Bạn có ảo tưởng về kiến thức của bản thân?
Nếu bạn cho mình là thông minh và có học thức vừa phải, bạn có thể mặc định rằng mình nắm bắt vừa đủ về cách thức hoạt động cốt lõi của thế giới – kiến thức về những phát minh và các hiện tượng tự nhiên quen thuộc quanh mình.
Bây giờ, hãy nghĩ về những câu hỏi sau đây: cầu vồng được hình thành như thế nào? Tại sao ngày nắng có thể lạnh hơn ngày âm u? Làm sao trực thăng bay được? Bồn cầu xả nước như thế nào?
Tiếp theo, hãy tự hỏi bản thân: bạn có thể có câu trả lời chi tiết cho bất kỳ hay toàn bộ những câu hỏi trên không? Hay bạn chỉ nắm bắt mơ hồ những điều cốt lõi trong mỗi trường hợp?
Nếu bạn cũng giống như nhiều người tham gia nghiên cứu tâm lý, ban đầu bạn có thể cho rằng mình sẽ làm tốt. Tuy nhiên, khi được yêu cầu đưa ra câu trả lời đi sâu hơn cho mỗi câu hỏi, hầu hết mọi người đều hoàn toàn bối rối – cũng như bạn vậy.
Từ triết học Đức tới Lenin, Stalin và nay là Putin với mục tiêu 'hủy diệt để xây lại'
Nhân một năm cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine, nhiều cơ quan truyền thông Phương Tây đã nêu ra các dự báo khác nhau về diễn biến chiến sự tới đây.
Về căn nguyên sâu xa của cuộc xâm lược ông Vladimir Putin phát động đánh vào nước láng giềng Ukraine ngày 24/02/2022 cũng có nhiều đánh giá khác nhau.
Theo BBC thì tư tưởng Đại Nga và nhu cầu phục hồi các vùng ảnh hưởng bị mất sau 1991 là một lý do quan trọng cho cuộc chiến của Kremlin ở Ukraine.
Hoài nghi và Chân lý
Hoài nghi không phá vỡ chân lý, mà ngược lại, làm mới và nâng đỡ chân lý trong một chu trình biện chứng bất tận không ngừng nghỉ của nhận thức.
Phương Tây có một câu châm ngôn được sử dụng phổ biến: Hãy nghi ngờ tất cả!
Vì sao người phương Tây lại đặt nặng việc hoài nghi như vậy? Vì qua truyền thống khoa học và triết học, họ phát hiện ra rằng: Hoài nghi là khởi đầu của tiến bộ, là con đường đi tới chân lý, là sự giải phóng lý trí triệt để nhất.
Số phận khủng long trước ngày tuyệt chủng hoàn toàn
Sự kiện thiên thạch khổng lồ đâm vào Trái Đất đã đẩy khủng long vào cảnh tuyệt chủng sớm hơn. Nhưng phải chăng chúng dẫu sao thì khi đó cũng đã đang trên đà tuyệt chủng rồi?
Khoảng 66 triệu năm trước, trên bán đảo Yucatán ở Mexico, một khối thiên thạch rộng chừng 12km đã đâm sầm vào Trái Đất.
Cú va chạm gây ra một vụ nổ kinh hoàng vượt ngoài sức tưởng tượng, có sức công phá mạnh gấp vài tỷ lần trái bom nguyên tử ném xuống Hiroshima.
Hầu hết các động vật sinh sống trên lục địa Châu Mỹ đều chết ngay tức khắc.
Vụ va chạm cũng đồng thời gây ra sóng thần trên toàn thế giới. Hằng hà sa số bụi khí mịt mù khắp bầu khí quyển, đưa Trái Đất chìm vào bóng tối.
"Mùa đông hạt nhân" này đã gây ra sự tuyệt chủng của rất nhiều các loài động thực vật.
Trong số các loài động vật đã tuyệt chủng do vụ va chạm khủng khiếp này, đáng chú ý nhất là khủng long.
Thế nhưng các loài khủng long đã sống như thế nào trước khi đại hoạ xảy ra? Đây là câu hỏi mà chúng tôi cố gắng giải mã trong nghiên cứu mới nhất vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.
