chungta.com | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

chungta.com

No Comments


Chúng Ta.Com là một website khá hay ra đời cách nay khoảng khá lâu.
Tuy nhiên, sau đó vì nhiều lý do, web bị đóng cửa.
Vô tình, hôm nay, mình lại thấy web hồi sinh.
Trân trọng thông báo cùng các bạn.
Và dưới đây là 1 bài viết trên web này.

 Mọi nền văn hóa đều đẹp
GS, TS Phạm Đức Dương
Thế giới & Việt Nam
07:17' PM - Thứ bảy, 12/04/2014
Trong sự vươn lên của các Quốc gia Châu Á cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ 21, nhiều người đã đi tìm câu hỏi: Phải chăng nền văn hóa Châu Á đang trở lại thời kỳ phát triển rực rỡ, thậm chí có xu hướng vượt trội so với các nền văn hóa khác. Dưới cái nhìn khoa học, Giáo sư, TS Phạm Đức Đương, Viện trường Viện Nghiên cứu văn hóa phương Đông đã lý giải về quá trình này.
Mấy thế kỷ liền, đặc biệt là trong thế kỷ XX, sự cộng sinh văn hóa giữa phương Đông và phương Tây đã đem lại nhiều thành tựu rực rỡ ở các nước đang phát triển. Nhưng sự tiếp xúc này phần lớn diễn ra trong thế trận đối đầu, xung đột bất bình đẳng một mất một còn. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân xâm lược giải phóng dân tộc ở các Quốc gia Châu Á đồng nghĩa với việc bảo vệ nền văn hóa dân tộc. Đông là Đông, Tây là Tây, không thể hòa nhập mà chủ yếu là bài trừ lẫn nhau.
Cùng tồn tại trong hòa bình
Ngày nay, thế giới đã chuyển sang một bước ngoặt mới: từ đối đầu chuyển sang đối thoại cùng tồn tại,hòa bình, từ chiến lược phát triển Châu Âu - Đại Tây Dương sang Châu Á - Thái Bình Dương... Nhân loại cổ vũ cho khuynh hướng hơi nhập Đông - Tây, mặc dù các dân tộc bị áp bức, bị đối xử bất bình đẳng vẫn cảnh giác: hòa nhập nhưng không hòa tan". Một yêu cầu đặt ra: cả phương Đông lẫn phương Tây cần hiểu biết về nhau sâu sắc trên tinh thần khoan dung để tìm ra các giải pháp thiện chí và hiệu quả.
Thật ra, cái gọi là Đông phương học chỉ là một bộ phận của nền học vấn phương Tây được ra đời cùng với sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân sang phương Đông dựa trên quan điểm lấy Châu Âu làm trung tâm. Do đó, phương Đông chỉ thống nhất trong hệ quy chiếu của phương Tây.
Văn hóa phương Tây và những giá trị của nó là một chỉnh thể thống nhất bắt nguồn từ nền văn minh Địa Trung Hải, văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại. Vì thế, ở đây đã nẩy sinh phương pháp tiếp cận đơn tuyến (trong ngôn ngữ học gợi là đơn ngữ luận theo hình cây). Còn cái gọi là phương Đông thì rất khác nhau, rất đa dạng. Ta có thế giới Ai Cập và Trung Cận Đông, thế giới Ấn Độ và Nam Á, thế giới Trung Hoa và Đông Bắc Á, thế giới phương Nam và Đông Nam Á. Còn người bản địa được xem là phương Đông đó cũng có hệ thống học vẩn về đất nước, con người và những giá trị văn hóa của mình mà ngày nay ta có thể quy phạm thành bộ môn đất nước học. Còn bộ môn Đông phương học của phương Đông, được hình thành do nhu cầu của cuộc đấu tranh lâu dài chừng chủ nghĩa thực dân giành độc lập dân tộc và phát triển đất nước, lại do các nhà khoa học bản địa tiến hành.
Trong những tiếp xúc và giao lưu văn hóa, dần dần các giá trị của phương Đông đã được tổng hợp và nhận diện với những đặc trưng chung trong sự đối sánh với các giá trị phương Tây.
Tĩnh nhân bản trong văn hoá
