Tự cù mình ?
Nói chung là con người ta không thể
tự mình cù mình được, theo David Robson, và lý do của điều này cho ta
biết những điều đáng ngạc nhiên về não bộ và sự tỉnh táo của con người.
Nếu
bạn muốn chứng minh được một vài điều bí ẩn nhất của não bộ con người
thì tất cả những gì bạn cần chỉ là một cái chổi lông nhỏ và đôi bàn
chân của bạn.Hãy ngồi xuống, bỏ giày và tất ra, rồi lấy cái lông chim cọ nhẹ vào lòng bàn chân.
Rồi nói một người bạn, hoặc một ai đó làm tương tự như thế vào chân bạn.
Với đại đa số mọi người, bạn sẽ thấy thản nhiên như không trong tình huống đầu tiên, nhưng lại rất buồn cười trong trường hợp sau. Tại sao vậy?
Từng là một trong những điều gây tò mò nhất cho trẻ con, câu hỏi vì sao chúng ta không thể tự cù mình cũng khiến các khoa học gia chuyên về thần kinh thấy thú vị.
“Nó dẫn tới những câu hỏi lớn nhất về sự tỉnh táo và sự tự nhận thức được mình là ai,” George Van Doorn từ Đại học Monash ở Australia nói.
Vì lẽ đó, họ nay đang nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn, quyết liệt hơn về những rào cản của não và theo dõi các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm tự cù mình trong phòng thí nghiệm.
Hãy nghĩ thế này: mỗi khi chuyển động, cơ thể bạn tạo ra những cảm giác khác nhau khiến bạn cảm nhận được nhiều loại ấn tượng khác nhau.
Thần kinh trung ương của chúng ta có khả năng phân biệt được cử động của chính mình và tác động từ hành động của người khác, và sự tinh tế của hệ thần kinh này cao tới mức ngay cả các robot cao cấp nhất cũng không thể bắt chước được.
Để kiểm tra các loại cảm giác này, bạn chỉ cần thực hiện một ví dụ nào đó có thể dễ dàng lặp lại trong phòng thí nghiệm.
“Cù là một ví dụ hay bởi sự khác biệt giữa cảm giác khi bị người khác cù và cảm giác không thể tự mình cù mình là rất rõ ràng,” Jennifer Windt từ Đại học Johannes Gutenberg, Mainz, Đức nói.
Sarah-Jayne Blakemore từ Đại học University College London là một trong những người đầu tiên tìm hiểu về cách thức não bộ ra các quyết định nhanh như chớp về bản thân và về hành động của người khác.
Bà scan não của những người tham gia thí nghiệm trong lúc các đồng nghiệp cù vào bàn tay họ , rồi trong khi họ tự cù lòng bàn tay mình.
Từ kết quả thu được từ điện não đồ, bà kết luận rằng bất kỳ khi nào ta cử động chân tay, tiểu não đều tạo ra những dự đoán chính xác về các cử động của cơ thể và phát tín hiệu về cử động đó tới vùng cảm giác - dinh dưỡng, nơi các cảm giác về xúc giác được xử lý.
Kết quả là khi tự cù mình, chúng ta không cảm nhận được như khi bị người khác cù, do đó ta vẫn thấy bình thường thay vì phát ra những tín hiệu hỗn hợp về cảm giác không thoải mái hoặc không hài lòng như khi bị người khác cù.
Nếu như điều đó là chính xác, bà cho rằng như vậy sẽ có những cách đánh lừa quá trình xử lý tín hiệu này, và do đó ta sẽ có thể tự cù mình được.
Để thử nghiệm, bà đã thiết kế ra cái máy giúp những người tham gia thử nghiệm di chuyển một cái que nhỏ, nhẹ nhàng gại một miếng bọt xốp vào lòng bàn tay mình, có những lúc thì liên tục, có những lúc thì cách quãng tới 200 millisecond (mỗi millisecond là một phần ngàn giây).
Kết quả là càng cách quãng lâu thì miếng bọt xốp càng gây cảm giác buồn cười nhiều hơn; có lẽ bởi tiểu não không còn đoán chính xác với những gì mà các đối tượng thực sự cảm nhận.
Kể từ sau các cuộc nghiên cứu mang tính đột phá của Blakemore, nhiều người khác đã tìm những cách khác nhau để đánh lừa não bộ trong việc tự cù bản thân.
