Thế giới sẽ hỗn loạn nếu không có lời nói dối ? | FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả -->

Thế giới sẽ hỗn loạn nếu không có lời nói dối ?

No Comments

Trong mùa thứ nhất của chương trình truyền hình 'The Good Place', Chidi Anagonye, giáo sư về triết học đạo đức luân lý, lâm vào tình huống khó xử khi một đồng nghiệp hỏi ý kiến của ông về đôi ủng mới.
Chidi rõ ràng là không thích đôi ủng màu đỏ sặc sỡ có nạm những viên pha lê. Nhưng để không làm cho người đồng nghiệp buồn, ông nói rằng ông thích.
Việc nói dối giúp cho con người ta được an toàn ở những nơi họ có thể bị nguy hiểm do khuynh hướng giới tính hay tôn giáo


Phần tất yếu của cuộc sống

Ngay lập tức, Chidi hối hận vì đã nói dối và bắt đầu nghĩ quanh quẩn về sai trái đạo đức này, ngay cả khi người bạn gái ông trấn an rằng: "Đôi khi chúng ta cần phải nói dối vì phép lịch sự."
Cuối cùng, Chidi không thể chịu nổi mặc cảm tội lỗi và thú nhận cảm giác thật sự với người đồng nghiệp: "Đôi ủng đó trông thật tệ hại và kinh tởm, và tôi không ưa nó!"
Người đồng nghiệp rõ ràng đã bị tổn thương với lời thú nhận.
Đối với Chidi và một số nhà triết học khác, nghĩa vụ không nói dối đè nén hết thảy mọi sự thúc ép đạo đức khác, bao gồm không làm tổn thương tình cảm của người khác.
Tuy nhiên, ít người thật sự tuân theo nguyên tắc cứng nhắc về trung thực đó. Nói dối là một phần được chấp nhận trong cuộc sống, từ việc chúng ta tự động trả lời 'Tốt' khi có ai hỏi 'Hôm nay cậu thế nào?' cho đến lời khen khi một người bạn hỏi chúng ta có thích kiểu đầu mới trông phát gớm của cô ấy không.
Ấy vậy mà bất chấp sự phổ biến của nói dối trong cuộc sống chúng ta, đa số chúng ta không thật sự giỏi trong việc phát hiện ra sự dối trá.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể bất thình lình biết được là khi nào là lúc chúng ta bị người khác nói dối?
Chúng ta không bàn đến việc các cơ chế kỹ thuật và tâm lý giúp ta có được khả năng mới này hoạt động như thế nào, mà phân tích xem điều này cho ta biết những gì về vai trò của sự dối trá trong cuộc sống.

Nói dối để tự vệ?

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng con người đã bắt đầu nói dối với nhau gần như ngay khi họ sáng tạo ra ngôn ngữ, mà về căn bản là lấy đó là cách để vượt lên trước.
"Nói dối là quá dễ so với các cách thức khác để đạt được quyền lực," bà Sissela Bok, nhà đạo đức học ở Đại học Harvard, nói với National Geographic. "Nói dối để lấy tiền bạc hay của cải của người khác thì dễ dàng nhiều so với đánh vào đầu họ hay cướp ngân hàng."
Trong suốt lịch sử nhân loại, nói dối cũng đã có vai trò như là 'một sự tiến hoá cần thiết để tự bảo vệ mình khỏi nguy hại', ông Michael Lewis, giáo sư danh dự về nhi khoa và tâm lý ở Đại học Rutgers, nói.
Nó bao gồm việc bảo vệ bản thân trước sự ngược đãi - điều vẫn đang là mục đích của hành vi nói dối của nhiều người trên khắp thế giới hiện nay.
Nếu chúng ta đột nhiên có thể phát hiện tất cả những lời nói dối - thì việc sống ở những nước nơi mà sự không chung thủy, đồng tính luyến ái hay một số niềm tin tôn giáo được xem là bất hợp pháp, sẽ trở nên rất rủi ro.

Nói dối cũng có thể có lợi cho chúng ta, kể cả nói dối nơi làm việc. Nếu nói thật với sếp về việc chúng ta nghĩ thế nào về ông ấy/bà ấy, hay lý do khiến chúng ta không làm việc đúng hẹn thì chúng ta có thể bị đuổi việc hay bị giáng cấp.

