Chiến tranh Việt Nam là sự bùng nổ... | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

Chiến tranh Việt Nam là sự bùng nổ...

No Comments

1.
Vấn đề Đông phương và Tây phương thực ra chỉ là một vấn đề giả tưởng (vì vấn đề vốn là giả tưởng), nhưng chính vấn đề này lại là một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất đến nỗi nó trở thành sáo, cũ, nhàm. 
Đứng ngay tại nguồn suối thì không có sự phân chia gì cả, nhưng xa nguồn thì phát hiện lên đủ loại, đủ vật, đủ màu sắc. Sự phân chia “Đông phương và Tây phương” chính là một tác phẩm của Tây phương, vì Đông phương đúng nghĩa là Đông phương thì một là tất cả (Đông phương là Tây phương); đồng thời, khi Tây phương xa nguồn thì Tây phương cũng không còn đúng là Tây phương và lúc nào Tây phương thể hiện được bản tính Tây phương thì tất cả chính là một (Tây phương là Đông phương). Nhưng cách nói “tất cả” và “một” này dễ rơi và nguyên lý đồng nhất!)


Hiện nay, 
Tây phương đã xa nguồn và bỏ quên hẳn tính Tây phương (“bản tính” ở đây được hiểu theo nghĩa “ousia” của Socrate và Platon), và cả Đông phương thì cũng không hơn gì Tây phương; hiện nay Đông phương cũng đã xa nguồn và bỏ quên bản tính Đông phương. Ngay cả những nhà văn hóa thiện chí nhất cũng muốn “làm một cái gì” để phục hồi lại cái gọi là “tinh thần Đông phương” thì việc làm của họ cũng phải thất bại ngay từ bước đầu, vì họ đã tìm hiểu Đông phương và bênh vực Đông phương bằng chính phương tiện ý niệm của Tây phương: Chẳng hạn không ai hiểu Phật giáo cho bằng nhà học giả D.T. Suzuki và cũng không ai hiểu đạo học Ấn độ cho bằng S.Radhakrishnan, thế mà dù hai người học giả này có uyên bác đến đâu đi chăng nữa thì ngôn ngữ và tư tưởng của họ cũng bị nô lệ vào phương trình A= A, tức là nguyên lý đồng nhất (principe d’identité) của Tây phương: Không có nguyên lý đồng nhất thì Tây phương không có triết lý, không có khoa học và cũng không có kỹ thuật cơ khí khả dĩ lay động toàn thế giới như hiện nay. D.T. Suzuki và S. Radhakishnan còn bị kẹt một cách vô thức như thế, huống chi là những nhà Đông phương học khác mà thế đứng lại còn quá thấp đối với hai bậc đàn anh trên?
2.
Chẳng hạn như những kỉ niệm “tổng hợp”, “hòa đồng”, “thống nhất”, vân vân, mà những vị học giả Đông phương thường đem ra để nói lên tính chất tinh thần Đông phương, thực ra những ý niệm ấy chỉ có hình thức là Việt Hán mà ý nghĩa thì đã vô tình đồng hóa với những ý niệm Tây phương, rất Tây phương: người ta chỉ cần học kỹ Hegel một tí thì không còn dám sử dụng mấy chữ “tổng hợp” một cách bừa bãi được, vì dù Đông phương có “tổng hợp” đi nữa thì không thể nào “tổng hợp” theo kiểu Hegel được : người ta có thể ý thức được như vậy, thế mà người ta vô tình lý luận như Hegel, mặc dù không đọc Hegel (càng không đọc Hegel thì lại càng vô tình chịu mắc kẹt chết trong lý luận của Hegel mà không biết!), và dù có đọc Hegel, hiểu Hegel rồi chống lại Hegel (như trường hợp Kierkegaard, Karl Marx và Nietzsche ở bên tả, và trường hợp Saint Simon, Auguste Comte và Julius Stahl ở bên hữu) thì cũng bị mắc kẹt vào Hegel: chỉ có thể nhảy qua bóng Hegel là khi nào mình để cho Hegel được là thế: Hegel thế nào thì được nhìn như thế: chữ nhà Phật gọi như thực kiến, Yathàtathyadarsana
3.
