Ukraine sau Cách mạng Bolshevik năm 1917 và vị thủ lĩnh Hetman cuối cùng * | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

Ukraine sau Cách mạng Bolshevik năm 1917 và vị thủ lĩnh Hetman cuối cùng *

No Comments

 Novgorod Veliky- Thành phố mới vĩ đại', là cái nôi của lịch sử nước Nga, nằm cách Moscow gần 500 km về phía Tây Bắc, cũng là nơi phát tích của Kievan Rus, tiền thân của cả Ukraine và Nga sau này.

Năm 882, Oleg Thông thái kế ngôi của vua Rurik,người Viking và đã dời đô từ Novgorod đến Kyiv.



Chủ nhân của Kievan Rus là ai?

Novgorod vẫn giữ tầm quan trọng là thành phố thứ hai của vương quốc Đông Slavơ này. Theo phong tục, con trai cả và hoàng tử thừa kế quốc vương Kyiv được học tập và rèn luyện ở Novgorod khi chưa đến tuổi thành niên.

Nếu không có hậu duệ nam, thì Novgorod được cai trị bởi các Posadniks. Bốn vị vua Viking là Olaf Tryggve Olafson( Olaf I), Olaf II, Magnus I của Na Uy và Harald Haardraade đều chạy đến Novgorod tìm nơi ẩn náu khi thua trận.

Liên hệ giữa vùng này và các đất gốc của người Bắc Âu còn có qua...chiến trận.

Từ năm 1142 đến năm 1446, Novgorod trải qua khói lửa chiến tranh với Thụy Điển 26 lần, chống lại dòng Hiệp sĩ Teutonic 11 lần, đánh nhau với Lithuania 14 lần và cầm cự trước sự xâm lăng của Na Uy 5 lần.

Ta thấy như Nga sau này, cạnh tranh với các nước châu Âu trở thành một phần của gene chính trị mà Moscow chỉ tiếp quản.

Năm 1478, Novgorod sát nhập với Đại công quốc Moscow của Ivan III of Russia, hay còn gọi là Ivan Đại đế (Ivan the Great 1440-1505).

Từ đó, các vị vương này vươn tiếp xuống phía Nam, và trên con đường chinh phục, họ thu nạp, du nhập văn hóa, và đôi khi trừng phạt các nhóm người khác.

Sử gia Mỹ Peter Tourtchine viết trong tác phẩm 'The Rise and Fall of Empires':

"Dân Cossack là những người Nga thô lỗ và nhiệt tình sống ở vùng biên giới giữa nước Nga với lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của người Tartar gồm Crimea, Kazan và Astrakhan. Nguồn gốc của họ không rõ ràng, nhưng đến thế kỷ XVI hàng ngũ này gồm chủ yếu những nông dân bỏ trốn, nô bộc, giới thượng lưu bị phá sản và những kẻ đào tẩu khác đến từ nước Nga và con cháu họ". (trang 25).

Văn hào Nikolai Gogol khắc họa tính cách của những người di dân đó:

"Toàn thể Sech" đều đến lễ ở một nhà thờ và sẵn lòng bảo vệ nhà thờ đó đến giọt máu cuối cùng, nhưng ăn chay và chịu khổ hạnh thì chẳng ai ưng.

Chỉ vì lòng hám lợi quá to, mà người Do Thái, người Tartar và người Armenia liều mạng đến đây sinh sống và buôn bán ở ngoại ô, vì người Kozac không bao giờ mặc cả, mà hễ mua gì thì tay vốc được trong túi bao nhiêu tiền là trả bấy nhiêu. Tuy vậy, số phận bọn con buôn tham lam này cũng đáng thương lắm. Chúng giống những người định cư dưới chân núi lửa Vezuvi, bởi vì chỉ cần dân Zaporozhie hết tiền, tức thì các bậc anh hùng phá tan cửa hàng của chúng và vơ vét hết của cải không trả tiền."

Quá trình mở nước giống VN?

Việc nghiên cứu dân tộc học này làm chúng ta liên tưởng đến Thái tổ tuyên vương Nguyễn Hoàng (152-1613) chạy trốn nhà Trịnh vào Nam mở nước.

