Một nghiên cứu mới từ Đại học Edinburgh vừa tiết lộ nguồn gốc của bài hát trong lễ Hogmanay (đêm giao thừa) có liên quan tới Hội Tam Điểm (freemasonry).

Những người dự tiệc năm mới ở khách sạn The Ritz,
 London, nắm tay nhau hát bài Auld Lang Syne năm 1986


Hát với cánh tay bắt chéo và nắm tay người bên cạnh là một nghi lễ tại các nhà trọ của Hội Tam Điểm.

Nhà nghiên cứu âm nhạc TS Morag Grant phát hiện ra mối liên hệ đó trong các tài liệu lưu trữ ở Thư viện Mitchell của thành phố Glasgow.

Một tờ báo đưa tin về Lễ kỷ niệm Burns (nhà thơ nổi tiếng người Scotland) năm 1879 mô tả bài Auld Lang Syne được hát khi các thành viên tạo một "vòng tròn đoàn kết" - một nghi lễ của Hội Tam Điểm, còn được gọi là "chuỗi kết đoàn."

TS Grant nói truyền thống hát bài Auld Lang Syne vào thời điểm chia tay, vừa hát vừa bắt chéo tay, xuất hiện từ giữa thế kỷ thứ 19 từ những người Hội Tam Điểm và các tổ chức huynh đệ khác.

"Ý nghĩa của bài Auld Lang Syne không chỉ được thấu hiểu giữa những thành viên của Hội Tam Điểm," bà nói.

"Một trong những ghi nhận sớm nhất về bài hát được sử dụng trong các dịp chia tay là từ lễ tốt nghiệp phổ thông ở Mỹ từ những năm 1850."

"Nhiều truyền thống và nghi lễ gắn liền với bài hát - cũng như giai điệu đơn giản, dễ hát của nó - là mấu chốt để chúng ta hiểu vì sao bài hát lan tỏa rộng và vì sao ngày nay chúng ta vẫn hát bài này."

Nguồn gốc của bài hát là gì?

Nhà thơ nổi tiếng người Scotland Robert Burns là một thành viên Hội Tam Điểm. Tổ chức này đóng vai trò chủ chốt trong việc quảng bá các tác phẩm của ông khi ông còn sống cũng như sau khi ông qua đời.

Ông có cảm hứng viết bài Auld Lang Syne từ một số đoạn của các bài hát dân ca cũ. Ông viết lời bài hát năm 1788 nhưng giai điệu bài hát không xuất hiện cho tới sau khi ông mất.

Trong khổ cuối của bài, người hát giơ bàn tay hữu nghị cho một người bạn cũ, và xin được nắm bàn tay của người kia.

Burns viết: "Và có một bàn tay [của tôi], người bạn đáng tin cậy của tôi. Và hãy đưa cho tôi bàn tay của bạn."

("And there's a hand, my trusty fiere. And gie's a hand o' thine.")

Theo truyền thống, khi hát đến đoạn này, mọi người bắt chéo tay và bắt tay người ở hai bên trong vòng tròn những người cùng hát.

TS Grant phát hiện ra mối liên hệ với Hội Tam Điểm khi bà nghiên cứu để viết cuốn Auld Lang Syne: Một bài hát và văn hóa của nó, một cuốn sách tìm hiểu vì sao bài này được ưa chuộng trên khắp thế giới.

Vì sao bài hát được yêu thích khắp thế giới?

Bài hát đã sang tận Nhật Bản nơi giai điệu của nó được chơi trong các lễ tốt nghiệp. Giai điệu này - được mang tên Hotaru no hikari ở Nhật - hiện vẫn được bật vào lúc đóng cửa ở một số cửa hàng.

Năm 1877, Alexander Graham Bell dùng bài hát để giới thiệu chiếc điện thoại, và năm 1890, nó là một trong những bài đầu tiên được thu trên chiếc gramophone của Emil Berliner.

Việc sử dụng bài hát vào đêm giao thừa cũng bắt đầu vào cùng khoảng thời gian đó, qua những buổi tụ tập của người Scotland bên ngoài Nhà thờ St.Paul ở London và những người Scotland khác sống ở nước ngoài.

Nhà thơ Robert Burns có cảm hứng viết bài
 Auld Lang Syne từ các bài hát dân ca truyền thống


Những người Hướng đạo sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho bài hát nổi tiếng toàn cầu. Auld Lang Syne được hát tại lễ bế bạc Lễ hội Hướng đạo sinh Thế giới năm 1920 và các phiên bản tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hy Lạp và tiếng Ba Lan nhanh chóng ra đời.

Tới năm 1929, truyền thống năm mới với bài hát này đã trở nên quá quen thuộc trên thế giới tới mức lời bài hát được phát ở cuối màn hình điện tử tại quảng trường Times Square, New York vào đêm giao thừa.

TS Grant nói: "Thật kỳ diệu là bài hát này, được viết bằng một ngôn ngữ hầu hết chính những người Scotland cũng không hiểu hết, đã gắn liền với giao thừa trên khắp thế giới.

"Auld Lang Syne là một bài hát về mối quan hệ ràng buộc chúng ta với người khác trong những năm tháng đã qua và mặc dù bài hát giờ đây phổ biến khắp thế giới, nó vẫn có nguồn gốc từ thế giới mà ông Burns đã từng sống."

Nguồn: BBC

& mời bạn nghe qua video dưới nhe !