Chúng tôi tập trung nghiên cứu vào sáu họ khủng long chính, những họ có tính chất đại diện và đa dạng nhất cho 40 triệu năm trước khi xảy ra vụ va chạm với thiên thạch.
Ba trong số này là họ khủng long ăn thịt: gồmTyrannosauridae - khủng long bạo chúa, Dromaeosauridae - thằn lằn bay (bao gồm Velociraptor, nổi tiếng trong loạt phim Công viên Kỷ Jura), và Troodontidae - điểu long răng khía.
Ba họ còn lại là các loài ăn cỏ: Ceratopsidae - khủng long có sừng (đại diện phổ biến nhất là Triceratops, khủng long ba sừng), Hadrosauridae - khủng long mỏ vịt (họ có tính đa dạng loài cao nhất), và Ankylosauridae - khủng long bọc giáp (đại diện bởi loài Ankylosaur, khủng long đuôi chuỳ, một loài khủng long có bộ giáp xương và đuôi chuỳ).
Chúng ta biết rằng tất cả các họ khủng long này đều đã sống cho đến cuối Kỷ Phấn trắng, kết thúc bởi cú va chạm thiên thạch lịch sử.
Mục tiêu của chúng tôi là xác định tốc độ phân hoá của các họ này - hình thành loài mới hay tuyệt chủng hoàn toàn.
Trong năm năm, chúng tôi đã tổng hợp tất cả thông tin về các họ khủng long này để tìm ra xem có bao nhiêu họ trên Trái Đất vào thời điểm xảy ra vụ va chạm, và bao nhiêu loài trong từng họ.
Theo ngành nghiên cứu cổ sinh vật học, mỗi mẫu hoá thạch được đặt tên bằng một mã số riêng để tiện theo dõi, truy vết, qua đó cho phép chúng tôi tìm hiểu khoa học qua quá trình kéo dài theo năm tháng.
Quá trình nghiên cứu khá vất vả - bởi vì chúng tôi đã phải hệ thống tất cả các hoá thạch hiện hữu của tất cả sáu họ khủng long này, đại diện cho hơn 1.600 cá thể từ khoảng 250 loài.
Để phân loại chính xác từng loài và xác định niên đại của chúng là việc không hề dễ dàng: một nhà nghiên cứu sẽ xác định niên đại và loài cụ thể cho một mẫu hoá thạch, rồi một nhà nghiên cứu khác sẽ kiểm tra lại và tiến hành phân tích theo cách khác. Trong những trường hợp này, chúng tôi phải tự đánh giá - nếu chúng tôi thấy có nhiều điểm còn nghi ngờ, mẫu hoá thạch đó sẽ bị loại bỏ khỏi quá trình nghiên cứu.
Khi các mẫu hoá thạch đã được phân loại kỹ lưỡng, chúng tôi sử dụng mô hình thống kê để ước tính số lượng loài tiến hoá theo thời gian trong mỗi họ.
Nhờ vậy, chúng tôi có thể lần theo dấu vết của các loài còn tồn tại và đã tuyệt chủng trong khoảng 160 đến 66 triệu năm trước, và đồng thời cũng ước tính được tốc độ hình thành loài mới trong mỗi họ - quá trình tiến hoá của loài mới - và sự tuyệt chủng của chúng qua năm tháng.
Để ước tính được tương đối các tốc độ phân hoá này, chúng tôi đã phải tính đến hàng loạt các biến số.
Những ghi chép về các mẫu hóa thạch là mang tính thiên vị: chúng thiếu độ đồng đều về mặt không gian và thời gian, và có một số loài khủng long thì đơn giản là không để lại các mẫu hóa thạch tốt như một số loài khác. Đây là vấn đề thường gặp trong ngành cổ sinh vật học, khi tiến hành ước tính mức độ đa dạng sinh học thời cổ đại.
Các mô hình phức tạp có thể tính đến mức bảo tồn không đồng đều giữa các loài qua năm tháng.
