Chí Trung.
Hỏi cậu yêu ai nhất, câu trả lời bao giờ cũng là “Yêu nhất bà nội”, vì cậu không ở với cả bố lẫn mẹ mà sống với bà.
“Có lẽ tôi là một dạng tự kỷ nhẹ, với một chút bất mãn cuộc sống, một chút căm thù bản thân. Cái thằng tôi ngày ấy đâu có hiểu bố mẹ cũng đau lắm khi phải chia tay và chia tay đâu phải cái tội gì ghê gớm. May là thời ấy không có nhiều tệ nạn, không có cờ bạc, hút xách, chứ có thì khéo tôi cũng mắc tất cả những thứ đó. Mà cũng có thể là vì số phận đã thương tôi, vì từ ngày ấy tôi đã gặp Huyền (nghệ sĩ ưu tú Ngọc Huyền, bạn đời, bạn nghề của Chí Trung ở Nhà hát Tuổi Trẻ)... Năm nay là 33 năm chúng tôi gặp và yêu nhau, có thể nói đó là niềm vui duy nhất của tôi. Cô ấy là tình yêu duy nhất và là người duy nhất khiến tôi phải... ôm bụng cười mà không phải trên sàn diễn. Tôi chọc cười thiên hạ, còn cô ấy thì dù chuyên diễn vai bi trên sân khấu, nhưng ngoài đời cô ấy mới là người có khiếu hài hước bẩm sinh. Chuyện gì cô ấy cũng có thể kể lại thành chuyện cười, chỉ một câu nhại giọng hay cái nhíu mày của cô ấy cũng có thể làm cả đoàn diễn trên xe đang mệt rũ vì đường xa phải cười lăn cười bò. Những lúc ấy tôi được vui, được làm khán giả, được cười”.
Nhưng ai cho phép buồn lâu?
Những năm 1980-1990, sân khấu đang ở đỉnh cao, khán giả rất đông, ngày nào cũng 3-4 suất diễn, có ngày năm suất.Nhưng thù lao cho nghệ sĩ rất ít vì diễn phục vụ là chính và chế độ thù lao ngày xưa như thế.
Vậy là đêm nào Chí Trung cũng là chàng Romeo hào hoa si tình, còn ban ngày làm săm lốp xe thồ. Đi tỉnh nào diễn, anh cũng làm luôn động tác mua săm lốp ôtô cũ về ép lại thành săm lốp xe thồ. 11g đêm diễn xong, anh ép săm lốp đến 3g sáng, một đêm ép được 20 chiếc, ngủ 3 tiếng, 6g dậy chở vào Hà Đông giao hàng, 8g lại về nhà hát làm việc hoặc tập vở.
"Tôi
yêu và ngưỡng mộ Thành Lộc lắm. Lộc làm sân khấu là do thiên mệnh, tôi
làm là do số phận đẩy đưa. 15-20 năm trước, mỗi lần Nhà hát Tuổi Trẻ
vào Nam, Lộc bảo tôi cậu ấy toàn đứng sau cánh gà xem chúng tôi diễn và
khóc, khóc vì mơ ước được diễn những vở như thế. Giờ thì ngược lại, mỗi
lần Lộc làm vở mới tôi đều lặng lẽ bay vào xem bạn diễn và khóc. Vụ án vườn Lệ Chi và Tiếng chim vườn ngọc lan
của Lộc là những vở diễn đã làm tôi đứng sau cánh gà ứa nước mắt một
mình rất lâu. Tôi khóc vì mình đã đánh mất một cái gì đó rất tốt đẹp!"
Nghệ sĩ Chí Trung
|
Có vốn đằm túi rồi, Chí Trung chuyển sang... buôn xe máy ở chợ Phùng Hưng. Nhiều người xuất khẩu lao động về dành dụm đóng được thùng hàng 5-6 chiếc xe máy không biết bán ở đâu, người nhà rỉ tai: gọi Chí Trung. Mua bán sòng phẳng, tiền nong dứt khoát, có duyên bán duyên mua.
