Mối tình rùng rợn với Saddam Hussein | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

Mối tình rùng rợn với Saddam Hussein

No Comments


(Tamnhin.net) - Parisoula Lampsos trở nên nổi tiếng thế giới vào năm 2004, không lâu trước khi quân đội Mỹ và đồng minh tấn công Iraq. Lúc bấy giờ trong một bài trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình, bà tuyên bố rằng mình là tình nhân của Cố tổng thống - nhà độc tài Saddam Hussein, ông này đã bị tòa án Iraq treo cổ. Câu chuyện tình rùng rợn được bà kể lại là một bài học lịch sử không chỉ của riêng ai.

Lần đầu tiên tôi gặp Saddam Hussein năm 16 tuổi. Tôi không sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ này: không ai có thể nói với tôi rằng cuộc đời tôi sẽ có một bước ngoặt như thế nào sau buổi tối hôm đó. Trước mùa hè năm 1968, mọi chuyện trong đời tôi đều êm ả. Tôi chỉ sợ một điều – có ai đó trong gia đình tôi sẽ tức giận tôi. Người ta đặt nhiều hy vọng về tôi. Và mong tôi cam phận.


Trước khi gặp Saddam, tôi sống một cuộc đời quý phái, vô tư ở Baghdad. Tôi không biết gì về chính trị, tự gọi mình là cô gái châu Âu, vì gia đình tôi theo đạo chính thống Hy Lạp. Khi chúng tôi gặp nhau, Saddam đã gần 30 tuổi. Nhưng sự cách biệt tuổi tác không đóng một vai trò như là sự khác nhau về nguồn gốc xuất thân của chúng tôi. Saddam sinh ra trong một gia đình nghèo ở nông thôn gần Tikrit, phía bắc Baghdad. Bố ông ta hoặc đã chết, hoặc bị mất tích trước khi Saddam ra đời. Mẹ Saddam đi bước nữa, và phần lớn tuổi thơ của nhà độc tài tương lai trôi qua trong ngôi nhà ông chú ở Baghdad. Có một sự cách biệt rất lớn giữa cuộc đời tôi và cuộc đời Saddam, và điều đó đặt tôi vào thế bất lợi. Saddam từng trải và thường xuyên tìm cách trả thù cho quá khứ. Còn tôi thì không biết gì ngoài sự xa hoa và những điều bố mẹ nói với tôi. Tôi tự hào về gia đình mình, gốc gác của mình, và biết thế nào là sự tôn kính.

Tôi thường tự hỏi, vì sao đến giờ tôi vẫn sống. Vì sao tôi sống sót, trong khi nhiều người gần gũi với Saddam đều đã bị giết hại. Và vẫn như xưa tôi không biết lúc bấy giờ tôi có điều gì hấp dẫn Saddam. Có lẽ, trong thế giới của ông ta tôi là người duy nhất không sợ đánh mất mình trước mặt ông. Cố nhiên, thái độ đó thay đổi khi tôi biết được ông là ai. Nhưng vào buổi tối đầu tiên đó, buổi tối thứ sáu định mệnh tháng 8 năm 1968, tôi không biết gì hết, và điều đó đã quyết định số phận tôi.
                                                    
Từ nhà Harut vọng ra tiếng nhạc máy hát. Đúng lúc đó có mấy vị khách bước vào salon. Ba người đàn ông. Một người ngay lập tức khiến tôi chú ý. Ông ta ăn vận rất lịch sự: áo vét lụa màu xanh và sơ mi trắng tinh. Đó là Saddam Hussein. Nhưng trước hết tôi chú ý tới cặp mắt của ông ta. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cặp mắt ai kỳ lạ như vậy. Chúng lấp lánh như kim loại. Một lát sau tôi nói với ông:
- Ông có cặp mắt như mắt loài thú.
Cũng lạnh lùng như vậy.
Vì những lời đó kẻ khác có thể bị xử tử. Nhưng chúng chỉ làm Saddam bật cười.

