Loài Thơ. | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

Loài Thơ.

No Comments

   


Mặc dù loài Thơ do loài người tạo thành, được xếp ngang với loài người vì thơ giống như con của người sinh ra, nhưng khôi hài là có một số hạng người lại bị xếp dưới loài thơ.

Loài thơ và loài người đã khắng khít nhau từ xa xưa lắm, khi chữ nghĩa còn thô sơ nhưng đã đủ làm chất liệu tạo nên loài thơ, Kinh Thi của người Trung Hoa thời cổ là thí dụ. Ca dao Việt Nam là một hình thức, phong dao tục ngữ của mỗi dân tộc đều nhờ loài thơ đại diện phát biểu, và được tôn trọng như một thứ luật lệ trong cuộc sống hỗ tương hay tối thiểu cũng là những kinh nghiệm răn dạy rất đáng chú ý. Ngay cả đạo lý và tôn giáo của Đông phương đều có dùng phương tiện thơ viết lên những áng đạo diệu huyền, như “Chí Tôn Ca” của Ấn Độ chẳng hạn.

Milarepa là một đạo sư vĩ đại của Tây Tạng và là bậc tổ sư của Trường phái “thi-ca tự do”, được nhân thế phong ông là bậc đại thi hào vì ông xiển dương đạo Phật bằng cất tiếng hát thành những bài thi ca tuyệt diệu và thâm áo. Những đệ tử và tín đồ của ông đã gìn giữ và lưu truyền được khoảng 100,000 bài “đạo ca” của ông cho đến ngày nay, được văn chương thế giới chào đón những tuyệt tác thi ca của vị đạo sư này.

Ở Trung Hoa, các tổ sư đắc đạo Thiền Phật giáo cũng dùng thơ, gọi là thi-kệ để ẩn mật truyền cho hàng đệ tử những hàm ý thâm sâu của đạo Phật mà các ngài đã thu liễm đắc thành chánh Pháp chánh quả. Khi viên tịch nhiều vị sư thầy còn ban bài kệ di huấn, để lại cho đệ tử.

Đặc biệt hơn cả, những Pháp từ của Đức Phật truyền dạy chúng sinh và hàng đệ tử của ngài, được gọi là “Kinh Pháp Cú”, con nhà Phật ở Trung Hoa huân tập lại bằng hình thức Thi-Kệ với 423 bài, truyền bá khắp thế giới thi bản này cho đến hiện nay; đây là Bộ Kinh Phật quan trọng được xem là “Kinh trấn môn” của Phật giáo, với phát biểu mạnh mẽ rằng từ Kinh Pháp Cú có thể biên soạn thành lập lại tất cả Bộ kinh lớn của đạo Phật nếu bị hủy diệt.

Cũng nên biết, bộ kinh Koran của Hồi Giáo bàng bạc ngôn ngữ thi ca, sức mạnh tâm linh của lời kinh này trở nên đầy huyền lực khi được cất tiếng ngân nga lên.

Tôn giáo ở Việt Nam không khác, ngoài Phật giáo chính thống, các giáo chủ thành lập đạo cũng dùng thi phú để chuyên chở đạo tu hành đến chúng sanh, điển hình như Đức giáo chủ Huỳnh Phú Sổ của Phật giáo Hoà Hảo, những bài thơ dạy đạo của ngài được xem như kinh điển của Đức Thầy truyền dạy.

Loài thơ thăng hoa hơn, vi diệu hơn kể từ khi tôn giáo sử dụng để chuyển tải những huyền nghĩa mà ngôn ngữ Phật giáo gọi là “bất khả tư nghị”. Thơ mộng hơn, vị thiền sư cũng là một nhà thơ lừng danh về thể loại Haiku đặc thù của Nhật Bản, thi hào Ba-Tiêu đã lưu lại cho hậu thế nhiều bài thơ hài-cú tuyệt vời.