Cho tới giờ Chí Trung vẫn giữ nguyên tắc bất di bất dịch: “Ban ngày tuyệt đối không nói chuyện nghệ thuật, từ 6g30 tối nghiêm cấm nói chuyện buôn bán tiền nong”.
Từ những năm 1991, 1992 trở đi, khán giả bắt đầu có tiền, chịu mua vé cho các hoạt động giải trí. Chí Trung - thư sinh quý tộc hiệp sĩ chuyển thành Chí Trung - Tạ Quay, chủ quán thịt chó trong vở kịch mở màn trào lưu hài của sân khấu Bắc: Trò đời (tác giả Nguyễn Khắc Phục). Hơn 500 đêm diễn liên tục đã khiến Chí Trung “gặt hái” kha khá tiền thù lao, cộng với chết tên Tạ Quay và cũng khiến Romeo từ 62kg lên... 80kg.
Chính thức giã từ các vai kép đẹp để thành danh hài. Đời cười cũng liên tiếp chào sân từ Đời cười 1 đến Đời cười 10, khán giả từ đông nghẹt, cười giải tỏa, cười sung sướng, cười ra nước mắt, cười sảng khoái đến lúc bị cù để cười, rồi... cù đành cười gượng và cuối cùng cù...vẫn không cười nổi.
Quen với Đời cười và đủ các thể loại hài, khán giả Hà Nội, những người yêu sân khấu và yêu Chí Trung nhất đã gần như quên mất mình từng có một kép chính với những vai kịch kinh điển, họ chỉ còn đến nhà hát để đợi được cười. Có những đêm hồi Đời cười đang thịnh, bán vé thu tiền xong rồi mà “bầu”Chí Trung bỗng dưng mặt đờ ra, thẫn thờ: “Chả nhẽ cứ để khán giả cười mãi”.
Một kỷ niệm buồn đến giờ Chí Trung vẫn day dứt: năm 1999 thầy Nguyễn Đình Nghi dựng Rừng trúc cho nhà hát.Ông giao vai chính Trần Thủ Độ cho Chí Trung. Bên cạnh Lê Khanh tuyệt vời với Lý Chiêu Hoàng và Anh Tú điềm đạm, sang trọng, đau đớn trong vai Trần Cảnh, có một Chí Trung - Trần Thủ Độ hài hước và lên gân không xứng tầm Trần Thủ Độ, cũng không xứng với danh hiệu và sự từng trải nghề nghiệp của Chí Trung.
“Tôi vào vai mà không thấy tin tưởng bản thân và không tin cả vào vở diễn. Tôi không tin thời điểm ấy khán giả còn thích và xem nổi Rừng trúc. Tôi đã làm hỏng Trần Thủ Độ. Quyền biến, gian hùng nhưng rất sâu sắc, biết mình biết người, đặt lợi ích dân tộc và dòng họ lên trên tất cả ham muốn cá nhân.Thầy Nghi phải yêu và tin tôi lắm mới giao cho vai Trần Thủ Độ. Vậy mà tôi đã làm hỏng. Giờ này thầy đi xa lắm rồi, còn anh em bạn bè ngày ấy đến giờ cũng khó lòng diễn lại được Rừng trúc”.
Nhưng buồn cũng chả được lâu, ai cho cái quyền buồn lâu? Chí Trung là cứ phải lên sân khấu, nhìn xuống thấy khán giả ngồi nghiêm ngắn mới thấy đời nó tươi.
Mà chả riêng gì anh, cỡ Vân Dung hay Minh Vượng, chạy sô 10 triệu đồng ở đâu thì chạy, nhà hát có vở là về ngay, Vân Dung 100.000 đồng/suất, Minh Vượng 160.000 đồng (có thêm thù lao nghệ sĩ ưu tú), Chí Trung, Ngọc Huyền cũng 160.000 đồng, Lê Khanh hơn 200.000 đồng. Diễn ngon. Rồi ngồi nhìn nhau, cười, thở dài. Chia tay lại: “Em chạy sô nhưng có vở là bác gọi em ngay nhé”.
THU HÀ
Category:
BỔ ÍCH-THÚ VỊ