FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả : Lenin vẫn còn ám ảnh London -->

Lenin vẫn còn ám ảnh London

No Comments

Bài viết này mình sưu tầm khá lâu rồi, hôm nay mới có điều kiện mở ra và đăng
bạn coi nhé 



Bảo tàng viện của quận Islington là một nơi thu hút rất đông du khách
Rất ít người biết có một khu gia cư, được chính quyền thành phố London ra lệnh xây dựng từ hồi đầu thập niên 1940 và được đặt tên là khu Lenin Court.
Khu gia cư này được thiết kế bởi kiến trúc sư Berthold Lubetkin, một người Nga sang định cư tại Anh Quốc, mà nay được coi là một trong các "cổ thụ " của ngành xây cất.
Nhưng nó được hoàn tất hồi đầu thập niên 1950 - khi ấy Chiến Tranh Lạnh lên tới đỉnh điểm- và kết quả là tòa nhà này được cải danh là Bevin Court, để vinh danh ngoại trưởng Ernest Bevin, một người có lập trường chống Cộng kiên định.
Một cư dân trong tòa nhà ông Craig Ford nói: "Tôi vẫn ghi địa chỉ của tôi là Lenin Court thay vì Bevin Court, và thư từ vẫn đến như thường nhờ mã vùng."



Đối với ông Craig Ford, nên cải Bevin Court thành Lenin Court
Là một người tả khuynh, ông Ford đã liên tiếp yêu cầu lấy lại tên Lenin cho tòa nhà này, tuy nhiên, chính quyền địa phương chỉ chịu đặt tên Lenin cho một tượng đài kế cạnh đó.
Tượng đài này, cũng do Lubetkin thiết kế, đánh dấu nơi ông Lenin từng cư ngụ tại quảng trường Holford và được dựng lên hồi năm 1942.
Quảng trường này đã trở nên một địa điểm "hành hương" cho các người Anh cộng sản, tuy nhiên, cũng thường xuyên bị đập phá do đó, cảnh sát London đã cử người đến canh gác ngày và đêm.
Khi Chiến Tranh Lạnh lên tới đỉnh điểm, tượng đài này đã được cô lập và tượng bán thân của Lenin đã được gỡ đi và tấm bảng ghi sơ yếu lý lịch của Lenin đã được Lubetkin đích thân cất dấu.
Ông Ford giải thích: "Khi công tác xây dựng khu Bevin Court bước vào giai đoạn cuối cùng, ông Lubetkin đã thuê một xe để đem tượng bán thân của Lenin đi giấu ở tầng hầm của tòa nhà này."
Mặc dù ông Lubetkin lo ngại nhưng tượng bán thân của Lenin vẫn còn nguyên và trong nhiều năm trời đã được cất dấu trong tòa nhà dùng làm văn phòng của quận trưởng Islington. Nay, tượng này đã được dời vào bảo tàng viện của quận Islington.
Ông Alex Smith, quản thủ bảo tàng viện Islington nói: "Tượng đài Lenin đã bị phá phách nhiều lần cho nên ông Lubetkin đã cho làm một số phiên bản của tượng Lenin để dành. Trong một thời gian rất dài, bảo tàng viện Islington còn lưu trữ được một phiên bản và sau này, chúng tôi mới biết phiên bản này là phiên bản nguyên thủy."
Ngày nay, tại quảng trường Holford, có một tượng đài nhỏ nhắc nhở người qua lại rằng hồi năm 1905, người khai sinh ra giai cấp vô sản trên thế giới đã từng ở nơi này.
'Chôn bọn tư bản'
Lenin đến London tổng cộng sáu lần, và dành phần lớn thời gian tại Thư Viện Quốc Gia Anh để nghiên cứu công trình của Karl Marx, mà ông đã khám phá lần đầu tiên cũng tại thư viện này.
Sử gia Helen Rappoport nói: "Nhiều người có mặt tại thư viện này vào lúc đó đã nhớ Lenin, với thân người nhỏ bé, là một người đọc rất nhiều sách. Ông đã yêu cầu quản thủ thư viện tìm cho ông rất nhiều cuốn sách và ông đọc rất nhanh với một sự cuồng nhiệt phi thường."
Theo bà Rappoport, hơn thế nữa London đối với Lenin là một biểu tượng của quỷ dữ, mà chính ông muốn tiêu diệt. Ông thường xuyên mời bạn bè đi bộ trong vùng East End, và chỉ cho họ thấy cái hố cách biệt giữa người nghèo và người giàu.
Thế giới tư bản "phải dẫy chết"
Bà nói tiếp: "Điểm trớ trêu là chính một nước tư bản như là Anh Quốc đã giúp cho Lenin tiếp cận được sách vở, tự do hành động và còn cung cấp cho ông tài chính. Và chính tại London mà Lenin viết sách về cách tiêu diệt thế giới tư bản."
Trong thư viện có tên là Marx Memorial tại London có một bức tranh trên tường được làm hồi năm 1935. Bức tranh này vẽ một công nhân lưng trần đứng giữa một ông Lenin mắt xanh, Marx và Engels. Công nhân này đang phá tan xiềng xích và rung chuyển cả thế giới giữa lúc tháp chuông Big Ben đang sụp đổ, chôn sống bọn tư bản.
Giám đốc tư liệu về ảnh John Callow nói: "Quý vị có thể thấy người họa sĩ này đã chép bức ảnh chụp Lenin trắng đen. Điểm đáng chú ý là không biết tại sao bức tranh tường này lại không bị hư hại trong Thế Chiến Thứ Hai khi một quả bom rơi trúng trên nóc tòa nhà này."
Trong thư viện này, có một phòng nơi mà hồi năm 1902-1903, Lenin đã sửa chữa và cho in tờ báo Iskra.
Căn phòng này còn chứa nhiều tượng bán thân của Lenin, mà mỗi lần mỗi đoàn Liên Xô đến thăm đã tặng. Mikhail Gorbachev, Nikita Khruschev và các lãnh đạo khác cũng viếng thăm phòng này khi đến London.
Ông Callow nói: "Quý vị có thể thích hoặc ghét Lenin, nhưng ông ấy là một phần của lịch sử và nếu không có giai đoạn ấy, thì lịch sử sẽ không được như ngày hôm nay."
Gặp gỡ lịch sử

Quán rượu Crow Tavern !?

Quán rượu Crown Tavern nơi Lenin đã gặp Stalin?
Có một giả thuyết cho rằng Lenin gặp Stalin lần đầu tại London hồi năm 1905.
Ít ra, đây là những gì mà nhân viên của quán rượu Crown Tavern trong khu Clerkenwell tại London nói với du khách và họ còn khẳng định là cuộc gặp lịch sử này diễn ra tại quán rượu này.
Chủ quán Jason Robinson nói: "Tôi biết Lenin thường la cà quán của chúng tôi, và chuyện này còn được ghi lại trong sách sử. Theo văn khố, Lenin đã có gặp Stalin tại quán này hồi năm 1905."
Ông nói tiếp: "Cuộc gặp mặt này đã diễn ra hơn 100 năm trước nhưng du khách vẫn đến quán của chúng tôi vì họ quan tâm đến lịch sử."
Đối với một số người, những năm quan trọng nhất trong cuộc đời của Lenin vẫn còn có giá trị mãi tới hôm nay.

Sưu tầm

Comments