FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả : Cuộc sống nhàn hạ: Con dao hai lưỡi ? -->

Cuộc sống nhàn hạ: Con dao hai lưỡi ?

No Comments

Một câu chuyện quen thuộc: nhân viên mẫn cán cuối cùng thì cũng tới lúc nghỉ hưu, rồi sau đó bối rối tìm cách lấp đầy khoảng trống thời gian mỗi ngày.

Với những người mà mục đích sống chỉ gói gọn trong công việc chuyên môn thì cuộc sống không có việc làm sẽ là một cuộc đời u ám.

Andrew Yang, hiện là ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ và cũng là nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận tạo việc làm tên là Venture for America, nói tới một trong số những nỗi sợ phổ biến của tình trạng không có việc làm.


Ông nói: "Có thể thấy một cách rõ ràng thông qua các số liệu, qua trực quan chung, và từ trải nghiệm của mọi người, rằng có rất nhiều cảm thấy khổ sở vì không có việc làm. Chúng ta là những người rảnh rỗi; chúng ta ít làm thiện nguyện hơn cho dù có nhiều thời gian hơn. Chúng ta có xu hướng chơi trò chơi điện tử nhiều hơn, nhậu nhẹt nhiều hơn. Xã hội nói chung vận hành rất đơn điệu khi không có việc làm."



Nhưng không phải ai cũng thấy rằng đi làm công ăn lương là chìa khóa mở ra một đời sống tích cực.
Người Nhật có khái niệm "ikigai": vui sống, hoặc lý do để ta thức giấc mỗi ngày.
Trong số những người Nhật Bản, cả nam giới và phụ nữ, tham gia khảo sát vào năm 2010, chưa đến một phần ba trong số đó coi việc làm là ikigai của họ.
Sở thích, tình yêu và những công việc không lương - tất cả những điều đó có thể xây đắp nên cuộc sống giàu ý nghĩa, là cuộc sống nơi "nghỉ hưu" có thể là ý tưởng xa lạ, cũng như ở Okinawa, nơi cư dân nổi tiếng là sống lâu.
Thế nhưng với rất nhiều người chỉ có công việc bấp bênh, thu nhập thấp hay có rất ít tiền tiết kiệm hưu trí, thì việc nghĩ về những thứ nằm ngoài chuyện đi làm kiếm tiền là điều xa xỉ mà họ không thể có được.
Nhiều người đơn giản là không đủ tiền để nghỉ hưu sớm hay rút ngắn thời gian làm việc trong tuần.
Với những người buộc phải làm việc ít hơn mà không nhận được khoản trợ cấp xã hội nào, thì "thời gian rảnh" nghe thật xa xỉ, bởi họ phải quay cuồng nghĩ cách kiếm thêm thu nhập bổ sung vào nguồn lương chính.
Nhưng với sự tự động hóa trong công việc, sự nhận thức của chúng ta về tác động của công việc đối với môi trường và trào lưu làm việc ít giờ hơn mỗi tuần đang ngày càng phổ biến, thì nhiều người trong chúng ta có lẽ trong tương lai sẽ làm việc ít hơn.
Suy nghĩ truyền thống từ trước tới nay trong nhiều người vẫn là việc làm đem lại ý nghĩa cuộc sống và tạo lịch biểu sinh hoạt đều đặn cho chúng ta mỗi tuần. Cho nên việc có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn rất có thể sẽ khiến ta cảm thấy hoang mang.
Nó có thể gây ra các hoạt động phản xã hội, như tội phạm và lạm dụng chất kích thích. Nó cũng có thể giúp ta làm những điều tích cực cho đời sống xã hội, thông qua những hoạt động sáng tạo, quan hệ xã hội và sự tham gia vào cộng đồng hoặc hoạt động chính trị.
Và có nhiều cách để hướng mọi người vào xu hướng thứ hai kể trên.

Không rảnh rỗi trong những thời gian rảnh:


Công việc xung quanh sẽ ít dần, sự chán chường sẽ dần tăng cao, hoặc ít nhất là tình trạng này sẽ xảy ra vào thời gian đầu.

