Sự bí ẩn của CN tư bản.
Vì sao Chủ nghĩa Tư bản huy hoàng tại phương Tây nhưng không thành công tại những nơi khác? Vì
sao một phần nhỏ của xã hội tích lũy được tài sản và trở nên giàu có,
biệt lập với phần còn lại, như thể họ được một chiếc chuông pha lê che chở?
Bí ẩn của Tư bản[1]
nằm trong việc xây dựng một thể chế sở hữu chính danh và duy nhất.
Những người nghèo thật ra không nghèo như ta thường nghĩ. Có trong tay
một khối lượng tài sản khổng lồ, nhưng không có được quyền sở hữu chính danh, họ khô ng thể biến chúng thành công cụ sản xuất: chúng là Tư bản chết. Tác
giả Hernando de Soto là nhà kinh tế học người Pêru nhiều năm làm việc
cho GATT và cho các chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại các quốc
gia thuộc thế giới thứ ba. Ngoài chủ tịch Học Viện tự do và Dân chủ
Lima, ông đã nhận vô số giải thưởng thế giới cho công trình nghiên cứu
kinh tế của mình. Bản tóm tắt này do tạp chí Finances & Development đăng tải tháng 3 năm 2001.
PHÍA TRƯỚC giới thiệu đến bạn đọc Phần I trong bài Sự Bí Ẩn Của Tư Bản, giải thích về chủ nghĩa tư bản và tiềm năng của các tài sản. Phần II sẽ
giới thiệu đến quý bạn đọc vào số sau, liên quan đến thể chế luật pháp
của phương Tây và sự ảnh hưởng cho phép các công dân của mình biến tài
sản thành Tư bản.
****
Những
con đường tại Trung Đông, Liên Xô cũ hay tại châu Mỹ La-tinh cho du
khách nhìn thấy vô số cảnh quan: những khu dân cư, những thửa đất trồng
trọt, được gieo hạt và được gặt hái, những hàng hóa được mua, được bán.
Tài sản chung tại các nước đang phát triển và những nước Xã hội Chủ
nghĩa (XHCN) cũ chủ yếu phục vụ các hoạt động sống như vậy. Cùng lúc đó
tại phương Tây, các tài sản này còn có một cuộc sống khác song
hành: chúng là Tư bản, tồn tại và hoạt động song song với thế giới tài
sản vật chất. Chúng đóng vai trò phát triển sản xuất, bằng cách đảm bảo
lợi ích cho các bên, ví như cho phép thế chấp vay tiền, đảm bảo các
khoản tín dụng, hay đảm bảo dịch vụ công cộng.Tại sao các tòa nhà, hay các tài sản đất đai, nằm trên phần còn lại của thế giới, lại không thể mang một sự sống song hành trên? Tại sao những nguồn tài nguyên khổng lồ của các quốc gia đang phát triển và các nước XHCN cũ, mà Học viện Tự do và Dân chủ Lima chúng tôi ước tính vào khoảng 9,3 tỷ USD Tư bản chết, lại không thể tạo ra được những giá trị khác, ngoài hình thái vật chất tự nhiên của chúng? Câu trả lời của chúng tôi: Tư bản chết là vì chúng ta quên mất (hay bởi chúng ta không hề biết) rằng việc biến một tài sản vật chất thành Tư bản – ví dụ như một ngôi nhà có thể được thế chấp để vay tiền tạo vốn cho một doanh nghiệp – là một quá trình hết sức phức tạp. Ta có thể so sánh điều này với lý thuyết của Albert Einstein, trong đó ông lấy ví dụ một viên gạch có thể giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ như một vụ nổ hạt nhân. Một cách tương tự, Tư bản trước khi được chúng ta biết đến, có khả năng chất chứa và giải phóng ra một nguồn năng lượng khổng lồ, nhờ vào hàng tỷ viên gạch mà những người nghèo khổ đã chất vào các công trình xây dựng của họ.
Những chỉ dấu của quá khứ
Để có thể giải thích sự bí ẩn của Tư bản, chúng ta cần phải tìm lại nghĩa bản thủy của khái niệm này. Trong tiếng La-tinh thời Trung cổ, từ Capital – Tư bản – vốn được dùng để chỉ đầu các gia súc, những con vật mà tự xa xưa đã là một nguồn tạo của cải nhờ vào việc cung cấp thịt, sữa, da, lông thú hay cả phân để làm chất đốt. Các đàn gia súc ngoài ra còn có khả năng sinh sản. Vậy là ngay vào khởi điểm, Tư bản đã có một chức năng kép. Trước hết, chúng bảo đảm một khối lượng vật chất (đàn gia súc). Sau đó, chúng nói lên khả năng sinh sản tạo ra thặng dư trong tương lai. Từ các chuồng gia súc, Tư bản chỉ bước một bước vào các trang sách giáo khoa, và trở thành thuật ngữ được các nhà kinh tế học sử dụng để khái quát toàn bộ những nguồn tài sản quốc gia có khả năng tham gia vào sản xuất tạo thặng dư và tăng năng suất lao động.
