- Nếu người Việt không ăn thịt chó nữa thì có ảnh hưởng gì không ?
Tửu
tôi cảm thấy rất phấn khích khi đặt câu hỏi này. Quả thực, một thoáng
ban đầu, chính Tửu tôi cũng cảm thấy câu hỏi này có vẻ bông phèng.
Nhưng sau đó, ngẫm thật kỹ, Tửu tôi thấy câu hỏi cũng có vấn đề của nó.
Tửu tôi đặt câu hỏi này không phải vì chúng ta đã ít nhất hai lần
“trúng tả” bởi món ẩm thực siêu đặc biệt này của người Việt. Tất nhiên,
nguyên nhân “trúng tả” không hẳn do 7 hay 9 món cầy tơ hay do sự tham
gia của “kẻ đồng hành” với thịt chó là mắm tôm. Nhưng bản chất thịt chó
hay mắm tôm cũng không có tội gì. Tội là ở người sản xuất ra nó và bảo
quản nó thiếu vệ sinh mà thôi. Có người đã hăng hái đề xuất phương án
thịt chó không mắm tôm. Nhưng nếu thịt chó không mắm tôm thì khác gì
đàn bầu không người gảy.
Nước
ta là một nước được xếp vào những nước vệ sinh môi trường kém. Bởi thế,
khi mắm tôm vừa được “đánh bông” lên với chanh, ớt thì không chỉ những
người nghiền thịt chó mà cả lũ ruồi cũng chảy nước miếng. Thế là, những
vị khách không mời mà cứ tự nhiên xô đến, đậu xuống bát mắm tôm, thục
cái vòi đen sì như một cái ống hút vào bát và rung nhè nhè đôi cánh bởi
sự sung sướng ngất ngây và thả vào bát mắm tôm hấp dẫn đó đủ thứ vi
trùng mà chúng mang theo trên hành trình “kinh hãi” của bầy ruồi.

Nhưng
hình như sự hấp dẫn ma mị của món ẩm thực này làm cho chúng ta quên đi
tất cả. Có một sự thật đằng sau những đĩa dồi chó thơm lừng, những đĩa
thịt chó luộc với màu da vàng thẫm bóng nhẫy, những đĩa nướng ngào
ngạt... Đó là sự thật về nguồn gốc thực phẩm – chó hơi. Chúng ta có cơ
quan kiểm dịch các lò mổ nhưng chỉ với lợn, bò hoặc gà. Nhưng chúng ta
chưa hề kiểm dịch các lò mổ chó. Sự thật, các lò mổ chó cấp “visa” nhập
cảnh lò mổ cho tất cả các loại chó: chó già, chó trẻ, chó đen, chó
trắng, chó ta, chó tây, chó ghẻ, chó què, chó ốm, chó dại… Và chỉ sau
một hồi thui rơm và cọ rửa là tất cả các loại chó ghẻ lở, đau ốm, điên
dại kia đều trở nên vàng ươm và căng mịn không còn dấu vết gì của những
con chó bệnh tật trước đó.
Đã
có một thời, Tửu tôi nằm ngủ cũng mơ về món thịt chó. Nhưng sau nhiều
chuyện và nhiều vấn đề, Tửu tôi bắt đầu suy nghĩ và đặt câu hỏi nói
trên. Khi đưa câu hỏi này ra trước công chúng, Tửu tôi biết chắc rằng
sẽ bị rất nhiều người trong giới mày râu phản đối, cũng có thể Tửu tôi
bị mấy người bạn thân lâu nay tẩy chay và cũng không ít người trong
giới này đồng tình. Nghĩa là họ đồng tình tìm câu trả lời để cá nhân họ
đi đến quyết định tiếp tục ăn thịt chó hay không ăn nữa. Dù ai đó tiếp
tục “tôn thờ” thịt chó và ai đó giã từ nó thì cũng chỉ là chuyện cá
nhân mà thôi. Tự do ẩm thực muôn năm.
Ẩm
thực của một dân tộc cũng là một yếu tố làm nên văn hóa của dân tộc đó.
