng Giới Thạch phải bắt tay với Mao, để rồi Cộng sản lại bung ra tiến lên cướp chính quyền Hoa Lục sau này.

Cũng vậy khi cần có một lực lượng kháng Nhật tại Việt Nam, sau khi Nhật đã đảo chính Pháp 9-3-45, Mỹ đã không chọn các lực lượng Quốc gia của Việt Nam lúc đó vốn mạnh và đông hơn Cộng sản, mà lại chọn Nguyễn Ái Quốc rồi bắt đổi tên thành Hồ Chí Minh để cho Anh Pháp không nhận ra gốc gác Cộng sản của tên này.

Mặc dù ngay tại các khu an toàn của Trung Hoa Quốc Gia các đảng phái Việt Nam đã thành lập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội làm việc chặt chẽ với Quốc Dân Đảng Tầu đồng minh của Mỹ, thế mà Mỹ đã không ủng hộ, mà lại tiếp viện và huấn luyện cho Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh gọi tắt là Việt Minh của Cộng sản.

Ở thời điểm đó thì không một ai có thể hiểu được việc Mỹ buộc T.T. Tưởng Giới Thạch phải ngừng tay diệt Cộng sản và Mỹ dùng Cộng sản tại Việt Nam là nghĩa lý gì? Nhưng ở đời đã có người làm thì phải có người hiểu được, nếu không thì thời gian cũng sẽ lên tiếng mách bảo.

Đối với các chiến lược gia của Mỹ thời đó thì việc gì đem lại lợi ích trong chiến lược của Mỹ và thuận chiều phát triển kinh tế Mỹ là họ dùng. Chiến lược của Mỹ không nằm trong khuôn phép của chiến lược cổ của Đông phương được xây dựng trên ba yếu tố: Thiên thời, địa lợi và Nhân ha, nên người Đông phương lại càng mù mị.

TG: Lý Đại Nguyên


Comments