Loài Thơ trên cương vị nào đó đã sản sinh ra một giai cấp loài người được gọi tên là “thi nhân”. Thi nhân có người trở thành thi sĩ. Văn chương ghi thành một áng thì loài người gọi là “viết” văn. Thi phú sáng tác thì được gọi là “làm” thơ. Động từ “làm” hẳn nhiên bao hàm hành động “viết”. Cho thấy sáng tác thi ca ở một tầng cao hơn sáng tác tản văn, dù rằng sự định vị này chỉ là một sự thiên vị hay tự hào của giới thi nhân. Nhưng rõ ràng là có rất nhiều nhà văn không làm chữ nghĩa thành được thơ, vì thi sĩ đọc vào cho rằng chỉ là một cách hào nhoáng chữ nghĩa đặt trong khuôn âm điệu của vần thơ.

Thế thì vịn vào đâu mà một thi sĩ từ chối một bài văn vần của văn sĩ, không công nhận đây là bài thơ? Sự việc quan trọng đầy tính “sĩ diện” này tôi không dám lạm bàn. Tuy nhiên, cá nhân từng có đọc qua những bài gọi là thơ mà không cảm nhận được là thơ chút nào.

Căn bản là tính rung động tâm hồn người đọc trước nhất không có, chỉ có hình thức “văn hay chữ tốt”; giống như sự khác biệt hoàn toàn giữa hai nhan sắc, một là giai nhân có sắc đẹp tự nhiên và một kia là sản phẩm của nghệ thuật giải phẫu thẩm mỹ, ai cũng phải thừa nhận sức hấp dẫn thuộc về một nhan sắc “nghiêng thành đổ nước” do tạo hoá nắn thành, chứ không phải bị thu hút từ một hình hài được cắt xén cấy ghép căng độn bởi bàn tay phù thuỷ của một phẫu thuật gia thẩm mỹ.

Cái đẹp tự nhiên trời cho ngoài sắc sảo mỹ miều, có nhan sắc còn ẩn chứa một nét đẹp khác, vừa tiềm tàng vừa phơn phớt, được gọi là “có duyên”, là một hình thái mà bàn tay con người hay máy móc không cách chi có thể sáng tạo được “sự duyên dáng”.

Một người có duyên có thể gương mặt không đẹp lắm, nhưng kỳ lạ là nét có duyên lại tạo sức thu hút hơn cả nhan sắc,  làm cho dung nhan bị lu mờ bởi cái duyên. Và, ai đã có duyên thì đến tuổi da nhăn má hóp, cái duyên vẫn thị hiện, vẫn thu hút thiện cảm của mọi người xung quanh.

Các vị tu hành bảo rằng do người có “cái tâm” thiện lành nên toát ra “hào quang” trong sáng và duyên dáng; “nhân-tâm-điện-lực” là một sức hấp dẫn không cần đến nhan sắc. Không như thời đại nhục dục ngày nay ví von một nữ thể gợi dục là “điện nước ga” đầy đủ.

Có người đẹp mà “vô duyên”, ngược lại, người có duyên đều trông xinh đẹp cả. Tục ngữ Việt có câu “cái nết đánh chết cái đẹp”, nết đây chính là cái tâm địa thiện lành phát tiết ra bên ngoài tạo cho người đó có một sức thu hút đầy cảm tình và tạo cảm giác an toàn cho người đối diện.

Sự duyên dáng thường cộng thêm “hiền hậu”, không những toát ra trên gương mặt còn thể hiện qua dáng dấp, lời nói, cử chỉ, gọi là một “phong thái” hay còn gọi là “tư cách” hoặc “nhân cách”.

Còn có một vẻ đẹp nữa, đó là nét thơ ngây, một nét đẹp đặc thù dành cho mọi sinh vật trong khoảng ấu thơ không riêng con người, một ngời tỏa mà loài người xưng tụng sự trong sáng ngây thơ này là nét đẹp “Thiên thần”, chỉ có tuổi thơ mới thể hiện nét đẹp thiên thần đầy ân sủng này. Lạ lùng là khi đứa bé làm bài thơ, bài thơ cũng toát lên cái thơ ngây đẹp đẽ. Đặc biệt khi nhìn một người đạo hạnh hay “đắc đạo” thường phơi phới trên gương mặt sự trong sáng ngây thơ.