Nhưng thịt chó là một nét của văn hóa hay chỉ là sự khoái khẩu mà thôi?
Thực tế cho thấy: chỉ có hai nước được coi là ăn thịt chó chính thức.
Đó là Việt Nam và Hàn Quốc. Có một, hai nước ở châu Á cũng có ăn thịt
chó nhưng không phổ biến như ở Việt Nam và Hàn Quốc. Tửu tôi có hỏi một
số người, trong đó có cả những nhà sử học và nghiên cứu văn hóa dân
gian, vì sao chỉ có hai nước ăn thịt chó một cách chính thức như Việt
Nam và Hàn Quốc thì nhận được câu trả lời như sau: đó là vì một bộ phận
của dòng tộc Lý ở Việt Nam di cư sang Hàn Quốc trước kia và đã mang
theo món ăn đặc biệt này. Nghe có lý đấy chứ cho dù chẳng có bằng chứng
gì.
Theo
thông tin của những người đã đi du lịch thì hiện nay Campuchia cũng là
nước có nhiều người ăn thịt chó trong khu vực. Tìm hiểu nguyên nhân là
vì có quá nhiều người Việt Nam định cư ở đó. Hơn nữa, Campuchia cũng
không có luật và không có “văn hóa nuôi chó” như các nước khác trên thế
giới. Nên việc ăn thịt chó của người Việt được tự do. Tửu tôi còn nhớ
câu nói quen thuộc của những người đi công tác ở nước ngoài trong thời
gian dài: “Nhớ vợ, thương con, thèm thịt chó” thì mới hiểu sự ám ảnh
của thịt chó với người Việt như thế nào.
Chuyện
ăn thịt chó của người Việt Nam ở một số nước châu Âu thời nay đã có lúc
trở thành vấn đề căng thẳng. Cách đây mấy năm, dư luận xã hội Balan và
một số cơ quan bảo vệ môi trường nước này đã cực lực lên án thậm chí sỉ
nhục việc giết chó ăn thịt của một số người Việt đang sinh sống buôn
bán ở đất nước này là thiếu nhân văn. Tửu tôi đã phản đối sự sỉ nhục
đó. Tất nhiên “nhập gia tùy tục”. Nhưng nói đến chuyện nhân văn thì
không ổn. Tửu tôi đặt câu hỏi: nếu giết thịt một con chó là thiếu nhân
văn thì giết bò, cừu, gà… là nhân văn à? Nhưng cũng không ít người Việt
Nam không ăn thịt chó hoặc có ăn nhưng đã cai cho rằng con chó là vật
gần gũi và có tình cảm với con người khác hoàn toàn với bò, cừu, gà…
Cho nên việc giết chó ăn thịt đã gây phản ứng tự nhiên và hợp lý.
Tửu
tôi hoàn toàn khẳng định là ăn thịt chó hay không ăn thịt chó không
đồng nghĩa với nhân văn hay thiếu nhân văn. Nhưng chúng ta cũng biết
rằng chó là vật nuôi duy nhất đặc biệt của con người vì chúng có thể
hiểu và thậm chí chia sẻ được tình cảm với con người. Một hiện thực cho
thấy: ở Việt Nam, các gia đình chưa bao giờ nuôi chó để bán lấy tiền.
Họ chỉ nuôi để giữ nhà, để cho vui và để giải quyết những thức ăn thừa.
Nếu thấy cần thì bán bớt đi mà thôi. Càng ngày càng nhiều gia đình ở
thành phố nuôi chó như một thú chơi. Chẳng thế mà một thời có quá nhiều
gia đình nuôi chó cảnh để kinh doanh. Có nhà sẵn sàng ngủ ở gác xép còn
phòng chính lại để cho chó chơi, chó ngủ. Vì lúc đó, xã hội có câu
rằng: “Chó nuôi người chứ không phải người nuôi chó”.