Nhưng điều này sẽ có mặt tốt riêng.
Dù đầy thách thức, việc thỉnh thoảng bạn thấy chán chường cũng giúp tăng cường sức sáng tạo và suy nghĩ lành mạnh.
Việc có nhiều thời gian rảnh rỗi trong tuần rất có thể sẽ khiến ta cảm thấy cần phải vội vàng lấp đầy những khoảng trống "rảnh rỗi" quý giá.
Hiện nay, phụ nữ đặc biệt có xu hướng làm việc quá độ triền miên, nhưng hầu hết những "việc" đó không được đánh giá, trân trọng như các việc làm được trả lương.
Những việc như chăm sóc con cái, săn sóc cha mẹ già, chăm lo việc nhà, lo trách nhiệm cộng đồng và xã hội khác, tất cả đều chiếm rất nhiều thời gian.
Việc giảm bớt áp lực trong các công ăn việc làm được trả lương có thể giúp ta tiết kiệm được thời gian và năng lượng để làm các việc chăm sóc không được trả lương từ trước đến giờ.
Nhưng đây không phải thẻ bài miễn trách nhiệm cho hành động lạm dụng "thời gian rảnh".
Chẳng hạn, các công ty và chính phủ không nên đầu tư dưới mức đối với một số dịch vụ chỉ vì nghĩ rằng mọi người sẽ làm việc miễn phí. Khuyến khích mọi người có một cuộc sống có ý nghĩa hơn và làm việc ít hơn không có nghĩa là phải là vắt kiệt sức lao động miễn phí của những người không quá coi trọng thời gian rảnh.
Một số thử nghiệm rải rác về tuần làm việc ngắn hơn đã được thực hiện cho thấy nhân viên có kỳ nghỉ cuối tuần dài hơn - nhưng vẫn nhận được lương như cũ - đã dùng thời gian rảnh có thêm cho nhiều hoạt động khác.
Một công ty dịch vụ tài chính ở New Zealand năm ngoái đã cho nhân viên chọn lựa làm việc bốn ngày mỗi tuần, điều này khiến nhiều nhân viên dành thời gian chơi golf, xem phim trên Netflix, học hành và dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.
Một công ty chuyên về quan hệ công chúng ở Anh Quốc bắt đầu áp dụng tuần làm việc bốn ngày, và một nhân viên trẻ đã dành thời gian rảnh của mình để làm các công việc tình nguyện giúp đỡ người cao tuổi.Các vấn đề tài chính khi kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài hơn
Làm sao ta có thể tiến đến gần hơn với tầm nhìn nghe có vẻ lý tưởng này? Vâng, ta cần phải suy nghĩ cẩn thận về khía cạnh tài chính.
Alexandra Hartnall, một tư vấn viên về truyền thông và quảng cáo ở London, nhận thấy rằng chuyển sang làm việc tự do khiến cô thoải mái nghỉ theo ý muốn. Vì vậy cô quyết định không làm việc vì tiền quá bốn ngày mỗi tuần.
Giờ đây, cô dùng nửa ngày trống để theo đuổi mối quan tâm tới môi trường bằng việc làm truyền thông phi lợi nhuận cho Quỹ bảo tồn Quần đảo Galapagos. Một phần cũng là vì tính cách cá nhân nữa, cô không thể ngồi yên xem hết một bộ phim, cô luôn muốn mình năng động.
Nhưng Hartnall cũng thừa nhận: "Tôi có được nhiều đặc quyền… tôi chỉ cảm thấy mình không muốn hao phí những thứ đó."
Làm việc cho Quỹ Bảo tồn Quần đảo Galapagos giúp cô xây dựng lại hình tượng bản thân mà cô thừa nhận đã bị ảnh hưởng khi cô làm việc trong mảng bất động sản. An ninh tài chính chính là yếu tố chủ chốt khiến cô có thể làm các công việc tình nguyện.
Philipp Reich, một nhà sử học về lao động tại Đại học Do Thái Jerusalem cảnh báo rằng làm việc bốn ngày một tuần có thể có lợi cho những người chuyên nghiệp được trả lương cao như Hartnall, nhưng điều này lại đánh đổi bằng việc giới lao động thu nhập thấp phải tìm cách có nhiều việc làm hơn.
Ta có thể tránh được nhiều này, Reich đề xuất.
"Nếu xã hội của chúng ta đồng ý rằng, ví dụ, quy định tuần làm việc chuẩn là 28 giờ chứ không phải 40 giờ mỗi tuần, và do đó đi làm 28 giờ là đủ để ta có được mức thu nhập đàng hoàng."
"Nhưng vì sự tồn tại rộng khắp của các công việc bán thời gian, những việc nhỏ hay hợp đồng không quy định thời gian làm việc tối thiểu, nên tôi cho rằng sự đồng thuận đó khó có thể thực hiện trong thời gian trước mắt."
Vì vậy, chú ý đến sự bất bình đẳng là cực kỳ quan trọng.
Những thảo luận về tuần làm việc ngắn hơn cần phải bao gồm nhiều cách để đảm bảo mức sống hợp lý cho mọi người, như là quy định mức thu nhập căn bản chung, đặt ra mức lương tối thiểu cao hơn, hoặc không giảm lương khi giảm giờ làm.
Nhưng người ta cũng cần hình dung về các cách tìm kiếm mục đích khác trong đời. Chẳng hạn như có những người thuộc giới tinh hoa ở Mỹ đi làm chỉ vì họ yêu thích đi làm.

