Hiệu Minh. | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

Hiệu Minh.

No Comments

hình chụp Anh Chị ở Mỹ.

Chả hiểu các bạn thế nào, chứ mình thấy áo vàng là chân tay bủn rủn, như có tội gì đó. Có lần ở phố Tràng Thi, một chị công an xinh đẹp ngoắc tay, bắt xe tạt vào lề đường, mặt mình tái xanh như đít nhái, chả còn hồn vía nào ngắm chân dài và cổ trắng ba ngấn của nàng. Ở đâu cũng vậy, công an Mỹ cũng sợ, cảnh sát VN thì càng sợ.

Ở Thủ đô hay được đón khách. Khi ông bạn già học bên Bulgaria, đồng nghiệp bên Hà Nội đi họp kiêm buôn quần Dockers và iPad, một còm sỹ quen vì lướt mạng, có cả nhà thơ, nhà văn, người bên này, bên kia, và cả người lề giữa.
Mấy năm trước trong một cuộc chiêu đãi do VN tổ chức, gặp lão David, thuộc loại diều hâu, từng làm Bí thư trong đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn xưa. Lão cứ tiếc là sao không ném bom B52 ngay từ khi bắt đầu chiến tranh lan ra miền Bắc, chắc chắn VN thua. Anh Hoàng, một đồng nghiệp WB, cú quá, suýt giơ nắm đấm.
Năm 2009, gặp bác Nguyễn Túc, người cầm chùm chìa khóa của tòa đại sứ Sài Gòn tại Hoa Kỳ (hiện là tòa đại sứ của Việt Nam) trên đường Connecticut đúng vào ngày 30-4-1975. Bây giờ bác mất rồi, chẳng hiểu chùm chìa khóa kia đâu.

Blog HM thích viết về cả hai phía, đại sứ mới Quốc Cường trẻ, ông Cao Kỳ về già, đăng bài bà Trần Lệ Xuân…ngang ngang như cua nên cả hai chiến tuyến đều ghét.
Cuối tuần rồi, có hai đại tá công an, từ Hà Nội sang, tới thăm nhà Hiệu Minh, nhưng không khám xét gì, laptop vẫn còn nên viết entry này.

        Hai bác Bình An. Ảnh: HM

Bác trai tên là Hoàng Phạm An, bác gái là Lương Thúy Bình, ghép lại thành một đôi Bình-An.
Chả là mình quen thằng cu tên là Hoàng Tuấn Tú, dân IT nửa vời, từng làm lái xe cho IFC ở Hà Nội những năm cuối 1990.
Rỗi việc khi đợi sếp họp, hắn lọ mọ bưng bê máy tính cho chị Ngô Thái Cơ xinh đẹp, hồi đó là sếp IT của IFC. Chị Thái Cơ chân dài, mặc váy cộc, cúi xuống bê CPU thì cả văn phòng hôm đó biết đồ bên trong của nàng mầu gì.
Chị Thái Cơ hay nhờ em Tuấn Tú đẹp trai, tốt tính. Lúc thì cái màn hình, khi cái máy in, kể cả cài đặt hệ thống phần mềm mới. Rồi chỉ cho em cách lắp ổ cứng, diệt virus, học thêm Microsoft Office. Hắn thành IT lúc nào không biết, mà toàn học lỏm, thế mới giỏi. Được IFC cho làm cán bộ IT chính thức, lương đô la cao chót vót, hắn bỏ luôn nghề lái xe.
Tuấn Tú dự hội thảo khu vực, đi hết nước này nước khác, rồi sang cả Mỹ. Có lần đưa cả vợ là Phương, cũng là công an, sang hang ổ đế quốc.
Chả biết nàng áo vàng có điều tra được gì không, nhưng thấy tha lôi mấy va li quần áo, giầy dép, son phấn, Victoria secret…made in China. Nàng bảo, những thứ này không làm mất lập trường mà chỉ giúp anh Tú chung thủy hơn với gia đình.
Năm nay Tuấn Tú thuyết phục bố mẹ sang thăm DC, New York, California, Las Vegas để xem bọn tư bản làm ăn thế nào.
Xem bảo tàng Smithsonian, nhà Quốc hội, Nhà Trắng của Obama, New York, thăm cả khách sạn Watergate nổi tiếng, chỗ nào cũng thấy đẹp và hay. Đường phố sạch và xe đi lại không lộn xộn.