Xin mở ngoặc một chút cho vui. Thành thử ra loài người có môn “tướng số” làm kim chỉ nam để đoán ra “lòng dạ” của con người (hic). Có người thì “tinh anh phát tiết ra ngoài”. Có cô nhìn vào đã thấy “văm” ngay. Thiếu nữ này có thân hình “bốc lửa”. Cô gái này không bốc lửa nhưng trông rất “đĩ thõa”. Cô trông ngây thơ, cô rất “bà chằn lửa”, cô được Trịnh Công Sơn trầm trồ “đôi môi em là đốm lửa hồng” v.v. Một thứ điện sinh lực hay tâm sinh lý nào đó của người đó toát ra, gọi nôm na là thần sắc, thần khí, sắc diện, ám khí, sát khí, dâm dật, hung dữ, hiền lành, có duyên, dễ thương, nhìn muốn cắn liền… tất cả sắc thái hay phong thái đều có rất đa dạng phong phú trong thế giới loài người mà tất cả mọi loài khác có rất ít ỏi, riêng về nữ giới thì người xưa có câu “mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng”. Nữ nhân muôn đời vẫn mới lạ và bí mật. Xin đóng ngoặc.

À, giờ thì có thể ví von được rồi. Thơ có thể không đẹp mặt chữ mà chữ nghĩa có duyên. Thơ có thể không là những con chữ trau chuốt cấy ghép nổi cộm nặng ký mà nhẹ nhàng trong sáng thơ ngây. Tóm lại, loài thơ có phong thái Thơ, một phong cách khác hẳn với văn xuôi. (Những bài thơ của bậc “thi bá” xin miễn bàn.)

Sự khác biệt nhau có thể được hiểu một cách khái quát là ngôn ngữ Thơ tiềm tàng ẩn dụ có thể tưởng tượng đến nhiều thứ, suy diễn rộng hơn; còn tản văn thì chữ nghĩa phải minh bạch rõ ràng, ý tứ phải liền lạc và cô đọng, bố cục có thứ lớp. Dù cũng có miên man khó hiểu như Kafka hay thâm sâu triết Lý của Heidegger, Lão Tử; thu hút tuổi trẻ như Nietzsche, Phạm Công Thiện, Osho, những thiên tài này đều là bậc thầy về tư tưởng, sử dụng chữ nghĩa ngoại hạng. Nhưng lời dạy của Phật Cồ Đàm thì trong sáng rõ ràng.

Thi-ca, từ ngữ này đã được dùng ám chỉ riêng cho thơ phú, nhưng ngầm bao gồm hai lãnh vực thi ngữ và âm nhạc do được “ngâm” lên và “ca” lên những ngôn ngữ đa phần diễn tả về cảm xúc; và do tạo được sự đồng cảm nên tồn tại như một tác phẩm. Trong bài tản mạn vui ngắn này nghiêng về Thơ nên không nói về nhạc.

Trở lại vị trí loài Thơ, riêng với người Việt thì thơ có vẻ rất dễ làm. Người Việt Nam có một chiều dài lịch sử và xuất hiện ca dao là một sắc thái rất đặc thù, mà, tôi thực sự chưa được biết qua sách vở rằng ca dao sinh ra thể thơ “lục bát” hay ca dao áp dụng khuôn thơ “sáu-tám” đã được sáng tạo từ trước?

Lục bát là thể thơ đặc thù của riêng người Việt Nam, đặc biệt âm thanh uốn lượn nhịp nhàng của thể thơ này phát ra giống như âm tiết của một dòng nhạc bổng trầm, với cách gieo vần “bằng” êm ái; nên ai cũng có thể dễ dàng “xuất khẩu thành thơ” ra ngay 2 câu lục bát, bằng chứng ca dao hầu hết là thơ Sáu Tám chữ.