Nhiều
người ở thành phố sau khi nuôi chó đã không ăn thịt chó nữa. Bởi sáng
đi làm, chó theo ra tận cửa. Chiều đi làm về, chó cũng chạy ra đón mừng
vui rối rít. Con chó nào được nuôi cũng được đặt một cái tên rất thân
thương như một thành viên chính thức trong cộng đồng gia đình trong khi
hầu như quá hiếm người đặt tên cho trâu, bò, lợn hay gà, vịt. Vì tình
cảm tự nhiên đó của con chó đối với mình mà không nỡ lòng nào gắp miếng
thịt chó cho vào miệng nhai ngấu nghiến với lòng sung sướng vô biên.
Những
người nước ngoài đến Việt Nam bần thần đứng nhìn những con chó bị thui,
bị xả thịt. Văn hoá của họ khác chúng ta. Cũng như trên thế giới có
nhiều người theo đạo này thì không ăn thịt lợn, theo đạo kia thì không
ăn thịt bò. Những người nước ngoài coi chó như bạn. Còn người Việt coi
chó như chó. Nên việc cắt tiết con chó vẫn quấn quýt với mình trong dăm
ba năm, rồi thui vàng, rồi mổ bụng, rồi xào nấu, rồi đánh chén… là
chuyện bình thường. Chuyện này không có ai đúng ai sai, chỉ có nên hay
không nên mà thôi. Và hiện thực cũng cho thấy có một số người nước
ngoài đã thử ăn thịt chó xem món ẩm thực này có gì “phù thủy” mà người
Việt Nam mê mẩn và khó rời xa được như thế. Sau khi họ thử ăn thịt chó,
họ mới sững sờ. Ngon thật và lạ thật. Cái ngon của món ẩm thực này và
cái hoang mang của việc ăn thịt con vật mà họ yêu quí nhất đã làm cho
không ít người nước ngoài không biết có nên ăn tiếp thịt chó hay bỏ
chạy.
Tửu
tôi bỏ thịt chó đã nhiều năm nay. Tôi không học người nước ngoài. Tôi
có chủ quyền của tôi trong việc ăn uống. Tôi không ăn thịt chó chỉ vì
một lý do đặc biệt. Khi cha tôi ốm đau trong nhiều tháng trời, mỗi khi
về thăm ông, tôi đều thấy con chó mà cha tôi nuôi từ nhỏ cứ quanh quẩn
bên ông. Đến đêm, con chó nằm dưới gầm giường cha tôi. Mỗi lần cha tôi
dậy uống thuốc hay đi tiểu, nó đều đi theo. Ngày cha tôi mất, con chó
bỏ ăn nằm bẹp trong bếp mấy ngày liền. Đôi mắt nó buồn bã và đẫm lệ. Từ
đó, tôi không ăn thịt chó nữa. Bởi nó đã ở bên cha tôi trong những ngày
tôi đi vắng. Nó thực sự chia sẻ với cha tôi một cách vô thức trong
những ngày, những đêm các con của ông lao đầu vào công việc ở đâu đấy.
|
Chúng ta mang cảm giác gì khi chọc
tiết và ăn thịt một con vật nuôi duy nhất mà chúng ta có thể nói chuyện
với nó ngày ngày như với một người bạn?
Tôi
có một ông chú họ vốn nghiện rượu với thịt chó. Chỉ một cái đuôi chó là
quá đủ cho ông nhắm hết một chai 75. Thế mà ông giã từ thịt chó. Tôi
ngỡ ông chú có bệnh gì đó không ăn được thịt chó nữa thì mới phải bỏ.
Hỏi ra thì không phải thế. Mà bởi một lần các con ông bắt con chó của
gia đình ông để cắt tiết làm thịt. Con chó bị đuổi bắt chạy nấp sau
chân ông để tìm sự che chở của ông. Nhưng cuối cùng nó vẫn bị bắt. Con
chó bị trói quặt hai chân trước về phía sau. Nó cứ ngước đôi mắt giàn
giụa lệ nhìn ông cho đến khi máu trong người nó chảy cạn kiệt xuống cái
chậu sành để làm món dồi. Bữa trưa hôm đó, khi ông ăn đến miếng thịt
chó thứ hai thì bỗng nôn thốc nôn tháo. Ông chú tôi bỏ ăn lên giường
nằm và từ đó không bao giờ ăn thịt chó nữa. Khi biết chuyện này, các
con ông nói: “Vớ vẩn, ăn thịt chó chứ ăn thịt người đâu mà phải sợ”. |
Với
một tâm trạng hoang mang có thật về việc ăn thịt chó hay không ăn thịt
chó, Tửu tôi đã mang câu hỏi: “Nếu người Việt không ăn thịt chó nữa thì
có ảnh hưởng gì không?” để hỏi một số người. Và dưới đây là một số câu
trả lời:
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Không ăn thịt chó chẳng có ảnh hưởng gì cả. Đây không phải là vấn đề của văn hóa.
