Bánh mỳ & Gánh xiếc. | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

Bánh mỳ & Gánh xiếc.

No Comments


Không có gì nghi ngờ rằng, những người dịch, dẫn, nghiên cứu khái niệm “bánh mì và gánh xiếc” của Juvenal thường nhằm phê phán tính ích kỷ và vô trách nhiệm của người bình dân trong hoạt động văn hóa và chính trị.


Nhưng cũng có những học giả có cái nhìn hoàn toàn ngược lại. Họ thấy rằng “bánh mì và gánh xiếc” là tiêu chuẩn, là nền tảng để xây dựng một nhà nước.
Theo nhà xã hội học người Mỹ David Riesman (1909–2002), phong trào thuyết âm mưu khá nhàm chán, bao giờ cũng có mô-týp bánh mì — gánh xiếc quen thuộc.
Ông phản bác một quan điểm của nhà kinh tế, nhà xã hội học Thorstein Veblen (1857–1929) về sự xuất hiện của phim ảnh vào năm 1929, vốn ghi nhận rằng: công chúng Hoa Kỳ hiện đại đang phải trả tiền cho những kẻ thống trị để có đặc quyền được ngửi khí gây cười đến trọn đời.
Nhưng làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua nỗi buồn chán của nhân loại? Ông hỏi.
Điều gì dẫn đến sự sụp đổ của Rome? Khó có thể phân tích hết. Tầng lớp bình dân trở nên lười biếng về chính trị? Có thể. Sự trỗi dậy của những kẻ man di phương Bắc? Có thể. Sự đa dạng mất kiểm soát của các nhóm dân cư không có một niềm tin chung? Cũng có thể. Nói sao cũng được cả.
Nhưng có một sự thật là xã hội nào cũng đòi hỏi các hình thức giải trí công cộng. Không có chúng, công chúng sẽ trở nên nhàm chán và bí bách. Và có trời biết những kẻ thường dân sẽ giở trò gì khi bí bách.
Triết gia Đan Mạch Søren Aabye Kierkegaard (1813–1855) còn nhìn thấy mặt tích cực hơn của “bánh mì và gánh xiếc”. Văn hóa đại chúng sẽ là môi trường mới cho các hoạt động dân sự, là nền tảng sinh sôi của các tổ chức dân sự: một hội đá banh, một hội thích xem phim, một hội thích đọc sách, một hội thánh giáo. Chúng sẽ là cái nôi hình thành các mô hình chính trị trong tương lai.
Nhưng quan trọng hơn cả, không phải mục tiêu cuối cùng của nhà nước là để người dân ấm no và cảm thấy hạnh phúc hay sao? Tại sao phải lên án một nhà nước khi nó đã giúp người dân có được cả hai điều ấy?
Nhiều học giả lúc này nghĩ ngay đến Singapore.
Singapore là ví dụ thành công kinh điển của “bánh mì và gánh xiếc”. Đúng, chính phủ Singapore là một chính phủ toàn trị, nơi nhai kẹo chewing gum bị cấm, nghiện ngập là vi phạm pháp luật, báo chí không được tự do, nền chính trị chỉ có một đảng cầm quyền suốt từ ngày lập quốc (1965) đến nay.
Đó cũng là nơi người dân trong các khu nhà ở sẽ bị chia theo định mức (quota) để đảm bảo rằng quá trình tập trung của một nhóm dân cư không thể dẫn tới sự hình thành khu ổ chuột hay chủ nghĩa sắc tộc.
Nhưng cũng cùng lúc đó, 80% người dân Singapore được chính phủ cấp nhà ở miễn phí (20% còn lại quá giàu và không muốn sống trong nhà ở xã hội). Khi đã được chính phủ tạo ra một tấm lưới phúc lợi an toàn về an cư, liệu người dân có thật sự quan tâm họ đang bị chia quota theo sắc tộc?
Kẹo dẻo bị cấm, người nghiện có thể bị tử hình, những ai chỉ trích chính phủ có thể bị bắt giam, nhưng Singapore được xem là quốc gia an toàn và thịnh vượng nhất châu Á.
Hàng tỷ USD được đầu tư vào các nhà hàng khách sạn, vào trường đua xe thể thức một (F1) ban đêm đầu tiên trên thế giới, vào những khu vui chơi giải trí vốn là nỗi thèm khát từ lâu của giới trẻ Đông Nam Á. Văn hóa ẩm thực đa dạng cũng được chính phủ đầu tư và hỗ trợ mạnh để trở thành một biểu tượng của một quốc gia thịnh vượng và đại đồng.
Sống trong một xã hội như vậy, ai sẽ quan tâm đến vài viên kẹo và dăm ba kẻ nghiện?
***
Bàn về “bánh mì và gánh xiếc” không đơn giản chỉ là bàn về lời phê phán người bình dân. Chúng có thể mở ra cả một quá trình đối thoại nghiêm túc về việc quốc dân thật sự cần điều gì.
Liệu họ có cần dân chủ? Liệu họ có cần những tờ nhật báo chửi nhau và chửi chính trị gia rả rích như ve sầu đêm hè?
Nếu họ thật sự cho rằng một cái bụng no và một cái mặt tươi cười là quá đủ cho một kiếp người, thì không ai có đủ tư cách để phán xét họ cả.
Tài liệu tham khảo:
  • Patrick Brantlinger, Bread and Circuses — Theories of Mass Culture and Social decay, Cornell University Press. (1983)
  • Andrew Duffy & Yang Yuhong Ashley, Bread and Circuses — Food meets politics in the Singapore media, Journalism Practice, 6:1, 59–74 (2012).
Sưu tầm

Comments