FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả : Ca khúc cho ngày 14.2 (1) -->

Ca khúc cho ngày 14.2 (1)

No Comments

Judy Collins và “Both sides now”
“Tôi chỉ còn nhớ những ảo ảnh của tình yêu
Và thật sự chẳng biết gì về tình yêu…”


Judy Collins sinh năm 1939 tại thành phố Seatttle, bang Washington, trải qua những năm tháng của thời thơ ấu tại thành phố Denver, bang Colorado. Cha cô là một người khiếm thị phụ trách những chương trình phát thanh, đã có ảnh hưởng rất lớn đối với cô, giúp cô sớm làm quen với những ca khúc kinh điển của những nhạc sĩ như Cole Porter and Irving Berlin. 
Cô được học đàn piano từ nhỏ với nữ nhạc trưởng Antonia Brico và khi mới 13 tuổi đã bắt đầu trình diễn với một ban nhạc ở Denver và góp mặt trong ban nhạc ở trường học hay ở nhà thờ. Cô đã chuyển hướng hoạt động rất sớm khi còn ở tuổi thiếu niên, thay vì trở thành một nghệ sĩ đàn piano như mong đợi của gia đình, lại say mê những ca khúc folk của Woody Guthrie và Pete Seeger. Cô tập đàn guitar và đến năm 1959 đã bắt đầu đàn hát tại các câu lạc bộ ở địa phương.
Vào đầu thập niên 1960, cô chuyển đến thành phố New York, biểu diễn tại những câu lạc bộ có tiếng tăm ở Greenwich Village như Village Vanguard và Gaslight. Năm 1961, cô ký được hợp đồng thu âm với Elektra Records sau khi giám đốc của hãng này đến xem một buổi trình diễn của cô. “A Maid of Constant Sorrow”, album nhạc đầu tay của cô gồm nhiều ca khúc truyền thống, đã ra mắt ngay trong năm ấy. Album thứ hai mang tên “Judy Collins #3” ra mắt vào năm 1964 đã có thêm những ca khúc của những nhạc sĩ đương thời và đây là lần đầu tiên cô trình bày những sáng tác của Bob Dylan, chàng nhạc sĩ trẻ cũng đang ở Greenwich Village. Album “Fifth Album” ra mắt năm 1965 có thêm 3 khúc của Bob Dylan và có những ca khúc của những nhạc sĩ trẻ khác như Phil Ochs và Gordon Lightfoot. Album “In My Life” ra mắt sau đó vào năm 1966 đã giúp cho công chúng biết đến tên tuổi của Leonard Cohen, một nhạc sĩ trẻ ở Canada chuyên sáng tác nhạc folk. Ca khúc “Suzanne” của anh do cô trình bày đã khá nổi tiếng với công chúng.

Tuy được nhiều người biết đến tên tuổi sau 5 năm trình diễn trên sân khấu và cho ra mắt 3 album nhạc, cô vẫn chưa có được một ca khúc nào thật sự thành công.
Mãi đến năm 1967, khi cho ra mắt album “Wildflowers”, cô mới có được một ca khúc lọt vào Top 10 ca khúc hay nhất là "Both sides, now”, sáng tác của một nữ nhạc sĩ Canada chẳng được mấy người biết đến.
Vào đầu thập niên 1970, cô lại có một thành công nữa khi hát lại bản thánh ca "Amazing grace" và suốt những năm sau đó, âm nhạc của cô đã chuyển biến, không còn thuần túy thuộc thể loại nhạc folk nữa, mà có nhiều ca khúc pop hơn. Ca khúc "Send in the clowns" do Stephen Sondheim viết cho vở nhạc kịch “A Little Night Music” (1973) được cô trình bày lại đã thành công vượt bực, mang lại cho ông một giải Grammy ở hạng mục Ghi âm của năm hay nhất.
Năm 1969, cô bắt đầu trình diễn trên sân khấu kịch, góp mặt trong vở kịch “Peer Gynt” rồi xuất hiện với tư cách khách mời trong những chương trình truyền hình như The Muppet Show và Sesame Street. Năm 1974, cô làm đạo diễn và sản xuất phim truyền hình “Antonia: A Portrait of the Woman” kể về cuộc đời cô giáo dạy nhạc của cô thuở niên thiếu. Người con trai duy nhất của cô tự tử năm 1992 và bản thân cô cũng phải vật vã chiến đấu với chứng nghiện rượu, nghiện ma túy và chứng ăn uống quá độ nên 2 cuốn hồi ký cô viết cũng xoay quanh những đề tài như tự tử, nghiện rượu và nghiện ma túy: “Sanity and Grace: A Journey of Suicide, Survival, and Strength” (2006) và “Sweet Judy Blue Eyes: My Life in Music” (2011). Đến năm 2000, cô vẫn theo đuổi niềm đam mê âm nhạc, thành lập hãng dĩa mang tên Wildflower Records để phát hành những dĩa nhạc của những nghệ sĩ trẻ khác và của chính cô. Album gần đây của cô là “Paradise”, có sự góp mặt của Stephen Stills và Joan Baez.
Trong đời riêng, cô kết hôn và chung sống với Peter Taylor từ năm 1958 tới năm 1965, có một đứa con trai tên Clark. Đến cuối thập niên 1960, cô có mối tình với ca sĩ- nhạc sĩ Stephen Stills, rồi chia tay với anh vào năm 1969. Sau một thời gian hẹn hò với nam diễn viên Stacy Keach, cô kết hôn với Louis Nelson vào năm 1996.