Hình Lê Giang Trần và Phạm Công Thiện,
Houston TX 2006, bản in trên gỗ,
Nguyễn Diệu Thắng làm tặng

Cũng vì thế, người ta ví von “mỗi người Việt là một thi sĩ”, nhưng sự nhận xét này mang tính giễu cợt nhiều hơn là xưng tụng, bởi vì đây là một công thức giản dị về gieo vần, người bình dân mù chữ vẫn dễ dàng “nói ra thơ lục bát” vì ca dao ai cũng thuộc làu khá nhiều, kể cả những bài “hát đưa em” là những bài hát bình dị được chế tác dùng ru ngủ trẻ em, chưa kể cũng rất nhiều những câu hò ngâm nga, đối đáp, giúp cho người nông dân vui vẻ hưng phấn tinh thần, quên đi nhọc mệt khi cùng nhau làm công việc đồng án.

Do thơ lục bát bị lạm dụng tràn lan, giới nào cũng biết cũng dùng, lục bát trở thành một thể thơ “khó nuốt”, tránh né, đối với thi nhân, bởi vì rất dễ bị đồng dạng, bị chìm nghỉm trong âm thanh quen thuộc của vần điệu. Làm bài thơ lục bát khác nào mang một hạt cát đặt vào giữa sa mạc. Mang lục bát phổ nhạc nếu không phải một nhạc sĩ tài ba thì vẫn nghe  ra hơi thơ này. Nguyễn Du dùng Lục Bát viết lại “Đoạn Trường Tân Thanh” thành “Truyện Kiều”, tài ba đó có một không hai; và mãi sau này cho đến thời 20 năm “Văn học miền Nam” mới xuất hiện Phạm Thiên Thư với “Động Hoa Vàng” mới thấy được trầm trồ. Còn những “Lục Vân Tiên” v.v. Không trở thành một áng thi ca tuyệt tác được, dù rằng cũng là những tác phẩm trường thi quan trọng trong kho tàng văn học.

Vì khuôn 6-8 không thể gieo vần “Trắc” được nên Lục Bát phát minh chuyển thành  “Song Thất Lục Bát”, ghép thêm hai câu 7 chữ vào để có thể dùng chữ âm trắc gieo vần hoà vào, cho phép bài thơ dùng được chữ trúc trắc đặt vào vị trí muốn diễn đạt ý nghĩa, điển hình như Trường Thi “Chinh Phụ Ngâm”. Tuy nhiên thể thơ này đã không còn thịnh hành.

Thế là loài thơ có nhiều dòng nhiều họ, phái văn chương “Sáng Tạo” xuất hiện tại Sài Gòn thủ đô của miền Nam, dưới sự thống lĩnh của thi-văn sĩ Mai Thảo, và những nhà thơ thuộc trường phái “Tự Do” chủ trương “Thơ Mới”, nổi bật như Thanh Tâm Tuyền v.v. Phái Tự Do Thơ Mới cách tân kể cả hai loại thơ phát xuất từ Trung Hoa là “thất ngôn bát cú” và “ngũ ngôn tứ tuyệt”, không còn bị ràng buộc bởi niêm luật nữa. Bùi Giáng không còn câu nệ chi, lục bát của ông thượng thừa mà thơ bảy tám chữ cũng trùm thiên hạ; Du Tử Lê là hoàng tử Lục Bát, là vua thơ tình; Phạm Công Thiện với chữ nghĩa sáng tạo mới, nổi tiếng với thi tập “Ngày Sinh Của Rắn”;  một số thi sĩ về nước mang theo hơi hướm Paris như Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng… và rất nhiều thi sĩ tuyệt vời khác, đã đánh dấu cho 20 năm văn học miền Nam vượt qua khác hẳn thời văn chương “Tiền Chiến” Hà Nội. Tất cả thi-văn-nhạc sĩ này đã ảnh hưởng sâu đậm đến tầng lớp học sinh sinh viên thời bấy giờ, và còn mãi sự kính trọng một thời điểm văn học đột phá mãnh liệt trong 20 năm ngắn ngủi, rồi bị đóng lại kể từ ngày 30 tháng tư, 1975.

Sau một thời gian ngắn tạm ổn định việc định cư, đời sống người Việt tị nạn khắp nơi trên thế giới bắt đầu được tô son điểm phấn trở lại bằng văn chương và thi ca. Loài Thơ hồi sinh cùng loài người. Thơ là loại dễ hình thành để bày tỏ xúc cảm nên nhanh chóng ồ ạt xuất hiện.