Đông phương hiện nay đã nô lệ Tây phương, sự nô lệ này trải qua hai giai đoạn: 1). hình thức vật chất và 2) nội dung tinh thần (ngay cả với phân chia giai đoạn ở đây cũng nô lệ vào những phạm trù Hy Lạp “hình thức/nội dung” và “vật chất/ tinh thần”!). Nô lệ kinh tế, nô lệ chính trị, nô lệ tiện nghi vật chất, nô lệ kỹ thuật cơ khí, tất cả mọi sự nô lệ này đã nguy hiểm như thế nào thì ai cũng rõ, nhưng có một thứ nô lệ tinh vi nhất và nguy hiểm nhất là nô lệ tư tưởng Tây phương, nô lệ ý niệm Tây phương, và sự nô lệ này càng nguy hiểm nhất khi nó là một sự nô lệ trong tận nơi tiềm thức và vô thức (ngay cả dùng ý niệm “tiềm thức” và “vô thức” ở đây cũng nô lệ ý niệm Tây phương!)
Đông phương hiện nay chỉ thoát khỏi Tây phương là khi nào Đông phương hiện nay hiểu được sự xa nguồn của Tây phương hiện nay và tìm lại con đường đi về bản tính Tây phương, đồng thời, Đông phương cũng phải hiểu rằng mình đã xa nguồn và cũng tìm lại đường trở về bản tính Đông phương. Chỉ có một sự đối mặt có ý nghĩa là sự gặp mặt nhau ở suối nguồn.
4.
Đối với chuyện “đối thoại”, “cảm thông”, “trao đổi”, “đối diện”, “gặp gỡ”, những tiếng thời thượng mà người ta đã tung ra khắp nơi ở khắp Việt Nam thì không ai hiểu ý nghĩa những tiếng này bằng người cha đã đẻ ra chúng: Martin Buber, tác giả quyển sách nổi tiếng khắp thế giới nhan đề “Ich und Du” (Tôi và Anh). Martin Buber là một nhà thần học Do Thái, đã ảnh hưởng sâu đậm tới những nhà thần học Tin lành và Công giáo trong mấy chục năm nay. Trong giới thần học Thiên Chúa Giáo, người ta hay dùng chữ “Dialogue” và ở Việt Nam thì giới trí thức Công giáo dịch lại là “Đối thoại”.
Người cha đẻ ra tinh thần “đối thoại” là Martin Buber, nhưng ngay trong quyển “Ich und Du” quyển đề cao tinh thần “tôi và anh” đề cao tinh thần “thông cảm đối thoại” thì nhà thần học hữu thần Martin Buber đã tỏ ra không thông cảm, không đối thoại gì với Phật Giáo! (xin đọc “Ich und Du” phần III).
Ngay người cha đã khai sinh ra tinh thần “đối thoại” thì còn thế, huống chi là ở Việt Nam, mỗi khi có kẻ nào nói đến “đối thoại” thì chúng ta cũng dễ cảm thấy ngờ vực.
5.
Nhà trí thức văn nghệ tiến bộ như Arthur Koestler, sau một chuyến đi ngắn hạn qua Nhật Bản và Ấn Độ để tìm đạo lý khi trở về Tây phương viết một quyển sách mỉa mai nhan đề là The Lotus and the Robot, Trong quyển sách ấy, Arthur Koestler đã kể lại sự tìm hiểu đối mặt của ông đối với Đông phương và ông kết luận rằng Đông phương hiện nay cũng tồi tệ và hư nát, còn tồi tệ và hư nát hơn cả Tây phương: ông cho rằng ông không thấy cái gì ra hồn ở Đông phương hiện nay cả sự tự an ủi rằng người Tây phương phải về “tắm ở ao nhà” mà ông bày đặt qua một chữ mới là “philousia” (ghép chữ Hy Lạp “philos” là “yêu” với chữ Hy Lạp “ousia” là “bản tính”).
Trường hợp Arthur Koestler cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ : mặc dù Arthur Koestler đã tỏ ra chẳng hiểu gì Đông phương cả (người dơ thì thấy cái gì cũng dơ), mặc dù cái óc của Arthur Koestler là một cái óc lý sự hạ cấp và đốn mạt, nhưng người Đông phương cũng phải nhận rằng lời tố cáo của Koestler cũng không phải không có lý do.
Arthur Koestler, đại diện cho Tây phương xa nguồn, lại đi phê bình chỉ trích Đông phương mà chỉ nhìn thấy bộ mặt xa nguồn của Đông phương hiện nay: hai cái xa nguồn đối mặt nhau thì tất nhiên xảy ra cái xa nguồn nhân cho ba!