Sự gắn kết giữa Nga và Ukraine như vậy đã trải qua gần 4 thế kỷ, dài hơn lịch sử Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ. Sự pha trộn dòng máu giữa hai vùng đất gần giống như ở Việt Nam. Ở Việt Nam có thể phân biệt giọng Nam, giọng Bắc. Nhưng bảo người miền Nam hay miền Bắc không phải người Việt chắc khó thuyết phục được ai?

Việc tồn tại Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ -theo cách đánh giá của sử sách Việt Nam là kết quả của chính sách thực dân "chia để trị" có lẽ phần nào gợi sự liên tưởng tới các đường biên giới Ukraine, Nga, Belarus ngày nay?

Ukraine sau Cách mạng Tháng 10/1917 và vị Hetman cuối cùng

Ngay khi những người Bolshevik tiếm quyền ở Petrograd, Cộng hòa Nhân dân Ukraine (CHND) được khai sinh ở Ukraine. Chính quyền này lên tiếng ủng hộ ngay những người Bolshevik Moscow.

Với cái tên Cộng hòa Nhân dân Ukraine, người ta có thể hiểu ngay là một chính quyền "do dân, vì dân, do nhân dân làm chủ" như tất cả những sự lội ngược ổn định bình thường. Một nhà nước mới hẳn phải có biên giới và quyền hành pháp riêng? Vậy là một sự chia cắt mới ra đời.

Nhưng mọi sự không dễ như thế. Xin nhắc, trong nhiều thế kỷ, cùng với dòng di dân nói tiếng Đức men biển Baltic sang phía Tây, các cơ chế quyền lực Đức: Dòng tu Teutonic, rồi vua chúa Phổ, tiến đến sát Đế chế Nga.

Thế Chiến I kết thúc bằng cuộc tấn công của quân đội Đức tiến vào chiếm đóng Kyiv và phần lớn lãnh thổ Ukraine trong "Chiến dịch Faustschlag-Cú đấm", diễn ra từ 18/2 đến 3/3/1918.

Thời điểm cuối đông của chiến dịch đó có gì giống cuộc chiến 24/02 năm nay? Một sự tình cờ hay chăng? Nhưng điều xảy ra sau đó đem lại khá nhiều khúc mắc...đến tận bây giờ.

Đức dễ dàng bắt nạt CHND Ukraine, bắt chính phủ CHND ký kết một thỏa thuận riêng biệt vào ngày 9/2/1918, cũng tại Brest-Litovsk.

Đức thừa nhận CHND Ukraine, xác nhận sự từ bỏ Ukraine của những người Bolshevik, với điều kiện phải cung cấp ngũ cốc cho Đức để đổi lấy quyền tự trị, Đó là lý do tại sao thỏa ước này còn được gọi là "Hòa bình và bánh mì Brest-Litovsk".

Sau thỏa ước 9/2/1918, Hồng quân Nga từ bỏ chủ quyền tại nước Cộng hòa Donetsk và Odessa cho quân đội Anh, Pháp.

Ukraine trở thành chiến địa tranh chấp trong Nội chiến Nga giữa các nhóm vũ trang đa dạng.

Các vùng lãnh thổ ở phía đông do dân Cossack vùng Kuban và Cossack sông Đông chiếm giữ. Quân Bolshevik Nga chiếm đóng phía bắc.

Lực lượng Bạch vệ chiếm vùng Taurida ở phía nam, thành lập Chính quyền Crimea (The Taurida Governorate).

Nhắc lại, Đế chế Nga vào năm 1802 phân khu hành chính Taurida phía bắc Biển Đen, bao gồm bán đảo Crimea với thủ đô là Simferopol. Người Hy Lạp cổ đại gọi bán đảo này là "Chersonese Taurica", do đó có tên Taurida.

Lãnh thổ Taurida ngày nay được Ukraine phân chia thành hai khu vực là Kherson và Zaporizhia. Thành phố Kherson là thành phố đầu tiên quân Nga giành được trong cuộc chiến tranh lần này.

Cuộc đảo chính ngày 29/4/1918 do Pavlo Skoropadsky lãnh đạo, với sự hỗ trợ của Đức đã đặt dấu chấm hết cho CHND Ukraine, lập ra "Quốc gia Ukraine".