Album “Wildflowers” ra mắt vào năm 1967 là album thứ 7 của Judy Collins thực hiện trong phòng thu, cho đến nay là album duy nhất của cô chiếm vị trí cao nhất (hạng 5) trên bảng xếp hạng Album nhạc pop của tạp chí Billboard và có ca khúc “Both sides, now” lọt vào Top 10 ca khúc hay nhất. Ngoài “Both sides now” sẽ mang lại cho Judy Collins một giải Grammy tại lễ trao giải Grammy vào năm 1968, album “Wildflowers” còn có những ca khúc do cô tự sáng tác nhờ sự khích lệ của Leonard Cohen như lời nữ ca sĩ Quỳnh Giao: “Như Joan Baez đã giúp Bob Dylan nổi danh qua các khúc rong ca, Judy Collins cũng khiến khán thính giả biết tới tài nghệ của nhà thơ gốc Canada là Leonard Cohen. Chính Cohen đã khuyến khích nàng phải viết lấy ca khúc cho mình” (Judy Collins – từ thảm họa đến bác ái).
Các ca khúc trong album “Wildflowers”:
1. “Michael from Mountains" (Joni Mitchell)
2. "Since You Asked" (Judy Collins)
3. "Sisters of Mercy" (Leonard Cohen)
4. "Priests" (Leonard Cohen)
5. "A Ballata of Francesco Landini" -Lasso! di Donna
6. “Both Sides Now" (Joni Mitchell)
7. “La chanson des vieux amants (The Song of Old Lovers)" (Jacques Brel)
8. “Sky Fell" (Judy Collins)
9. “Albatross" (Judy Collins)
10. “Hey, That's No Way to Say Goodbye" (Leonard Cohen)
Judy Collins đã được Grammy Hall of Fame vinh danh vì sự thể hiện xuất sắc ca khúc "Both sides, now" của Joni Michell. Cô kể về việc thu âm ca khúc này: “Tôi đang ngủ say trong căn hộ của mình ở New York thì người bạn cũ là Al Kooper gọi điện cho tôi: “Tôi mới vừa gặp cô gái ấy ở quán bar. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau và cô ấy cho biết mình có sáng tác ca khúc. Cô ấy xinh đẹp và tôi thấy mình sẵn sàng đi theo cô ấy về nhà, một việc cũng không đến nỗi xấu xa, dù cho bạn có nghĩ thế nào". Anh ấy cho tôi tiếp xúc với Joni Mitchell qua điện thoại và cô ấy hát cho tôi nghe “Both sides now”. Thế là tôi biết cô ấy có thể sáng tác ca khúc. Tôi nói với Kooper: “Tôi sẽ đến ngay!”. Tôi thu âm ca khúc “Both sides now” và nó trở thành một bài hit, nhưng không phải ngay tức thì. Người ta thích ca khúc này trong album “Wildflowers”, nhưng phải đến khi có bản phối lại của David Anderle, nó mới thích hợp để được phát trên Đài phát thanh và rồi thành công vượt bậc. Chúng tôi thu âm “Both sides, now” ở New York như một ca khúc trong album “Wildflowers”, nhà sản xuất là Mark Abramson, người điều khiển ban nhạc là John Rifkin. Hầu hết các ca khúc trong album này đều không có đệm đàn guitar, ngoại trừ “Both sides now”. Josh có sáng kiến tuyệt vời là dùng đàn clavico khi hòa âm, và điều này đã khiến ca khúc “Both sides, now” thành công suốt một thời gian dài. Đó là một ca khúc tuyệt vời, vượt thời gian, nhưng cũng dễ hát, đã thật sự phát triển sự nghiệp của tôi vì nhiều người đã trả lời khi tôi gọi điện cho họ. Ca khúc này cũng mang lại thành công lớn lao cho Joni Mitchell; cô xứng đáng được vinh danh với tư cách là một người sáng tác ca khúc. Có những người sinh ra để hát những ca khúc nào đó, và điều thật hiển nhiên đối với tôi là “Both sides, now” là bài hát của tôi…” (Judy Collins on recording Joni Mitchell's 'Both Sides Now' – Recording Academy – Grammy Awards)