Mỉa mai nhất là chính C.G. Jung, người có tiếng là “hiểu” Đông phương, lại viết thư ca tụng quyển The Lotus and the Robot của Koestler! (Bức thư được Koestler cho in thành lời bạt quyển sách).
6.
Những nhà văn hóa Đông phương thường kính phục C.G.Jung vì ông này đã tỏ ra “hiểu” được Kinh Dịch, Thiền, Tông, Mật Tông, Lão Tử, vân vân. Nhưng nếu chúng ta chịu khó tinh ý hơn mà đọc kĩ lại nhiều lần toàn thể tác phẩm tâm lý học của C.G. Jung thì chúng ta thấy rằng C.G. Jung chính là đứa con trung thành của văn hóa Tây phương  và toàn thể lý luận C.G. Jung là bị kẹt vào trong truyền thống Tây phương.
Đông phương thường hay bị Tây phương chà đạp, thỉnh thoảng gặp được một người Tây phương “chịu khó” tìm hiểu mình một chút thì mừng lên như trẻ con được kẹo: Ấn Độ đã tặng cho C.G. Jung ba bằng cấp tiến sĩ, một của đại học Allabahad và hai của trường đại học Bénarès và Calcutta: khi được tặng ba bằng tiến sĩ, C.G.Jung tự nói thầm “hơi quá đấy” rồi sau đó ông bị kiết lỵ (ở đây, chúng ta có thể mỉa mai dùng “phân tâm học” để giải thích hết được !), vừa hết bệnh kiết lỵ thì C.G. Jung lại nằm mộng, một giấc mộng mà C.G. Jung gọi là “giấc mộng hoàn toàn có tính cách Âu châu”, “giấc mộng bôi sạch hết tất cả ấn tượng Ấn Độ”, chính giấc mộng dường như nói với Jung như Jung tự thú nhận: “Mi làm gì ở cái đất Ấn Độ này?” (xin đọc C.G.Jung, ma vie, trang 322-324) C.G.Jung, đứa con trung thành của Tây phương, đã lấy giọng trịch thượng hàm hồ đề cao Đông phương (thực ra đề cao tâm lý học của chính ông ta) rồi trở về phụng sự cho Tây phương, giải thích uyên bác toán loạn hai chữ “psyché”. “logos” và “éros” của Hy Lạp để rồi cuối đường đời thú nhận: “con người chỉ là một thành phần, không bao gồm cái toàn thể… Dù con người có nhu thuận hay có nổi loạn chi nữa, con người vẫn luôn luôn bị vướng kẹt vào cái toàn thể và bị nhốt vào cái toàn thể (…) Nếu con người có được một tý khôn ngoan thì con người hãy bỏ võ khí xuống và kêu gọi cái igonlum per ignotius –  cái điều không được biết bởi một điều còn không được biết hơn nữa – tức là cái tên của Thượng Đế” (C.G.Jung, pensées tardives).
Có lẽ các nhà văn hóa Đông phương thích mượn những ý niệm của C.G.Jung để giải thích bênh vực Đông phương phải ý thức rằng giải thích bênh vực Đông phương bằng những ý niệm C.G.Jung thì chỉ là giải thích bênh vực C.G.Jung thôi, chứ không có gì là Đông phương cả!
7.
Có một người Tây phương vẫn là Tây phương, vẫn giữ đạo Công giáo một cách triệt để hoàn toàn mà vẫn hiểu được Đông phương, đó là linh mục Thomas Merton. Thomas Merton cũng là một thi sĩ nổi tiếng của nền văn chương Mỹ hiện đại, ông là linh mục thuộc dòng tu khổ hạnh trappiste.
Linh mục Thomas Merton đã đối thoại với D.T Suzuki, với Phật giáo, nhất là Phật giáo Thiền Tông (Zen). Tác phẩm linh mục viết và được xuất bản năm 1968, nhan đề Zen and the Birds of Appetite, đây là một tác phẩm mà bất cứ nhà trí thức công giáo nào cũng cần phải đọc để chiêm ngưỡng tinh thần “đối thoại” đúng ý nghĩa nhất của một tín đồ Công giáo đối với Phật giáo. Linh mục Thomas Merton đã hiểu Phật giáo hơn cả những tín đồ Phật giáo thuần thành nhất! Ngay lời tựa mở đầu quyển Zen and the Birds of Appetite Thomas Merton viết như vầy: “có phải các ngài trờ tới nghiên cứu Thiền tông với ý tưởng rằng có một cái gì khả dĩ thu đạt được?”. Rồi Thomas Merton so sánh những người tìm tới nghiên cứu Thiền Tông như những con ác điểu ăn thịt, rồi linh mục nói tiếp: “Thiền Tông không cung cấp thịt cho ác điểu đâu. Không thể tìm được một xác chết ở đâu cả. Những con ác điểu có thể bay xà lượn tới lượn lui một chập ở nơi mà chúng tưởng có xác chết. Nhưng rồi chẳng bao lâu chúng sẽ bay nơi khác. Khi chúng bay đi nơi khác rồi thì Không tánh và Vô tướng vẫn ở đó bỗng đột nhiên xuất hiện. Đó chính là Thiền, Zen.”
