Từ anh thợ sang làm chủ là bền vững nhất. | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

Từ anh thợ sang làm chủ là bền vững nhất.

No Comments

Đào tạo thợ thầy tại chỗ là công việc hết sức quan trọng và tối cần thiết… nếu không có đào tạo thêm sẽ là một bãi chiến trường hỗn loạn vì các “phe” đánh nhau không phân biệt phe nào và tổn thất sẽ là “ông bà chủ bày ra chiến trường đó”. 

 Qui luật chung của các doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất – kinh doanh, ngoài vốn, công nghệ, quản lý thì ưu tiên hàng đầu là con người. Dù được đào tạo bài bản ở nhà trường, nhưng khi bước vào công ty chúng tôi phải được đào tạo lại theo nhiệm vụ được phân công. Bài viết của ông Đỗ Long, TGĐ công ty Bita’s…

Bita’s chủ động soạn thảo bộ quy tắc đào tạo bao gồm: Qui tắc về chấp hành nội qui công ty, các luật hiện hành của nhà nước ban hành như BHXH, BHYT… chế độ lương, công đoàn… và quan trọng là đào tạo tay nghề theo phân xưởng như: May mặc, cán dán giày dép, ép đế giày, lập trình máy thêu, lập trình các công đoạn sản xuất từ bán thành phẩm đến hoàn chỉnh, đóng gói.

Đào tạo thợ thầy tại chỗ là công việc hết sức quan trọng và tối cần thiết… nếu không có đào tạo thêm sẽ là một bãi chiến trường hỗn loạn vì các “phe” đánh nhau không phân biệt phe nào và tổn thất sẽ là “ông bà chủ bày ra chiến trường đó”.
Tuy nhiên khi đào tạo được lớp “thợ thầy” chuẩn mực rồi thì việc giữ chân được hay không lại là chuyện khác. Chảy máu chất xám vẫn diễn ra cho dù đãi ngộ tốt đến đâu, bảo đảm công ăn việc làm, đồng lương cao tới đâu. Đó là nỗi khổ đau nhất của hầu hết tất cả doanh nghiệp Việt Nam. Trên thực tế thời gian qua Bita’s đã cố gắng duy trì các hình thức khác nhau để “giữ chân thợ thầy giỏi” nhưng vẫn bị “chảy máu” dù ít (tỉ lệ khoảng 20% thất thoát).
Nhìn qua đồng nghiệp cũng có những hiện tượng này, dù áp dụng đủ mọi hình thức như: Chỉnh lương định kỳ trong năm, tổ chức các hình thức khen thưởng, du lịch, hoạt động gia đình công nhân, chăm lo con em học giỏi, thưởng định mức xếp hạng, tổ chức văn nghệ, nấu ăn, mừng sinh nhật… Việc để giữ chân người giỏi hiện nay không còn phụ thuộc vào sự tự phán quyết của doanh nghiệp, các chính sách chung của Nhà nước như Bộ luật Lao động cần quan tâm giới chủ hơn nữa chứ không chỉ quan tâm người lao động.
Chuyện “thừa thầy thiếu thợ” cái gốc chính là định vị vai trò kinh tế Việt Nam trên bản đồ chung thiếu tính khoa học, khập khiễng cả trong sự phân bổ các nguồn lực, vốn, chính sách cho cả nền kinh tế, coi trọng các DN nhà nước và xem nhẹ vai trò các DN tư nhân từ nhiều thập kỷ qua (Mặc dù có thay đổi trong vài năm nhưng chưa ăn thua). Khi đã lạc hậu trong tư tưởng chỉ đạo kinh tế thì chỉ có 2 con đường: Mạnh chỉ đạo chỉ đạo, mạnh DN nhà nước làm theo kiểu DN nhà nước (Lỗ được bù) và DN tư nhân thì tự bơi! Một chính sách ra đời thì chỉ ngồi chờ thực hiện, không được ý kiến hoặc có ý kiến thì cũng không ai nghe, thấy nước khác làm hay muốn mang vào Việt Nam cũng không ai chấp nhận…
Hiện lực lượng sản xuất đang nằm trong các DN tư nhân là chính, còn mua đi bán lại đang là xu thế của các ông quốc doanh, của một bộ phận công tử, công nương, con ông cháu cha muốn “một phát làm giàu”, chỉ muốn chỉ huy, làm thầy, đâu ai muốn làm thợ. Như vậy Việt Nam làm sao thành rồng, Việt Nam làm sao có một nền kinh tế vững chãi? Nguy cơ thừa thầy thiếu thợ sẽ diễn ra gay gắt khi Việt Nam càng hội nhập sâu vào các nền kinh tế thế giới. Lớp thợ đào tạo ra không kịp cho lớp chảy máu đi. Tuy nhiên theo qui luật, lớp chảy máu cứ chảy máu, lớp đào tạo mới cứ đào tạo, chỉ khổ cho những chủ doanh nghiệp phải gồng gánh nhiều thiệt thòi vì chi phí đào tạo và nỗi lòng luôn luôn bị tổn hại.
Rất khó kết hợp các tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội cũng như các tổ chức giáo dục để mong đào tạo chuyên nghiệp, một khi các tổ chức này không nắm, am hiểu ngành nghề của DN tường tận và cụ thể. Chỉ có bản thân DN tự đào tạo, nếu kết hợp các tổ chức kia chẳng qua là làm nền tảng dạy giáo lý đạo đức, khuyên răn “ăn trái nhớ kẻ trồng cây” nhưng hiện trạng bây giờ nhiều thầy thợ bất chấp muốn nghỉ việc là “A lê hấp bỏ ngay” bất cần… thậm chí có thưa kiện chỉ thiệt cho DN. Nên chủ yếu là sự vận động tự thân chủ DN với những chính sách do chủ DN và người lao động bàn thảo cam kết (ngoài các luật nhà nước) là cách để người thợ gắn bó với DN.
Trong khoảng thời gian gần 30 năm hoạt động sản xuất kinh doanh, tôi chiêm nghiệm được lớp trẻ đi lên từ một anh thợ có học sang làm chủ DN là bền vững nhất, vì họ đi từ nơi khó nhất đến khi gặp khó nữa cũng có thể vượt qua. Và một lớp trẻ khác có sự bền bỉ, kiên trì “Luôn luôn đi đến tận cùng thất bại để biết tại sao thất bại”, và rồi họ thành công…
Ở các quốc gia khác, người chủ DN khi tuyển dụng thường hỏi anh biết nghề gì? Anh đã làm qua công việc gì? Anh có trải nghiệm gì chứ không ai hỏi anh bằng cấp gì? Chúng tôi chọn một nhân viên cũng trên những tiêu chí ấy, và thật sự chúng tôi có rất nhiều lãnh đạo cấp trung không qua đại học và họ làm rất tốt.
Đỗ Long, TGĐ công ty Bita’s/TGTT

Comments