FreeLancer- Chuyên Nghiệp và Hiệu Quả : 10/06/13 -->

Chữ Duyên trong cuộc đời, nghề nghiệp.

No Comments


NGUYÊN ĐỨC

“Trăm năm biết có duyên gì hay không” – Nguyễn Du
Xin bắt đầu bằng chữ “duyên” trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Truyện Kiều có 47 chữ duyên trong 43 câu lục bát (4 câu có hai chữ duyên). Đấy là chưa kể một nhân vật có tên là vãi Giác Duyên. Trong 47 chữ duyên đó, có 38 chữ là lời Thúy Kiều hoặc có liên quan đến Thúy Kiều. Đó là mối quan hệ giữa hai người không cứ là nam nữ. Người khách viễn phương với Đạm Tiên: “Khóc than khôn xiết sự tình/ Khéo vô duyên bấy là mình với ta”. Thúy Kiều với Kim Trọng ngày đầu gặp gỡ:  “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không”; với Thúc Sinh: “Xót vì cầm đã bén dây/ Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta”; với Từ Hải: “Trai anh hùng, gái thuyền quyên/ Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng”; với Kim Trọng ngày tái hợp: “Còn duyên may lại còn người/ Còn vầng trăng bạc, còn lời nguyền xưa”. Hoặc là mối liên hệ với cuộc đời, với những điều tiền định: “Hoa trôi bèo dạt đã đành/ Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi”, rồi “duyên trời”, “duyên kỳ ngộ”, “trần duyên”, “nhân duyên”, “khuôn duyên”, “dây duyên”, “duyên đôi lứa”, “duyên bạn bầy”… Hay là sự gặp gỡ, giao hòa như một điều ước định trước: “duyên nợ”, “tơ duyên”, “vô duyên”, “cơ duyên”, “duyên xưa”, “dây duyên”… Có duyên ngắn (Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi), duyên một ngày (Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta), duyên dài trăm năm (Trăm năm biết có duyên gì hay không), duyên ba kiếp (Ví chăng duyên nợ ba sinh/ Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi). Lại còn có duyên hài  (Nàng rằng: gia thất duyên hài/ Chút lòng ân ái ai ai cũng lòng), duyên bẽ bàng (Mái tây để lạnh hương nguyền/ Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng), hết duyên (Lầu xanh có mụ Tú Bà/ Làng chơi đã trở về già hết duyên”)…