Pavlo Skoropadsky (183-1945), dòng dõi quý tộc Ukraine sinh tại Wiesbaden (Đức), một tướng lĩnh được Sa Hoàng trọng thưởng huân chương cao quý nhất của Nga 'Đế Chế Quân đội', là thủ lĩnh Ukrainian Army of Cossack Heritage, lên nắm chức vụ 'Hetman' - tư lệnh các lực lượng quân sự của 'Nhà nước Ukraine (Ukrayinska Derzhava).

Ông giữ sự ủng hộ các nhóm vũ trang Bạch Vệ, ủng hộ phe Nga không có sự tham gia của người Bolshevik.

Pavlo Skoropadsky tiếp nối truyền thống 'The Cossack-Hetmanate' có từ giai đoạn 1648-1764.

Những người Bolshevik không thể thuyết phục những thủ lĩnh tinh thần như Skoropadsky. Thể chế manh nha từ thế kỷ XVII, song "là một chính quyền dân chủ bán quân sự, trong đó người ta bầu ra các quan chức và mọi quyết định quan trọng đều được biểu quyết bởi tất cả mọi người. Đó là một ví dụ về xu hướng mong muốn bình đẳng ở vùng biên giới".

Những hạt giống đỏ người Bolshevik gieo trồng một cách cưỡng bức và thô thiển như chân dung các chuyên viên cấp cao của họ mà tôi mô tả dưới đây hẳn không có chỗ đứng trong 'The Cossack-Hetmanate', vị trí lãnh đạo chính trị và quân sự ở Ukraine.

"Trưởng phái đoàn Nga là một người Do Thái, Adolph Joffe, mới được thả về từ Siberia. Toàn bộ lý thuyết của ông dựa trên việc giới thiệu quyền tự quyết của các dân tộc trên cơ sở rộng rãi nhất trên toàn thế giới và khiến các dân tộc được giải phóng này yêu thương nhau [...]

Tôi đã chỉ ra với ông rằng chúng tôi sẽ không bắt chước tình hình của Nga và mỗi chúng ta đều cấm can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta. Nếu anh ta tiếp tục bám vào quan điểm không tưởng này để cấy ghép những ý tưởng của mình cho chúng ta, thì tốt hơn là anh ta bỏ đi trên chuyến tàu tiếp theo, bởi vì khi đó hòa bình sẽ không thể thực hiện được".

"Một phụ nữ trong đoàn Nga đến trực tiếp từ Siberia làm đại biểu hòa bình, tất nhiên chỉ nhằm mục đích tuyên truyền. Người phụ nữ này, trông có vẻ giống một quản gia lớn tuổi, Madame Bizenko, rõ ràng là một kẻ cuồng tín khá thiếu trí óc. Cô ta đã bắn một viên Generalgouverneur, thống đốc được lòng dân của Sa hoàng, song không chịu ngả theo cánh tả. Ra tòa, cô ta không bị xử tử mà chỉ bị kết án tù chung thân. Vào bữa tối, cô thuật lại với Hoàng tử Leopold Bavaria vụ giết người mà bà ta là hung thủ.

Vẫn cầm tờ thực đơn ăn tối trên tay trái, cô ta minh họa như cầm khẩu súng lục bằng tay phải và bắn vào bụng nạn nhân như thế nào - "hắn ta là một kẻ xấu".

Đó là ấn tượng tiếp xúc với người Bolshevik trong Hòa đàm Brest Litovsk của Ngoại trưởng Đức Richard von Kühlmann.

Tôi muốn trích nhật ký của Bá tước Ottokar Czernin (1871-1932), một chứng nhân khác có mặt tại Brest-Litovsk vào thời điểm đó:

"Những người Bolshevik này thật kỳ lạ. Họ nói về tự do và hòa giải giữa các dân tộc, về hòa bình và hòa hợp, nhưng chính họ là những bạo chúa tàn ác nhất mà lịch sử từng biết. Mục tiêu của họ chỉ đơn giản là tiêu diệt giai cấp tư sản, với lý lẽ của súng máy và giá treo cổ".

"Cuộc trò chuyện hôm nay với Joffe đã chứng minh cho tôi thấy rằng con người này không trung thực và sự gian dối của họ vượt qua tất cả là những gì ngoại giao chuyên nghiệp có thể tưởng tượng. Bởi vì để đàn áp giai cấp tư sản theo cách này, để biện minh cho tự do và phúc lành trên thế giới thì thật là dối trá".