Khi nói đến “những con ác điểu”, linh mục Thomas Merton muốn nói đến những người Tây phương. Trong lời hậu từ quyển sách (postface), Linh mục viết như vầy: “ bất cứ nỗ lực nào để lãnh hội Thiền tông qua ngôn ngữ thần học đều bắt buộc phải thất bại sai lầm” (any attempt to handle Zen in theological language is bound to miss the point).
Chính linh mục Thomas Merton đã từng rơi vào sai lầm ấy, rồi vượt qua được sự sai lầm kia, rồi mới nói được câu trên.
Nhưng không phải ai cũng vượt qua được như Thomas Merton.
8.
Maurus Heinrichs, linh mục dòng Franciscain người Đức, tác giả quyển théologic catholique el pensée asiatique  (Casterman x.b 1965) đã cố gắng chân thành “đối thoại và thông cảm” với Đông phương, mặc dù linh mục Heinrichs đã tỏ ra rất uyên bác về đạo lý Đông phương (cả cổ lẫn kim), mặc dù ông rất muốn “hai thái độ nhìn đời của hai bên phải bổ túc hỗ tương lẫn nhau” (nous pouvons dire que ces duex facons de vior doivent se compléter mutuellement, trang 159), nhưng rải rác đây đó toàn quyển sách ông không tránh được cách nói như “malgré cela…”, “du point de vue purement théologique et simplemet chrétien…” vân vân. Do đó, linh mục Maurus Heinrichs không được như linh mục Thomas Merton, vì Maurus Heinrichs vẫn dùng ngôn ngữ thần học để tìm hiểu Đông phương, thành ra ông mới “đối thoại” một cách kì lạ như vầy: “Du point de vue théologique, nous devons reprochoer à l’Orient que, par la négation de la réalité de ce monde, il compromet en même temps la réalité de Dieu…” (đứng về quan điểm thần học, chúng ta phải trách Đông phương rằng khi phủ nhận thực tại thế gian thì Đông phương đồng thời làm nguy luôn thực tại của Thượng đế).
Thực ra, vấn đề không phải đơn giản như quan điểm thần học của linh mục Heinrichs vì Đông phương không kẹt vào hai cái thế phủ nhận và chấp nhận; Đông phương không có “có” và cũng không nói “không”, không nói “là” mà cũng không nói là “không là”.
Khi dùng quan điểm thần học Công giáo để “đối thoại” với Đông phương, Maurus Heinrichs đã rơi vào những lỗi lầm thiên chấp đầy rẫy quyển sách (ví dụ: trang 157, 158, 159, 160, …173, 174, 175, 176, 177… 193, 194,… 260, 261… 269, 270,… 279, 280)
Sự sai lầm của linh mục Maurus Heinrichs chỉ lặp lại sự sai lầm vĩ đại của linh mục nổi tiếng khắp thế giới, Henri de Lubac, S.J., trong một quyển sách quan trọng viết về Phật Giáo rất uyên bác và công phu, Linh mục đã kết luận như vầy: “Đó là lý do tại sao nguyên lý cứu rỗi chúng ta không thể tìm thấy được trong giây phút ưu liệt của sự giác ngộ, Bồ đề, sự cứu thế sẽ đến như là kết quả của hành vi được tựu thành trên Tháp tự giá”.
