FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả : Tình yêu thôi màu xanh. -->

Tình yêu thôi màu xanh.

No Comments



Ở Việt Nam, không kể đến các tên tuổi hòa tấu sau này như Kitaro hay Kenny G, Paul Mauriat cùng với Richard Clayderman từng chiếm lĩnh gần như hoàn toàn dòng nhạc hòa tấu, từ các bản nhạc nền trên đài phát thanh, đài truyền hình lẫn nhạc lồng vào các mẫu quảng cáo. Dĩ nhiên, thời còn sử dụng những đĩa vinyl 33,3 vòng, các tên tuổi hòa tấu kỳ cựu hơn như Percy Faith, Bert Kaempfert, Henry Mancini vẫn xuất hiện nhưng Paul Mauriat vẫn làm bá chủ trong những năm 80. Châu Âu và châu Á, đặc biệt là Nhật, chính là lãnh địa của Paul Mauriat nhưng ở Mỹ, Paul không được đánh giá cao. Mẫu tin đăng trên New York Times được lấy từ hãng tin AFP của Pháp.


Giống như con đường của nhiều nhạc sĩ khác, Paul Mauriat xuất thân từ gia đình có nguồn gốc lâu đời là nhạc sĩ nhạc cổ điển nên ông cũng được hướng đi theo con đường này nhưng khi lớn lên, ông đi lệch hướng với truyền thống gia đình, chuyển sang jazz và pop. Năm 17 tuổi, Paul tập hợp một dàn nhạc và bắt đầu đi lưu diễn ở châu Âu. Những buổi diễn này khiến cây đại thụ nhạc Pháp Charles Aznavour để ý đến và Charles mời Paul soạn và chỉ huy dàn nhạc cho mình. Nhờ đó, Paul bắt đầu có cơ hội làm việc với các nghệ sĩ nổi tiếng người Pháp khác như Léo Ferré, Dalida, Mireille Mathieu, Jean Sablon, Raymond Lefevre.

Thành công độc lập đầu tiên của Paul là sáng tác bài Chariot (bản tiếng Pháp có thể nghe version của Petula Clark) dưới bút danh Del Roma, sau này được đặt lời Anh và đặt tựa thành I will follow him, bài hát đã sống lại năm 92 nhờ phim Các bà sơ hành động. Đỉnh cao mà ông đạt được là với việc sáng tác L"amour est bleu (Love is Blue). Năm 67, ca khúc này đã được chọn để đại diện cho Luxembourg đi thi Eurovision nhưng thất bại trước Puppet on a string. Thế nhưng về sau, Love is blue còn nổi hơn bài hát kia của Sandie Shaw. Năm 2006 ở Athens, trong vòng bán kết cuộc thi Eurovision, Love is blue là 1 trong 2 bài không đoạt giải nhất nhưng lại xuất hiện trong liên khúc chào mừng cuộc thi này. Nếu như trên thế giới, bài này nổi tiếng với giọng của Vicky Leandros còn quen thuộc ở Việt Nam là giọng của Johnny Matthis nhưng quen nhất vẫn là bài hòa tấu của Paul. Các bản nhạc hòa tấu quen thuộc dưới cây đũa hướng dẫn của Paul Mauriat thì nhiều vô số kể, ngoài Love is blue còn có El bimbo, Cerisiers roses et pommiers blancs, Mammy blue, Adieu l"ete, Adieu la plage, Toccata, Penelope…, những bài rất quen dù có thể là không biết tựa. Alla figaro, bài đầu album Transparence (1985), lại gắn với những đêm thức khuya chờ xem tín hiệu vệ tinh trước các trận đấu bóng đá trực tiếp. Bài cuối album này cũng là một bài rất hay: The ending song of love. Paul thỉnh thoảng lại có những chất liệu châu Á man mác như ở bài The Bird of Wounds (Nagekidori) hay album The colour of lovers (1994). Khi tấu nhạc Nga như Katioucha, Les Deux Guitares, Les Yeux Noirs, Kalinka trong Paul cũng chơi khá dễ chịu, nhưng hơi nhạt nhòa so với Francis Goya.

Ông cũng soạn một số phần nhạc phim, tuy không thành công được như Ennio Morricone hay John Barry. Với kiểu chơi lại các bài hát nổi tiếng, Paul có hẳn cả album có tên Soundtracks trong đó tấu lại từ mới mẻ như (Everything I Do) I Do It For You, Can You Feel The Love Tonight cho tới cũ xưa như Chariots Of Fire, Lara’s Theme. Dĩ nhiên, không phải bài hòa tấu nào của Paul cũng thành công. Rain and tears của Aphrodite"s Child, một bài hát vừa nức nở, vừa lóng lánh nhưng Paul Mauriat đã chọn một loại nhạc cụ với âm sắc tối khiến bài hát cứ đùng đục!
Paul Mauriat còn phổ cập các bản nhạc cổ điển qua các bộ đĩa Classics In The Air. Người nghe cổ điển khó tính không chịu nổi kiểu nhạc cổ điển xập xình trống điện tử như thế (nhất là khi nghe chơi lại Meditation từ vở Thais của Massenet) nhưng với người nghe phổ thông, nhờ Paul Mauriat mà Humoresque (Dvorak), Ziguenerweisen (De Sarasate) hay cả 

Symphony số 40 của Mozart hay Hungarian Dance No. 5 của Johannes Brahms trở nên quen thuộc hơn nhiều.

Trí Quyền

Bản Many Blue
Mời bạn vào link dưới để xem một bài viết hấp dẫn khác nhé ! 



Comments