Các nhà kinh tế học cổ điển như Adam Smith, và sau đó là Marx, đã nhìn thấy Tư bản chính là động cơ mà nhờ đó nền kinh tế thị trường vận hành. Trong tác phẩm Sự thịnh vượng của các quốc gia, Smith nhấn mạnh trước hết một nhận định mà theo chúng tôi chính là nền tảng cất giấu sự bí ẩn chúng ta đang đi tìm câu trả lời. Để các tài sản có thể được tích tụ và biến thành Tư bản sống có khả năng tham gia vào sản xuất tạo giá trị thặng dư, “chúng phải có một độ ổn định nhất định, và phải được cụ thể hóa dưới một dạng cố định, tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi quá trình sản xuất đã kết thúc. Về mặt hình thức, chúng là lao động được tích tụ và bảo quản, với mục đích có thể được tái sử dụng khi chúng ta có nhu cầu hay vào một mục đích nào khác sau này”. Điều mà chúng tôi rút ra từ nhận định của Smith là Tư bản không phải là một kho chất chứa tài sản, mà là tiềm năng – cái tiềm năng cho phép tạo ra một hoạt động sản xuất mới. Nhưng tiềm năng lại là một khái niệm trìu tượng. Chúng ta cần phải biến đổi nó, đưa cho nó một dạng hình thái vật chất cố định nắm bắt được, trước khi buộc nó giải phóng ra năng lượng, như năng lượng nguyên tử được giải phóng từ viên gạch của Einstein.
Khái niệm sống còn này của Tư bản đã bị quên lãng trong đêm tối của thời gian. Ngày hôm nay, người ta nhầm lẫn giữa Tư bản và Tiền. Tiền chỉ là một hình thái của Tư bản giúp cho nó vận động. Đương nhiên, dùng một hình thái cụ thể để ghi nhớ một khái niệm phức tạp bao giờ cũng dễ hơn phải ghi nhớ bản chất trìu tượng của khái niệm đó. Tư duy chúng ta định dạng “Tiền” dễ hơn định dạng “Tư bản” rất nhiều. Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu cho rằng Tiền có thể quyết định số phận của Tư bản. Tiền cho phép tiến hành giao dịch, mua bán các tài sản, nhưng bản thân tiền không thể tự nó tạo ra giá trị thặng dư.
Năng lượng tiềm năng của các tài sản
Vậy điều gì cho phép xác định tiềm năng một tài sản có thể sinh ra một hoạt động sản xuất mới? Làm thế nào để có thể phân định được giá trị một căn nhà với tư cách là một hình thái của Tư bản khỏi hình thái vật chất là nơi ở?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta hãy so sánh khái niệm Tư bản với năng lượng. Hãy thử lấy ví dụ một hồ nước nằm trên đỉnh một ngọn núi. Chúng ta có thể mường tượng ra hình dạng vật chất của nó, tưởng tượng ra những ích dụng mà nó mang lại, ví dụ như dùng để bơi thuyền hay câu cá tại đó. Nhưng nếu chúng ta nhìn hồ nước đó với con mắt của một kỹ sư đang muốn biến nó thành một nguồn năng lượng bằng cách xây đập thủy điện, và ước tính những giá trị khác mà hình thái vật chất tự nhiên của hồ nước không thể tự mình sinh ra, chúng ta sẽ nhận thấy rằng cái tiềm năng năng lượng này gắn với độ cao của hồ nước. Thách thức đối với người kỹ sư là làm sao có thể tạo ra một dòng chảy cho phép biến nước hồ thành một công cụ làm việc mới.
Tư bản, cũng như năng lượng, là một giá trị ngủ quên. Để đánh thức nó, làm cho hình thái vật chất của nó trở thành tuyệt hảo không đủ, chúng ta cần phải biết suy nghĩ cách biến đổi để xem nó có thể làm được điều gì khác? Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải tìm thấy một chu trình cho phép nó chuyển hóa, cho phép nó được tồn tại dưới một dạng hoạt động sản xuất mới.