Từ Louis de la Vallée – Poussin cho đến Maurus Heinrichs, chúng ta thấy ảnh hưởng của nhà thần học công giáo Henri de Lubac là lớn lao nhất. Ngay đến một nhà tư tưởng đáng kính như Denis de Rougemont, trong quyển Les mythes de l’ amour ( NRF, 1967), nơi  chương mang nhan đề “đối thoại Đông phương – Tây phương” (la personne, l’ ange, et l’ absolu ou le dialogue Occident – Orient), và chương cuối “Giữa không Tánh và Vương quốc” (Entre le Vide et le Royaume), Denis de Rougemont đã cố gắng cởi mở “đối thoại” với Đông phương nhưng rồi cuối cùng đưa “Tình yêu Thiên chúa” lên ngôi trị vì “vương quốc”, nơi trang cuối, trang 288, Denis de Rougemont nói: “Không có Bác ái thì cũng không có cả Không Tánh”. Denis de Rougemont đã hiểu sai ý nghĩa “Không Tánh” và có cần phải nói ngược lại? “Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thế pháp đắc thành”. Nói ngược lại Denis de Rougemont : “Sans le vide, il n’y aurait pas même l’ amour”! Đối thoại đã bế tắc?
9.
Một nhà đạo đức nổi tiếng khắp thế giới, mục sư Tin lành Albert Schweitzer, người đã từng lãnh giải Nobel về hòa bình, thế mà trong quyển Les Grands penseurs de l’Inde, ông cũng lấy quan điểm thần học Tin lành để phê phán đạo học Đông phương, thành ra sự đối thoại lại bị bế tắc.
Trái lại nhà thần học Tin lành cũng nổi danh khắp thế giới, Paul Tillich, trong quyển Christianity and the Encounter of the World Religions (Columbia university Press, N.Y.) thì lại đúng là một nhà đại tư tưởng gia của nhân loại. Mới đây, nhà Aubier ở Pháp đã dịch quyển sách trên ra chữ Pháp, nhan đề “Le Christianisme et les Religions”, chúng tôi xin nhiệt tình giới thiệu quyển sách này với những nhà tôn giáo ở Việt Nam để tìm hiểu tinh thần “đối thoại”, “đối diện” thực sự đúng nghĩa mà Paul Tillich đã thể hiện một cách đáng ca ngợi (về phía Công giáo thì có linh mục Thomas Marton, còn về phía Tin lành thì có mục sư Paul Tillich). Trong quyển Le Christianisme et les religions, trang 138, Paul Tillich viết: “ý nghĩa esse ipsum, hữu thể tự tại tối thượng, của giáo lý Thiên Chúa giáo về Thượng đế, là một phạm trù siêu việt nhân vị khả dĩ giúp cho người tín đồ Thiên chúa hiểu được ý nghĩa Không Tánh của tư tưởng Phật Giáo”. Paul Tillich đã tỏ ra hiểu ý nghĩa của Không Tánh hơn Denis de Rougemont. Có một điều đáng suy nghĩ nhất là Paul Tillich cho rằng thái độ tối kỵ cần phải cấm đối với Thiên Chúa giáo hiện nay là tìm cách “kéo người ta theo đạo mình” trong ý nghĩa xấu của chữ “convertir” (op. cit…., trang 170).
Paul Tillich có nêu ra vấn đề đối thoại và điều kiện tiên khởi của việc đối thoại đối với Paul Tillich:
1. Mỗi bên phải nhận ra giá trị của niềm xác tín tôn giáo của kẻ khác.
2. Mỗi bên phải là những đại diện xác tín cho những vị thế chính yếu của tôn giáo mình để cho cuộc đối thoại được là một sự đối mặt nghiêm chỉnh.
3. Phải có một mảnh đất chung để đứng cùng nhau khi khả dĩ hai bên cùng đồng ý nhau hoặc bất đồng nhau.
4.  Hai bên cần phải mở cửa đón nhận sự phê bình chống lại vị thế tôn giáo của chính mình.
Chính Paul Tillich đã thể hiện được tinh thần đối thoại đúng nghĩa và mặc dù ông đã hiểu được Phật giáo qua nguyên lý đồng nhất (principe de l’indentité), nhưng ông cũng cố gắng đối thoại một cách chân thành, đứng từ vị thế “tham dự” (participation), Paul Tillich cho rằng nguyên lý bản thể luận (principe ontologique) của Thiên chúa giáo là “tham dự nhập cuộc” (participation) còn bên Phật giáo thì “đồng nhất tính” ( l’identification). Dù Paul Tillich đã hiểu sai Phật giáo vì đưa Phật giáo nằm gọn trong “nguyên lý đồng nhất”, nhưng tinh thần đối thoại của Paul Tillich là một gương mẫu đáng kính (không thể trách Paul Tillich về điểm này được, vì ngay đến những nhà đạo học Đông phương uyên bác như D.T. Suzuki và S, Radhakrishnan còn bị kẹt vào phương trình A= A, huống chi là ai?)
