FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả : Thầy mo, lang băm, thầy thuốc và sự từ mẫu -->

Thầy mo, lang băm, thầy thuốc và sự từ mẫu

No Comments

 Bài viết được tác giả viết đã khá lâu.


Hôm qua, báo chí vẫn hồn nhiên đưa tin. “Đa số trẻ em Việt Nam muốn trở thành bác sĩ”. Không biết khi đọc dòng tin này, các vị “từ mẫu” sẽ mỉm cười vì sung sướng, tự hào, hay cúi mặt vì xấu hổ.

Suốt tuần rồi, dư luận chép miệng chèm chẹp khi đọc những dòng tin quanh vụ thừa kế 1.000 tỷ đồng. Vâng, đúng, 1.000 tỷ. Bao gồm cả chục bất động sản, cả trăm cây vàng, cả triệu đô-la, cả trăm tỷ đồng. Phục thật khi chủ nhân khối tài sản này là một phụ nữ bán bún, ăn chay trường và làm từ thiện. Tiếc nỗi cả đời A di đà phật nhưng khi đột tử mất đi, bà lại không để lại một dòng di chúc. Thế là tranh chấp xảy ra giữa những người anh em ruột của bà và cô con gái đang du học ở Đức. Giả dụ tài sản mà bà cụ để lại là những tờ khế ước ghi nợ thì đã chẳng có rắc rối. Đằng này lại 1.000.000.000.000 đồng. Số tiền lên tới 13 con số. Một “núi tiền” thực sự. Và quan trọng nhất, là hàng thừa kế số 1: Cô con gái, lại là con nuôi.
Pháp luật, nhấn mạnh là pháp luật, quy định con nuôi cũng như con đẻ. Chỉ có điều gia sản thừa kế là tờ khế ước nợ thì con đẻ mới như con nuôi. Ở một xã hội có thừa mứa sự nghèo khó và thừa thãi con nuôi như ở mình, câu chuyện thừa kế núi tiền của một kẻ “khác máu tanh lòng” hóa ra lại là chuyện không dễ nuốt trôi.
Sự phân biệt con đẻ, con nuôi, một thứ tâm lý xã hội phổ biến, hình như cũng là cách lý giải hợp lý nhất cho “kỳ án” 12 người nhiễm HIV đang khiến dư luận dậy sóng ở Bến Tre.
Vụ này tóm tắt khá đơn giản, một người đàn ông đi xét nghiệm máu bỗng dưng có kết quả dương tính với HIV. Ông sợ quá, về nhà bảo người thân đi xét nghiệm, rút cục tất cả đều dính HIV.
Bởi chưng cả 12 nạn nhân đều là dân lao động, không chơi bời hút sách gì cả, có người thậm chí còn bị liệt hai chân từ nhỏ, cho nên, mọi nghi ngờ dồn cả vào ông y sĩ già. Người đảm nhiệm vai trò của một bác sĩ “đa khoa” chích thuốc từ đau lưng, nhức, mỏi, cảm, ho, ỉa chảy cho đến trĩ mà không cần giấy phép. Phía nạn nhân cho rằng ông y sĩ có thay kim khi chích thuốc cho bênh nhân nhưng “vấn đề ở chỗ kim bơm rút thuốc từ lọ lại dùng chung. Thậm chí có lần không sử dụng hết, ông y sĩ thường dùng số thuốc dư đó để chích tiếp cho bệnh nhân khác. Còn vị y sĩ tất nhiên không công nhận “dùng chung kim tiêm là vô lý hết sức vì giá một chiếc kim mới hiện nay khoảng 500 – 600 đồng thì chẳng ai dại gì mà dùng lại cả”. Ông đặt vấn đề những người nhiễm AIDS có thể là do…chơi gái.
Cái giá “500-600 đồng” có bèo đến mức người ta không thèm dùng lại kim tiêm hay không chắc chỉ ông y sĩ biêt. Còn những người nhiễm HIV theo kiểu “từ trên trời rơi xuống” thì đúng là chịu thật.
Có một điểm chung. Họ hầu hết là những người cả ngày cắm mặt xuống đất, ngẩng lên cũng không quá đít con lợn. Họ nghèo và họ buộc phải tin vào các vị lương y/hay lang băm xóm, những thầy thuốc thuộc về phạm trù y tế cơ sở, thuộc về phạm trù “con nuôi” của ngành y tế.
Vụ này có lẽ hơi bị khó kết luận. Một bởi như một bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM có 20 năm kinh nghiệm điều trị AIDS, cho rằng: Rất khó có thể xác định được bệnh nhân đã nhiễm HIV bao lâu. Việc xác định thời gian nhiễm bệnh cũng không thể coi là một chứng cứ khoa học. Tội nghiệp cho các nạn nhân. Và thật đau đầu cho ngành y. Nhưng ít nhất việc 12 bệnh nhân dính bệnh theo kiểu “từ trên trời rơi xuống” đang là lời thóa mạ chất lượng của cái gọi là y tế cơ sở. Bởi y tế cơ sở là nơi mà “thầy thuốc đông hơn bệnh nhân”. Là “trạm y tế xây mới khang trang, đạt chuẩn quốc gia, có cả bác sĩ chuyên khoa 1, nhưng gần 10 ngày không có ai đến khám”. Là thậm chí “không biết cách pha thuốc”. Là tệ đến mức nói thiếu và yếu, nói nghèo và lạc hậu, có nghĩa là vẫn chưa nói gì.