Nếu như con người đã biết rõ chu trình biến nước thành điện từ lâu, chu trình cho phép biến tài sản thành một Tư bản sản xuất vẫn còn là bí ẩn. Lý do là vì cái chu trình, vốn đã được tạo ra và vận hành từ lâu nay, không nhằm mục đích chính là tích tụ Tư bản. Mà ở khắp nơi trên trái đất này, nó được tạo ra để bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Cùng với việc các hệ thống sở hữu các quốc gia phương Tây được phát triển, vô hình chung, chúng đã cho phép sản sinh một loạt các cơ chế biến đổi, mà kết quả hướng về phía tích tụ và sản sinh Tư bản nhiều hơn bất kỳ một thể chế nào được nhân loại biết đến trong quá khứ.
Chu trình biến đổi giấu mặt của phương Tây
Theo Hệ thống quyền sở hữu của các quốc gia phương Tây, sự biến đổi một tài sản thành Tư bản bắt đầu bằng việc mô tả và cấu trúc các đặc điểm kinh tế và xã hội có ích nhất của tài sản, ghi nhận các thông tin đó – dưới dạng những bản ghi tài khoản trên giấy, hay các định dạng số như file máy tính – sau đó tập hợp chúng vào trong một chứng từ ghi danh. Một tập hợp các quy tắc cực kỳ chi tiết và tỉ mỉ sẽ quy định quá trình này phải được tiến hành thế nào. Các sổ sách và tài khoản ghi nhận tài sản, và các chứng từ sở hữu, biểu hiện nhận thức của chúng ta về những gì có ích nhất của tài sản từ góc độ kinh tế. Chúng cho phép nắm bắt và cấu trúc các thông tin quan trọng nhất, cần thiết để có thể mường tượng ra tiềm năng của một tài sản, cũng như cho phép chúng ta kiểm soát tài sản.
Tất cả những tài sản thuộc tính kinh tế và xã hội không được cố định trong một hệ thống sở hữu chính danh sẽ rất khó có khả năng được đem ra mặc cả mua bán trên thị trường. Làm thế nào nhân loại có thể kiểm soát được một khối lượng khổng lồ các tài sản được chuyển từ tay người này qua tay người khác trong một nền kinh tế thị trường hiện đại, nếu không tồn tại một hệ thống ghi nhận sở hữu chính danh? Thiếu vắng một hệ thống như thế, tất cả những trao đổi tài sản, ví dụ như mua bán nhà cửa, sẽ buộc chúng ta phải bỏ ra vô số công sức để xác định đôi khi chỉ là những thông tin đơn giản nhất của giao dịch: người bán có phải là chủ sở hữu thật hay không? Ông ta có quyền bán hay không? Liệu ông ta có đang bán một căn nhà đã bị thế chấp hay không? Người sở hữu mới của căn nhà liệu sẽ được những nhà chức trách công nhận quyền sở hữu của mình hay không? Làm thế nào để có thể chứng minh một cách hợp pháp rằng mình chính là chủ sở hữu? Và tránh việc một số người khác rất có thể cũng sẽ đến để đòi quyền này? Điều này giải thích vì sao ngoài phương Tây, phần lớn các tài sản chỉ được trao đổi trong những không gian địa lý hẹp, và không cho phép phát triển thương mại.
Bằng chứng là vấn đề chính của các quốc gia đang phát triển và XHCN cũ không phải là thiếu tư duy kinh doanh: những người nghèo thực ra đang cùng nhau giữ thêm hàng tỷ đô-la tài sản đất đai trong vòng 40 năm qua. Cái mà họ thiếu là có quyền sở hữu chính danh, cái mà nhờ vào nền tảng pháp luật sẽ làm hiển lộ tiềm năng kinh tế cho các tài sản của họ – tiềm năng mà họ có thể sử dụng để sản xuất, thế chấp hay đảm bảo giá trị tài sản của mình trên một thị trường mới rộng gấp nhiều lần.
Tại sao việc sản sinh Tư bản lại trở thành một điều bí ẩn? Tại sao các quốc gia giàu có và đầy rẫy những chuyên gia kinh tế lại không giải thích rằng một chế độ sở hữu chính danh là điều sống còn để tạo ra Tư bản? Câu trả lời là vì ngay cả trong một thể chế sở hữu chính danh, cũng rất khó để có thể quan sát được kỹ lưỡng chu trình biến tài sản thành Tư bản. Nó nằm lẫn lộn giữa vô số các điều luật, các nghị định, quy tắc và định chế cấu thành hệ thống sở hữu. Trong cái mê cung luật pháp này, khó lòng để có thể hiểu hết hệ thống sở hữu chính danh thật sự hoạt động sự như thế nào. Cách duy nhất để quan sát, là tìm thấy một điểm lùi cho phép nhìn nhận hệ thống từ một góc nhìn không phụ thuộc vào luật pháp – hướng nghiên cứu mà chúng tôi đã thực hiện với phần lớn các công trình của mình.
Category:
Bổ ích và thú vị
,
BỔ ÍCH-THÚ VỊ