Nhân dịp 30/4 !! : Nhạc trẻ Sài Gòn. | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

Nhân dịp 30/4 !! : Nhạc trẻ Sài Gòn.

No Comments

Hoàng Anh Tuấn

Viết cho BBCVietnamese.com từ California

Elvis Phương và Rockin' Stars thuộc số những nghệ sĩ khuấy động phong trào nhạc trẻ Sài Gòn
Cái chết của nhà báo Trường Kỳ tại Canada đã gây xúc động mạnh mẽ và dẫn đến nhiều tưởng nhớ về một trong những nhân vật sướng khởi phong trào nhạc trẻ ở Sài Gòn thời kỳ trước 1975.
Lớn nhất tới nay là một tối tưởng niệm tổ chức bởi Nam Lộc và một số bạn bè tại Quận Cam ở California.
Mặc dù diễn ra vào một tối trong tuần, buổi tưởng nhớ thu hút hàng trăm người tham dự chen chúc xem và kéo dài bốn tiếng đồng hồ với nhiều chia sẻ và ca hát từ những bạn bè và người cộng sự trong phong trào nhạc trẻ ngày xưa.
Ngoài ra, trên mạng và báo chí đã có in nhiều cảm nhận tốt đẹp về cuộc đời Trường Kỳ, mất đi đúng một tuần trước ngày sinh nhật sáu mươi bốn tuổi của mình. Đọc những bài viết về người quá cố, người viết chú ý vài bài nhắc đến liên hệ chặt chẽ giữa phong trào nhạc trẻ và chiến tranh Việt Nam. Trong bài thông tin trên báo Thanh Niên trong nước, nhà thơ và tác giả truyện ngắn Hà Đình Nguyên ghi nhận công lao Trường Kỳ hết mình gây dựng phong trào nhạc trẻ.
Giữa bài ông thêm nhận xét rằng nhạc trẻ là một hành thức phản chiến. Theo ông Nguyên, lớp trẻ Sài Gòn vào thời gian này có "tâm lý 'sống vội, chơi hết mình'" vì họ "sợ ngày mai phải ra chiến trường." Vì lý do này, phong trào Hippy cũng như nhạc trẻ là "hành thức phản chiến tích cực nhất."

Nhận định này cũng thể hiện trong một bài viết từ tác giả Luân Hoán, một người bạn thân của người quá cố tại Montreal, đã in trong quyển Dựa Hơi Bạn Bè, Tập 2 hai năm về trước. Luân Hoán đánh giá cao việc làm của Trường Kỳ, nhưng cũng nhận xét rằng "phong trào nhạc trẻ Sài Gòn, theo tôi, là một hình thức phản chiến cao cấp nhất, và đã có kết quả khả quan."

Cũng là người sáng tác văn thơ như Hà Đình Nguyên, nhưng Luân Hoán là một người chiều hướng tư tưởng chống cộng sản. "Cái hơn của miền Nam là tự do," ông viết, "Nhưng những bước chân quá đà của những người thụ hưởng tự do nhiều khi rất tai hại." Ông còn nói thêm là "sự thất thủ của Sài Gòn một phần do giới lãnh đạo, nhưng quần chúng không thể hoàn toàn phủ nhận sự góp tay gián tiếp của mình." Nói cách khác, phong trào nhạc trẻ được phổ thông là vì tự do của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng cũng vô tình gián tiếp làm lợi cho kẻ thù của chế độ.