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo Los Angeles Times vào năm 1996, Joni Mitchell có kể rằng cô đã sáng tác ca khúc “Both sides, now” khi đọc cuốn tiểu thuyết “Henderson the Rain King” của Saul Bellow. Câu chuyện được kể trong “Henderson the Rain King” như sau: Eugene Henderson là một người đàn ông trung niên giàu có, có địa vị và có sức mạnh phi thường nhưng luôn có tâm trạng bất an, cảm thấy cuộc dời của mình chưa được trọn vẹn và luôn thấy tự trong thâm tâm có một khát vọng mãnh liệt muốn thể hiện qua câu nói khẩn thiết: "Tôi muốn, tôi muốn, tôi muốn!" Ông quyết định sang châu Phi để tìm hiểu xem tiếng nói nội tâm ấy thôi thúc ông làm điều gì. Khi sang châu Phi, ông rời bỏ đoàn du khách Mỹ, thuê một hướng dẫn viên bản xứ tên Romilayu. Romilayu đã dẫn ông tới làng Arnewi và tại đây ông đã làm quen với các thủ lĩnh. Ông nghe kể rằng bể chứa nước của làng Arnewi đã bị loài ếch làm vẩn đục nên dân làng đã phải dùng nước bẩn. Ông ra sức giúp dân làng tiêu diệt loài ếch, nhưng phương thức của ông vừa làm cho loài ếch bị tiêu trừ, vừa làm cho bể chứa nước bị hư. Romilayu lại dẫn ông tới làng Wariri và ông đã dùng sức di chuyển bức tượng bằng gỗ khổng lồ của nữ thần Mummah nên được dân làng tôn làm thần Mưa Sungo. Ông dần dần trở thành người bạn thân của vua Dahfu, một thủ lĩnh thổ dân được giáo dục ở một nước phương Tây. Hai người bạn đã thường xuyên tranh luận với nhau về những vấn đề triết lý cao xa. Các trưởng lão trong làng đã kêu vua Dahfu phải tìm cho ra con sư tử được cho là hóa thân của vua cha của Dahfu. Cuộc săn bắt sư tử đã thất bại và con sư tử đã làm cho vua Dahfu tử vong. Trước khi vua Dahfu trút hơi thở cuối cùng. Henderson được biết rằng người sẽ kế vị vua Dahfu là thần Mưa, tức là chính ông. Tuy nhiên ông lại chẳng muốn làm vua, mà chỉ muốn trở về quê nhà nên đã lẻn trốn khỏi làng Wariri)
Bản pdf “Henderson the Rain King”: https://b-ok.cc/book/1129222/f79e08…
Joni Mitchell kể: “Tôi đang đọc cuốn tiểu thuyết ‘Henderson the Rain King’ của Saul Bellow khi ngồi trên máy bay và ở những trang đầu của cuốn tiểu thuyết, nhân vật Henderson the Rain King cũng đang ngồi trên máy bay, nhìn qua cửa sổ thấy những đám mây lơ lửng dưới cánh máy bay. Tôi đặt cuốn sách xuống, nhìn qua cửa sổ máy bay và cũng nhìn thấy những đám mây và bắt đầu viết bài hát “Both sides, now”:
Những đám mây lơ lửng dưới cánh máy bay với đủ mọi hình thù kích thích trí tưởng tượng của cô, làm cho cô liên tưởng tới “những cầu vồng và suối tóc của thiên thần” hay “những lâu đài bằng kem trên không trung” hoặc “những hẻm núi ở muôn nơi”, nhưng cô chợt nhớ lại rằng những hình ảnh rực rỡ sắc màu ấy là những hình ảnh cô từng tưởng tượng ra khi nhìn mây vào thuở ấu thơ, còn giờ đây, mây chỉ là những cụm khói xám che khuất mặt trời, sẽ biến thành mưa hay tuyết khi rơi xuống mặt đất. Cô nhìn mây từ hai phía: mây lãng đãng trôi gợi cho người ta tưởng tượng ra biết bao điều kỳ thú nhưng chỉ là tuyết lạnh và mưa giống như tình yêu là “một câu chuyện thần tiên thành hiện thực”, mang lại cho những người yêu nhau một thế giới rực rỡ sắc màu với “những vầng trăng tháng sáu và những vòng đu quay”, nhưng cũng chỉ là một tình cảm phù du mang lại nhiều nỗi đau. Ai cũng từng trải nghiệm và nhìn tình yêu từ hai phía, cảm nhận được thế nào là cho và nhận một tình cảm ngọt ngào, nhưng tình yêu cũng thật hư ảo, vụt đến vụt đi như những đám mây lướt nhanh trên bầu trời. Mây nhanh chóng trôi dạt về những phương trời khác như những ảo ảnh của tình yêu và những ảo ảnh của cuộc đời nên dù đã nhiều lần nhìn thấy mây hay trải nghiệm tình yêu trong cuộc đời, chúng ta chẳng bao giờ biết mây là gì và cũng chẳng bao giờ biết tình yêu và cuộc đời là gì:
BOTH SIDES, NOW
Rows and flows of angel hair
And ice cream castles in the air
And feather canyons everywhere,
I've looked at clouds that way.
But now they only block the sun,
They rain and snow on everyone
So many things I would have done,
But clouds got in my way.
I've looked at clouds from both sides now
From up and down and still somehow
It's cloud's illusions I recall
I really don't know clouds at all
Moons and Junes and Ferris wheels,
The dizzy dancing way that you feel
As every fairy tale comes real,
I've looked at love that way.
But now it's just another show,
You leave 'em laughing when you go
And if you care, don't let them know,
Don't give yourself away.
I've looked at love from both sides now
From give and take and still somehow
It's love's illusions I recall
I really don't know love at all
Tears and fears and feeling proud,
To say "I love you" right out loud
Dreams and schemes and circus crowds,
I've looked at life that way.
Oh but now old friends they're acting strange,
They shake their heads, they say I've changed
Well something's lost, but something's gained
In living every day.
I've looked at life from both sides now
From win and lose and still somehow
It's life's illusions I recall
I really don't know life at all
I've looked at life from both sides now
From up and down, and still somehow
It's life's illusions I recall
I really don't know life at all.
(Cầu vồng và suối tóc của thiên thần
Và những lâu đài bằng kem trên không trung
Và những hẻm núi ở muôn nơi
Tôi đã nhìn những áng mây như thế.
Nhưng giờ mây chỉ che khuất mặt trời
Mưa và tuyết rơi xuống mọi người
Có bao điều tôi muốn làm
Nhưng mây đã ngăn đường cản lối
Giờ tôi đã nhìn mây từ hai phía
Từ trên nhìn xuống và từ dưới nhìn lên, thế mà
Tôi chỉ nhớ những ảo ảnh của mây
Và thật sự chẳng biết gì về mây.
Những vầng trăng, những tháng sáu và những vòng đu quay
Cảm giác choáng váng, ngất ngây
Khi mỗi câu chuyện thần tiên thành hiện thực
Tôi đã nhìn tình yêu như thế
Nhưng giờ đây là một màn diễn khác
Bạn làm mọi người bật cười khi bỏ đi
Và nếu có quan tâm, đừng để họ biết
Đừng thổ lộ tất cả tâm tình của mình
Tôi đã nhìn tình yêu từ hai phía
Từ cho và nhận, thế mà
Tôi chỉ còn nhớ những ảo ảnh của tình yêu
Và thật sự chẳng biết gì về tình yêu.
Những giọt nước mắt, những nỗi sợ hãi và niềm tự hào
Những giấc mơ, những kế hoạch và những đám đông trong gánh xiếc
Tôi đã nhìn cuộc đời như thế
Nhưng giờ đây, những người bạn cũ thật lạ lùng
Họ lắc đầu, bảo rằng tôi đã thay đổi
Có những điều đánh mất, nhưng cũng có những điều có được
Khi sống mỗi ngày
Tôi đã nhìn cuộc đời từ hai phía
Từ được và mất, thế mà
Tôi chỉ còn nhớ những ảo ảnh của cuộc đời
Và thật sự chẳng biết gì về cuộc đời.
Tôi đã nhìn cuộc đời từ hai phía
Từ những thăng trầm, thế mà
Tôi chỉ còn nhớ những ảo ảnh của cuộc đời
Và thật sự chẳng biết gì về cuộc đời)

Sưu tầm
bây giờ mời bạn coi video sau nhé !  



Comments