Một lúc sau mọi người bỏ đi, để lại tôi một mình với Saddam. Thậm chí tôi không nhận thấy mọi việc diễn ra như thế nào: tôi quá mãi bận bịu với việc gạt tay Saddam ra khỏi thân thể mình. Bây giờ ông ta ôm eo tôi, mở cánh cửa căn phòng khác và đẩy tôi vào buồng ngủ sơn màu trắng. Giữa phòng đặt một chiếc giường rất lớn phủ vải ga trắng tinh, trên đó là một bông hồng đỏ.
- Tôi muốn làm cho cô gái châu Âu thích, – Saddam nói. – Em thấy thế nào?
Tôi không thể nói dối. Tất cả thật mỹ mãn. Tất cả đều được lựa chọn vì tôi: món ăn, bầu không khí, âm nhạc, hương thơm. Chỉ cần nhìn thấy bông hồng đỏ nằm trên tấm vải phủ giường trắng là tất cả mọi ý nghĩ dường như biến mất. Bước vào phòng tôi là cô gái, còn bước ra là một người đàn bà, và không bao giờ quên được đêm ấy. Dường như tôi đi qua lằn ranh giữa các thế giới.

Giờ đây tôi biết rất rõ rằng ngoài tôi ra đã có hàng ngàn phụ nữ chung chăn gối với Saddam. Nhưng lúc bấy giờ tôi không nghĩ tới điều đó. Tôi phải lòng ông, và ông đã ban cho tôi một sự khoái cảm không thể hình dung nổi. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn vui sướng vì đã đánh mất sự trinh bạch trong một hoàn cảnh lãng mạn như vậy. Những người phụ nữ khác kém may mắn hơn tôi. Và cho đến tận bây giờ tôi vẫn ngạc nhiên bởi đã cảm thấy thích thú như vậy với một người đàn ông nổi tiếng tàn bạo.

Những năm về sau tôi  thường ngắm Saddam ngủ. Gương mặt mệt mỏi. Vũ khí để ở đầu giường. Thậm chí trong giấc ngủ ông ta cũng không thể thư giãn: những nỗi sợ hãi và hoài nghi không cho phép ông yên giấc. Phải chăng đây chính là người đàn ông ấy? Tôi vừa nghĩ vừa nhìn ông ta. Làm sao lại có thể như vậy?


Hôm nay, khi nhớ lại những cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với  Saddam, tôi nhìn sự việc theo cách khác. Giờ đây tôi biết rằng ông ta thường xuyên quan hệ với các cô gái trẻ và đẹp – các con trai của ông ta cũng vậy. Những người đàn ông dòng họ Saddam có những nhân viên đặc biệt chuyên săn lùng và cung cấp món hàng mới và hấp dẫn nhất. Họ quyến rũ các cô gái bằng những lời hứa hẹn hoặc đơn giản là đe dọa tra tấn họ. Quan trọng là kết quả, chứ không phải phương tiện. Tôi không nghĩ rằng người ta đối xử khác với tôi. Sự khác nhau duy nhất là ở chỗ quan hệ của tôi với Saddam không kết thúc, mà kéo dài nhiều thập kỷ. Em sẽ mãi mãi là của tôi. Tôi sẽ giết chết em trước khi chia tay với em, ông ta nói.

Saddam Hussein thích bóng tối. Trong bóng tối ông ta cảm thấy an toàn. Quân đội của ông ta thường tấn công vào ban đêm. Đêm đêm những chiếc ôtô màu đen ập đến bắt người. Máy bay của Saddam cất cánh trước khi những con chim đầu tiên thức dậy. Dưới lòng đất Baghdad ông ta đào một hệ thống đường ngầm để có thể đi lại mà không ai biết. Và càng cao tuổi ông ta càng thích xây cho mình những hang bí mật và hầm trú ẩn. Sau này khi người Mỹ tìm thấy Saddam Hussein trong một boong-ke dưới lòng đất, tôi không chút ngạc nhiên. Suốt đời Saddam sống trong bí mật. Dưới ánh sáng ông ta cảm thấy không an toàn. Nói chung Saddam không bao giờ cảm thấy an toàn. Chính vì thế mà ông ta có nhiều người đóng thế như vậy. Sự tồn tại của họ khiến ông ta yên tâm. Tôi vẫn nhớ như in những giờ buổi sáng trên giường trong ngôi biệt thự bên bờ sông. Saddam thức dậy vào lúc bình minh. Đó là thời điểm thuận lợi nhất cho việc chém giết. Tôi bắt đầu nhận ra mùi máu. Một lần ngửi thấy nó, bạn sẽ không bao giờ quên…