Đối thoại không đến nỗi bế tắc?
Bên phía Đông phương, triết gia Nhật bản Yoshinori Takeuchi đã đáp ứng lại lời đối thoại của Paul Tillich, trong một quyển sách nhan đề Religion and Culture (Harper, N.Y. 1959) được xuất bản để ca ngợi Paul Tillich (nhan đề phụ quyển sách là “essays in honor of Paul Tillich”) một số tư tưởng gia trên thế giới viết một số vấn đề đặt ra trong tình thần Paul Tillich, Yoshinori Takeuchi có viết về “Phật giáo và Thuyết Hiện Sinh, đối thoại giữa tư tưởng Đông phương và Tây phương” (Buddhism and Existentialism: The Dialogue between Oriental and Occidental Thought), ông cố gắng đối thoại bằng cách tìm những điểm tương đồng giữa hai bên theo tinh thần “đại đồng tiểu dị”. Chẳng hạn Yoshinori Takeuchi cho rằng mặc dù từ bi Phật giáo và bác ái Thiên chúa giáo không thể hoàn toàn đồng hóa nhau, nhưng cả hai đều đồng nhau ở chỗ tình thương đúng như lời Jesus: “Mi hãy yêu thương bạn và thù”. Mặc dù Yoshinori Takeuchi rất giỏi triết lý Tây phương và rất giỏi Phật giáo, nhưng trong bài đối thoại chúng ta vẫn thấy ông mắc kẹt vào phương trình A = A, tức là “nguyên lý đồng nhất”.
Nguyên lý Đồng Nhất ( principe d’identité ) là gì, mà tất cả mọi người đều kẹt vào nặng nề như vậy?
“Bất cứ nơi nào mà chúng ta có tương giao liên hệ nào với bất cứ cái gì thì chúng ta thấy bị đặt dưới tiếng gọi của đồng nhất tính. Không có tiếng gọi này thì không có cái gì có thể xuất hiện ra trong chân tướng của nó được. Ngay cả khoa học cũng không thể có được nữa. Vì khoa học không thể là khoa học như hiện nay nếu sự đồng nhất với đối tượng của nó không được bảo đảm trước với nó trong bất cứ lúc nào”
“Tư tưởng phải trải qua trên hai ngàn năm mới giải hội được một tương quan đơn giản như là sự trung gian nội tại nơi đồng nhất tính”
Heidegger đã tuyên bố như trên trong bài giảng về “nguyên lý đồng nhất” tại trường đại học Fribourg-en-Brisgau vào ngày 27 tháng 6 năm 1957.
Giống nhau là gì? Khác nhau là gì? Thế nào là sự đồng nhất? Thế nào là dị biệt? Đồng tính và như tính khác nhau làm sao? Dị biệt thể và dị biệt tính khác nhau làm sao? Khác nhau là gì? Ngày 24 tháng 2 năm 1957, giảng tại Todtnauberg, Heidegger dạy về luận lý học của Hegel và đưa Hegel đến chỗ bế tắc. Heidegger đã đưa toàn thể truyền thống Tây phương đến chỗ bế tắc qua ý niệm “giống” và “khác”.
“Khi mà siêu thể học (Tây phương) suy tư về cái gì đó như thế trong toàn thể của nó thì nó chỉ là dựng lên cái đó trong viễn tưởng của cái gì khác trong sự khác mà không nhìn tới sự khác như là khác”.
Muốn đối thoại với Tây phương mà không kẹt vào Tây phương thì chúng ta phải cần đọc kỹ quyển sách nhỏ nhan đề Identitaet und Differenz của Heidegger (Pfullingen 1957) (được André Préau dịch lại chữ Pháp là Indentité et Différence trong quyển Question I, Gallimard, 1968).
Heidegger, người hiểu bản tính của Tây phương một cách thâm sâu nhất, kẻ đã nói lên sự thất bại của Tây phương và đưa ra tư tưởng mình cùng chịu sự thất bại cả truyền thống (cưu mang thất bại như là thất bại). Heidegger có thể giúp ta đi sâu vào trong lòng sâu thẳm của truyền thống Tây phương để chúng ta có thể nhảy qua sự thất bại của Tây phương mà trở về suối nguồn của Đông phương.