Thời Sa Hoàng Nga, chính quyền ở Ukraine có một bộ mặt quyến rũ hơn. Chân dung một di dân, thị trưởng thành phố Odessa dưới thời Sa Hoàng như sau:

Chạy trốn Cách mạng Pháp 1789, nhà quý tộc Pháp Armand-Emmanuel de Richelieu chạy sang Nga, cầm súng trong quân ngũ Nga chống đế quốc Ottoman. Ông trở thành thị trưởng của Odessa từ năm 1803 đến năm 1805, sau đó là thống đốc Odessa và Nước Nga từ năm 1805 đến năm 1814. Richelieu đóng góp lớn trong việc chống trận dịch tả khủng khiếp tại Odessa.

Ông được coi là một trong những cha đẻ của thành phố và gắn bó thân thiết với Nga Hoàng Alexander I. Vua Pháp Louis XVIII trở lại nắm quyền mời ông về làm Thủ tướng Pháp. Chính sách của de Richelieu làm thay đổi kiến trúc và nền kinh tế cảng biển Odessa.

Nhà thơ Nga Alexander Pushkin bị lưu đày ở Odessa từ 1823- 1824, viết trong những lá thư của mình, rằng "Odessa là một thành phố nơi Bạn có thể cảm nhận được châu Âu. Ở đó nói tiếng Pháp và có những tờ báo và tạp chí châu Âu để đọc".

Putin muốn quay ngược đồng hồ nhưng đến năm nào?

Tổng thống Nga Putin muốn xóa đi dĩ vãng cộng sản của nước Nga, tội ác của Lenin, Stalin và quay lại trước năm 1917?

Bài diễn văn vài nghìn từ của ông ta gồm quá nửa là những câu chửi mắng thậm tệ Lenin - điều các sử gia ở Việt Nam hiện nay không muốn nghe.

Nhưng nhìn vào bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử Ukraine và Nga thì người ta cũng thấy có sự phản kháng Moscow, từ các thời phong kiến, đến thời Cách mạng.

Truyền thống nhà nước bán quân sự của Ukraine đã có ít nhất từ thế kỷ 17.

Pavlo Skoropadsky chính là 'Thủ lĩnh-Hetman' cuối cùng, đại diện cho tiếng nói của 'Đại hội quần chúng' Pereiaslav (Переяслав - Pereïaslav) năm 1654.'

Nội các Skoropadsky theo đuổi chính sách liên minh với một nước Nga mới không có sự tham gia của phe Cộng sản Nga. Nhưng lịch sử nước Nga đã rẽ theo một hướng khác.

Không chấp nhận phe Bolshevik, Skoropadsky đã phải chạy theo Đức. Điều trớ trêu, Đức cũng chính là kẻ đưa Lenin cùng nhiều tiền vàng trở về Nga làm cuộc cách mạng vô sản năm 1917.

Skoropadsky chết trong một trận ném bom của quân Đồng Minh vào những ngày cuối cùng của Thế chiến II tại một tu viện gần Regensburg (Đức)

Thể chế do Skoropadsky là hiện thân cuối cùng thoi thóp cho đến những năm 80 ở khu vực phía Bắc Ukraine, lụi tàn dưới chế độ Xô Viết.

Con gái của Skoropadsky, Olena Ott-Skoropadska, hiện sống ở Thụy Sĩ, giữ tước hiệu là người thừa kế ngôi vị Hetman của cha.

Bà nhiều lần trở lại thăm Ukraine và bằng ngòi bút của mình viết các tác phẩm lịch sử giành được nhiều giải thưởng.Chắc hẳn qua lăng kính chiến tranh, người Việt Nam thấu hiểu số phận và dằn vặt trong tâm hồn Skoropadsky, tiếng hờn căm trong cũi thép của con sư tử Cossack cuối cùng?

Liệu một dòng máu KGB chảy trong huyết quản của tổng thống Putin từ thủa thiếu thời và một chiến dịch bình định kiểu cảnh sát bằng xe tăng ở Ukraine có giúp tổng thống Nga chữa lại lịch sử?

Hay ông ta sẽ bị lịch sử đồ sộ, nhiều biến đổi lớn lao của chính nước Nga đè bẹp?

TG: Phạm Cao Phong / Paris.

Gợi ý: mời bạn xem video liên quan trên kênh của mình nhé: 


  Thân mến! 

Comments