Đã đến lúc vì điều tốt đẹp rộng lớn hơn?

Một thách thức là nếu đơn giản ta có thêm nhiều thời gian rảnh rỗi, không làm việc nữa, thì điều đó cũng sẽ không tự động dẫn đến việc ta tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn.
Melanie Oppenheimer, chủ tịch khoa Úc học tại Đại học Tokyo cho biết ở Úc, "thực sự những người trong độ tuổi 35-44, những người có con nhỏ" - nói cách khác - những người bận rộn nhất - lại là những người làm việc tình nguyện nhiều nhất.
Điều đó một phần là vì khái niệm "làm việc tình nguyện" rộng hơn rất nhiều so với mọi người vẫn tưởng.
Nhận làm trọng tài cho trận bóng của bọn trẻ con, dựng quầy bán hàng trong hội chợ ở trường học, giúp dân nhập cư mới tới hòa nhập vào xã hội, đóng góp cho dự án khoa học công dân, lên kế hoạch cho lễ hội tôn giáo và tham gia vào các tổ chức nghề nghiệp, v.v..., đều được gọi là hoạt động thiện nguyện, thậm chí dù hoạt động này không chính thức.
Theo quan điểm của Oppenheimer, thời gian không phải là rào cản chính với những hoạt động này. Mà quan trọng hơn là sự ủng hộ dành cho những tình nguyện viên tiềm năng và kết nối họ với những cơ hội có ý nghĩa với họ.
"Đây không đơn thuần là nài nỉ mọi người hãy cố gắng trích thời gian, mà là khiến họ cảm thấy tự tin hơn," Oppenheimer nhận định.
Yang, doanh nhân và ứng viên tranh cử tổng thống người Mỹ, tin rằng ta có thể khích lệ mọi người sử dụng thời gian rảnh hiệu quả bằng cách áp dụng hệ thống ngân hàng thời gian.
Đây là hệ thống không xài tiền mặt, nơi mọi người có thể trao đổi hoạt động hoặc tích lũy tài khoản bằng cách nạp thêm thời gian thiện nguyện vào. Chẳng hạn, bạn có thể đổi giờ dạy kèm toán lấy vé đi dự sự kiện ở gần nhà.
Tầm nhìn của Yang về những hoạt động xây dựng kết nối cộng đồng và sử dụng hiệu quả thời gian không làm việc ở công ty gồm những việc sau: "Chăm sóc, giáo dưỡng, thiện nguyện. Nghệ thuật và sáng tạo. Xây dựng sự bền vững cho môi trường. Và rất nhiều, rất nhiều thứ khác mà thị trường đánh giá không đúng giá trị hoặc coi giá trị đó bằng không."
Điều này nghe có vẻ như lạc quan quá mức, và vẫn chưa có đủ bằng chứng từ các nghiên cứu dài hạn tìm hiểu mọi người sẽ tiếp tục sử dụng thời gian rảnh ra sao sau thuở ban đầu hào hứng với chuyện cắt giảm thời gian làm việc chuẩn năm ngày mỗi tuần.
Nhưng người ta từ lâu đã thúc đẩy thực hiện tuần làm việc ngắn hơn dựa trên căn cứ là như vậy sẽ có thêm nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, tăng hiệu quả công việc, có thêm thời gian cho gia đình và tham gia vào chính trị.
Vào năm 1954, một chính trị gia người Đức thể hiện sự hào hứng khi có sự thay đổi từ sáu ngày làm việc mỗi tuần sang năm ngày.
"Khi ta có ngày thứ Bảy rảnh rỗi… ta sẽ có thời gian tập thể thao; ta sẽ đi xem phim, xem kịch hay đi rạp xiếc; ta sẽ nuôi thỏ, sẽ lái xe máy về miền quê và chăm sóc, làm vườn ở thửa ruộng của mình."