Điểm chung nhất giữa phương Đông và phương Tây trong văn hóa chính là tính nhân bản. Họ đều là con người và văn hóa là tất cả những gì do con người tạo nên và đều mang tính người - Con người là chủ thể văn hóa. Theo Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, kết cấu văn hóa tư tưởng nào cũng có “luồng nhân bản gốc" bao gồm lý tưởng nhân đạo, cảm hứng nhân ái và những kinh nghiệm "tu thân" (hiểu và làm chủ bản thân mình). Sự dung hợp, cộng sinh hay đồng nguyên của các kết cẩu văn hóa tư tưởng chính là ở gốc nhân bản.
Còn sự khác nhau được quy định bởi quan niệm về con người. Phương Tây dưới ảnh hưởng của tư tưởng Cơ đốc giáo coi con người là sản phẩm hoàn chỉnh nhất của Chúa và là trung tâm của vũ trụ, còn con người phương Đông gắn với thiên nhiên theo triết lý: nhân sinh tiểu vũ trụ, thiên - địa - nhân hợp nhất, do đó con người được xem là thành viên của vũ trụ. Về điểm cơ bản này, Ấn Độ và Trung Hoa là đồng nhất. Theo Tagore: "Ấn Độ đã cảm thông bằng trực giác cái thực tại cốt yếu của vũ trụ với ý nghĩa sống còn. Chúng ta phải ý thức cho đầy đủ và thiết lập với vũ trụ những quan hệ khiến cho chúng ta thực hiện được cái thực tại ấy trong tinh thần tương ái, với một bầu lạc cảm, an hòa, quảng đại chứ không phải chỉ với sự kích động của khoa học tò mò hay là sự cầu lợi vật chất". Trung Quốc và Ấn Độ đều có quan niệm sống bằng sự tu sửa tự bên trong tâm hồn để ảnh hưởng ra ngoài nhân quần xã hội và thiên nhiên, đồng thời hoạt động xã hội và thiên nhiên phải đi đến mục đích tu sửa tâm hồn, mở rộng nhân bản đến quân bình toàn diện. Từ đó, mọi ứng xử của loài người (dù Đông hay Tây, Bắc hay Nam...) đối với tự nhiên, xã hội, bản thân đều là những ứng xử đồng nhất giữa 2 mặt mang tính biện chứng nhưng tùy môi trường, tâm thức mà sẽ có lựa chọn nghiêng về một phía nào đó tạo nên các giá trị khác biệt.
Dựa trên định nghĩa văn hóa, chúng ta có thể kết luận: Là Con - Người, dù phương Đông hay phương Tây đều có ứng xử 2 mặt và tùy theo lựa chọn mà mỗi nền văn hóa có những mặt mạnh và mặt yếu khác nhau, rất đa dạng, nhưng không có nền văn hóa nào được phép tự xem là hoàn hảo, đứng trên, cao hơn nền văn hóa khác.
Mọi nền văn hóa đều đẹp và được coi trọng như nhau: Cả 2 nền văn hóa đều có mặt mạnh mặt yếu theo trật tự: cái gì phương Tây mạnh thì phương Đông yếu và ngược lại. Trong sự hội nhập Đông - Tây hiện nay, 2 nền văn hóa đều có thể bổ sung cho nhau, chứ không loại trừ nhau hay thay thế lẫn nhau. Hội nhập ấy phải được tiến hành theo phương châm: mỗi bên đều phải giũ bản thể của mình và trên cơ sở đó mà tiếp nhận cái mới, cái tinh hoa của người khác (nói theo người Nhật Bản là "Đông học vi thể, Tây học vi dụng" và ngược lại đối với người Châu Âu). Hội nhập để tăng thêm sức sống nhưng không để mất đi bản sắc của mình. Muốn hội nhập Đông - Tây, mỗi dân tộc đều cần có thái độ khoan dung, tức là chấp nhận cái khác mình nơi người khác, để người khác chấp nhận cái khác họ nơi mình. Nhân loại sống trong hòa bình hữu nghị nhưng vẫn tôn trọng cái khác nhau. Người Ấn Độ nói muốn tiếp nhận cái tinh hoa của người khác thì tự mình phải khiêm nhường, giống như muốn đổ thêm nước vào cốc mà không tràn ra ngoài, nước trong cốc phải ít đi, nếu khư khư giữ lấy cốc đầy nước thì không thể nào đổ thêm vào được nữa!
Như vậy, đi vào hội nhập Đông - Tây trên quy mô lớn, tất cả các dân tộc, các quốc gia đều phải đổi mới nhận thức và sự ứng xử, dù đó là phương Đông hay phương Tây, là nước đã hay đang phát triển, là nước lớn hay nước bé...
Riêng với các nước nhỏ và chậm phát triển, muốn theo kịp trào lưu phát triển thế giới để không tụt hậu, không có một con đường nào khác: phải sử dụng tối ưu phép lợi thế của người đi sau.
Thế giới & Việt Nam



Comments