FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả : Chóe ! -->

Chóe !

No Comments



Ta chông chênh cây khô rụng lá…”
Nhà hài hước (humorist) Mark Twain đã nói: “Gốc rễ sâu xa của bản thân sự hài hước không phải là niềm vui mà là nỗi buồn” (1)
Nhận định của Mark Twain, nhà văn bậc thày của nền văn chương Hoa Kỳ, có lẽ đúng với Choé, người vẽ biếm hoạ trứ danh của miền Nam Việt Nam trước và sau 1975. (2)
Uyên Thao, người chủ trương tờ báo Sóng Thần, và cũng là người đã “dám” để cho gã thanh niên non choẹt tuổi đời tuổi nghề Nguyễn Hải Chí đảm trách mục biếm họa của tờ báo dù bị mọi người trong tòa soạn phản đối, kể lại: “Riêng tôi, mỗi lần nhận những bức họa từ tay Choé, tôi luôn có cảm tưởng anh không vẽ mà vừa hòa nhập và nhận chung gánh nặng oan khiên để cất lên tiếng gào xé ruột của những con người yếu đuối đang quặn mình dưới đủ loại roi vọt đọa đày”. (3)
Phải chăng vì ngay từ khởi đầu con đường nghệ thuật của Choé đã không thiếu buồn bã, âu lo và sợ hãi.

