FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả : Những điều người ta không nói khi dạy triết học. -->

Những điều người ta không nói khi dạy triết học.

No Comments


Trước tiên khi đi vào bài viết về triết học này, tôi muốn cảnh báo các bạn rằng, bạn đang nghe một đứa ba lần học lại môn Marx – Lenin “chém gió”. Nếu bạn không phiền lòng vì điều này thì chúng ta bắt đầu.

Tình yêu đối với sự thông thái

Triết học trong tiếng Hy Lạp cổ đại là philosophia (φιλοσοφία) tức là “tình yêu đối với sự thông thái”. Tình yêu phải do chính bản thân bạn kiếm tìm, thứ kiến thức ép buộc, cố nhồi nhét vào đầu người khác không phải là triết học.

Trước đây, tôi và các bạn mình đã tự xây cho chính mình những “thành trì” vững chắc đá văng mọi lý lẽ triết học mà người ta ném vào chúng tôi. Chúng tôi xem những thứ kiến thức họ truyền dạy như một con quái vật khủng khiếp sẽ bổ đầu chúng tôi nếu có cơ hội.
Triết học nghiên cứu về những vấn đề chung nhất, cơ bản nhất của thế giới. Nói dễ hiểu triết học là chân lý. Vấn đề là mỗi người có một cái tôi khác nhau, với thế giới quan khác nhau và hướng đến những chân lý khác nhau. Làm sao một góc triết học nhỏ bé có thể làm thỏa mãn. Người ta dạy cho sinh viên một góc nhỏ, và rồi nhận định cái góc đó là chân lý của mọi thời đại – Đấy là sự dối lừa.
Thực tế là giới trẻ đang mặc định xem triết học như một bóng ma đầy ám ảnh. Họ quăng sách giáo khoa vào nơi mà chuột cũng không thèm lui tới. Họ nhìn những đứa học triết với ánh mắt ngưỡng mộ như thế nó từ hành tinh khác tới. Tại sao “con đường dẫn đến sự thông thái” lại ra nông nổi này?

Nhập môn đóng cửa

Tôi và bạn bè thường chém gió với nhau rằng Triết không nên là một môn học vì Triết trở nên tầm thường khi là môn học. Thực tế thì có rất ít công trình nhập môn tử tế cho triết học. Nhập môn triết trong nhà trường giống như một cảnh cổng muốn người khác đi vào nhưng luôn luôn đóng kính bằng cả đống ổ khóa Việt Tiệp.
Nên biết rằng, những gì gọi là nhập môn có hệ thống mà các thế hệ sinh viên đang học kỳ thật chỉ trình bày một chuỗi các trào lưu tư tưởng và các chủ nghĩa khô cứng, lỗi thời, nặng tính lịch sử. Mặc dù kiến thức đó là cần thiết cho nền móng của bạn nhưng nếu xem đó là tất cả thì ngôi nhà bạn xây mãi mãi không hoàn thành được.
Khởi đầu ở đại học luôn khiến sinh viên thất vọng, nhưng đừng quá quan tâm điều đó. Thường thì các giảng viên sẽ khiến bạn tan tành giấc mộng nhưng hãy nhặt mảnh vỡ lên và hàn gắn nó lại.

Trên đường phố, triết học là quả bóng – Trong chính trị, triết học là quả bom

Ở các trường phương tây, Những kiến thức triết học, tiểu luận hay sách vở để đọc và phản đối. Ở Việt Nam, triết để học và đặt lên bàn thờ…! Triết học nên là một quá bóng vui tươi, thú vị được đá lông lốc trên đường phố, triết học mà đặt lên bàn thờ cung phụng thì sớm muộn cũng chết nhăn răng.
Trong giáo dục hàn lâm, người ta chú trọng đến truyền đạt kiến thức chính xác hơn là kích động sự sáng tạo trong sinh viên. Và mặc dù sự sáng tạo sẽ đem đến nhiều quả ngọt, người ta càng sợ hãi hơn nếu như sáng tạo đem đến cho họ những quả bom chứa đầy chất nổ C4. Thực tế là triết học chân chính thừa khả năng tạo ra những quả bom đủ sức phá hoại mọi thứ. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà cách mạng toàn là triết gia, luật sư hay nhà báo… Triết học không có sáng tạo thì chẳng đi tìm được sự thông thái! Triết học thiếu sự sáng tạo là triết học chết.

Dạy Triết hay dạy Sử  

Triết học không phải là sử học nhưng kiến thức lịch sử triết học hầu như lấn lướt hoàn toàn các giáo trình dạy triết. Thay vì hướng về hiện tại, tương lai để tìm ra cái mới, người ta “vặn cổ” sinh viên và bắt nhìn về quá khứ – Đầy huy hoàng nhưng bốc mùi mốc meo.
Đôi khi chúng ta cố gắng làm mới chúng. Sự nhiệt huyết của chúng ta thể hiện qua những câu hỏi đầy sục sôi như: “Tại sao lại yêu?” “Tại sao không công nhận linh hồn?” “Thể chế chỉ là bù nhìn, lợi ích mới là cốt lõi?” “Ngành nghiên cứu não bộ đã đủ sức triệt tiêu phạm trù tinh thần hay chưa?” Đáp lại nhiệt huyết của chúng ta là chậu-nước-lạnh “20 câu hỏi thi kết thúc học phần”.

Tình yêu phải tự mình tìm kiếm

Ai cũng sẽ cảm thấy khó chịu vì bị nhét những kiến thức mình ko thích. Hãy để triết học trở lại đúng với ý nghĩa ban đầu của nó – “Tình yêu đối với sự thông thái.” Hãy để sinh viên tự mình tìm hiểu về triết học. Các giáo viên chỉ nên dạy các kiến thức cơ bản, các định nghĩa và đứng ra giúp đỡ khi cần. Đừng nắm đầu họ và hét vào tai “mày đi thẳng cho tao”. Làm vậy không phải dạy triết học mà đang giết chết triết học.
Triết học là tình yêu đối với sự thông thái. Bạn chắc chắn sẽ coi đó là kẻ thù nếu nó làm bạn ngu đi. Nếu người ta muốn dạy bạn về sự thông thái, về triết học chân chính thì họ đã thất bại. Nhưng nếu người ta muốn bạn không quan tâm để rồi làm ngơ trước chân lý thì họ đã thành công. Đừng bao giờ để âm mưu của họ thành công.

Tg: Bút Đỏ

Comments