Âm nhạc & chính trị.
Tác giả : Nguyễn Đức Nghĩa.
Không còn quá lạ với thắc mắc kiểu này mà gần đây nhất là những tác
phẩm của vài nghệ sĩ trẻ vừa cho ra đời càng khiến nhiều người phải đặt
lại vấn đề trên. Người ta kể nhau nghe, đem âm nhạc và chính trị mổ xẻ,
đưa ra luận điểm từ mạng xã hội đến tận buổi trà chiều. Nhưng người ở
ngoài thì cứ việc bàn tán, người trong cuộc vẫn mải miết làm việc.
Vì vậy, mục đích bài viết này là trình bày quan điểm của cá nhân tôi
để mọi người có dịp tranh luận. Thật ra, dùng nhạc làm công cụ cho chính
trị, không còn là chuyện mới. Đã có rất nhiều người làm việc tương tự ở
thế kỉ trước, thậm chí là trước nữa. Tùy vào hoàn cảnh và văn hóa, thời
điểm, động lực khác nhau, mà mỗi tác phẩm cũng là mỗi tư tưởng khác
nhau. Phần lớn những tác phẩm đều là tuyên truyền tư tưởng chính trị của
tác giả hoặc phê phán những tiêu cực về mặt chính trị theo quan điểm
của tác giả.
Theo nhiều người, điều này dẫn những người thích mù quáng tác phẩm đó
đến chỗ “may nhờ rủi chịu”. Vì nếu quan điểm của tác giả là tích cực,
điều tích cực sẽ ảnh hưởng đến người nghe, giúp họ có cảm xúc và lối
nghĩ tích cực hơn. Nhưng nếu quan điểm của tác giả là tiêu cực hoặc
không đúng. Điều tương tự như vế trên sẽ xảy ra, và mức độ “thiệt hại”
tỉ lệ thuận với tầm ảnh hưởng của tác giả đó. Nhất là ta đang nói tới
việc truyền bá tư tưởng chính trị, lĩnh vực ảnh hưởng đến cả một đất
nước.
Nhưng nếu nói về tính đúng sai hay cái tích cực, tiêu cực trong quan
điểm của người làm nhạc, thì ta lại phải bàn đến chuyện như thế nào là
đúng và như thế nào là sai. Và ai là người đủ thẩm quyền quyết định việc
đó. Nói thế không phải tôi cổ vũ cho việc kiểm duyệt nhạc, mà ngược
lại. Tôi nghĩ ta càng phải trân trọng những ý kiến trái chiều. Vì chính
sự tranh luận, bác bỏ, đấu tranh quan điểm mới là khỏi nguồn của sự phát
triển. Và bởi vì quyền quyết định một bài nhạc là đúng hay sai là của
chính người nghe, chứ không ai khác.
Một số người khác lại nói, âm nhạc không nên ở vai trò nào khác ngoại
trừ làm tốt việc trở thành “sex toy” tinh thần cho người nghe. Tôi nghĩ
quan điểm này quá cực đoan! Nghệ thuật luôn cần tự do lẫn sự tươi mới,
đó cũng là một trong những điểm thu hút của nó. Vậy nên để trả lời câu
“có nên dùng âm nhạc để làm chính trị không?” theo quan điểm của tôi là
về phía người sáng tác vẫn cứ làm, người nghe vẫn cứ nghe và chính quyền
vẫn sẽ cấm nếu chất chính trị trong nó không đạt được sự “đồng thuận”
từ các cô chú.
Xin nói một chút về câu chuyện ở liên hoan phim Busan Hàn Quốc. Là
vầy, anh giám đốc liên hoan phim đã đồng ý cho chiếu bộ phim nói về sự
quan liêu vô trách nhiệm của chính quyền trong vụ chìm đò khiến hàng
trăm người chết. Chính quyền nói không được chiêu vì phim không đúng sự
thật. Nhưng anh vẫn chiếu như thường. Sau đó, chính quyền đòi anh từ
chức, anh mặc kệ với thái độ: “Việc tôi thấy đúng là tôi làm, kệ các
người tôi cư tại vị đây!”
Vui tí thôi về chuyện trong nước ngoài nhà, nhưng nếu bạn có hỏi thì
theo tôi, đây cũng không phải điều gì đáng lạ lẫm. Nói cách khác nó là
sự cạnh tranh tư tưởng công bằng. Mà nếu không dùng âm nhạc, họ cũng sẽ
dùng cách khác. Hơn nữa, chính trị là cái mọi người phải được tự do đưa ý
kiến, vì nó không của riêng ai hết. Mặt khác nữa, tôi tin vào sự tỉnh
táo trong tư duy của số đông người nghe nhạc. Đâu phải bạn cứ làm nhạc
về chính trị là họ sẽ nghe bạn! Thứ thuyết phục số đông chính là tính
đúng đắn, lập trường, luận điểm có tính đồng thuận cao. Ngay cả khi bạn
có bị điều tiếng thế nào đi nữa.
Tóm lại, ý tôi thế này, một khi người nghệ sĩ buộc nó chuyển tải mục
đích nào trong tác phẩm của họ về tình yêu quê hương gia đình, thái độ
với chính quyền, lòng yêu nhân loại, khuyến dụ bài trừ tệ nạn xã hội…
thì ta phải tôn trọng điều đó. Quyền của bạn là chọn bấm play hoặc stop.
Bởi bạn biết đó, âm nhạc là sự tự do trong tâm tưởng, cấm đoán luôn là
cách tệ nhất trong mọi quyết sách . Dù sao thì cũng như sự khao khát tự
do trong mỗi con người, tự nguyện bộc lộ quan điểm mới làm nên một thế
giới đa dạng với nhiều góc nhìn.
Tôi tin thế!
Cảm ơn bạn đã đọc đến những dòng này!
(Bài viết gốc đã được chỉnh sửa.)

Comments
Vài website thú vị
************
Số bài viết theo năm tháng & bài mới nhất.
Tìm kiếm
:)
Bài đăng phổ biến
Danh sách Blog của Tôi
HSE !

Tư thế lao động & xương khớp