 
Chóe không giấu chuyện anh mới học tới lớp Nhì bậc tiểu học và chỉ được học vẽ tại một phòng vẽ quảng cáo ở Mỹ Tho, sau khi bị ép buộc trở thành du kích cùng một số thanh thiếu niên khác ở vùng quê anh tại Long Xuyên năm 1960. Thuở đó Chóe chưa tới tuổi mười tám, chẳng biết gì về chính trị. Anh không thích chui lủi trốn tránh, nhất là khó chịu vì bị cưỡng bức phải sống như thế, nên sau vài tháng đã tìm cách lén trở về nhà. Sự việc này khiến anh lâm cảnh bị đe dọa, phải rời Long Xuyên lên Mỹ Tho lánh nạn. Tại đây, anh xin được việc làm tại một phòng vẽ quảng cáo và bắt đầu học vẽ là thứ anh say mê từ nhỏ.
Có lẽ vì mang nặng một nỗi buồn u uất như thế nên dù đang trong độ tuổi thanh niên tràn đầy sức sống, Choé lúc nào cũng lặng lẽ một mình.
Quả tình Chóe không chỉ non về tuổi nghề mà còn non cả về tuổi đời nữa. Năm đó Chóe hai mươi bảy tuổi và bề ngoài hiền lành cùng cung cách nói năng từ tốn chậm rãi không dành được tin tưởng là người đáp ứng nổi yêu cầu của tờ báo. Bộ quân phục với chiếc lon Hạ Sĩ cộng thêm ánh mắt, nụ cười luôn có vẻ dụt dè còn khiến nẩy sinh ý nghĩ chưa chắc Chóe thích hợp với công việc của một cây cọ châm biếm thường được hình dung qua tính ưa giễu cợt với cái nhìn tinh quái hoặc lời lẽ hóm hỉnh. Chóe hoàn toàn trái ngược với hình dung quen thuộc đó của mọi người, lúc nào cũng như chiếc bóng lặng lẽ hiện ra rồi lặng lẽ biến mất.
Những ai đã từng được xem biếm họa, hí họa của Choé có lẽ không thể hình dung ra được tác giả của những bức vẽ sắc sảo sống động và hóm hỉnh đó lại là một người rất dễ xúc động, rất dễ thương cảm, người viết nên những câu hát  thật ngậm ngùi :
Mưa chưa xuống sao lòng ta sũng ướt
Thu chưa về lá vàng rơi trơ trọi
Sương chưa xuống sao mắt ta mờ mịt
Mặt trời chưa qua đồi cháy đời ta tuổi xuân
Ta chông chênh cây khô rụng lá...
“Hề vẽ”
Nhân cách, hoàn cảnh sống và hoạt động của họa sĩ Nguyễn Hải Chí làm nảy sinh ra câu hỏi: “Lý giải như thế nào về hiện tượng sự buồn rầu (một trong những biểu hiện hiện của tính bi quan) có thể chuyển đổi thành sự hài hước (một trong những biểu hiện của tính lạc quan) một cách mỹ miều và dung dị như trong trường hợp của Choé?”
Ông Uyên Thao đã có nhận xét như sau:
 “Tôi nhìn Choé, thấy anh không thể ngưng vẽ, không bao giờ thoát khỏi nỗi dằn vặt về những oan khiên cứ thản nhiên trút xuống. Đó chính là cuộc sống của anh. Điều may mắn mà Choé được ban tặng là tài năng và bản tính sẵn sàng cam chịu nên mọi nghịch cảnh chỉ dẫn đến kết quả là những bức tranh với một nụ cười.”
Tôi không đồng ý về bốn chữ “bản tính cam chịu” của Uyên Thao. Ngay từ đầu Choé đã biết mình đi con đường khó: “Nghề vẽ tranh châm biếm thời nay được coi là nghề “mó dái ngựa”. Mó nó nhột là bị nó đá cho hộc máu mồm. Tôi là loại điếc không sợ súng. Tôi nghĩ con người có số. Họ dọa chưa chắc họ bắn. Bắn chưa chắc đã trúng. Trúng chưa chắc đã chết...”
Nếu đã chọn cho mình cái nghề “chuyển hóa nghịch cảnh thành nụ cười”, người ta phải tìm cách làm cho mình thật rành cái nghề đó chứ không thể chỉ im lặng thở dài… cam chịu.
Choé tự nhận mình là một gã hề trong ngành họa, một gã “hề vẽ”!
Một vai hề trên sân khấu cải lương tất nhiên phải biết hát cải lương. Vai hề ở rạp xiếc nhất định phải biết ít nhiều động tác xiếc. Tôi là một vai hề trong hội họa nên cũng biết vẽ, dù cái nghề “hề vẽ” này ở nước ta không có trường lớp, không có thầy dạy. Có thể vì thế mà không có nhiều người đi vào con đường hí họa chuyên nghiệp.
Nghe tôi gọi “hề vẽ” có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên? Gọi chính xác đấy! Khi bạn muốn bước vào cái nghề nghiệp này, xin bạn hãy đi thử máu xem mình có thuộc nhóm máu hài hước không? Và cũng nên thử lòng mình xem tấm lòng ấy có phải tấm lòng hài hước không? Cuối cùng, bạn cũng nên sẵn sàng một tinh thần hài hước để đón nhận lời khen, tiếng chê và những thứ linh tinh khác do những sản phẩm hài hước của mình phản hồi
Chúng ta làm thế nào thể để biết mình thuộc “nhóm máu hài hước” đây?
Trước tiên nên tìm hiểu “Thế nào là hài hước?”
Nhiều người nghĩ rằng hài hước là một thứ được tạo ra để làm vui, hay để thêm phần náo nhiệt cho những buổi gặp gỡ.
Thật ra hài hước là một hoạt động tự nhiên của trí tuệ con người. Việc làm cho người ta bật cười thường qua những giai đoạn như sau:
Ban đầu chúng ta nghĩ rằng một điều gì đó là đúng, dựa vào điều chúng ta đã được biết từ trước và nghĩ rằng nó phải là như thế, hay không thể khác hơn được.
Nhưng khi có thêm những dữ kiện khác thì chúng ta mới biết rằng điều đó là sai.
Thật ra chúng ta đã rất sai, sai ngay từ cái cách chúng ta suy xét rồi cho ra kết luận ban đầu.
Và tới phút cuối thì chúng ta cảm thấy buồn cười cho sự ấu trĩ của mình (4)
Như vây, có thể nói, một người thuộc “nhóm máu hài” là người có khả năng nhìn thấy những “dữ kiện khác”, bằng lòng đưa những dữ kiện đó vào quá trình suy luận của mình, bằng lòng để quá trình đó đi theo con đường tự nhiên của nó, và nếu kết quả cuối cùng không theo như ý nghĩ ban đầu của mình thì người đó vẫn có thể nhìn thẳng vào nó, và… cười.