Chúng ta cũng nói dối để tạo hình ảnh bản thân tốt đẹp hơn trong mắt người khác và để duy trì phong thái chuyên nghiệp.
"Mới đây, tôi đến trễ ở một cuộc họp và tôi nói là tại xe điện ngầm chạy chậm," Kang Lee, giáo sư về tâm lý học ứng dụng và phát triển con người ở Đại học Toronto, nói.
"Thật ra, xe điện ngầm không hề khiến tôi bị trễ - tôi đi trễ vì lỗi của chính tôi - nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ tốt cho tôi về mặt công việc nếu đồng nghiệp của tôi phát hiện được điều này," ông nói.

Thành thật nhưng tàn nhẫn

Mặt khác, có những lúc trong công việc, sẽ là có lợi nếu như chúng ta biết được khi nào thì chúng ta bị người khác nói dối, Clark Freshman, giáo sư luật tại Đại học California, Hastings, và là chuyên gia phát hiện nói dối, bình luận.
Chẳng hạn như đưa ra đúng câu hỏi trong đàm phán và được đảm bảo có câu trả lời chính xác thì những nhân viên thuộc sắc tộc thiểu số có thể dễ dàng có được vị trí và mức lương tương đương với các đồng nghiệp thuộc sắc tộc đa số.
"Đối với tôi, một thế giới mà mọi người có thể biết được những sự thật quan trọng đối với họ sẽ là một thế giới tuyệt vời," Freshman giải thích. "Khi đó, tình trạng phân biệt đối xử sẽ ít đi, và sự công bằng sẽ hiện diện nhiều hơn."
Chúng ta cũng sẽ bị tổn thương tình cảm nhiều hơn. Đối với hầu hết mọi người, một thế giới không tồn tại sự dối trá sẽ là một cú đấm vào hình ảnh cá nhân chúng ta, Dan Ariely, giáo sư tâm lý học và kinh tế học hành vi tại Đại học Duke, nói.
"Sống với sự thật có nghĩa là chúng ta sẽ phải đối diện với những lời phản hồi thành thật và tàn nhẫn hơn về công việc của chúng ta, cách chúng ta ăn mặc, cách chúng ta hôn… tất cả những thứ đại loại như thế," ông nói. "Bạn sẽ nhận ra rằng người ta chẳng chú ý gì mấy đến bạn, bạn không thật sự quan trọng, và năng lực của bạn thì không cao như bạn vẫn nghĩ."
Mặt khác, những lời phản hồi hoàn toàn trung thực có thể cho chúng ta cơ hội cải thiện bản thân và học hỏi - nhưng liệu đó có phải là sự đánh đổi xứng đáng không thì Dan Ariely không chắc.
Nói dối có thiện ý
Những cú sốc về hình ảnh cá nhân này sẽ thật sự bắt đầu ngay khi chúng ta học nói - làm méo mó sự phát triển của trẻ thơ bằng những cách khó lường.
"Hãy hình dung con bạn chạy tới chỗ bạn và khoe 'Bố ơi, mẹ ơi, hãy xem tranh của con này!' rồi bạn trả lời: 'Nhìn thấy gớm!'," Lee nói. "Tác động tiêu cực xảy ra ngay lập tức."
Sự ngây thơ của tuổi thơ cũng sẽ không còn nữa, trong đó có những nhân vật huyền thoại được mọi người vờ coi là có thật như Ông già Nô-en, Nàng Tiên Răng và Thỏ Phục sinh. Thay vào đó, thông qua sự tò mò của mình, trẻ em sẽ sớm đối diện với thực tế tàn nhẫn của cuộc sống vốn không nhất thiết là điều tốt.
"Có rất nhiều thứ mà nếu trẻ em biết được, các cháu sẽ rất khó hiểu," ông Paul Ekman, giáo sư danh dự về tâm lý học tại Đại học California, San Francisco, nói. "Tất cả những sự che giấu, nhất là của ba mẹ đối với con cái, không phải là có ác ý."
Bản thân trẻ em cũng học được giá trị xã hội của nói dối từ khi còn rất nhỏ. "Mẹ có thể nói với con rằng, 'Hãy nghe này, bà ngoại sẽ cho con một món quà cho Lễ Hanukkah (lễ của người Do Thái ), và con phải nói với bà rằng con thích nó, nếu không bà sẽ buồn lắm," Lewis nói. Đến khi ba hay bốn tuổi, các nghiên cứu cho thấy nhiều trẻ em đã thuần thục nghệ thuật nói dối lịch sự.
Trong các thí nghiệm được trình bày trên một công trình chưa công bố, Lewis cũng nhận thấy rằng trẻ em càng thông minh và càng chững chạc về tình cảm chừng nào thì càng nhiều khả năng là chúng sẽ nói dối khi được hỏi chúng có nhìn vào món đồ chơi mà chúng đã được dặn là không được nhìn vào hay không.
Tương tự, Kang và các đồng sự của ông đã nhận thấy rằng học cách nói dối cũng có lợi ích về nhận thức cho trẻ em.