Kích thích não để kiểm soát các cử động bàn chân của một người, qua đó điều khiển tay cù vào chân trong lúc họ không muốn thế, có vẻ như là một thử nghiệm đem lại thành công.
Nhưng đó chỉ là một trong số ít các thử nghiệm đem lại kết quả. Các biện pháp khác không ‘hiệu nghiệm’ đến thế.
Chẳng hạn, Van Doorn thử để các đối tượng tham gia có các trải nghiệm khác trước khi tự cù mình.
Trong một thử nghiệm của Van Doorn, người tham gia đeo kính có gắn video, là thiết bị cho phép họ nhìn thấy chính xác những gì người tiến hành thử nghiệm đang ngồi trước mặt nhìn thấy.
Với việc đồng bộ hóa các cử chỉ của nhau, người tham gia từ từ cảm thấy cơ thể của người tiến hành thử nghiệm chính là cơ thể của mình.
Trong quá trình này, những người tham dự sẽ di chuyển một thiết bị chạm, cù vào cơ thể của cả người tiến hành thử nghiệm và của đối tượng tham gia, cùng một lúc.
Với việc đánh lừa cảm giác để các đối tượng tham gia tưởng rằng cơ thể của người tiến hành thử nghiệm chính là cơ thể của mình, Van Doorn đoán rằng lẽ ra họ sẽ cảm nhận được đầy đủ tác động của việc bị cù vào người. Thế nhưng, kết quả là họ hầu như không cảm nhận được cảm giác đó.
“Kể cả khi bạn có hoán đổi cơ thể mình cho người khác thì bạn cũng không thể tự cù mình được,” ông nói.
Bạn thậm chí không thể tự cù mình trong những giấc mơ.
Windt gần đây đã thực hiện một thử nghiệm về giấc mơ, tương tự như những gì được thể hiện trong bộ phim Inception.
Bà đã yêu cầu một nhóm những người ‘tỉnh táo trong giấc mơ’ dày dạn kinh nghiệm, là những người nhận biết được họ đang mơ thấy gì và có khả năng kiểm soát hành động của mình trong giấc mơ, để thử tự cù mình, nhưng họ đã không thể làm được điều đó.
Các đối tượng tham gia thử nghiệm cũng thử tìm cách để các nhân vật khác trong giấc mơ cù vào họ, nhưng việc này cũng không thành công, mà đôi khi chỉ đơn giản là bởi các nhân vật khác trong mơ không chịu làm việc đó.
“Một số đối tượng tham gia thử nghiệm gặp vấn đề với thái độ hợp tác của nhân vật trong giấc mơ,” Windt nói.
Nếu như tất cả những điều đó đều có vẻ như mang tính bí hiểm, thì có những lý do thực tiễn trong quá trình hệ thần kinh xử lý việc tự cù.
“Khá thú vị là những người bị tâm thần phân liệt có thể tự cù mình và chúng tôi cho rằng điều đó có liên hệ tới những thứ như hoang tưởng, hay cảm giác bị người ngoài hành tinh kiểm soát tay chân,” Van Doorn nói - có lẽ là vấn đề cần xem xét một cách tổng quát thay vì đi xác định nguồn gốc hành động đó.
Do vậy, các nỗ lực nhằm phân tích quá trình xử lý tín hiệu ở người khỏe mạnh rốt cuộc có thể giúp sẽ làm rõ được những sai lệch xảy ra trong quá trình tương tự ở người bị bệnh về thần kinh.
Tự cù thậm chí có thể cải thiện được trí tuệ nhân tạo, Robert Provine từ Đại học Maryland, Baltimore nói.
“Việc bạn không thể tự cù cho thấy các định nghĩa được dựa trên hệ thống thần kinh về bản thân và về người khác,” ông viết trong một bài nghiên cứu.
“Phát triển một thuật toán hoạt động tương tự có thể dẫn tới việc chế tạo ra các robot “có máu buồn” mà tính năng hoạt động sẽ được tăng cường nhờ biết cách phân biệt giữa việc bị đối tượng khác chạm vào với việc tự chạm vào mình, và qua đó có thể hướng tới việc chế tạo ra những bộ máy giống như người thật.”
Nguồn : BBC
Category:
BỔ ÍCH-THÚ VỊ