Với Choé, khi nghịch cảnh trút đổ xuống anh, thay vì chạy trốn và lãng quên, anh đã nhìn thẳng vào nó. Rồi với lòng mong muốn mãnh liệt là phải vượt qua khỏi nó, anh hình dung tới những điều có thể làm biến đổi nó, và Choé cầm bút, và vẽ…
 “Nghệ thuật gây cười bằng hình tượng”
 “Tranh cổ động thì vẽ những điều tốt đẹp, còn hí họa lại vẽ những điều xấu xí” - Choé chuyên vẽ những điều xấu xí nhưng tranh của Choé thì không xấu chút nào. Điều này chứng tỏ Choé không chỉ có ý tưởng sắc bén và phong phú mà còn rất am tường về thể hiện mỹ thuật. Một điều đáng mừng là tuyển tập “Tử Tội” đã giữ lại được hai bài viết nói về cách vẽ biếm họa.hí họa của Choé. Nhưng điều đáng tiếc là chỉ có hai, quá ít so với một họa sĩ tài danh và có bề dày kinh nghiệm như Choé.
Về hình thức của tranh biếm, Choé viết:
Trong hí họa cần cả nội dung lẫn hình thức. Không tạo được hình thức sẽ làm hỏng nội dung. Hình thức càng tốt, càng giảm được số chữ phải ghi trong tranh. Thí dụ ta vẽ người nào giống người đó thì khỏi phải ghi tên người đó.
Vẽ phụng khác với gà thì khỏi phải ghi gà hay phụng...
Nếu bạn áp dụng trừu tượng cho hí họa thì may ra có trời mới biết bạn vẽ cái gì, nói cái gì.
Hí họa cần nhất là dễ nhìn, dễ phân biệt, tập trung làm nổi bật ý chính, tạo cho người xem chú ý ngay về sự khập khễnh của hình thức rồi mới dẫn dắt họ đến cái phi lý, cái lố bịch của nội dung.
Về nội dung của tranh biếm, giải thích của Choé có đoạn  khá dễ hiểu:
Sự mô tả quanh ta, ví von của ca dao tục ngữ, ghi nhận của văn học... là vốn liếng quý báu cho kho tàng nghệ thuật, mà nghệ thuật hí họa cũng không khác với những bộ môn nghệ thuật khác.
Nhưng có đoạn kỳ bí khó hiểu rất … Đông phương!
Nghệ thuật hí họa là nghệ thuật gây cười bằng hình tượng. Trước khi  có hình tượng gây cười ta phải chọn lọc những hạt, những mảnh cười để góp nhặt. Trước khi góp nhặt, ta xác định đâu là khôi hài, động hơn động thành khôi hài, tĩnh hơn tĩnh cũng làm thành khôi hài, và quan trọng hơn quan trọng cũng thành khôi hài...
Như thế nào là “động”? Như thế nào là “tĩnh”? “Động hơn động”, “tĩnh hơn tĩnh” là gì?
Như một cố gắng tìm hiểu ý tưởng của người đi trước, dưới đây là những suy luận chủ quan của người viết. Rất mong được sự góp ý, phê bình của tất cả bạn đọc.
 “Quan trọng hơn quan trọng”
Vào lúc dư luận thế giới mừng đón hòa bình trở lại với Việt Nam, Viện Hàn Lâm Thụy Điển quyết định tặng giải Nobel Hòa Bình cho Lê Đức Thọ và Kenry Kissinger Nhưng Choé lại cho ra một bức biếm cho thấy Richard Nixon và Mao Trạch Đông vui vẻ chào nhau trên một cây cầu nối liền Nam Bắc bằng thân xác của hai người dân Việt gầy gò xơ xác.
Hiệp định Paris (1973) với mục đích chấm dứt chiến tranh Việt Nam là một sự kiện quan trọng. Nhưng cái quan trọng hơn là xương máu của người dân hai miền đã đổ ra, và nhất là phía Việt Nam Cộng Hòa đã bị ép buộc phải ký vào hiệp định này.
Người xem tranh có thể trước đó đã nghĩ tới viễn cảnh hòa bình tươi sáng. Nhưng khi thấy thêm những sự thật đằng sau mới biết dường như mình đã “hồ hởi sảng”. Và người xem bật cười vì thấy ra sự ngớ ngẩn của mình.
Có gì quan trọng hơn là mạng sống của con người? Sự thỏa hiệp giữa Mỹ và Bắc Việt có thật sự đem lại hòa bình hay không, có là một sự kiện quan trọng thật hay không hay cuối cùng cũng chỉ là một trò hề?
 “Quan trọng hơn quan trọng cũng thành khôi hài” phải chăng có thể hiểu là:
“(Làm ra vẻ) Quan trọng hơn (là) quan trọng (thật sự) cũng thành khôi hài”
“(Làm cho cái) Quan trọng (giả) hơn (cái) quan trọng (thật) cũng thành khôi hài”
 “Tĩnh hơn tĩnh”
Đây là một trong những bức tranh tham gia cuộc triển lãm “Phụ Nữ Nước Tôi” tại Nhật Bản (1995) của Choé.
Hình người đàn ông vác trên vai quả cầu mô phỏng hình thần Atlas khiêng đỡ vũ trụ của thần thoại Hy Lạp. Vị thần này còn được có tên là Atlas Telamon, nghĩa là “Atlas chịu đựng”. Cho đến này phương Tây vẫn còn dùng Atlas như một biểu tượng của sự chịu đựng mạnh mẽ và bền bỉ. (5)
Thế nhưng trái cầu trên vai Atlas bị thủng và những thứ rác rưởi trong đó túa ra vào một cái nồi thật to. Để rồi một người phụ nữ trong bộ áo bà ba gầy gò phải còng lưng ra đỡ lấy tất cả. Cô ta không chỉ đỡ cái gánh nặng cuộc đời mà còn phải đỡ luôn cái người đàn ông đang ra vẻ “ta đây” đang gánh vác chuyện đời.
Chịu đựng là một biểu hiện nhọc nhằn của “tĩnh”. Khi hiểu ra sự chịu đựng lặng lẽ của người đàn bà hơn xa sự chịu đựng ồn ào của người đàn ông nhưng không được biết đến thì người xem bật cười nhưng ngậm ngùi. Có phải chăng đó là “tĩnh hơn tĩnh”?

