FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả : Khổng tử - ông là ai ? -->

Khổng tử - ông là ai ?

No Comments




Khổng Tử (tên chữ là Trung Ni) sinh ở Ấp Trâu, nước Lỗ vào năm 551 trước Công Nguyên, thời Xuân Thu và mất năm 479 cũng tại nước Lỗ, thọ 73 tuổi. Khổng Tử mồ côi cha từ năm 2 tuổi.
Hồi nhỏ ông rất chăm học và thích chơi trò tế lễ (!), ông là người đầu tiên ở Trung Hoa đã mở trường dạy tư và năm 30 tuổi đã có hàng trăm học trò, tiếng tăm của ông lừng lẫy khắp các nước chư hầu thời đó.
Chu du thiên hạ
Năm ông 51 tuổi, vua nước Lỗ là Định Công đã vời ông ra làm quan và phong cho chức Trung-Đô-Tể tức chức quan nắm quyền cai trị "Thủ đô" nước Lỗ, một năm sau ông được thăng lên chức Tư Không (Công chánh) rồi kiêm luôn chức Đại-Tư-Khấu (như bộ trưởng tư pháp). Trong thời gian này, Khổng Tử có phò vua Lỗ đi "Hội nghị" để bàn về giao hảo giữa vua Lỗ và vua Tề ở Hiệp Cốc và vua Tề đã thất bại trong âm mưu định hại vua Lỗ (đánh úp) nhờ có sự tài ba sáng suất của Khổng Tử.


Khổng Tử sau đó lên đến chức Tướng Quốc (tức Thủ Tướng) nước Lỗ. Ông sửa sang chính trị và làm cho nước Lỗ trở nên cường thịnh trong 72 nước chư hầu thời đó. Để hại nước Lỗ, vua Tề là Tề Cảnh Công đã đem "tặng" vua Lỗ một đoàn nữ nhạc với 80 vũ nữ đẹp như tiên nữ chốn Bông Lai. Từ đó vua Lỗ mải mê với các người đẹp mà bỏ bê chính sự. Khổng tử can ngăn vua không được ông đã bỏ Lỗ cùng học trò đi chu du thiên hạ, lúc đó ông đã 56 tuổi, 13 năm đi thuyết giáo qua hàng chục nước chư hầu, nhưng không được vua nào trọng dụng, có lúc lâm vào cảnh đói rét nên cuồi cùng Khổng Tử trở lại về nước Lỗ, lúc đó ông đã 68 tuổi(!).
Trong truyện Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu nước ta có đoạn viết:
"Thương là thương Đức Thánh nhân,
Khi nơi Tống Vệ, lúc Trần lúc Khuông..."
Chính là nói về đoạn đời long đong ấy của Khổng Tử. Thánh nhân ở đây chính là Khổng Tử. Ngay từ thời đó cũng như các thế hệ sau này đều phong Khổng Tử là bậc thánh nhân vì đức độ và tài năng học thức uyên bác của ông.
Năm năm cuối đời, Khổng Tử dành để san định (biên soạn) trước thuật 6 bộ sách nổi tiếng sau này đó là: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Nhạc, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu: Ông nói ta chỉ thuật lại mà thôi, chớ ta có tác tạo gì được. Ta tin tưởng và hâm mộ đạo đức của người xưa ... (theo sách Truyện Đức Khổng Tử của Đoàn Trung Còn. NXB VHTT 1996).
Tư tưởng
Không biết bao nhiêu bút mực đã đổ ra 25 thế kỷ qua để nghiên cứu về Khổng giáo, về tư tưởng của Khổng Tử. Cũng có học giả như học giả Pháp Etiemble, trong cuốn Confucius 1966 thì cho rằng nghiên cứu Khổng Tử chỉ nên dựa vào sách Luận - ngữ là bộ sách ghi lại những lời đối đáp của Khổng Tử với học trò, các sách khác không đáng tin cậy. Nhưng gì thì gì, loài người tiến bộ vẫn phải ghi nhận Khổng Tử là nhà giáo dục lớn nhất của mọi thời đại ngay thời bấy giờ ông có tới 3000 học trò và rất nhiều người trong số đó đã thành đạt. Về chính trị Khổng Tử chủ trương Đức trị.

Ông là người đầu tiên nói nhiều nhất đến tư cách của người cai trị (tức người quân tử), ông chủ trương vua sáng tôi hiền, vua ra vua, tôi ra tôi. Nhưng Khổng Từ là người không thích cách mạng, ông không tán thành bạo lực cách mạng để thay đổi thời thế, cho dù thời thế của bọn hôn quân bạo chúa! Đó là tính chất bảo thủ trong tư tưởng chính trị của Khổng Tử."Khổng Tử bỏ qua vấn đề pháp luật và thiết chế, từ chối mọi cải cách" (Nguyễn Khắc Viện). Chính vì vậy mà từ đời Hán sau này trở đi Khổng Tử được các triều vua tôn lên hàng Đại Thánh, là ông Thánh của các ông Thánh là "vạn thế sư biểu" (ông thầy tiêu biểu của muôn đời) để lợi dụng học thuyết của ông, duy trì chế độ phong kiến bảo thủ trì trệ ở Trung Hoa cho mãi đến đầu thế kỷ 20!
Có thể nói trong lịch sử nhân loại, chưa có triết gia nào mà triết thuyết của người ấy lại được thiên hạ lợi dụng tâng bốc đến mây xanh hoặc phê phán đến không tiếc lời như học thuyết của Khổng Tử(!) Những kẻ muốn duy trì trật tự hiện tại thì tôn vinh Khổng Tử những kẻ muốn thay đổi trật tự hiện tại thì phê phán Khổng Tử.
Đến nay có rất nhiều trường đại học ở Phương Tây mở khoa Khổng học để tiếp tục nghiên cứu về Khổng Tử. Đạo đức cao cả và lối sống chừng mực của Khổng Tử vẫn cần cho thế giới Phương Tây đang sống xa hoa và hủy hoại môi trường!
Hiện nay mộ Khổng Tử vẫn còn ở huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông Trung Quốc. Khổng Tử miếu hiện có khuôn viên đến 133.000m2, chủ thể của Khổng Tử miếu là Đại Thánh điện, nơi các vị Hoàng đế Trung Hoa đến thờ cúng Khổng Tử. Khổng tử miếu được xây từ đời nhà Tống đến thời Ung Chính thì được trùng tu lớn.
Ông còn một người cháu 77 đời là Khổng Đức thành sanh năm 1919 ở Bắc Kinh(?) Khổng Đức Thành đã từng qua Mĩ du học và năm 1946, đã lấy vợ. Có lẽ đến nay ông đã có con cháu để nối dòng thánh tộc!
nguồn : SGTT

Comments