Sự thất bại của Giáo Dục Hiện Tại. | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

Sự thất bại của Giáo Dục Hiện Tại.

No Comments

 Từ bao nhiêu năm nay, dù Viện Đại Học Vạn Hạnh đã được thành lập và trưởng thành giữa những hoàn cảnh khó khăn, dù Viện Đại Học là Viện Đại học nghèo nhất ở Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn không bao giờ không tô đậm ý nghĩa của sức mạnh tinh thần, nhấn mạnh ý nghĩa của đời sống tâm linh đánh thức lòng tự tin của tuổi trẻ và vẫn luôn luôn cố gắng giữ vững tinh thần bất lay chuyển trước những biến động cuồn cuộn của thời thế. 

Giữa sự khủng hoảng tràn lan khắp mọi bình diện hiện nay, chúng tôi vẫn đặt niềm tin vào sự lớn mạnh của trái tim con người sau một cơn bệnh nặng, chúng tôi vẫn tin rằng mọi sự khủng hoảng đều cần thiết vì mỗi lần khủng hoảng là mỗi lần con người được thăng chuyển qua bình diện bi đát: vì con người chỉ thực sự được lay động, được đánh thức dậy vào những giây phút khủng hoảng; khủng hoảng giúp đỡ cho chúng ta thấy được mọi sự qua một luồng ánh sáng khác, giúp đỡ cho chúng ta thấy được những giới hạn, những hoàn cảnh giới hạn, và chỉ khi nào chúng ta được đánh thức để nhận ra, nhìn thấy những hoàn cảnh giới hạn cả mình thì lúc ấy cũng là lúc mà mình nhận ra những khả tính vô hạn nằm ẩn trong những giới hạn của chính mình. 

Khủng hoảng đưa chúng ta đối mặt với giới hạn, nhưng chính giới hạn có hai ý nghĩa tích cực và tiêu cực, hoặc là chúng ta đứng lại trong giới hạn và tuyệt vọng chết đi trong đó, hoặc là chúng ta vượt qua giới hạn bằng sức mạnh tâm linh, bằng tinh thần bất lay chuyển của mình: giới hạn là giới tuyến giữa cái có thể làm được và cái không có thể làm được. Bên này giới hạn là phạm vi của ý chí chúng ta, bên kia giới hạn là phạm vi của niềm tin. Tin rằng cái không thể làm được vẫn có thể làm được, phải chăng đó là đặt một ý nghĩa vào trong sự vô nghĩa? Ý nghĩa của giáo dục, trong ý nghĩa đầu tiên của nền văn minh Tây phương, phải chăng chỉ tin rằng con người có thể được đưa ra khỏi bóng tối của hang sâu để nhìn thấy được ánh sáng thực sự ở bên ngoài kia, như Platon đã tượng trưng trong quyển République? Đối với quan niệm đầu tiên của Tây phương thì giáo dục (paideia) có nghĩa là quay ngược lại toàn thể tâm thức (periagogeholes tes psyches) tức là quay ngược con người từ bóng tối ra ánh sáng, từ chỗ quen thuộc ra chổ mới lạ, nói cho đúng nghĩa nguyên thủy Phật giáo hơn “Patichannam và viereyya” nghĩa là quay hướng con người từ chỗ che giấu ra chỗ mở bày: chổ mở bày hé lộ ra ấy được gọi là chân lý (aletheia). Chúng tôi vẫn thường nói đến chân lý, tự do và nhân tính: ý nghĩa của giáo dục là biến đổi, thăng chuyển con người bị nô lệ trong hang tối trở thành con người tự do và con người chỉ thực sự là con người là khi con người tự do; nhân tính chỉ được thực hiện đồng lúc với tự do và tự do chỉ thực hiện đồng lúc với chân lý. Do đó, chúng ta phải nhận ngay rằng: “bản chất của giáo dục đặt căn bản trong bản chất của chân lý”. Giáo dục và chân lý vẫn liên quan mật thiết với nhau: con đường từ vô giáo dục (apaideusia) đến giáo dục (paideia) là con đường dẫn tới chân lý.

Sự thất bại của giáo dục hiện nay là sự giải thích sai lầm về bản chất của giáo dục (l’essence de la paideia). Đối với Platon, bản chất của giáo dục không phải chỉ là đổ rót những kiến thức vào một tâm hồn thiếu chuẩn bị, giống như đổ nước vào một chậu trống không. Giáo dục đúng nghĩa là lay chuyển triệt để tâm hồn, biến chuyển trọn vẹn tâm hồn, đưa con người đi đến bản chất thực thụ của con người; do đó, giáo dục có nghĩa là quay ngược con người lại và đưa con người đến sự thể hiện sự thật ngay trong bản thể của con người.

Không phải là vô cớ khi chúng tôi nhắc đến Platon và ý niệm của Hy Lạp về “Giáo dục” (paideia) vào ngày tổng khai giảng hôm nay, cũng như vào dịp tổng khai giảng mấy năm trước. Vì vào năm 387 trước Tây lịch, Platon đã sáng lập một học viện đầu tiên của Tây phương (có tên là “Académos”), chính học viện ấy là cha đẻ ra tất cả những đại học Tây phương sau này. Và quan niệm “giáo dục” của Platon không phải chỉ là quan niệm triết học mà còn là quan niệm chỉ huy trọn vẹn cả nền văn minh Tây phương trong mọi lãnh vực, mọi phạm vi (chính trị, xã hội, văn hóa), mặc dù sau Platon trở đi cho đến ngày hôm nay thì quan niệm “giáo dục” trong ý nghĩa nguyên thủy đã bị xuyên tạc, hiểu sai và “bản chất của giáo dục” bị tước mất và chỉ còn là “cơ quan giáo dục”. Những cơ quan giáo dục chỉ còn bận tâm đến những tổ chức giáo dục mà bỏ quên “bản chất của giáo dục”.

