Khoe con, lợi bất cập hại | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

Khoe con, lợi bất cập hại

No Comments

Càng khoe khoang là càng hại con 

Rất nhiều cha mẹ công khai khoe tài năng của con mình trước người thân, bạn bè, thậm chí là chụp ảnh đăng trên những trang mạng xã hội, tự hào về cách giáo dục của bản thân. Tuy nhiên, cha mẹ lại không biết chính sự tự hào của mình, sự công nhận và khen ngợi của mọi người xung quanh sẽ khiến cho trẻ nghĩ rằng bản thân chúng thực sự có tài năng, thực sự xuất sắc hơn người.

Có một số trẻ, thậm chí là đắm mình trong thế giới đẹp đẽ mà chúng tưởng tượng ra từ những lời khen ngợi từ cha mẹ. Cha mẹ càng khen ngợi, trẻ càng củng cố vững chắc bức tường bao quanh thế giới tưởng tượng đó. Những đứa trẻ như vậy thường sợ bị phê bình, chê bai, tâm hồn chúng thường mẫn cảm và yếu ớt, cho nên chỉ một chút khó khăn hay thất bại nhỏ cũng dễ trở thành cú sốc lớn khiến chúng dễ dàng gục ngã, không thể đứng lên được. 

Cha mẹ khoe khoang con cái, nhất thời có thể thỏa mãn tâm lý của mình, nhưng có thể gây nhiều bất lợi cho sự trưởng thành của trẻ.

Trước sự kỳ vọng của cha mẹ, trẻ sẽ không ngừng cố gắng vươn lên, để thỏa mãn lòng háo danh của cha mẹ mà quên đi bản thân mình, quên cảm nhận của bản thân, quên tự hỏi chính bản thân mình thực sự cần gì, muốn gì và thích gì. Như vậy đến khi trưởng thành, trẻ sẽ càng để ý cái nhìn của người khác với mình, vì được người khác công nhận mà càng tự gây áp lực lên chính mình.
Cần cân bằng giữa học và trau dồi kỹ năng sống.

Chuyên viên tâm lý Lê Khanh cho rằng, với nhiều trẻ, học giỏi chưa phải là sẽ thành công nếu không có những kỹ năng sống đi kèm. Mà một trong những kỹ năng sống quan trọng, đó là khả năng kiểm soát cảm xúc. 
Qua đó, những học sinh muốn đạt được thành tích cao, ngoài những “thông minh vốn sẵn tính trời” cũng phải đầu tư hầu như toàn bộ thời gian vào việc học. Đó là một sự đầu tư thiếu cân bằng, không hài hòa giữa học tập, vui chơi và làm việc nhà. Đây chính là điều “lợi bất cập hại”, bởi nếu phải tập trung quá nhiều vào việc học, phải thường xuyên nỗ lực để đạt đến những số điểm tròn trịa, để rồi khi bước vào lứa tuổi dậy thì hay trưởng thành thì trẻ lại đâm ra ngơ ngác trước cuộc sống, hoang mang không biết bắt đầu từ đâu.
Theo chuyên gia Nguyễn An Chất, một đứa trẻ đạt điểm cao khi học tập không đồng nghĩa và chắc chắn có được thành công sau này hơn các bạn điểm kém. Sai lầm nhiều gia đình hiện gặp phải là chỉ muốn con đạt thành tích trong học tập mà không quan tâm đến việc phát triển nhân cách hay kỹ năng sống cho trẻ. 
Điều dễ thấy ở những trường hợp này là khi gặp vấn đề các em hầu như không biết đối phó, giải quyết ra sao. Trường hợp khó khăn này, đòi hỏi phụ huynh phải biết cân bằng giữa việc học kiến thức với trau dồi các giá trị sống, kỹ năng sống. Đừng chăm chăm khoe con mà làm trẻ nhận định sai lầm về ý nghĩa cuộc sống. 
Phụ huynh phải biết cân bằng giữa việc học kiến thức với trau dồi các giá trị sống, kỹ năng sống.
Xét đến cùng, cha mẹ khoe khoang con cái, nhất thời có thể thỏa mãn tâm lý của mình, nhưng đối với trẻ lại có thể là một loại tổn thương, gây nhiều bất lợi cho sự trưởng thành của trẻ. 
Cuộc sống của con trẻ là chính bản thân đứa trẻ đó tạo nên, sống và trải nghiệm. Chính bản thân đứa trẻ sẽ đảm nhận vai trò đạo diễn, biên kịch và cả diễn viên chính trong chính cuộc đời của mình. Cuộc sống đó sẽ như thế nào, có hạnh phúc và thành công hay không, là tùy thuộc vào chính năng lực của bản thân nó.
Cha mẹ chỉ là hoa tiêu, định hướng cho trẻ trở thành người tốt, chứ không phải là thuyền trưởng nắm chặt bánh lái tương lai của con mình. 

Sưu tầm

Comments