Với cách làm đó, các ghi chép về mẫu hoá thạch trở nên đáng tin cậy hơn trong việc ước tính số lượng loài tại một thời điểm nhất định.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thận trọng, bởi chúng ta đang nói đến chuyện ước tính, mà các ước tính này lại có thể thay đổi, ví dụ như khi ta tìm thấy thêm mẫu hoá thạch, hay đưa thêm các mô hình phân tích mới.
Sụt giảm nhanh chóng
Kết quả của chúng tôi cho thấy số lượng các loài đã sụt giảm nhanh chóng từ khoảng 10 triệu năm trước khi khối thiên thạch lao vào Trái Đất, làm xoá sổ khủng long.
Sự sụt giảm này đặc biệt thú vị, bởi nó diễn ra trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến cả hai nhóm ăn thịt và ăn cỏ, chẳng hạn như nhóm Tyrannosaurs (khủng long bạo chúa) ăn thịt, và nhóm Triceratops (khủng long ba sừng) ăn cỏ.
Một số loài sụt giảm mạnh về số lượng, như Ankylosaurs (khủng long bọc giáp) và Ceratopsians (khủng long có sừng). Chỉ duy nhất một trong số sáu họ mà chúng tôi nghiên cứu - điểu long răng khía - cho thấy có tốc độ suy giảm rất từ từ, mà bắt đầu diễn ra trong 5 triệu năm cuối cùng, trước khi khủng long tuyệt chủng.
Điều gì đã gây ra sự sụt giảm mạnh mẽ này?
Một giả thuyết được nêu ra, đó là do tình trạng biến đổi khí hậu: vào thời điểm đó, nhiệt độ Trái Đất đã giảm mạnh đến 7-8 độ C.
Chúng ta biết rằng khủng long cần sống trong môi trường khí hậu ấm áp để quá trình trao đổi chất của chúng diễn ra bình thường.
Như chúng ta thường được nghe, khủng long không phải là thuộc nhóm động vật máu lạnh như cá sấu hay thằn lằn, cũng không phải là thuộc nhóm máu nóng như động vật có vú hay chim.
Chúng là loài trung nhiệt, có hệ trao đổi chất nằm giữa bò sát và thú, cho nên cần có khí hậu ấm để duy trì nhiệt độ cơ thể mới thực hiện được các chức năng sinh học bình thường.
Sự suy giảm nhiệt độ này hẳn đã có tác động nghiêm trọng đến sự sống còn của chúng.
Cần lưu ý là nghiên cứu của chúng tôi đã phát hiện thấy dấu hiệu tuyệt chủng đan xen ở cả hai nhóm khủng long ăn thịt và ăn cỏ: nhóm ăn cỏ có phần suy giảm nhẹ hơn nhóm ăn thịt.
Có thể là sự suy giảm của loài ăn cỏ đã dẫn đến sự suy giảm của loài ăn thịt. Chúng tôi gọi đây là hiệu ứng tuyệt chủng domino.
Cú đánh làm gục ngã hoàn toàn
Một câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ: chuyện gì sẽ xảy ra nếu như thời điểm đó thiên thạch không đâm vào Trái Đất? Liệu khủng long có biến mất theo đà tuyệt chủng vốn có mà nghiên cứu trên đã tìm ra, hay chúng có thể vực dậy hồi sinh được?
Rất khó nói. Nhiều nhà cổ sinh vật học tin rằng nếu khủng long có thể sống sót qua đại nạn này, thì các loài linh trưởng và chắc chắn là con người sẽ không bao giờ có thể xuất hiện trên Trái Đất.
Có một thực tế quan trọng, đó là sự phục hồi tính đa dạng loài có thể xảy ra một cách ngẫu nhiên và phụ thuộc vào từng nhóm khủng long, bởi thế một số nhóm có thể sống sót trong lúc một số khác thì không.
Ví dụ như Hadrosaurs, tức khủng long "mỏ vịt", đã cho thấy chúng có một số hình thức chịu đựng bền bỉ trước đà suy giảm, và sau đó đã có độ phục hồi nhất định.
Những gì mà chúng tôi có thể nói một cách chắc chắn, đó là các hệ sinh thái vào cuối Kỷ Phấn trắng đã phải trải qua những áp lực ghê gớm do khí hậu biến đổi theo chiều hướng xấu đi và do có những thay đổi to lớn trong thảm thực vật, và vụ thiên thạch đâm sầm vào Trái Đất chính là giọt nước tràn ly khiến chúng bị xóa sổ.