Thích nghe nói dối?

Cho đến khi chúng ta trở thành người lớn, hầu hết chúng ta sẽ nói dối thường xuyên.
Trong một nghiên cứu hồi năm 1996, Bella DePaulo, một nhà tâm lý xã hội tại Đại học California, Santa Barbara, nhận thấy rằng sinh viên đại học cứ ba lần giao tiếp xã hội thì nói dối khoảng một lần và những người lớn tuổi hơn thì nói dối một lần trong khoảng năm lần giao tiếp xã hội.
"Trong nhiều lời nói dối trong cuộc sống hàng ngày, mọi người có xu hướng tỏ ra tích cực hơn cảm xúc thật sự của họ," DePaulo viết trên tạp chí PsychCentral. "Nếu họ không thích bạn, họ sẽ tìm cách che giấu nó. Nếu họ cảm thấy chán nản với những gì bạn nói, họ sẽ có gắng làm ra vẻ quan tâm."
Thật ra, xét về mối quan hệ giữa các cá nhân, 'sẽ hoàn toàn là thảm họa nếu chúng ta thật sự có thể phát hiện ra sự lường gạt và dối trá', Lewis nói.

"Nói dối là hoàn toàn và tuyệt đối cần thiết trong một nền văn hóa mọi người chấp nhận về mặt đạo đức rằng chúng ta không nên làm tổn thương tình cảm của người khác."
Tất cả chúng ta đều là những kẻ đồng lõa trong sự phổ biến của cái gọi là 'lời nói dối vô hại'.
"Đa số mọi người đều chủ động phối hợp với người nói dối, khiến cho bản thân họ bị hiểu sai," Ekman phân tích.
Chẳng hạn như vào cuối buổi ăn tối, thông thường chúng ta sẽ nói với chủ nhà rằng chúng ta đã có một bữa ăn thật ngon ngay cả khi chúng ta ghét cay ghét đắng. Chủ nhà thì sẽ tin ngay mà không có nhu cầu muốn biết là chúng ta thấy đồ ăn và sự tiếp đãi của họ gớm chết đến mức nào.

Vợ chồng cũng có bí mật

Mặt trái của kiểu nói dối lịch sự này, Lewis nói, là chúng ta có thể được mời đến ăn tối lần nữa - 'nhưng đó là cái giá phải trả cho việc không muốn làm tổn thương người khác.'
Trong một thế giới không có những lời nói dối lịch sự như thế, các mối quan hệ bè bạn sẽ sụp đổ, quan hệ nghề nghiệp sẽ rất căng thẳng và các buổi sum họp gia đình sẽ trở thành sự kiện chứa đựng nhiều rủi ro.

Các mối quan hệ yêu đương của chúng ta cũng không tránh khỏi những lời dối trá.
Trong một nghiên cứu vào năm 1989 mà giờ đã trở thành kinh điển do bà Sandra Metts thực hiện tại Đại học Illinois, chỉ có 33 trong tổng số 390 người đã không thể nhớ lại một tình huống mà họ không hoàn toàn thành thật với người yêu.
Tương tự, hồi năm 2013 Jennifer Guthrie và Adrianne Kunkel thuộc Đại học Kansas phát hiện rằng chỉ có hai trong số 67 người được khảo sát trong một nghiên cứu không hề nói dối người yêu của mình trong vòng một tuần lễ.
Trong cả hai nghiên cứu, đa số những người tham dự đều nói rằng họ không trung thực là để tránh làm tổn thương người yêu hay làm tổn hại mối quan hệ.
Nếu chuyện yêu đương lãng mạn bất chợt yêu cầu phải thành thật hoàn toàn về mọi thứ, từ chuyện người yêu trông như thế nào vào buổi sáng cho đến ta có bao giờ không chung thủy, thì nhiều mối quan hệ có khả năng không thể kéo dài.
"Tôi thích nói đùa rằng lý do mà tôi và vợ tôi đã sống cùng nhau được 40 năm là vì chúng tôi dùng phòng tắm riêng," Ekman nói. "Tuy nhiên, đó chỉ một phần là nói đùa bởi vì có những điều mà bạn không muốn người khác, thậm chí là người bạn đời, biết - và đó không chỉ là thói quen trong nhà tắm."

Làm chính trị phải nói dối?