Nghệ sỹ rối nước Chu Lượng: Tôi cương quyết không ăn thịt chó nữa. Nhà tôi nuôi một con chó và tôi thấy nó như một người bạn tốt.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Tôi đã từng mê thịt chó. Nhưng cũng đã bỏ nhiều năm nay. Bớt ăn thịt chó thì bớt được số người mắc bệnh gút và bệnh tiểu đường.
Nhà thơ Mai Văn Phấn: Không ăn thịt chó cũng giống như từ bỏ một thói quen chứ ăn thịt chó không có tính xã hội hay nhân văn.
Đạo diễn, nhà thơ Lương Tử Đức: Bỏ thịt chó là đánh mất một tính cách người Việt.
Họa sỹ Đào Hải Phong: Bỏ thịt chó cũng chẳng mất cái gì cả. Người Việt đã có quá nhiều món ăn ngon và đặc biệt rồi.
Kỹ sư Đỗ Minh Thắng: Thịt
chó quả là rất ngon. Nhưng không phải món ăn ngon duy nhất của người
Việt. Vì lý do gì đó mà phải bỏ thì cũng đơn giản chứ có gì mà phải băn
khoăn.
Anh Trần Thúc Viêm, chạy xe ôm ở ngã tư Bà Triệu - Tuệ Tĩnh: Tôi
không nghĩ đến ăn hay không ăn thịt chó. Có gì mà phải nghĩ. Nhưng lâu
nay tôi không có thời gian đi ăn thịt chó và tôi thấy ăn cũng được mà
không ăn cũng chẳng làm sao.
Chị Hà Thị Minh Thúy, kỹ sư thủy sản: Tôi
chưa bao giờ ăn thịt chó vì là phụ nữ. Tôi chỉ thấy có người nuôi chó
thường âu yếm, trò chuyện với nó rồi đến một ngày cắt cổ nó giết thịt
thì thấy nó ang ác thế nào ấy.
Thấy giáo Ngô Mạnh Cường : Có người bảo ăn thịt chó là văn hoá ẩm thực. Nói thế là nói quá. Chỉ là món khoái khẩu thôi chứ làm gì có vấn đề văn hoá ở đây.
Đấy
chỉ là câu trả lời của một số trong hàng triệu người ăn thịt chó. Những
người được hỏi nói trên đã từng là những “kẻ” nghiền thịt chó một thời.
Họ không đại diện cho một cộng đồng nghiền thịt chó. Họ chỉ đưa ra quan
điểm của họ mà thôi. Nhân lúc nhiều lò mổ chó bị cấm vì vấn đề sức khỏe
cộng đồng, Tửu tôi mang câu hỏi này ra để chúng ta cũng bàn. Tửu tôi
mong nhận được ý kiến của những người vốn đã và đang nghiền thịt chó.
Chuyện
ăn thịt chó hay không không hề là một chuyện hệ trọng. Nó không phải là
vấn đề quốc gia mà chỉ là chuyện của từng người là chủ yếu. Nhưng vì
thịt chó là một món ăn đặc biệt và nó bắt đầu được không ít người Việt
Nam bàn đến với một ý nghĩa ngoài ý nghĩa thực phẩm. Có thể đọc xong
bài này thì nhiều bạn đọc vẫn đi ăn thịt chó và bàn luận về nó với nội
dung:
Chúng ta mang cảm giác gì khi chọc tiết và ăn thịt một con vật
nuôi duy nhất mà chúng ta có thể nói chuyện với nó ngày ngày như với
một người bạn?
|