FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả : Mẹo phát hiện.. nói dối.!! -->

Mẹo phát hiện.. nói dối.!!

1 Comment


Vị giám đốc điều hành của Royce Leather, một nhà sản xuất túi cao cấp, đã chuẩn bị tung sản phẩm mới ra thị trường thông qua một cửa hàng bán lẻ lớn vào năm 2014.
Trước ngày ra mắt sản phẩm, Bauer đã kiểm tra lại tất cả mọi thứ. Ông hỏi quản lý vận hành của mình rằng hàng đã được đặt hay chưa và nhận được câu trả lời 'rồi'.
Hai tuần sau, Bauer nhận được cú điện thoại từ cửa hàng, hỏi ông khi nào mới chịu giao sản phẩm.
Đó là khi Bauer nhận ra rằng hàng chưa bao giờ được đặt.
"Thật đáng thất vọng", ông nói. "Điều này đã làm tổn hại quan hệ của chúng tôi với cửa hàng".
Điều làm Bauer ngạc nhiên nhất, đó là viên quản lý nói trên, người đã có 30 năm trong nghề, lại nói dối ông.
Bauer nói dù đa số các nhân viên của ông là người trung thực, thỉnh thoảng vẫn có người nói dối.
Trong một cuộc hội thoại dài 10 phút, 60% người trưởng thành sẽ nói dối ít nhất là một lần, theo một nghiên cứu hồi năm 2002 của Đại học Massachusetts.
Hầu hết trong số này là những 'lời nói dối khéo' để khiến người khác vui lòng, nhưng một số lời nói dối khác mang lại hậu quả nghiêm trọng, ông Michael Floyd, người đồng sáng lập QVerity, hãng nghiên cứu cử chỉ và hành động nhằm giúp các công ty phát hiện ra đối tượng nói dối, cho biết.

Phát hiện nói dối tại công sở

Việc phát hiện ra người nói dối tại công sở đang ngày càng trở nên quan trọng, ông Floyd, một cựu mật vụ CIA, nói.
Các tập đoàn ngày càng lo ngại trước tình trạng nhân viên lừa đảo, xâm nhập vào hệ thống máy tính hoặc đánh cắp bí mật mang sang công ty mới.
Các nhân viên cũng muốn biết khi nào thì lãnh đạo đang lừa dối họ.
Một trong các nguyên nhân chính mà chúng ta nói dối, là để tránh những hậu quả không mấy dễ chịu, ông Floyd nói.
Chúng ta nói dối rằng 'tôi vẫn ổn' chỉ để tránh những câu hỏi đào sâu về một ngày tồi tệ mà mình vừa trải qua.
Trong kinh doanh, người ta thường làm những điều tồi tệ và nói dối về chúng vì không muốn bị trừng phạt.
Ví dụ như năm 2006, ông Sanjay Kumar, giám đốc điều hành của Computer Associates, bị tuyên án tù 12 năm vì tội báo cáo dối về doanh thu bản quyền phần mềm.
Chìa khóa phát hiện ra nói dối: Hiểu rõ lý do vì sao người ta thường nói dối để từ đó truy lùng ra manh mối, ngay cả trước khi có được bằng chứng trong tay.