Điều mỉa mai nhất cho thể kỉ XX này là người hiểu Đông phương sâu thẳm nhất thì không bao giờ nói về Đông phương: Heidegger chỉ nói về Tây phương, về bản tính (thể tính) của Tây phương, nhưng gián tiếp, ông đã nói tất cả cho Đông phương (mặc dù ông không bao giờ viết về Đông phương chỉ trừ ra thỉnh thoảng nhắc đến chữ ĐẠO của Đông phương một cách kín đáo). Đó cũng là một cách đối thoại và đối diện một cách sâu thẳm nhất của Heidegger đối với Đạo của Đông phương, đối với Không tính và Chân như của Phật Giáo.
Trái lại người Đông phương khi đối mặt với Tây phương thì lại chỉ có thể đối mặt bằng ngôn ngữ ý niệm Tây phương: “nguyên lý đồng nhất” là nguyên lý tối thượng của tư tưởng Tây phương.
10.
Karl Jaspers đã tố cáo rằng điệu nói “chỉ có một chân lý duy nhất trong những tôn giáo khác nhau” chỉ đưa đến chỗ trừu tượng rỗng tuếch “eine leere Abstraktion” và tính chất của đức tin chân thật đã bị đánh mất. Chỉ có chân lý đúng nghĩa là “ở nơi căn để, căn bản, nơi nối kết chúng ta lại ở suối nguồn, kéo tất cả chúng ta ra khỏi tính cách đa dạng của chúng ta (seinen einen umfassenderen Grund, der uns alle, weil er uns im Ursprung verbindet, aus der Vielfachheit zueinander zieht). Karl Jaspers đã nói lên tinh thần đối thoại và đối diện chân chính nhất: “Cái nhìn với tình thương đói với sự tương tính xa lạ có thể lôi chúng ta ra ngoài óc thiển cận hẹp hòi. Cái nhìn ấy có thể đem ra ánh sáng những gì mà lòng sâu thẳm của chính căn bản chúng ta đòi hỏi” (Der liebende Blick auf die fremde Geschichtlichkeit vermag uns herauszureissen aus der Enge, an den Tag zu bringen, was aus der Tiefe des eigenen Grundes gefordert ist).
Trong một chương trình nhan đề “Những tôn giáo phi Ki tô giáo và Tây phương” (die Nichitchristlichen Religionen und das Abendland) ở quyển Philosophie und Welt (Piper, Muenchen, 1958, trang 156-166)
Karl Jaspers đã cho chúng ta thấy được một tinh thần đối thoại cao quý, thể hiện đúng nghĩa tiếng nói giữa con người và con người.
11.
Bây giờ chúng ta hãy rút lại đôi ba ý tưởng cần suy nghĩ:
a) Đông phương đối mặt với Đông phương
1. Không thể đối mặt qua bộ mặt Tây phương như D.T. Suzuki, S. Radhakrishnan (qua nguyên lý đồng nhất của Tây phương), như T.R.V. Murti (qua biện chứng pháp, sản phẩm của Tây phương), như Hồ Thích, Phùng Hữu Lan (qua lý luận học của Tây phương)
2. Không thể đối mặt qua sự chối bỏ Tây phương như những nhà nho thủ cựu, vì dù chúng ta không biết gì về Tây phương đi nữa thì chúng ta cũng phải thở không khí nhiễm độc Tây phương (không khí Tây phương đã xâm lấn tràn lan khắp trái đất)
3. Đi sâu vào Tây phương, cưu mang Tây phương và vứt Tây phương lại đằng sau thì Đông phương sẽ hiện lên.
4. Chỉ có thể hiểu Đông phương là khi nào hiểu được Tây phương.
5. Đông phương đối mặt với Đông phương qua trò chơi giữa tiếng nói và sự im lặng.
b) Đông phương đối mặt với Tây phương:
1. Phải ý thức triệt để sự khủng khoảng trong mọi lãnh vực toàn thể ý thức Tây phương.
2. Phải ý thức tác động của cơ khí khi kỹ thuật khoa học Tây phương đối với con người: biến con người trở thành “homo consmens” (con người tiêu thụ), nghĩa là kẻ có nhiều và xài nhiều hơn lên:
Phải đọc kỹ bản cáo trạng Tây phương gần đây nhất do những nhà văn hóa Tây phương thức tỉnh hiện nay, như quyển The Revolution of Hope của Erich Fromm (mới xuất bản năm 1968) và quyển One dimension man của Herbert Mareuse (xuất bản năm 1964).