Trong các phương pháp của Saddam Hussein không có gì mới mẻ hay đặc biệt. Nhưng dù sao tất cả mọi người đều lờ đi những chuyện xảy ra. Không ai làm ầm ĩ, vì trong nước cũng như ở nước ngoài có nhiều người cần đến Saddam. Các công ty từ khắp nơi trên thế giới đầu tư vào Iraq. Ngành công nghiệp khai thác dầu mang lại hàng đống tiền và đẻ ra nhiều nhà giàu mới. Ai cũng có việc làm. Các nhà máy được hiện đại hóa, không ai bị đói, thậm chí phụ nữ cũng có được nhiều quyền hành hơn. Và nhiều người coi đó là công lao của riêng Saddam. Nhưng không ai ngờ rằng điều đó sẽ biến thành tai họa như thế nào. Saddam không phải là kẻ tạo dựng, mà là phá hoại. Kể cả những cái do chính ông ta xây dựng nên. Nói gì đến những thứ do những người khác trước ông tạo ra.

Tôi và Saddam gặp nhau thường xuyên. Tất cả mọi người biết điều đó, và tất cả đều im lặng. Không ai dám bàn luận về cuộc đời riêng của kẻ độc tài. Nhưng khi Saddam vẫn cầm quyền, ở bên cạnh ông ta, tôi cảm thấy an toàn. Tôi là tình nhân của một kẻ độc tài khát máu mà ai cũng sợ, và tất cả những gì họ có thể làm là im lặng và khinh bỉ tôi. Không ai bình luận về những điều đang diễn ra. Thỉnh thoảng tôi nói điều đó với Saddam.
- Ông cần gì ở em? – tôi hỏi. – Vì sao ông không để em yên?
Chỉ có thể hỏi những câu như vậy khi Saddam đang trong tâm trạng phấn chấn và sẵn sàng tán gẫu. Đáp lại, nếu Saddam hạ cố hưởng ứng, tôi luôn luôn nghe ông ta nói:
- Em là bông hoa tôi đã ngắt được và chỉ thuộc về tôi.
Hoặc là:
- Vì tôi không muốn sống thiếu em, sharka (“cô gái tóc vàng”). Em luôn luôn ở bên tôi.
Đôi khi tôi làm Saddam bật cười. Lúc đó ông ta thốt lên:
- Ồ, tôi biết làm gì với em? Em điên thật rồi!
Đôi khi để trêu chọc Saddam, tôi làm ra vẻ ghen tuông, hỏi ông:
- Ông có bao nhiêu người phụ nữ khác?
Tôi phải luôn luôn cảnh giác. Phỏng đoán tâm trạng của Saddam để không làm ông ta nổi cơn thịnh nộ. Còn nhớ, một lần tôi hỏi về những người phụ nữ khác trong cuộc đời ông ta. Saddam ngồi trên ghế bành, tôi cứ mãi tán chuyện, bỗng nhiên ông ta rút súng lục và nhả đạn lên trần nhà. Lạy Chúa! Tôi sợ hãi đến mức tưởng rằng mình sắp chết. Lại một phát súng nữa! Rồi phát nữa. Ba lần liên tiếp.
- Câm ngay, con bé tóc vàng!

Tôi không thể tha thứ cho Saddam. Không thể tha thứ cho những tội ác mà ông ta đã gây ra cho tôi và những người khác. Tôi không thể hiểu nổi khát vọng quyền lực của Saddam. Không thể hiểu nổi tham vọng phá hoại và chém giết. Nhưng mỗi dân tộc có một người lãnh tụ xứng đáng của mình. Nhiều người Iraq thời đó đã biến Saddam thành lãnh tụ của mình, bởi vì Saddam đã làm vừa lòng họ. Ít ra là hồi trẻ. Đất nước muốn nhìn thấy một con người mạnh mẽ và quyền uy trên cương vị tổng thống, có khả năng vỗ vào ngực mình và nói: “Tôi quyết định. Tôi ở khắp nơi. Hãy làm như tôi nói”.

Tôi sẽ không quên cái ngày vô tuyến truyền hình chiếu cảnh quân Mỹ lôi Saddam Hussein bẩn thỉu chui từ dưới đất lên. Trái tim tôi rỉ máu, vì ông cũng là một con người. Một con người gần gũi với tôi.

                      Trần Hậu (Theo Thanh niên Matxcova)

Comments