Manh mối

Thường thì chúng ta có thể phát hiện ra người trước mặt mình có đang nói dối hay không 54% thời gian, Bác sỹ Gordon Wright, từ London, nói.
Mỗi người thường nói dối theo cách khác nhau, ông Wright nói.
Chúng ta có thể phát hiện ra nói dối dựa trên một số cử chỉ nhất định.
Điều đáng ngạc nhiên là những cử chỉ này không phải như mọi người vẫn nghĩ.
Phần lớn chúng ta cho rằng người nói dối thường không dám nhìn thẳng, hoặc đảo mắt liên hồi, bà Leanne ten Brinke, một giáo sư tâm lý học tại Đại học California, nói.
Thế nhưng những người nói dối thường có thể nhìn vào mắt người khác dễ dàng, vì họ biết nếu nhìn đi chỗ khác, họ sẽ thu hút sự nghi ngờ.
Thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào biểu cảm trên khuôn mặt, vì cảm xúc không thể nói dối, bà nói.
Khi một người đang bịa ra chuyện gì đó, họ thường tạo nên những cảm xúc giả tạo. Nhưng những khối cơ trên mặt chúng ta sẽ không phản ánh đúng cảm xúc đó nếu nó không có thật.
Nụ cười là một ví dụ, bà nói. Một nụ cười thực sự sẽ khởi động các khối cơ. Nhưng một nụ cười giả tạo chỉ làm di chuyển miệng nhưng không làm di chuyển khối cơ mắt.
Việc nói dối cũng tốn nhiều suy nghĩ. Những kẻ nói dối thường vẽ lên một câu chuyện không có quá nhiều chi tiết.
Những người nói dối thường đưa ra ít thông tin hơn và họ thường bị khựng lại hoặc tỏ ra lưỡng lự, Brinke nói.

Điều tra như CIA

Bạn cũng có thể phát hiện ra liệu người khác có nói dối hay không dựa vào cách họ phản ứng trước các câu hỏi.
Sau nhiều năm điều tra và chất vấn, Floyd và các đồng nghiệp CIA của ông sáng chế ra cách phát hiện nói dối, trong đó chia phản ứng của người bị tra hỏi ra làm 5 dạng.
Thứ nhất, dựa vào cử chỉ. Những người đưa tay lên mặt hoặc hắng họng nhiều lần có thể đang nói dối.
Một dấu hiệu khác là khi ai đó tránh né câu hỏi hoặc cố gắng tạo cảm giác là mọi thứ vẫn ổn.
Phản ứng hung hăng hoặc tấn công ai đó sau câu hỏi cũng có thể là dấu hiệu của người nói dối.
Cũng có người trả lời những câu không có chút nội dung gì, như 'câu hỏi hay đấy'.
Thường thì Floyd sẽ luôn cần phát hiện ra ít nhất hai dấu hiệu trước khi kết luận ai đó đang nói dối, và càng phát hiện ra nhiều dấu hiệu thì càng tốt.
Việc đặt vấn đề vào ngữ cảnh cũng rất quan trọng, Wright nói.
Nếu một công tài chính đang lỗ nặng mà lãnh đạo lại thông báo là sẽ không có ai mất việc, bạn hoàn toàn có khả năng nghi ngờ ông ta.
Rất khó để phát hiện ra ai đó đang nói dối nếu bạn không quan sát kĩ. Nhưng nhiều người không muốn làm điều này mỗi ngày.
Dù là nạn nhân của một lời nói dối, nhưng CEO của Royce Leather, Bauer, không muốn phải mổ xẻ từng lời nói của nhân viên mình.
Ông cho rằng bằng việc xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ với nhân viên, sẽ không ai cần phải nói dối.
"Quan hệ tốt sẽ giúp loại bỏ sự dối trá," ông nói.
"Nên điều hành công ty một cách liêm chính, cởi mở và trung thực, và những người khác sẽ không có lý do để nói dối bạn".
Bản gốc bài viết đã được đăng trên BBC Capital


                     





Comments

One Response to “ Mẹo phát hiện.. nói dối.!! ”

  1. Có Khi Nào...
    lúc 19:22 1 tháng 5, 2015

    thực ra, ai trong đời cũng có nói dối, nhiều nữa là khác, mình cũng vậy thôi. Nhưng nói dối vô hại, nói dối để mọi việc đc tốt đẹp hơn, suông sẻ hơn, thì tội gì mà k nói dối bạn hiền hén.
    Nhưng, trong làm ăn hay tình cảm, nói dối để đạt mục đích của mình mà gây hại, gây tổn thương cho người khác thì... mình kịch liệt phản đối. vì mình từng là nạn nhân, nên mình ghét cảm giác bị lừa dối như thế. Dù sao, 1 lời nói thật có đau lòng mấy, vẫn tốt hơn lừa dối để rùi... bị phát hiện. đau lắm. hic hic