Đại tá Hoàng Bình An. Ảnh: HM

Về hưu 18 năm nay, lương cũng tạm ổn. Du lịch Mỹ đắt thế mà hai cụ đưa tiền đủ cho con mua vé máy bay, đặt khách sạn và chi tiêu vặt. Trẻ cậy cha, già cậy con, nhưng riêng nhà này, đôi lúc con vẫn cậy nhờ cha mẹ.
Hồi xưa có chức có quyền nhưng không có nhiều “mầu” như bây giờ. Mua được mảnh đất từ lúc chưa ai biết có mở đường vành đai. Bán tivi, tủ lạnh, lấy hết tiền tiết kiệm mới đủ mấy chỉ vàng, dồn hết vào cho cú buôn đất đổi đời. May quá, ở hiền gặp lành, đất lên giá chót vót. Hưu rồi, các cụ bán đi lấy tiền chia cho các con.
Con út Tuấn Tú được chia một khoản, mua luôn mảnh vườn của bố mẹ vợ trên Hồ Tây. Hai ông bà đại tá chuyển đến ở gần nhà thông gia. Như vậy, vợ chồng Tú-Phương lúc nào cũng có bốn bố mẹ trông coi, làm sao con cháu hư được.
Cả nhà có mỗi Tú không phải là công an. Hắn mà mặc quân phục thì khối em biểu tình “chết”, vì mã đẹp, trắng trẻo, và dẻo mỏ. Bố mẹ lên kế hoạch đẻ con gái thì “nở” ra hắn vì trước đó đã có hai đứa chống gậy rồi.
Hai bác khách tự hào về cu Tú này lắm. Chả gì nó cũng cho mình sang Mỹ, sào huyệt của bọn phi công ngày xưa từng ném bom nước mình. Thời chiến tranh, mất bao nhiêu công sức theo dõi tình báo từ xa, bây giờ đang trên đất họ chả biết điều tra cái gì.
Nghỉ một ngày đưa hai bác đi chơi. Giống mấy ông bạn trước, đi Great Falls, thác đầu nguồn của sông Potomac. Lúc đó mình không biết hai bác là công an có hàm tướng tá. Chỉ nghĩ bố mẹ bạn cũng như bố mẹ mình, chỗ nào phải lái xe mới đến được thì đưa đi.
Trong đầu mình luôn cho là công an thường khó tính và khô cứng. Hóa ra các cụ chả đến nỗi “cảnh sát” lắm. Ngược lại là đằng khác, hai bác thân thiện, dễ gần, bình đẳng và luôn biết lắng nghe. Các cụ thích nói về con cái và sự thành đạt, truyền thống gia đình và tình yêu đất nước.
Bác gái kể ngày xưa thời tem phiếu khổ lắm. Bác trai đi công tác Liên Xô khuân mấy cái bàn là, nồi áp suất về bán lấy tiền. Nuôi con một mình, chồng đi công tác xa, thế mà bác gái lần hồi, các con khôn lớn, học hành đến nơi đến chốn, đều nên người.
Chả hiểu sao, mỗi thằng Tuấn Tú, con út lười, nhưng đẹp trai và gặp may, lại đưa bố mẹ sang tận Mỹ du lịch.
Hỏi, hai bác sang đây có gì khác lạ? Úi giời, xưa chúng tôi cũng đi nước ngoài nhiều. Pháp Nhật, Hungari, Liên Xô…đủ cả. Có thời gian, bác An nằm vùng ở Hong Kong mấy tháng liền để phỏng vấn người vượt biên, còn lạ gì tư bản. Nhưng tư bản Mỹ cũng hay hay lắm đó.

  Chớm thu vàng Virginia. Ảnh: HM

Đi trong cánh rừng Virginia, mùa thu vàng đang đến, đẹp như cổ tích. Phong cảnh hữu tình, cụ ông 78, cụ bà trên 70 vẫn nắm tay nhau, chụp ảnh ôm eo, răng đều và trắng muốt, cười rất tươi, như đôi tình nhân đi hưởng tuần trăng mật. Các cụ leo núi thoăn thoắt, nhanh nhẹn hơn cả cánh trẻ thời nay dặt dẹo.
Thấy thác nước và khu rừng Great Falls sạch và đẹp, bác An hỏi “Nước mình có giữ môi trường được như thế này không?.” Mình bảo “Được chứ, nếu người lãnh đạo có tầm nhìn xa vài thập kỷ. Ba Vì, Sóc Sơn, Tam Đảo hay Cúc Phương bên ta cũng đẹp lắm, chả khác gì Tây”.
Khi mình tỏ vẻ lo lắng về tham nhũng, lợi ích nhóm, hai bác khuyên nhủ “Nước mình đang lần mò trên con đường phát triển, nhưng các bác tin là sẽ có lối ra. Ngày xưa khó thế mà còn vượt được nữa là thời nay”.
Điều bất cập không phải hai bác không nhìn thấy, những cán bộ cao cấp về hưu trung trinh cũng thấy, dân thường cũng biết. Vấn đề là người đương thời xử lý ra sao.
Hỏi về thế hệ trẻ lên làm lãnh đạo trong ngành như thế nào, bác bảo quen nhiều các em và các cháu. Họ quí gia đình và trọng thị. Nhiều người lên Thứ, Bộ trưởng vẫn thỉnh thoảng tới nhà thăm nom như người thân. Có nhân cách thì làm nghề gì cũng được người đời nể trọng và nhớ mãi.
Hỏi Đặng Văn Hiếu là ai, thì bác An bảo, trời ơi, cậu Hiếu giỏi và tốt lắm, vẫn hỏi han hai bác. Hai cụ không biết anh Hiếu là bạn cùng lớp của Hiệu Minh thời cấp 2-3 ở Ninh Bình, bây giờ là Thứ trưởng, to lắm.
Không hiểu hai bác có biết chủ blog thường viết báo và blog ngang như cua, đôi lúc nghe rất trái tai. Mà không chừng, có lúc ông Hiếu ra lệnh bắt ông Hiệu Minh lúc nào không biết.
Hôm ấy, mấy bác cháu nói chuyện cực vui, chiến tranh Mỹ Việt, chuyện đời, chuyện quốc gia đại sự, biển đảo, Trung Quốc và lưỡi bò, chuyện ngày xưa đói khổ và chuyện thời nay hội nhập.

Bài viết được mình sưu tầm đã khá lâu ( 2 năm 2 tháng)

Comments