FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả : Nét tương đồng giữa Nga & VN. -->

Nét tương đồng giữa Nga & VN.

No Comments

Tác giả: “Vladimir Ilich” Dove

Máy bay cất cánh từ Nội Bài đưa tôi đi Cam Ranh vào lúc hoàng hôn. Sau khi vượt qua tầng mây xám xịt dày khoảng 2 km, chiếc Airbus bỗng lọt vào bầu khí quyển trong vắt. Hoàng hôn le lói nhuộm đỏ chân trời phía tây. Ở độ cao chênh chếch, bên trên cánh đồng mây bao la, thoạt đầu chỉ có sao Hôm tỏa sáng rực rỡ.
Sau đó, vòm trời sẫm dần, thế là các chòm sao lần lượt hiện ra theo đúng kịch bản do mẹ thiên nhiên sắp đặt: trước tiên là những vì sao sáng nhất hạng Alpha, tiếp đó là hạng Bê ta…Tôi lần lượt điểm mặt những người bạn cố tri. Chả thiếu một ai cả, ấy thế mà đã gần 50 năm trôi qua, kể từ khi tôi học thiên văn hàng hải.

Những vì sao vẫn còn đó, nhưng nghề hoa tiêu đã thay đổi nhiều và một trong những người thầy mà tôi kính trọng nhất: phi công, anh hùng Liên Xô A. Batx, đã vĩnh viễn ra đi. Tin là ông đã xa chúng tôi để về với những vì sao. Hẳn là vậy, bởi vì trong điều kiện thời tiết phức tạp nhất, ông vẫn nhận ra ngay lập tức danh tính của vì sao nào đó, khi nó bất ngờ phát lộ qua khe hẹp giữa những đám mây và chỉ cần một tích tắc nữa là “tóm” gọn tọa độ bằng chiếc máy 1/6 cỗ lỗ, có từ thời Vasco da Gama.


Tôi mở sổ tay và bắt đầu phác thảo những đặc trưng cơ bản về tâm hồn Nga, gần kín một trang với 15 danh mục. Sau đó, tôi điểm lại và gạch bỏ ko thương tiếc, “biết rồi, khổ lắm …nói mãi”. Rà soát lại lần cuối, ko hiểu tại sao chỉ sót lại mục “lòng yêu nước”. Quái lạ, nó nằm ngay bên trên mục “tình dục”, hẳn là do trời đất xui khiến nên tôi đã xóa nhầm dòng dưới. Thôi cũng đành liều vậy…

Hầu hết các dân tộc đều gọi tổ quốc mình là mẹ, trong tiếng Anh tổ quốc là motherland nghĩa là đất mẹ. Người Nga gọi tổ quốc mình là rodina (Родина), có nghĩa là nơi sinh, đơn thuần là ” place of birth” – trong trang hộ chiếu tiếng Anh. Còn một từ chính thức khác là ochechestvo thì dân Anh cũng xài, đó là fatherland. Khi đến nghĩa trang liệt sĩ, ngắm tượng đài match – rodina, theo bản năng của một kẻ bập bõm tự học tiếng Anh, tôi bèn dịch “mother place of birth”. Rõ là hâm, may còn đủ tỉnh táo để nhận ra là do đầu óc của tôi chứ ko phải của người Nga.

Thật vậy, nói về đất mẹ, người Nga dùng cụm từ ko thể dịch mà chỉ có thể diễn nôm, đó là “Matuska Rus”. Vấn đề là ở chỗ, dường như tất tật mọi người Nga đều thành khẩn tin rằng họ là con của Matuska Rus – Mẹ Nga. Cho dù mẹ của Sa Hoàng Alexander là công nương Đan Mạch, ông vẫn được dạy như thế qua các bài chastuska, qua chuyện dũng sĩ Ilia Murometx. Bọn trẻ mugíc và xin lỗi cả cậu bé Vova (Lenin) cũng vậy. Cho nên, nếu dựng dậy một gã nát rựu chết tiệt, đang rúc mũi vào đống tuyết và hỏi: “Nước Nga có phải là mẹ ko?”. Thì hắn ta sẽ gào lên ” Làm sao có thể khác cơ chứ! Đồ ngu! Vì Matuska Rus, làm ơn làm phúc cho thêm một xị bé (stakanchik)!”
Có vô số nhà thơ Nga viết về mẹ, cảm động lắm, tỷ dụ như bài “Lá thư gửi mẹ” của Esenin. Nhưng đó là “đất” của bác Thúy Toàn. Cục mịch như Dove chỉ dám áp phân tâm học của Freud vào một câu chửi cửa miệng, đó là “Ốp tvoiu mach”, nghĩa là “Đ. mẹ mày”. Khác với tiếng Việt, câu chửi tiếng Nga ở dạng mệnh lệnh thức với ngữ nghĩa rõ ràng rằng đứa con hãy làm điều đó. Thằng bạn Nga của tôi giải thích ko úp mở, người Nga yêu mẹ đến mức họ tôn trọng quyền riêng tư cặp bồ của bà. Nếu bà ấy mà chọn tôi, thì cứ vô tư, nó don’t care! (chẳng quan tâm). Miễn là ko làm cho bà bị ấm ức. Tuy nhiên nếu thằng con, tức là nó, mà làm như vậy thì quả là đồ khốn nạn. Mày tin đi, mặc dù trong mọi quán bia, dân Nga mở miệng ra là “Ốp”, thế nhưng nếu đốt đuốc đi tìm khắp nước Nga thì không đâu thấy được một gã táng tận lương tâm đến mức dám làm như vậy. Nhưng mà…nếu một gã nào đó cố tình xúc phạm mẹ mày thì sao? Tôi rụt rè hỏi. “Chớ có làm điều đó ở nước Nga” – Câu trả lời cụt ngủn.