Trót làm người vui tính
Khi gặp chuyện đau lòng
Ta không dám khóc
Bằng nước mắt .
Khi thấy những điều đau lòng Choé kềm nước mắt. Choé đẩy chúng vào một “quy trình” đặc biệt: bớt buồn đi một chút, thêm vui vào một chút, và sản phẩm cho ra là những bức hí họa rất... Choé!
Choé coi việc mình làm là một cố gắng phản ánh cuộc sống. Người xem tranh của Choé có thể thấy được những chuyển biến của cuộc sống, cũng như người nhìn bọt biển có thể thấy được những giao động của biển.
Có lẽ càng nhiều tuổi thì người ta càng nghĩ nhiều về trách nhiệm. Và khi càng nghĩ nhiều về trách nhiệm thì sáng tác càng dè dặt, càng chậm lại, càng bớt những sinh động, những nhạy bén.
Bọt biển cũng bớt chạy nhảy theo thủy triều?
Tôi vẫn xem công việc hàng ngày của tôi là bọt biển. Nhưng tôi không hề xem rẻ bọt biển, vì chính bọt biển cho tôi biết được thủy triều, chính bọt biển cho tôi biết sức gió, sức bão hay áp thấp nhiệt đới, và nhiều khi chính bọt biển đã cho tôi biết được độ mặn của biển sâu.
Tôi vẫn là bọt biển, vẫn tự nhiên chạy nhảy theo thủy triều  để phản ánh trung thực sức gió, độ mặn...
Và bọt biển đã tan trong muôn trùng biển khơi. Nhưng những bài thơ, bài nhạc, bài viết, và nhất là những bức tranh của Choé - Nguyễn Hải Chí - vẫn còn mãi trong lòng người.
Choé ơi! Xin cám ơn anh, người không dám khóc bằng nước mắt để cho đời có được nụ cười tươi.
Trịnh Bình An

Chú thích:
Họa sĩ Choé tên thật là Nguyễn Hải Chí, sinh năm 1943 (khai sinh 1944) tại Long Xuyên (An Giang). Trước 1975, họa sĩ Chóe từng được báo chí Hoa Kỳ coi là một trong số họa sĩ hí họa hàng đầu của thế giới. Tháng 3-2005, Chóe vĩnh viễn ra đi.

Comments