Ở Đông phương chúng ta, học có nghĩa là học đạo. Người quân tử học để hiểu rõ cái đạo (quân tử học dĩ tri kỳ đạo). Nhưng thực sự, không riêng về Tây phương mà ngay cả ở Đông phương, cái học càng trở nên “học làm quan” chứ không còn “học đạo”. Vì không còn “học đạo” nên mới có sự tranh chấp hơn thua, sự nô lệ bằng cấp, sự nô lệ quyền thế bổng lộc, nô lệ phe phái bè nhóm, nô lệ phẩm trật; sự phân hóa giữa những giới học càng lúc càng trầm trọng và Đại Học đường không còn là nơi “học đạo” mà trở thành cơ sở tổ chức giúp đỡ phương tiện để người ta “học” cho được một địa vị trong phẩm trật xã hội mà ở đó con người chà đạp lên trên con người.

Khi chúng ta nói đến “học đạo” thì không có nghĩa là “học đạo đức” hay “học đạo Phật” hay “học bất cứ một tôn giáo nào khác”. Học đạo, đối với chúng tôi, có nghĩa là “học chân lý, học sự thật”, “học cách di chuyển từ bóng tối ra ánh sáng”. Con người ấy có thể không phải là con người đi ô tô lộng lẫy mà là con người đi chân không để học đạo và dạy đạo giữa những ngã tư đường nóng lạnh ở Athènes. Chính con người đã đi hai chân không ấy đã đào tạo ra nền văn minh Tây phương. Chúng tôi ước mong rằng Viện Đại Học Vạn Hạnh sẽ được là một Viện Đại Học đi chân không giữa sự tấn công ào ạt của vật chất lộng lẫy hiện nay.

Sự cố gắng của Vạn Hạnh là duy trì ba mục tiêu chính yếu:

  1. Tinh thần đại học,
  2. Giá trị đại học,
  3. Không khí đại học

Thực ra ba mục tiêu chỉ là một: đó là tinh thần đại học vì giá trị đại học và không khí đại học là hậu quả của tinh thần đại học.

Nói đến tinh thần Đại học là nói đến tinh thần tự trị không để cho những vấn đề chính trị, tôn giáo, địa phương chi phối đường hướng thuần túy giáo dục của một Đại học. Đại Học không phải là môi trường để những vị hành chánh, những vị giáo sư, lợi dụng địa vị của mình, ủng hộ tôn giáo của mình, cho đường hướng chính trị của mình hay kết bè kết phải lũng đoạn Đại Học, phục vụ cho quyền lợi riêng tư của mình và phe nhóm mình. Làm vậy là vi phạm tinh thần vô tư và tự trị Đại học và cũng gieo mầm giống rối loạn cho tương lai. Tự trị Đại Học là một bảo đảm căn bản để mỗi Đại học, mỗi giáo sư có thể thực hiện đường hướng giáo dục của mình mà không bị chi phối bởi những ảnh hưởng phi Đại học, phi giáo dục. Tự trị Đại học không có nghĩa là muốn làm gì thì làm, tự trị Đại học là tinh thần tự lập tự giác giúp giáo sư và dạy cho sinh viên tự mình biết suy tư, tìm hiểu, biết phê phán và sáng tạo, biết tự quyết định và tự chịu trách nhiệm những quyết định của mình, không ỷ lại, không ngoan ngoãn nhắm mắt để người khác quyết định đời sống cho mình. Khi đức Phật dạy: “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự thắng mình là chiến thắng oanh liệt nhất”. Đức Phật đã đặt nền móng cho một nền giáo dục tự lập tự giác.

Chúng tôi giới thiệu sơ lược những mục tiêu, những cố gắng của chúng tôi để thực hiện một phần nào lý tưởng giáo dục mà chúng tôi nguyện phục vụ. Trong hoàn cảnh chiến tranh hiện tại, với những hạn chế tài chánh và nhân sự mà chúng tôi gặp phải, chúng tôi thấy trước những khó khăn và những trở ngại trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu trên. Nhưng chúng tôi tự nghĩ không có sự phục vụ nào tốt đẹp hơn là sự phục vụ cho lý tưởng giáo dục, cho tuổi trẻ Việt Nam hiện tại, một tuổi trẻ đã chứng kiến bao nhiêu sự đau thương của chiến tranh.

Sứ mệnh gần nhất và thiết thực nhất của chúng tôi hiện tại là làm sống dậy lòng tin của tuổi trẻ, tin tưởng ở khả năng của chính mình, tin tưởng ở bậc đàn anh của mình, tin tưởng ở tương lai tốt đẹp của dân tộc, tin tưởng ở giá trị thiêng liêng của giáo dục và của con người.

Nguồn: uyennguyen.net

Comments