Mặc dù không đổ lỗi hay nói tốt, bài tường trình đêm tưởng niệm tại Quận Cam đăng trên nhật báo Người Việt ở Nam Cali cũng gắn liền phong trào nhạc trẻ đến chiến tranh Việt Nam. "Tuổi trẻ khát sống," tác giả Nguyên Huy viết, "tuổi trẻ thèm yêu thương, tuổi trẻ cần ‘Peace Now, Not War', tuổi trẻ cần tương lai." Nhưng tuổi trẻ "đã bị chiến tranh làm cằn cỗi, bị chiến tranh đẩy ra đương đầu với nỗi chết không rời." Vì căn nguyên này mà "nhạc trẻ được cả lớp thanh niên phản chiến cũng như đang tham chiến trong các quân binh chủng của VNCH ưa thích."
Nhà báo Trường Kỳ (bên trái) và nhạc sĩ Lữ Liên
Nhạc trẻ với chiến tranh
Theo thiển ý người viết, gắn liền phong trào nhạc trẻ vào chiến tranh cũng có lý lẽ của nó. Chiến tranh làm con người mệt mỏi, chán chường, dễ muốn trốn tránh vào đam mê như ma túy, bài bạc, hay ăn diện bề ngoài. Chiến tranh Việt Nam không những dài mà còn rất tàn khốc, làm mòn mỏi tâm trạng thanh niên thiếu nữ khát khao muốn vươn lên.
Dù đời sống Sài Gòn và các thành thị miền Nam không nguy hiểm như vùng thôn quê và rừng núi, người tuổi trẻ vẫn cần một thứ gì bồi đắp để giữ được hy vọng mỏng manh. Nhạc trẻ được ưa thích, có thể phản ảnh một phần về tâm trạng này.
Nhưng đóng khung phong trào vào chiến tranh thôi cũng không giải thích mãn nguyện về hiện tượng nhạc trẻ. Giải thích này tách rời nhạc trẻ ra lịch sử văn hóa thành thị thời tiền chiến. Nhưng tại sao nhiều người đồng ý với giải thích này?
Theo người viết, lối nhìn đóng khung bị ảnh hưởng một phần là từ những biến chuyển đột ngột vào giai đoạn giữa thế kỷ hai mươi, từ thập niên 1940 đến thập niên 1970. Những biến chuyển này vừa làm gián đoạn phát triển văn hóa, vừa ảnh hưởng đến lối nhìn lịch sử. Năm 1945 cách mạng tháng Tám đột ngột xẩy ra. Năm 1954 hiệp định Geneva đột ngột phân chia đất nước. Năm 1975 chế độ VNCH đột ngột biết mất.
Rồi còn những đột ngột nhỏ hơn như nạn đói năm Tất Dậu, chiến tranh chống Pháp bắt đầu, đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm, nước Mỹ tham chiến trực tiếp, Tết Mậu Thân, và chiến tranh Cao Miên và biên giới Trung Quốc sau 1975. Những biến chuyển đột ngột như vậy làm ta chú ý đến những gì mới hơn là những gì tiếp tục, và đến lý do gần hơn là lý do xa.
Không phân biệt
Ở Việt Nam, chiến tranh ảnh hưởng đến cảm tưởng tuổi trẻ khác nơi không chiến tranh như Đài Loan hay Tiệp Khắc. Nhưng nhạc phổ thông này có cái hấp dẫn của nó, không phân biệt chiến tranh hay hòa bình.
Hoàng Anh Tuấn
Nhưng nhận xét lịch sử cần chú ý cả lý do gần và lý do xa. Vào trường hợp phong trào nhạc trẻ, điều thứ nhất đáng nhớ là nhạc phổ thông Âu Mỹ vào thập niên 1960 và 1970 được nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng, chứ không phải chỉ thành thị miền nam Việt Nam.
Từ Mạc Tư Khoa đến Đài Bắc, từ Ấn Độ đến Tiệp Khắc, rất nhiều thanh niên thiếu nữ trên thế giới nghe và theo dõi những loại nhạc từ Tây Âu và Bắc Mỹ như rock, yé-yé, disco, và Europop. (Trong các nước cộng sản thì dĩ nhiên không được công khai.)
Ở trường hợp Việt Nam, tất nhiên chiến tranh ảnh hưởng đến cảm tưởng tuổi trẻ khác nơi không chiến tranh như Đài Loan hay Tiệp Khắc. Nhưng nhạc phổ thông này có cái hấp dẫn của nó, không phân biệt chiến tranh hay hòa bình gì cả. Nó là một hiện tượng văn hóa hoàn cầu, phản ảnh một loại tư tưởng tự do cá nhân.
Đó là lý do xa thứ nhất, nhấn mạnh về bên ngoài. Ngược lại, lý do xa thứ hai nhấn mạnh bên trong.
Trước phong trào nhạc trẻ Sài Gòn hai hay ba thập niên, văn hóa thành thị Việt Nam đã có biến chuyển về nhạc phổ thông trong giới thanh niên. Thập niên 1930 bắt đầu có một số nhạc phẩm của một vài kịch giả ở Hà Nội và hướng đạo viên tại Hải Phòng.
Thêm đó, phương tiện truyền thông, truyền thanh, và truyền hình giúp nẩy nở hiện tượng thần tượng âm nhạc và phim ảnh, nhất là Tino Rossi, Albert Préjan, Lucienne Boyer, Joséphine Baker, Mario Lanza, và Luis Mariano.
Một số ca sĩ bản xứ cũng trình diễn bài hát của những thần tượng này, phổ thông hóa thêm nhạc tình yêu Tây Âu. Ở miền Nam có cô Nam Phỉ nổi tiếng hát J'Ai Duex Amours chính gốc tiếng Pháp. Còn miền Bắc thì có ca sĩ Ái Liên (mẹ của ca sĩ Ái Vân) hát nhạc Pháp lời Việt và thâu băng dĩa.
Ý hướng một số người trẻ Việt Nam, nhất là người có học vấn, đã ham thích những ca khúc ngoại quốc loại "dễ nghe" (easy listening) trong thời kỳ tiền chiến rồi.