Đây cũng là kịch bản thường thấy cho sự tuyệt chủng của một loài: đầu tiên sẽ có sự suy giảm về số lượng và áp lực môi trường sống thay đổi khắc nghiệt, sau đó một sự kiện xảy ra làm xóa sổ hoàn toàn một nhóm loài đã đang mấp mé bên bờ vực tuyệt chủng.
Bài gốc đã đăng trên The Conversation và được đăng lại trên BBC Future theo giấy phép Creative Commons.
Thiền định chánh niệm có thể khiến con người xấu tính đi?
Ngay cả đồng hồ thông minh của tôi cũng thường xuyên nhắc nhở tôi dành "một phút chánh niệm".
Kết quả tức thì của hình thức thiền phổ biến này là giảm căng thẳng và nguy cơ kiệt sức.
Nhưng bên cạnh những lợi ích này, bạn sẽ thường thấy những ý kiến cho rằng thiền chánh niệm có thể cải thiện tính cách.
Khi bạn học cách an trú trong hiện tại, theo những người chủ xướng, bạn sẽ tìm thấy trong mình vẫn còn sự thấu cảm và lòng trắc ẩn giấu kín cho những người xung quanh. Điều đó chắc chắn là phần thưởng hấp dẫn cho công ty nào hy vọng tăng cường hợp tác trong các phòng ban của mình.
Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học vẽ ra bức tranh phức tạp hơn về tác động của chánh niệm đối với hành vi của chúng ta, với thêm bằng chứng mới cho thấy đôi khi nó có thể tăng thêm xu hướng ích kỷ của con người.
Theo một nghiên cứu mới, chánh niệm có thể đặc biệt có hại khi chúng ta đối xử không tốt với người khác. Bằng cách chế ngự cảm giác tội lỗi của chúng ta, dường như kỹ thuật thiền định phổ biến khiến chúng ta không còn muốn sửa chữa những lỗi lầm của mình.
"Trau dồi chánh niệm khiến mọi người xao nhãng những vi phạm của bản thân và nghĩa vụ trong đối nhân xử thế của họ, thi thoảng nới lỏng phạm trù đạo đức của chính mình," ông Andrew Hafenbrack, phó giáo sư quản lý và tổ chức tại Đại học Washington, Hoa Kỳ, người đứng đầu nghiên cứu mới này, cho biết.
Những tác động như vậy không nên khiến chúng ta chùn bước trước thiền định, Hafenbrack nhấn mạnh, nhưng ta có thể thay đổi thời gian, cách thức ta thiền định.
"Trong khi một số người xem nó như thuốc tiên, thì thiền chánh niệm là một cách thực hành cụ thể, đem đến các hiệu ứng tâm lý cụ thể," ông nói. Và chúng ta cần phải... quan tâm hơn chút nữa đến những tác động này.
Bình tĩnh và nhẫn tâm?
Có nhiều hình thức chánh niệm, nhưng các kỹ thuật phổ biến là tập trung vào hơi thở hay chú ý mãnh liệt đến những cảm giác trong cơ thể.
Có một số bằng chứng lạc quan cho thấy những cách làm này có thể giúp mọi người đối phó tốt hơn với căng thẳng, nhưng một số nghiên cứu trong vài năm qua đã chỉ ra rằng chúng cũng có thể có những tác động ngoài ý muốn và không mong muốn.
Chẳng hạn hồi năm ngoái, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bang New York đã chỉ ra rằng chánh niệm có thể làm tăng mạnh xu hướng ích kỷ ở con người. Nếu một người đã mang tính chủ nghĩa cá nhân, thì họ thậm chí còn trở nên ít có khả năng giúp đỡ người khác hơn nữa sau khi thiền định.
Nghiên cứu mới của Hafenbrack đã tìm hiểu xem liệu trạng thái tâm trí của chúng ta khi thiền định và bối cảnh xã hội của chúng ta có thể ảnh hưởng, tác động tới hành vi của chúng ta hay không.