Khi đã nắm được cái thần của câu chửi, tôi bỗng dưng cảm thấy ái ngại cho bác Thúy Toàn. Mảnh đất, à ko cả một thảo nguyên thi ca Nga mênh mông đến thế, hoang dã là thế, vậy thì bác lấy đâu ra sức mà cày xới. Đến khổ, chẳng biết có tìm thấy ai để trao cày ko?
Người Nga yêu mẹ ra sao thì họ yêu Matuska Rus như thế và đó là sức mạnh đáng sợ nhất có trong mỗi người lính Nga. Đã nhiều năm, tôi bị ám ảnh bởi đoạn hội thoại giữa gã khờ Bezukhov và công tước Bolkonski vào lúc trận Borodino sắp diễn ra (Chiến tranh và hòa bình). Bolkonski đã thanh thản xung trận với niềm tin rằng kết cục ko phụ thuộc vào vũ khí hay quân số. Ông bày tỏ “Nó phụ thuộc vào tình cảm có trong tôi”, rồi chỉ vào Timokhin – gã tùy tùng mugíc và chốt lại “trong anh ta và trong mỗi người lính”. Thứ tình cảm gì mà lại có cả trong tâm hồn của nhà qu‎í tộc nói tiếng Pháp như gió và cả trong tâm hồn đơn sơ của mọi gã lính mugíc nhỉ? Đó chỉ có thể là tình yêu đối với Matuska Rus!
 
Sau Napoleon 129 năm, một gã tâm thần khác là Hitler đã ko lượng được sức mạnh đáng sợ của tình yêu thuần chất Nga và kéo quân đến báng bổ Matuska Rus. Kết quả là ko chỉ Hitler mà cả bà vợ Eva lẫn con chó yêu đều phải trả giá bằng sinh mạng.

Phiền một nỗi, lịch sử là thứ quên dễ hơn nhớ. Mới chỉ khoảng 50 năm, sau ngày Hitler tự sát, ấy thế mà ở Mỹ lại xuất hiện một cặp vợ chồng “thần kinh”. Ông nhà Bill nêu cao học thuyết NHÂN QUYỀN hơn CHỦ QUYỀN, đánh người Serb, chia Nam Tư thành mấy mảnh, lại còn cắt cả xứ Kosovo cho người Albani. Bà nhà Hillary nối chí chồng, đòi hết người này đến người khác phải “ra đi”. Bây giờ đã đến lượt ông Assad (Syria), nếu bướng ko chịu ra đi thì ông Panetta (Ngũ giác đài) sẽ xắn tay áo “can thiệp nhân đạo”.
Rất có thể Hillary đang có một giấc mơ đẹp về mùa xuân Ả Rập, như Dove đã từng mơ về mùa xuân nhân loại (chủ nghĩa CS), thế nhưng người Nga lại ko hề mơ. Họ tin rằng sau Syria là Iran và tiếp đó là Matuska Rus. Thế là dù ko ưa Putin, họ vẫn hùn phiếu cho ông với linh cảm rằng Putin ko bao giờ để cho Matuska Rus bị ấm ức.
Cũng may, là nước Mỹ còn có Obama. Sau một tuần suy nghĩ, hẳn là có tham khảo “Chiến tranh và hòa bình”, Obama đã quyết định ko lăng xê “gian lận bầu cử”, mà cho người trang hoàng trại David đón ông Putin đến dãi bày tâm hồn Nga. Những mong hai ông tìm ra cách xử lí ổn thỏa nồi canh hẹ NHÂN QUYỀN hơn CHỦ QUYỀN do vợ chồng nhà Bill nấu.
Máy bay sắp hạ cánh xuống Cam Ranh. Những chòm sao điện sáng long lanh đã hiện ra trên dãi đất Khánh Hòa vốn tối đen. Đất nước đang tìm đường tiến ra biển. Chẳng biết các hoa tiêu bây giờ có còn học thiên văn ko? Nếu ko, thì quả là đáng tiếc…GPS thật là tiện, nhưng cũng vì nó mà hoa tiêu thời nay đã phải vĩnh viễn từ bỏ cảm giác sướng như điên khi tóm gọn vào hồng tâm của máy 1/6 một vì sao, bỗng dưng phát lộ qua kẽ mây trong điều kiện thời tiết phức tạp.
Tác giả: “Vladimir” Dove

Comments