Không bao lâu, thi sĩ Khế Iêm thành lập và kêu gọi thi nhân tham gia vào một dòng Thơ mới được ông chủ trương, đó là “Thơ Tân Hình Thức”. Dòng thơ này riêng một cõi cho đến nay, tiếc rằng lối thơ mới này bùng phát trong một giai đoạn rồi đứng riêng ra một cõi. Đến nay giáo chủ Khế Iêm vẫn tiếp tục bỏ công sức đưa ra những biên khảo dày cộm để xiển dương chủ trương của mình về thơ tân hình thức, với hy vọng trong một tương lai không xa sẽ trở thành một dòng thơ phổ thông mới, vì theo ông, thơ cũ đã không còn sức sống, nếu không muốn nói là đã chấm dứt thời đại của “thơ tự do” và “thơ mới”. Đương hiện thời đã có một số người làm thơ trẻ tuổi trong nước chọn con đường tân hình thức cho thơ dấn bước tiến lên. Chờ xem.

Nhiều năm qua, tôi đã rất ít làm thể thơ tự do, loại mà tôi thể hiện xúc cảm thoải mái không bị ràng buộc chi, và đa số đều được tôi hài lòng. Bỗng dưng Lục Bát kêu gọi tôi mãnh liệt. “Loài Thơ” này bỗng gần gũi thân mật như một cẩu-bé quấn quýt bên chân mình không rời. Khiến tôi bỗng yêu cô Sáu Tám. Tự mình đâm ra thân thiết với nàng thơ này.

Hôm nay tản mạn một chút về loài Thơ, một “không gian” mà định mệnh đã đẩy tôi vào, khi đời sống lưu vong và tình yêu xô tôi rơi xuống đáy hố thẳm. Dưới đáy sâu vô vọng ấy, loài thơ hiện đến như một nàng tiên, an ủi tâm hồn tôi, thơ hoá thành một chiếc thang dây để tôi trèo lên mặt đất trở lại, đón nhận lại ánh sáng, và cảm tạ những bàn tay bạn hữu đã đưa ra, đã níu giữ chiếc thang, đã vỗ vai cho tôi lực đứng lên đi tiếp quãng đường đời. Những vị thi sĩ mà tôi có duyên được kết giao đều khuyến khích đứa em này tiếp tục thở bằng hơi thở của thơ, những Mai Thảo, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Ngọc Hoài Phương… và gần gũi nhất, Phạm Công Thiện, Cao Đông Khánh, Nguyễn Tất Nhiên, Lữ Mộc Sinh, Phạm Việt Cường, Nguyễn Diệu Thắng… một thời Bolsa ấy…

Từ đó tôi có hai nhân cách trong một con người: loài người và loài thơ. Khi hiện hữu là loài người thì đương đầu với miếng áo chén cơm, làm việc để chi trả cho cuộc sống như mọi người. Khi hiện thành loài thơ thì lãng đãng như kẻ vô trí, trái tim là chủ đạo, lý trí khó chen vào, chỉ có đạo Phật là có khả năng cảnh tỉnh tâm thức này; vì thế một nhân cách tâm linh lại tách ra riêng, không can thiệp vào sinh hoạt loài thơ nữa, nhưng lại ảnh hưởng đến nhân cách loài người.

Nói gì thì nói, tôi đã chịu ơn loài thơ. Cách đáp lại là cư xử với thơ bằng một nhân cách con người hiền lành, cứ ở hiền. Trải qua đến nay, tôi với loài thơ vẫn là tri kỷ. Đã đôi phen phụ nàng đi theo nàng khác, thế mà nàng vẫn im lặng kiên trì sống âm thầm bên cạnh. Mỗi lần “nàng người” chán chường, khi dễ, rồi rời bỏ tôi, thì nàng loài thơ lại hiện ra bên cạnh an ủi vỗ về chia chung nỗi buồn câm lặng.

Loài thơ đã tặng tôi một sức sống.

Lê Giang Trần
(30,31 tháng 5, viết để nhớ Ngày sinh của rắn Phạm Công Thiện 01 tháng 6)


Comments