OHANN STRAUSS - Báo Thù Bằng Nhạc | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

OHANN STRAUSS - Báo Thù Bằng Nhạc

No Comments

 Kim Dung là một tác giả oái oăm.

Truyện của ông thường không cho độc giả kết luận mọi sự một cách vuông vức như khuông nhạc. Trong "chính" vẫn có "tà" (như Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần của phái Hoa Sơn), mà giữa chốn tà ma vẫn có chính nhân quân tử, Hướng Vấn Thiên hay Kim mao sư vương Tạ Tốn có thể là loại người ấy.


Ông dựng lên nhiều trường hợp mà một nhà hay một phe lại chia ra hai phái, hoặc hai đối thủ, thi tài với nhau bằng người trung kẻ gian. Giang Nam Thất Quái bảy người đấu lực với Đạo trưởng Khưu Xứ Cơ của Toàn Chân phái, bằng cách mỗi bên dạy một đệ tử và hẹn sau này sẽ so tài bằng võ công, giữa Quách Tĩnh với Dương Khang.

Ở ngoài đời hay trong nhạc sử, Kim Dung có thừa chất liệu để dựng chuyện Johann Strauss thành truyện. Chỉ cần thay võ khí bằng nhạc khí.
Johann Strauss Junior sinh ra trong một gia đình khét tiếng về nhạc. Phụ thân ông, Johann Strauss Senior được tôn là "Vua Luân Vũ", The Waltz King, là nhà soạn nhạc và nhạc trưởng từng làm cả Âu Châu ngất ngây với nhịp 3/4 rất phổ thông trong dân gian. Là con của Strauss mà lại cùng tên, cậu Strauss Jr. có khi bị chìm trong mặc cảm là không thể làm gì mà thiên hạ không nhắc đến hay so sánh với phụ thân.
Có lẽ ông Strauss già cũng biết thế nên muốn con làm nghề ngân hàng hơn là chơi nhạc.
Nhưng, ông không ngờ rằng máu nhạc đã thấm sâu trong huyết quản của người con. Và rằng bà vợ của ông là một... nhân vật Kim Dung.
Chẳng là Johann Strauss Sr. có máu Đoàn Chính Thuần nước Đại Lý! Ông rất chung thủy với âm nhạc và tình yêu, nên buông rơi bà vợ Anna để sống với người tình, mà có lẽ sống khá lâu nên hai người có với nhau đến năm mặt con. Bà Anna Strauss không vui lại còn thêm hận vì ông chồng đặt tên cho đứa con ngoại hôn đầu tiên là Johann! Một dòng mà có ba Johann?
Đã thế, bà muốn Johann này phải làm cả hai Johann kia bẽ mặt!
Johann Strauss Jr. có khiếu về nhạc nhờ cả cha lẫn mẹ nên không chịu học ngành ngân hàng mà nhất quyết theo đuổi âm nhạc. Mối hận tình với ông chồng quá loạn, đã tằng tịu với người khác mà còn lấy cùng tên đặt cho đứa con ngoại hôn ấy, khiến bà Anna Strauss có thể đã có lời nguyền: Con ta sẽ làm rạng danh tông tộc, và lột mão Vua Luân Vũ của Johann Strauss Sr.!
Đấy là mình bàn thêm cho vui thôi.
Chứ bà Anna Strauss tất nhiên cũng nhìn thấy chân tài của người con. Ngược với người chồng phụ bạc, bà khuyến khích con trai theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Nhờ đấy mà Johann Strauss II trở thành ngôi sao sáng nhất trong gia đình Strauss, vượt qua thân phụ và hai người em là Josef Strauss (sinh năm 1827) và Eduard Strauss (sinh năm 1835).
Ngày nay, nói đến Johann Strauss là ta nói về người con, nhạc sĩ đã nâng điệu luân vũ từ loại nhạc đồng quê thành nhạc cung đình rồi từ đấy chinh phục cả Âu Châu và thế giới.
Vào tay Kim Dung thì cây đũa thần của Johann đã có phép màu của bà mẹ. Tình thù thì chỉ có thể báo bằng nhạc mà thôi!
Strauss sinh năm 1825 tại thủ đô Vienna của nước Áo (Austria) và... thầm yêu nhạc từ thuở ấu thơ khi thân phụ muốn mình đếm tiền hơn là gõ nhịp. Ông lén học vĩ cầm violin làm người cha nổi giận. May là nỗi giận không bền, khi ông bỏ vợ bỏ con vì một tà áo khác. Nhờ đấy, Strauss được tự do theo đuổi nữ thần âm nhạc, với sự khuyến khích của bà mẹ.
