5 điều làm cho con người không sống trọn vẹn với hiện tại. | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

5 điều làm cho con người không sống trọn vẹn với hiện tại.

No Comments


Tự do chắc chắn là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi con người. Nhưng không phải ai cũng hiểu tự do là sống trọn vẹn giây phút hiện tại, sống khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác trong sự mới lạ và ngạc nhiên. Có nhiều điều làm cho giây phút hiện tại mất đi sự mới lạ trong cuộc sống, và dưới đây là 5 điều trong số đó.

1. Sợ hãi

Sợ hãi không phải là bản chất của con người, nó là cái bóng của những điều chúng ta yêu quý và nâng niu trong cuộc sống. Thích cuộc sống giàu sang nên chúng ta sợ nghèo đói, sợ mất việc; thích cuộc sống an nhàn, an toàn nên chúng ta sợ tranh đấu, sợ phiền phức, sợ thay đổi. Vì được hạnh phúc bên gia đình, bên người tình nên chúng ta sợ phải mất họ, sợ họ bỏ rơi...
Chính vì sống trong hàng ngàn nỗi sợ đó mà chúng ta luôn có tâm lý đề phòng, dè chừng trước những gì đang diễn ra. Chúng ta sống trong giây phút hiện tại với nỗi sợ triền miên nên hầu như hiếm ai có được tự do trong từng giây phút sống. Bị cầm tù trong nhà tù của sợ hãi, chúng ta đánh mất đi cảm giác mới lạ, thú vị và ngạc nhiên của một cơn mưa hay một ngày đầy nắng, một nụ cười hay một tiếng khóc của ai đó.

2. Giáo điều

Niềm tin là điều tối quan trọng trong cuộc sống của chúng ta? Chúng ta được dạy điều đó từ gia đình, từ trường học, từ xã hội, từ tôn giáo. Bất kỳ niềm tin nào cũng đều treo trước mặt chúng ta một phần thưởng, nó có thể là trở thành triệu phú, là nhà bác học, hay như thiên đường, giác ngộ trong cõi niết bàn. Và một niềm tin chúng ta đeo đuổi đều mang lại một hệ thống tư tưởng, lý luận từ chặt chẽ, khoa học tới rời rạc và mông lung. Và để đạt tới phần thưởng mà niềm tin mang lại, con người phải nắm giữ những chân lý không bao giờ thay đổi, chúng ta gọi nó là các giáo điều.

Các giáo điều là nhà tù vô hình khiến chúng ta không bao giờ thấy hiện tại còn gì mới lạ, ngạc nhiên. Những ai mang trong mình các giáo điều đều là những kẻ kiêu ngạo, dù họ luôn bảo họ hết sức khiêm nhường. Họ tự cho đã có thể đánh giá thế giới xung quanh, giải thích được những gì đang xảy ra trên thế giới, và luôn bước đi cao ngạo dù họ lại khúm núm bên ngoài. Họ bị cầm tù chính trong tư tưởng, suy nghĩ nên họ hầu như chẳng bao giờ hiểu biết tự do là gì. Họ chẳng hiểu giá trị của hiện tại, và họ không bao giờ ngạc nhiên trước những điều xảy ra dù nhỏ hay to lớn trong cuộc sống.

3. Thành kiến

Thành kiến khác các giáo điều ở chỗ nó không treo trước mặt bạn một phần thường, và nó không có tính phổ quát như các giáo điều. Thành kiến có tính cụ thể, và nó thường là chủ quan của cá nhân. Thành kiến về người Châu Á, thành kiến về đạo hồi, thành kiến với TQ, hay thành kiến với người này, kẻ nọ, với công việc nào đó.
Thành kiến mặc dù có tính cá nhân, nhưng nó thường đến từ bên ngoài nhiều hơn. Khi còn ở với gia đình, chúng ta mang thanh kiến người này, kẻ nọ xuất phát từ cha mẹ chúng ta; hay chúng ta có thành kiến với tôn giáo này, tôn giáo nọ xuất phát từ tôn giáo chúng ta đang theo; hoặc chúng ta thành kiến với nước này, nước nọ xuất phát từ xã hội, giáo dục...
Thành kiến là điều tệ hại nhất vì nó khiến chúng ta không bao giờ nhìn thấy điều tốt đẹp trong hiện tại đối với đối tượng chúng ta có thành kiến. Người mang thành kiến trong mình như mang trên vai tảng đá nặng trong tâm trí, nó che lấp hết những gì mới mẻ, và tốt đẹp mà ánh sáng hiện tại có thể chiếu rọi vào tâm trí của ta, khiến chúng ta chỉ nhìn thấy bóng tối, cảm giác tiêu cực. Người mang thành kiến sống một cuộc đời lảng phí năng lượng vào nhiều hoạt động thật lố bịch, và ngu xuẩn. Họ bị cầm tù bởi chính mình, vào chẳng bao giờ tự do hoàn toàn trong cuộc sống.

