Nghiệp của VN !! (2/3)- Căn Bản Chiến Lược Mỹ | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

Nghiệp của VN !! (2/3)- Căn Bản Chiến Lược Mỹ

No Comments

 Chiến lược của Mỹ đặt LỢI lên trên hết và còn lại chỉ là phương tiện. Đã là phương tiện thì không có vấn đề tình cảm hận thù, yêu ghét hoặc ý-thức hệ, chủ nghĩa… nếu những thứ đó vì nhu cầu tâm lý của các đối tượng mà phải dựng lên, tô vẻ cho đậm nét để phù hợp với từng thời, từng lúc của các giai đoạn chiến lược thì cũng vẫn là phương tiện mà thôi.

Thế cho nên mới có tình trạng: Đang là thù đấy mà vẫn là bạn. Đang là bạn đấy mà vẫn là thù. Thù hay bạn đều tùy nơi, tùy lúc. Trên danh nghĩa là kẻ thù của Mỹ cầm súng bắn Mỹ, mà vẫn làm đúng yêu cầu của chiến lược Mỹ, làm lợi cho Mỹ. 

Điều không thể tin mà lại là sự thật. Chính điều đó đã làm cho chiến lược Mỹ trở thành toàn diện và tất thắng. 

Thắng thì đã thắng, nhưng Con người Mỹ cũng chịu những vết thương tâm thức rất trầm trọng. 

Và khi guồng máy chiến lược toàn cầu của Mỹ đã chuyển động trên trục LỢl cho nước Mỹ, trong đó lợi cho vốn tư bản, mà tư bản là những người đóng thuế nhiều nhất, nên họ nghiễm nhiên trở thành thực thể siêu quyền lực. Không một chính khách, không một nhà lãnh đạo chính quyền nào khi đã nắm vững được nguyên tắc trên, lại dám làm khác được với nhu cầu chiến lược Mỹ.

Mặc dù trong các mùa bầu cử, vì muốn được dân bầu, phải đưa ra các chính sách có thể không đúng lắm với chiến lược Mỹ, thì khi đắc cử cũng đành phải thất hứa với dân, nếu không muốn bị rơi vào cảnh “giữa đường đứt gánh”.

Các nhà lãnh đạo Mỹ còn thế, kể chi tới các nước bạn, các Đồng minh và Đối thủ của Mỹ. Đừng vội mừng khi được Mỹ coi là bạn, cũng đừng có mừng khi đang là đối thủ của Mỹ mà lại được Mỹ nhượng bộ hoặc giúp ngầm. Bởi thế cũng chẳng lấy làm lạ, không riêng gì các đối thủ Mỹ chống Mỹ, mà ngay cả các nước bạn Mỹ cũng chống Mỹ. Hầu như các nước được Mỹ viện trợ chẳng có nơi nào biết ơn Mỹ.

Sự hình thành chiến lược toàn cầu của Mỹ, cho tới nay chưa ai nói được do người nào ở lúc bắt đầu, nhưng nếu căn cứ vào tính chất của chiến lược thì nó phải rút ra từ thực nghiệm bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thặng dư 1929-1930. Nước Mỹ tự sa lầy vào tình trạng sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ. Kinh tế thế giới đình đốn đang chờ đợi một sự bùng nổ toàn diện. Các phong trào đấu tranh giành độc lập của các dân tộc nhỏ chống Thực dân sôi ngầm. Phong trào Quốc tế Cộng sản đã bén rể tại Liên Xô và đang tung cán bộ vào các phong trào Độc Lập Dân Tộc. Sự xung đột giữa các nước Âu Châu chờ cơ hội bộc phát. Có nghĩa là thế giới đang có nhu cầu chiến tranh, chiến tranh khắp nơi.

Nhu cầu chiến tranh gắn liền với nhu cầu vũ khí, nên kỹ thuật dây chuyền của Mỹ, một khi được chuyển vào kỹ nghệ chiến tranh, thì phải có chiến tranh để mà tiêu thụ, tốc độ chiến tranh càng lên cao, thì càng đẩy kỹ nghệ chiến tranh đi tới, kéo mũi nhọn khoa học vào phục vụ. Đây được gọi là một cuộc khảo đả quyết liệt những suy tư suy nghiệm của con người về mọi lãnh vực, nhất là kỹ thuật khoa học thời đó. Khoa học tiến được vào hai lãnh vực cực tiểu và cực đại – nguyên tử và không gian – mà quan trọng hơn hết là đi thẳng vào trung tâm sự vật, bắt  các nguồn năng lượng của sự vật trở thành võ khí có sức tàn phá khủng khiếp.

Kỹ nghệ chiến tranh của Mỹ đã định hướng cho chiến lược toàn cầu của Mỹ, buộc các nhà nghiên cứu chính sách và những người lãnh đạo Mỹ phải đưa ra cho được các chính sách đối nội và đối ngoại cho đúng với chiều hướng chiến lược đó.

Từ khi lập quốc Hoa Kỳ đã thiết lập được nền tảng Tự do Dân chủ Pháp trị, nhờ vậy mà các nhà lập chính sách cứ theo đó phát huy cho thêm hoàn thiện, và rút kinh nghiệm từ những vấp váp của những nền Dân chủ Âu Châu cũng như thấy được đâu là chỗ yếu nhất để kẻ thù của Tư bản là Cộng sản nhắm vào tấn công. Để rồi Mỹ đưa ra những đạo luật bảo vệ quyền con người mỗi ngày một hoàn hảo hơn, nhất là các luật về an sinh xã hội, không cho nạn đói khổ xảy ra để Cộng sản lợi dụng. Đầu tư tối đa vào sự học, làm cho dân trí và kỷ thuật mỗi ngày một cao… thu hút chất xám thế giới và đầu tư tối đa vào đó.

Khi nói chính sách đối ngoại của Mỹ là chính sách của lưỡng đảng cũng có nghĩa rằng: trên nguyên tắc cả hai đảng dù là ai lãnh đạo cũng phải đi đúng hướng chiến lược toàn cầu của Mỹ. Chỉ có thể làm khác được ở chiến thuật mà thôi. Đã rõ chiến lược đó là do nhu cầu chiến tranh của thế giới, trong đó có cả nước Mỹ. Vì từ là nguồn cung cấp vũ khí, Mỹ đã phải can dự vào chiến tranh, rồi trở thành thế lực lãnh đạo một cuộc chiến toàn diện. Cuối cùng đạt tới địa vị siêu cường duy nhất hết đối trọng.

Kể từ trận Trân-Châu-Cảng Mỹ đã chính thức can dự vào chiến tranh thế giới, với những khẩu hiệu chiến lược hết sức ngắn gọn mà quyết liệt. Diệt Phát xít, chống Thực dân, rồi Diệt Thực Đân, chống Cộng sản, cuối cùng là Diệt Cộng sản, chống Khủng bố, vậy Phát xít, Thực dân, Cộng sản và Khủng bố đều là mục tiêu phải thanh toán của chiến lược Hoa Kỳ. Và vì ở thế mạnh không bị giới hạn về danh nghĩa, nên Hoa Kỳ đã vận dụng được sự đối kháng giữa ba thế lực: Phát xít, Thực dân, Cộng sản chống phá tiêu diệt lẫn nhau đôi khi Mỹ phải làm nạn nhân cho những vụ đối kháng đó, nhất là sau khi Phát xít và Thực dân đã bị tiêu diệt, Mỹ phải đối đầu với Cộng sản, để chia đôi thế lực Quốc tế Cộng sản, rồi Dùng Cộng Diệt Cộng. 

TG: Lý Đại Nguyên

Comments