4. Tất cả những ý thức hệ chính trị hiện nay đều là sản phẩm của Tây phương.
5. Tây phương hiện nay đã xa nguồn, mất gốc, bỏ quên bản tính nguyên thủy ( kinh nghiệm nguyên thủy của Hy Lạp ban sơ)
c) Tây phương đối mặt với Tây phương
1. Đối mặt với nihilisme (tinh thần tàn phá của hư vô).
2. Đối mặt với sự phân tán của ý thức.
3. Đối mặt với sự sụp đổ của tất cả mọi giá trị.
4. Đối mặt với kế hoạch, tính toán, thống trị của sự tiến bộ không giới hạn.
5. Đối mặt với thế giới của Aldous Huxley (Brave New world) và George Orwell (Nineteen eighty – four)
d) Tây phương đối mặt với Đông phương:
1. Chối bỏ Đông phương và chết sống với Tây phương.
(như Arthur Koestler , Jeau- Paul Sartre, Bertrand Russell – dù Sartre và Russell có chống đối chiến tranh Việt Nam đi chăng nữa thì tư tưởng họ chính là nền tảng của ý thức hệ gây ra chiến tranh Việt Nam : biện chứng của Sartre và luân lí học toán học của Russell)
2. Chối bỏ Tây phương hiện nay và ca tụng truyền thống Đông phương hiện nay và ca tụng truyền thống Đông phương (như René Guénon , mặc dù René Guénon chẳng hiểu Phật giáo)
3. Say mê Đông phương ở nơi ngọn, chứ không phải nơi gốc (như nhóm nhà văn mới ở Mỹ , Jack Kerouac , J . D. Salinger , Alan Watts , vân vân)
4. Bênh vực tìm hiểu Đông phương qua tinh thần Tây phương (C. G. Jung , Henri de Lubac, Keyserling, Conze, Erich Fromm, vân vân)
5. Đối thoại trong tinh thần chân chính (như H. Hesse, Paul Tillich, Kalr Jaspers, Merleau-Ponty, vân vân) nhưng chưa sâu  thẳm như Nietzsche, Heidegger, Henry Miller, ba người hiểu Đông phương trong chiều sâu thẳm nhất.
Hai mươi ý tưởng trên (phân ra làm 4 phần a,b,c,d) chỉ là những gợi ý đáng cho chúng ta thảo luận suốt bao nhiêu năm trời.
Để mở đầu cuộc thảo luận, chúng ta cũng nên trích lời nói đáng nghe của Krishnamurti tại Saanen vào ngày 25 tháng 7 năm 1965:
“Nếu con người khổ thì con người khổ: nếu con người không có gì để ăn, để mặc và để ở thì con người khổ, dù là ở Đông phương hay Tây phương, ở đâu cũng vậy. Ngay trong giây phút này bao nhiêu kẻ đang bị giết hay bị thương, người Việt và người Mĩ – cả hai bên đều khổ. Hiểu được sự đau khổ này – sự đau khổ không thuộc về tôi, không thuộc về anh, không phi nhân, không trừu tượng, mà là một sự đau khổ thực sự và hiện thực mà tất cả chúng ta đều khổ – hiểu được sự khổ này đòi hỏi một sự lãnh hội ngộ nhập sâu thẳm, một kiến quan nội tại sâu thẳm. Và sự chấm dứt nỗi khổ này sẽ đem tới hòa bình một cách tự nhiên, không những chỉ trong chúng ta mà cả ngoại giới”.
Chiến tranh Việt Nam là sự bùng nổ giữa hai cách nhìn đời. Rất nhiều khi chúng ta nhìn mà không thấy, hoặc thấy mà không nhìn. Chỉ khi chúng ta đột nhiên nhìn thấy cái gì ra cái đó, Đông được nhìn ra Đông, Tây được nhìn ra Tây, cái này là cái này, cái kia là cái kia, thì chúng ta không còn giết nhau vì cái này, giết nhau vì cái kia.
Sự giết người chỉ có được là vì người này không nhìn thấy được người kia. Có lẽ tất cả tư tưởng cao siêu chỉ giữ lại trong đôi lời đơn giản như vậy.

********
TƯ TƯỞNG
Bộ Mới Năm thứ Ba Số 2. Ngày 1 tháng 6 năm 1970
Chủ Nhiệm và Chủ Bút: T.T. THÍCH MINH CHÂU
Chủ đề thảo luận: ĐÔNG PHƯƠNG ĐỐI MẶT VỚI TÂY PHƯƠNG
VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH
222, Trương Minh Giảng, Saigon


Nguồn : uyennguyen.net

Comments