Nhạc trẻ và học sinh
Từ 1945 đến 1954, tân nhạc Việt Nam chú trọng về quê hương và kháng chiến hơn là tình yêu cá nhân. Nhưng ý thức nhạc phổ thông Âu Mỹ trong giới trẻ thành thị nằm xuống tạm thời chứ không mất.
Sau 1954 đảng cộng sản cấm phổ biến loại nhạc này tại miền Bắc. Ngược lại, như tác giả Luân Hoán nhận xét, văn hóa miền Nam tự do nhiều hơn, học sinh sinh viên có cơ hội theo giõi và tiếp súc gần gũi với nhạc Âu Mỹ. Thêm vào đó, thập niên 1950 và 1960 có xuất hiện nhiều thần tượng mới như Françoise Hardy và Sylvie Vartan bên Pháp, hay Sandra Dee và Elvis Presley bên Mỹ.
Như ta biết qua hồi ký Trường Kỳ, những thần tượng mới này mang đến thú vị cho thế hệ mới, ham thích nhất là loại easy listening và rock nhẹ (soft rock). Nó cũng dẫn giắt đến những ca sĩ như Bạch Yến và Bích Chiêu, rồi Thanh Lan và Elvis Phương. Ảnh hưởng rock và rock nhẹ cũng đưa đến sáng tác bản xứ, nhất là từ Nguyễn Trung Cang và Lê Lựu Hà.
Điều thứ ba đáng chú ý là phong trào nhạc trẻ đi song song với con số học sinh. Cũng như ở miền Bắc, số học sinh miền Nam tăng lên rất cao trong thời gian đất nước chia đôi.
Năm học 1957-1958, chế độ VNCH có khoảng một triệu học sinh tiểu học và trung học. Tới 1970-1971, con số tăng lên 3.5 triệu, với chừng 637,000 học sinh trung học.
Trong vòng 12 năm đó, tỉ số học sinh tiểu học tăng từ 38% đến 82% tổng cộng tuổi đi học. Nghĩa là cứ 100 trẻ em tuổi tiểu học thì 82 em được đến trường. Số học sinh trung học thì tăng từ 4% đến 17%.
Về số học sinh đại học thì tăng từ 11,000 ban đầu thập niên 1960 lên đến 57,000 đầu thập niên 1970. Con số học sinh gia tăng như vậy cũng giúp tăng con số người trẻ yêu chuộng nhạc trẻ, nhất là lớp trung học và đại học vì phần đông họ ở thành phố.
Khi nhận xét về phong trào nhạc trẻ Sài Gòn, ta không nên để thập niên 1945-1954 làm mốc bắt đầu cái mới về chiều hướng nhạc trẻ. Ngược lại, ta nên coi thời gian đó là một gián đoạn tạm thời về phát triển ham thích nhạc nhẹ Âu Mỹ của tuổi trẻ thành thị. Thập niên 1945-1954 làm chậm lại sự tiếp súc giữa giới học sinh và nhạc ngoại quốc. Nhưng nó không làm mất sự ham thích này, như Trường Kỳ và bạn hữu đã cho thấy.
Mặc dù ta không thể nào biết được, nhưng giả thử chiến tranh Việt Nam không xảy ra thì có lẽ con số học sinh trung học trong 1970-1971 cao hơn 17% nhiều. Trong trường hợp đó, con số người ưa chuộng nhạc trẻ chắc cũng cao hơn.
Nói cách khác, chiến tranh có thể là một động cơ làm nhiều người theo dõi nhạc trẻ, nhưng hòa bình chắc còn là động cơ mạnh hơn nữa. Chiến tranh chắc có ảnh hưởng đến nhạc trẻ. Nhưng nhận định về Trường Kỳ và phong trào này cũng nên chú ý hơn về những tác động quan trọng ngoài chiến tranh.

Về tác giả: Hoàng Anh Tuấn đang làm nghiên cứu tiến sĩ khoa Sử, Đại Học Notre Dame, South Bend, Indiana, Hoa Kỳ, với luận án về tư tưởng và văn hóa thành thị miền Nam trong thời kỳ VNCH. 
Nguồn : BBC 

****


Thân mến ! 




Comments