Tuy nhiên, có một số cách mà khả năng phát hiện nói dối có lợi ích không thể tranh cãi.
Một trong số đó là chúng ta có thể phát hiện ngay lập tức những kẻ mắc bệnh nói dối, hay những người thích nói dối liên tục một cách tai hại vốn không có giá trị đạo đức nào, Lewis nói.
Những kẻ mắc bệnh nói dối thường là những kẻ tự cao tự đại mà nhu cầu tự dối gạt bản thân được thúc đẩy bằng sự không biết xấu hổ, và nó ăn sâu đến nỗi họ cũng tin vào lời nói dối của chính mình - ngay cả khi họ nói ngược lại những sự thật hiển nhiên như ban ngày hay những phát ngôn của họ trước đây.
Theo Lewis, Tổng thống Mỹ Donald Trump là một ví dụ kinh điển. "Sự lừa dối bản thân của ông ấy lớn đến nỗi ông ấy đơn giản không biết là mình đang nói láo," ông nói.
Nói dối trong chính trị đương nhiên không là điều mới mẻ, bà Vian Bakir, giáo sư truyền thông chính trị và báo chí tại Đại học Bangor thuộc xứ Wales, nói. Triết gia cổ đại Plato thừa nhận giá trị của 'lời nói dối cao quý', bà nói, trong khi tác phẩm chính trị cổ điển 'The Prince' khẳng định vai trò thiết yếu của nói dối trong lãnh đạo chính trị.
Tuy nhiên, 'nói dối trong chính trị dường như đã trở quá mức trong những năm gần đây', Bakir nói.
"Điều đặc biệt tồi tệ về thời điểm hiện tại là một số chính trị gia nổi bật như Trump, Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo chuyên quyền trên khắp thế giới đã biến việc nói dối trơ trẽn trở thành thói quen và đương nhiên họ không quan tâm liệu họ có bị phát hiện hay không."

Tin tưởng mù quáng

Theo trang kiểm tra sự thật PolitiFact, 70% những phát ngôn của ông Donald Trump là sai lệch so với chỉ 32% phát ngôn của bà Hillary Clinton.
Các thể chế cũng có thể nói dối trơ trẽn, bà Bakir nói thêm. Chiến dịch vận động rời khỏi EU ở Anh nói đi nói lại rằng EU khiến nước Anh mất hơn 350 triệu bảng mỗi tuần - một tuyên bố mà sau đó Cơ quan Thống kê Anh gọi là 'dùng sai một cách rõ ràng đối với các con số thống kê chính thức'.
"Do tuyên bố này không chỉ sai mà còn là một nội dung quan trọng và có chủ ý của chiến dịch vận động, cũng công bằng khi cho rằng họ có ý định lừa đảo ở đây," Bakir nói.
Mặc dù có đủ bằng chứng về sự thiếu trung thực ở một số chính trị gia và tổ chức chính trị, nhưng nhóm các cử tri chủ chốt vẫn tiếp tục ủng hộ họ rất mạnh mẽ.

 Chúng ta đôi khi nói dối để không làm phật lòng những
người đã đối xử với mình một cách hào phóng




Bakir chỉ ra rằng các nghiên cứu cho thấy những người hết sức tin vào những thông tin sai lệch sẽ rất khó mà được thuyết phục khác đi và rằng loài người cũng mắc chứng thiên lệch - tức có khuynh hướng tin vào những điều phù hợp với thế giới quan của họ.
Tuy nhiên, trong một thế giới mà mọi người có thể tự động phát hiện được lời nói dối thì sự ủng hộ cho các chính trị gia không trung thực có thể không trụ được lâu.
"Rất nhiều những người ủng hộ Trump nghĩ rằng ông ta bị buộc tội oan, rằng ông ấy không thật sự nói dối," Freshman nói. "Nhưng nếu thông qua hiểu biết của mình mà họ phát hiện được họ đang bị nói dối, tôi nghĩ nhiều người trong số họ sẽ không tìm cách bào chữa cho ông Trump nữa."
Thế giới không có lời nói dối sẽ đẩy ngoại giao và quan hệ quốc tế vào hỗn loạn, nhưng cuối cùng người dân có thể sẽ được lợi từ những chính trị gia và quan chức trung thực hơn.
Điều này cũng đúng đối với hoạt động cảnh sát và việc xét xử các tội phạm hình sự. Bạo lực và sự phân biệt đối xử của cảnh sát sẽ giảm xuống. Các cảnh sát viên chỉ đơn giản hỏi nghi phạm họ có đem theo vũ khí hay không hay họ có gây ra một tội ác nào đó hay không - và các phiên tòa sẽ được thay thế bằng những câu hỏi đơn giản để định đoạt có tội hay không.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.


Comments