Nói chung, chánh niệm dường như làm dịu cảm giác bức bối, ông nói, điều này cực kỳ hữu ích nếu bạn cảm thấy bị ngộp trước áp lực công việc.
Tuy nhiên thì nhiều cảm xúc tiêu cực có thể có tác dụng hữu ích, nhất là xét đến các quyết định mang tính đạo đức.
Ví dụ như cảm giác tội lỗi có thể thúc đẩy chúng ta xin lỗi khi chúng ta làm tổn thương người khác, hoặc có hành động sửa chữa có thể vô hiệu hóa một số thiệt hại mà chúng ta đã gây ra. Hafenbrack nghi rằng nếu thiền chánh niệm khiến chúng ta bỏ qua cảm xúc đó, thì nó có thể khiến cho chúng ta không sửa chữa sai lầm.
Để tìm hiểu, ông đề ra một loạt tám thí nghiệm với tổng số mẫu 1.400 người, sử dụng nhiều phương pháp khác nhau.
Một cách trong số đó là người tham gia được yêu cầu nhớ rồi viết về một tình huống mà họ cảm thấy có lỗi. Một nửa sau đó được yêu cầu thực hành một bài tập chánh niệm để hướng sự tập trung vào hơi thở của họ, trong khi những người khác được yêu cầu để tâm trí họ nghĩ vẩn vơ.
Sau đó, những người tham gia được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi đo lường cảm giác tội lỗi của họ. Họ cũng phải tưởng tượng họ đã được cho 100 đô la. Nhiệm vụ của họ là ước lượng xem họ sẽ sẵn lòng quyên góp bao nhiêu cho người mà họ đã đối xử tệ để làm một món quà sinh nhật bất ngờ.
Đúng như Hafenbrack nghi vấn, những ai thực hành thiền chánh niệm cho biết họ ít hối hận hơn - và họ ít rộng lượng hơn nhiều đối với người mà họ đã xử tệ. Trung bình, họ chỉ sẵn lòng chi ra 33,39 đô la, trong khi những ai để tâm trí đi lan man lại sẵn lòng chi 40,70 đô la - chênh lệch gần 20%.
Trong một thí nghiệm khác, Hafenbrack chia người tham gia thành ba nhóm. Nhóm một thực hành thở chánh niệm, còn nhóm thứ hai được yêu cầu để tâm trí đi lan man và nhóm thứ ba lướt web.
Những người tham gia sau đó được yêu cầu viết thư xin lỗi một người mà họ đã xử tệ, rồi hai trọng tài độc lập sau đó đánh giá thư theo tiêu chí cá nhân đó có chịu trách nhiệm về hành động hay không, và liệu họ có đề nghị bù đắp cho lỗi lầm hay không. (Lá thư xin lỗi chân thành đạt chất lượng cao cần phải đạt cả hai yếu tố)
Phù hợp với giả thuyết của Hafenbrack, những ai thực hành chánh niệm đưa ra lời xin lỗi ít chân thành hơn so với những người thuộc một trong hai nhóm kia. Điều này một lần nữa cho thấy chánh niệm đã bóp nghẹt cảm giác tội lỗi, và kéo theo đó là sự sẵn lòng sửa đổi của người có lỗi.
Các thí nghiệm còn lại cho thấy điều này đúng trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm việc ra quyết định kinh doanh có thể ảnh hưởng đến công bằng xã hội.
Chẳng hạn, những người tham gia vào thí nghiệm tưởng tượng rằng họ là giám đốc điều hành một công ty hóa chất xử lý các vật liệu nguy hiểm. Sau đó, họ được yêu cầu cho biết về sự ủng hộ của họ đối với một chính sách môi trường mới vốn giúp giảm ô nhiễm không khí. Những ai vừa thực hành chánh niệm ít có khả năng ủng hộ các biện pháp sửa chữa.
Thuốc Phật
Điều quan trọng là cần nhận thức rõ rằng những nghiên cứu này tìm hiểu tác động của thực hành chánh niệm trong các bối cảnh rất cụ thể, khi cảm giác tội lỗi hiện rõ trong tâm trí người tham gia. "Chúng ta không nên quá khái quát hóa và kết luận chánh niệm khiến bạn trở nên tệ hơn," Hafenbrack nói.