Nói vòng đi vòng lại, cuối cùng cũng nói thẳng rằng những người nhà quê chân lấm tay bùn đúng là những “đứa con nuôi”, phải đặt tính mạng vào tay những vị lang băm vào “hệ thống con nuôi” y tế cơ sở. Mà lang băm Việt thời nay còn lâu mới là thầy lang Ba Lan Vintrirơ sẵn sàng đi tù để đánh cắp va-li đựng dụng cụ mổ cứu người.
Nếu bạn vẫn chưa tin tình trạng “con nuôi” của y tế cơ sở. Xin hãy đọc dòng độc thoại của Cục trưởng Cục Quản lý Khám-Chữa bệnh PGS.TS Lương Ngọc Khuê
trên Tiền Phong:
“Có đối phó không? Có hình thức không? Phải nói thẳng với các đồng chí là có. Hình thức là có. Đối phó là có. Nhiều nơi các đồng chí cử đi các điều dưỡng trình độ rất kém. Có trường hợp các đồng chí cử bác sỹ trình độ rất kém về tuyến dưới. Có bác sỹ về tuyến dưới đem cả người nhà đi nghỉ. Rồi yêu cầu đưa đi chơi. Rồi xin giấy chứng nhận đủ thời gian luân phiên ba tháng. Rồi về. Có không? Có. Có bác sỹ xuống dưới trình độ mổ còn yếu hơn cả tuyến dưới. Có cả chuyện không thích nhau, không muốn tiếp nhận bác sỹ giỏi. Có không? Có”. “Rồi trang thiết bị. Nhiều nơi cứ xuống, cứ đi cho được việc dù không có hoặc không đủ thiết bị. Có nơi mang thiết bị xuống rồi mang về. Không hiệu quả”.
Mở ngoặc giải thích đây là màn “tồn tại hay không tồn tại” của chất lượng bú mớm mang tên “Tăng cường bác sĩ về tuyến dưới”, như là một “giải pháp đột phá” để giảm tải các bệnh viện tuyến trên của ngành Y tế.
Thế nên đừng coi 12 trường hợp AIDS ở Bến Tre là “lạ”.
Bạn đọc hẳn còn nhớ câu chuyện phổ biến ở Nam Trà My, tập tục sợ “chết xấu” (chết ngoài làng), nên hầu hết người dân mỗi khi đau ốm đều nhờ… thầy mo chữa bệnh.
Thầy mo vẫn xuất hiện trong một xã hội vẫn tự nhận mình là ưu việt, văn minh. Cái này hình như cũng chẳng lạ. Lại càng không thể vội vàng kết luận thầy mo là lang băm. Họ có thể cho “con bệnh” uống nước tàn nhang, vì họ thực lòng tin đó là phương thuốc thần đuổi được con ma bệnh. Nhưng họ không bao giờ biến mình thành “sát nhân danh y” mà “pha máu với nước muối để bán cho người bệnh kiếm lời”.
“Mỗi một bịch máu 250cc đã bị chia thành 2 hoặc 3 bịch. Bơm nước muối sinh lý vào cho đủ trọng lượng. Số máu này sẽ được cung cấp cho người cần máu hoặc truyền cho bệnh nhân cấp cứu. Xét nghiệm một số bịch máu này cho thấy lượng hồng cầu trong mỗi bịch máu chỉ còn 1/3 đến 1/2 so với quy định”. Những dòng tin về kiểu pha máu như đánh tiết canh ở Hà Tĩnh cho thấy một khía cạnh khác của vấn đề: Sự từ tâm, hay ác tâm không phân biệt bởi màu áo mà vị thầy thuốc mặc. Cũng không bởi cái tên thầy mo, hay lang băm, hay thầy thuốc.
Thế nào cũng có người đặt câu hỏi: Ai mới là con đẻ của ngành y?
Ai thì ai chứ dứt khoát đó không phải là cư dân thành thị, những người có lần chui từ gầm giường ra chào Bộ trưởng, những người ngày ngày vẫn chất đống trên những giường bệnh hy vọng tới năm 2015, vừa hết nhiệm kỳ, lời hứa chấm dứt quá tải của Bộ trưởng Bộ Y tế trở thành hiện thực, những người mong bà Bộ trưởng không tái lập màn kịch trơ trẽn “tôi có hứa gì đâu”  của ông Bộ trường tiền nhiệm.
Nhưng nói cho công bằng, năm nay, năm có quá nhiều thứ quái gỡ, đúng là năm đen đủi của ngành y tế. Trên SGTT, một bác sĩ cất lời than số phận khi kết luận “ tháng tư đen tối” cho 5 ca sản phụ tử vong từ Nam chí Bắc. Sự đen tối này nối liền tiếp sang tháng 5 với thêm 7 ca khác.
“Sản phụ tử vong: bất lực điều tra nguyên nhân?”. Có câu “Người chửa, cửa mả”. Nhưng cái dòng tít của SGTT nói trên mới khiến những người chuẩn bị “cửa mả” cảm thấy tối tăm bi thảm thực sự. Bởi giống y như căn “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi hay vụ “lây truyền lạ” ở Bến Tre, rất đơn giản, không có nguyên nhân thì làm sao có thể khắc phục ?
Đen thế, vậy mà hôm qua, báo chí vẫn hồn nhiên đưa tin. “Đa số trẻ em Việt Nam muốn trở thành bác sĩ”. Cụ thể hơn chút nữa thì khảo sát của, nhà cung cấp giải pháp nhân sự có uy tín thế giới Adecco sau cuộc khảo sát nguyện vọng nghề nghiệp của trẻ em sống ở Việt Nam cho thấy có tới 80% các bé muốn trở thành bác sĩ. Nguyên nhân: Vì đây là công việc thú vị và giúp đỡ được mọi người.
Không biết khi đọc dòng tin này, các vị từ mẫu sẽ mỉm cười vì sung sướng, tự hào, hay cúi mặt vì xấu hổ.

Đào Tuấn 'S blog

Comments