Reick bình luận: "Một điều khác biệt nổi bật là ý tưởng làm việc bốn ngày mỗi tuần có được sự ủng hộ đáng kể của các chủ doanh nghiệp ngày nay. Qua lịch sử đấu tranh để có thời gian làm việc ngắn hơn, những hiệp hội thương mại đã phải chiến đấu vất vả để đạt được thành quả đó."
Reick thì cho rằng chuyện này không hẳn là bởi giờ đây các chủ doanh nghiệp vị tha hơn so với hồi một thế kỷ trước, mà là vì họ nghe nói khả năng hứa hẹn về việc tăng năng suất làm việc.
Với những phong trào lao động đấu tranh cho tuần làm việc ngắn hơn, ông lo ngại rằng chúng tập trung quá hạn hẹp vào lợi ích cho từng cá nhân được nghỉ ngơi, thay vì vận động thay đổi trong toàn xã hội.
Định nghĩa lại danh tính và giá trị con người
Về lâu dài, liệu làm việc ngắn giờ hơn có thay đổi cách ta định nghĩa bản thân mình và thậm chí cả tương tác với người khác không?
"Tôi cảm thấy dường như danh tính của ta có liên quan đến công việc," cố vấn truyền thông Hartnall nói.
Cô không muốn dành quá ít thời gian vào công việc được trả lương đến mức cô cảm thấy nó không còn là một phần của danh tính nữa.
Nhưng cô cũng cởi mở khi nghĩ về bản thân trong những vai trò khác: như là một người mẹ chẳng hạn, hay một người yêu việc làm vườn, hay một người thích học ngoại ngữ.
Vậy thì, trong tương lai, câu hỏi khó chịu thường gặp như "Bạn làm nghề gì?" có thể gợi ra nhiều câu trả lời khác nhau, vượt ra ngoài phạm vi nghề nghiệp hiện thời.
Cũng như ở quy mô lớn, sự chuyển đổi việc làm sẽ là cơ hội tốt để có thể để trí tưởng tượng bay bổng hơn.
Thế giới sẽ cần thang đo rộng hơn về mức độ thành công và thịnh vượng, ngoài những công việc sản xuất và những việc quen thuộc, Sarath Davala, nhà xã hội học từ Hyderabad, Ấn Độ và là phó chủ tịch Mạng lưới Toàn cầu Thu nhập Tốt hơn cho biết.
Chẳng hạn, chỉ số hạnh phúc quốc gia của Buhtan và quỹ thịnh vượng của New Zealand có thể là một số những lựa chọn khác cho GDP.
Công việc của Davala là thử nghiệm thu nhập cơ bản ở một ngôi làng bộ tộc ở Ấn Độ cho thấy "hiệu ứng đoàn kết" trong việc loại bỏ một số áp lực không ngừng từ công việc.
Chẳng hạn, hàng xóm bắt đầu cho nhau vay tiền thay vì dựa vào những kẻ cho vay nặng lãi với lãi suất trên trời. Họ cũng bắt đầu tập hợp nguồn lực dành cho những dịp đặc biệt như cưới hỏi.
"Đây là thứ đã được cài đặt vào tâm trí bạn và tôi từ góc độ văn hóa: rằng ta tìm kiếm ý nghĩa đời sống chỉ qua việc làm," Davala cho biết.
Ông tin rằng thậm chí cách mà xã hội tổ chức thời gian có thể thay đổi với trào lưu làm việc ít hơn, chẳng hạn qua sự phân biệt ít nghiêm khắc và rành rọt giữa làm việc và nghỉ ngơi, hay giữa việc làm kiếm tiền và việc thiện nguyện.
"Tương lai được dự đoán là sẽ có nhiều bất trắc," Davala chỉ ra. Đã đến lúc ta phải nghĩ rằng liệu tương lai có nghĩa là phải dành nhiều thời gian hơn trong văn phòng, hay dành nhiều thời gian hơn để nuôi thỏ.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife

Comments