Tuy nhiên, kết quả của ông có thể khuyến khích chúng ta nghĩ nhiều hơn một chút về chuyện khi nào chúng ta nên áp dụng thực hành chánh niệm.
Ví dụ, chúng ta nên nghĩ kỹ về việc áp dụng nó sau khi có khúc mắc với bạn bè hay đồng nghiệp, nhất là nếu bạn biết rằng mình đã sai. "Nếu chúng ta giảm cảm giác tội lỗi của mình 'một cách nhân tạo' bằng cách thiền định để quên nó đi, chúng ta có thể có kết cục là quan hệ tệ hơn, hay thậm chí là ít quan hệ hơn," ông nói.
Miguel Farias, phó giáo sư tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Coventry, Anh, nói rằng ông hoan nghênh bất kỳ nghiên cứu nào phân tích chi tiết tác động của chánh niệm một cách cẩn thận và chính xác. "Tôi nhất định nghĩ rằng chúng ta cần bắt đầu nhìn vào các sắc thái."
Trong cuốn sách 'Thuốc Phật' mà ông là đồng tác giả với Catherine Wikholm, Farias mô tả vì sao can thiệp chánh niệm ở phương Tây thường được thể hiện như là 'cách khắc phục nhanh chóng', trong khi bỏ qua hầu hết chỉ dẫn đạo đức vốn nằm trong truyền thống tôn giáo ban đầu - vốn có thể quan trọng để đảm bảo rằng thực hành chánh niệm đem lại những thay đổi mong muốn cho hành vi con người.
Làm việc với Ute Kreplin tại Đại học Massey ở New Zealand, Farias gần đây đã tìm hiểu các nghiên cứu có sẵn về hậu quả của thiền định đối với sự quên mình và lòng trắc ẩn, nhưng thấy ít có bằng chứng cho thấy có những thay đổi tích cực có ý nghĩa ở các cá nhân.
"Hiệu ứng yếu hơn nhiều so với những gì mọi người nói." Giống như Hafenbrack, ông ngờ rằng thiền định chánh niệm vẫn có thể hữu ích - nhưng việc bạn thấy được những lợi ích mong muốn hay không có thể tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tính cách, động lực và niềm tin của thiền giả, ông nói. "Bối cảnh thực sự quan trọng."
Ít nhất, nghiên cứu của Hafenbrack cho thấy những người thực hành thiền định có lẽ nên chuyển sang áp dụng các kỹ thuật thiền khác bên cạnh việc thở chánh niệm và chú ý mãnh liệt đến những cảm giác trong cơ thể trong những lúc họ đang có bất đồng với người khác.
Ví dụ, ông đã kiểm tra một kỹ thuật được gọi là 'thiền lòng tốt', vốn lấy cảm hứng từ cách thực hành Phật giáo gọi là 'thiền từ bi' (Metta Bhavana). Cách làm này là suy gẫm về mọi người trong cuộc sống của bạn - từ bạn bè, gia đình cho đến người quen và người lạ - và vun xới những ước muốn và cảm giác ấm áp dành cho họ.
Trong nghiên cứu về cảm giác tội lỗi, Hafenbrack phát hiện rằng - không như thở chánh niệm - thiền từ bi làm tăng ý định khắc phục sai lầm. "Nó có thể giúp mọi người cảm thấy bớt tội lỗi hơn và tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, mà không có nguy cơ làm giảm mong muốn mối sửa chữa quan hệ," ông nói.
Con người là sinh vật phức tạp với nhiều nhu cầu khác nhau; Sử dụng nhiều kỹ thuật để định hình cảm xúc và hành vi của mình là đúng.
Đôi khi điều đó cần phải nhìn vào bên trong, để kéo suy nghĩ về lại cơ thể chúng ta, và những lần khác lại cần nhìn ra bên ngoài, và nhắc nhở bản thân về chúng ta có những kết nối thiết yếu của với người xung quanh.
Thực sự là không có cách nào khác để chịu trách nhiệm về hành vi của mình và đảm bảo các mối quan hệ của chúng ta tiếp tục thăng hoa.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Worklife.