Khi bắt đầu thành tài, Strauss vẫn đụng phải cái bóng của người cha: ông đang là "Vua Luân Vũ" và những nhà hát nào ký hợp đồng với con là gây thù với cha! Không khí báo thù kiểu Kim Dung là đấy!
Nhưng, như Lệnh Hồ Xung có thể vượt làn kiếm khí của sư phụ Nhạc Bất Quần, Johann Strauss Jr. đã thoát dần khỏi sự vây bủa của người cha mà lập ra một ban nhạc riêng. Ban đầu ông còn lưu diễn ngoài xa, sau tiến dần vào vùng ánh sáng và che khuất luôn ngôi sao rực rỡ của thân phụ. Thời ấy báo chí cũng đã biết soi vào mạch tin đầy hấp dẫn: "Trận chiến âm nhạc giữa Strauss và Strauss!"
Mà từ thời ấy rồi, chính trị, chiến tranh và cách mạng cũng đã kẻ ô nhạc cho nghệ thuật.
Là người ái quốc, Johann Strauss "đi theo Cách mạng" với tuổi trẻ bồng bột rồi bị nhà chức trách làm phiền khi trình diễn bài "La Marseillaise" (của Cách mạng Pháp) trong khi thân phụ vẫn kiên trinh với chủ trương Bảo hoàng tại Áo. Thêm một mục gay cấn trong chuyện đấu nhạc giữa Strauss và Strauss!
Nhưng, Johann Strauss Jr. là người có hiếu và có lòng. Khi thân phụ mất năm 1849 (trên giường bệnh của người tình), ông hợp nhất cả hai ban nhạc của cha và của mình như một cách hoà giải qua tuyền đài.
Rồi từ đấy ngôi sao tỏa sáng mãi mãi, với những nỗ lực cách mạng khác, trong âm nhạc.
Nhạc khúc làm ông nổi danh trên thế giới "Dòng Danube xanh" ông viết năm 1867, cách nay đúng 140 năm, đánh dấu sự chuyển hướng của Strauss.
Ông giải thoát nhịp luân vũ ra khỏi cái ách 3/4 theo nhịp tiết của một điệu nhảy đồng quê để thành nhạc quý phái, trang nhã, qua âm sắc và tiết điệu mới, được trình bày bởi một dàn hợp tấu quy mô và huy hoàng hơn. Ông bay lên những đỉnh trời mà người cha chưa hề với đến, và bay qua những vùng đất mới, của "Tân thế giới".
Johann Strauss qua Mỹ trình diễn và được đón chào như một ngôi sao nhạc rock thời nay, với các phụ nữ lăn nhào vào đòi hôn tay hay vuốt ve vạt áo! Dàn nhạc của ông có sự phụ họa của một ban hợp xướng 20.000 người, trình diễn cho 100 ngàn người nghe và xem! Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 mà đã sôi nổi như vậy, nhờ tiếng nhạc Âu Châu...
Nhưng Âu Châu vẫn còn rất cổ về xã hội.
Johann Strauss có lãnh lại nghiệp tình của phụ thân. Cuộc hôn nhân thứ ba của ông nổi sóng còn hơn dòng Danube. Là người Công giáo trong xứ Austria sùng đạo, ông lại yêu nàng Adele là dân Do Thái. Cuối cùng, Strauss phải vượt biên. Ông qua Đức, cải đạo theo Thanh giáo (Tin Lành) để hủy bỏ hôn thú với người vợ thứ hai và kết hôn với nàng Adele.
Nhưng, dù bị "quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh", nói theo Vũ Hoàng Chương, Johann Strauss vẫn thiết tha nhớ về quê mẹ đang tàn tạ dần. Đế quốc Austria trên đà suy sụp là nỗi nhớ khôn nguôi của ông. Năm 1888, ông viết bài "Emperor's Waltz" để tưởng niệm 40 năm Hoàng đế Franz Josef. Lịch sử quên ngay chuyện thăng trầm ấy chứ loài người thì không quên bài luân vũ hùng tráng mà bi thương, với một đoạn coda tuyệt diệu.
Johann Strauss không gặp thế kỷ XX.
Ông mất đầu tháng Sáu năm 1899. Nhưng vài tuần trước đấy, ông có tiếp một khách phương xa. Từ rất xa đến sáu bảy ngàn cây số. Người khách rưng rưng lệ kể lại cho bà Adele Strauss những vinh dự của mình khi gặp bậc thiên tài ấy. "Vẫn trẻ trung, duyên dáng và sống động. Không thể tưởng tượng là ông lại ra đi."
Người khách ấy là một nhà văn lớn của Hoa Kỳ: Mark Twain. Kim Dung của phương Đông đến quá trễ, nếu không, chúng ta sẽ có thêm nhiều tác phẩm tuyệt vời khác về bà Anna và hai cha con nhà Strauss.
Hoặc là về sự báo thù kỳ diệu của âm nhạc.
__
TG: Quỳnh Giao -15 /5/2007

Comments