4. Đạo đức

Các chuẩn mức đạo đức là tối quan trọng trong xã hội? Không ai dám bảo đạo đức là thứ lố bịch, là nhà tù, là tảng đá của người trước đè lên vai người sau. Bởi kẻ nào dám đạp đổ các chuẩn mực đạo đức sẽ bị ngay một đám nhân danh đạo đức kết bản án tử hình không bằng súng đạn, gươm giáo, thì bằng thái độ và sự kỳ thị.
Tôi không kêu gọi sống buông thả, sống theo bản năng đòi hỏi khi bảo các chuẩn mực đạo đức là nhà tù của tự do. Tự do trong sự buông thả, trong thỏa mãn các dục vọng cũng chỉ là nô lệ của chính mình, chẳng khác nào kẻ mãn nguyện với việc tuân thủ đạo đức.
Các chuẩn mực đạo đức khiến bạn chỉ biết phán xét hơn là sống, sống trong khuôn mẫu đạo đức dễ khiến trở nên máy móc hơn là sống tỉnh thức từng khoảnh khắc để nhận ra sự mới lạ trong cuộc sống, và ngạc nhiên trong từng sự việc dù nhỏ nhất. Đạo đức là tốt nhưng không phải là chân lý, càng không phải là tự do. Kẻ nào càng tự hào trong đạo đức, kẻ đó càng nô lệ cho dục vọng của mình, chỉ là nó tinh vi hơn mà thôi.

5. Thời gian

Thời gian là cuộc sống mà chúng ta đã trải qua hay chưa trải qua. Chúng ta gọi chúng là quá khứ hay tương lai. Người sống trọn giây phút hiện tại, sống khoảnh khắc này tới khoảnh khắc khác không có thời gian, bởi người sống được như vậy không thể bị quá khứ hay tương lai chi phối, và làm hoen ố.
Quá khứ thường làm chúng ta một là hối hận, hai là tự hào. Kẻ hối hận với quá khứ thì thường cố sống để không mắc lại sai phạm. Họ bị ảm ảnh với quá khứ nên họ không sống trong hiện tại, mà chỉ là chạy trốn quá khứ.
Kẻ tự hào về quá khứ thì thường níu giữ lại, cố tái hiện nó ở hiện tại, bóp méo hiện tại thành quá khứ. Người này cũng không sống giây phút hiện tại, họ chỉ cố làm cho hiện tại thành quá khứ mà thôi.
Tương lai của tôi sẽ thế nào? Tôi nghĩ đây là câu hỏi ngu ngốc và buồn cười nhất. Tại sao ư? Bạn có biết đến khi nào mới đến cái mốc gọi là tương lai? 10 năm? 20 năm? Hay 30 năm sau? Cứ cho đến cái thời gian bạn cho là tương lai đó đi, thì chính ngay giây phút đó bạn cũng sẽ tự đặt cho mình câu hỏi tương tự của 10, 20, 30 năm về trước. Tương lai của tôi sẽ như thế nào? Chúng ta lo sợ, nghĩ về tương lai như kẻ chạ0y đua với thời gian, mà quên mất rằng thời gian chính là cuộc sống của mình. Mà cuộc sống của mỗi người thì có giới hạn, bởi đến một lúc nào đó thì nó cũng phải đi đến hồi kết.
Lãng phí năng lượng lo cho tương lai, khiến chúng ta giam hãm mình vào những quy tắc mà mình nghĩ nó mang lại thành công. Chúng ta cứ ngong ngóng nghĩ về tương lai, nên bỏ quên mất hiên tại. Hiện tại là gì nếu không là cái đẹp trước mắt, sự mới lạ trong những sự việc nhỏ, niềm vui trong từng khoảnh khắc. Sống hiện tại như vậy chỉ có thể ở những con người tự do, tự do khỏi những nỗi sợ, những giáo điều, những thành kiến, những phán xét dựa trên chuẩn mực đạo đức, và hơn hết là tự do khỏi những toan tính tương lai. Một con người như vậy như gió, như mây, như chiếc lá, như tiếng chim hót, sống liên kết với hiện tại mà không bị bóp méo bởi bất kỳ điều gì.
Tự do chắc chắn là điều quan trọng nhất, quý giá nhất. Nhưng đừng nhầm lẫn nó là kết quả của tranh đấu, của nỗ lực, của bứt phá. Bởi nếu nó là kết quả của một điều gì đó thì nó phải là của tương lai, và cũng chỉ là một sản phẩm không hơn không kém. Tự do ở trong bạn, tự do ở xung quanh bạn, ở đó bên bạn từng giây phút. Tự do là bạn khi bạn sống trọn vẹn giây phút hiện tại. Không ai cướp đi tự do của bạn, bạn chỉ không nhận ra được tự do khi phải sống trong sợ hãi, thành kiến, các chuẩn mực đạo đức.
Bạn chỉ cần sống, sống như thể giây phút nào cũng quý giá. Khi bạn hiểu ra được điều này, trân trọng giây phút hiện tại, không cố tái hiện quá khứ, các giáo điều vào từng khoảnh khắc cuộc sống, bạn sẽ biết tự do trong hiện tại luôn có vẻ đẹp lạ kỳ, luôn luôn mới. Đẹp là yêu, yêu không theo kiểu lo sợ bị bỏ rơi, không theo kiểu vì cần, nhớ nhung, hay vì tốt, họ đẹp. Yêu này không gọi tên được, nhưng luôn luôn là tình yêu của mới lạ và ngạc nhiên.
(Viết trong những ngày lạnh giá và trời đầy mưa, nhưng vẫn lang thang đây đó).

Thân!
TG: Jospetuat

Comments